James Wan – quyền lực mới của châu Á tại Hollywood

Hè năm 2013, trong khi những bom tấn được đầu tư lớn như “After Earth”, “R.I.P.D” hay đặc biệt là  “The Lone Ranger” đều chuốc lấy những thất bại đau đớn tại phòng vé thì có hai bộ phim lại mang hình ảnh tương phản. Vào tháng Sáu, “The Purge” – bộ phim kịch tính với vỏn vẹn 3 triệu USD kinh phí khiến tất cả bất ngờ khi đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé ngay tuần ra mắt và cho tới nay đã mang về hơn 80 triệu USD trên toàn cầu. Một tháng sau, phim kinh dị “The Conjuring” còn tạo ra những hiệu ứng ấn tượng hơn nữa, khi chinh phục được không chỉ khán giả mà còn cả những nhà phê bình khó tính. Tuy nhiên, giới mộ điệu sẽ bớt bất ngờ khi biết được đạo diễn của nó là James Wan – một hiện tượng Châu Á tại Hollywood.

 

Kẻ tiên phong cho phim kinh dị thế kỷ 21

Khi nhắc về phim kinh dị, người ta thường nhớ đến những kiệt tác của thế kỷ trước với một sự hoài niệm lớn lao. Thập niên 60, đạo diễn Roman Polanski khiến tất cả phải nhớ đến với “Rosemary’s Baby”, với câu chuyện đầy ám ảnh về một bào thai trong bụng mẹ gây nên những hiện tượng kỳ bí. Tới những năm 70, cả thế giới phải rùng mình trước những thước phim của “The Exorcist” (quen thuộc tại Việt Nam với cái tên Thầy Trừ Tà), một bộ phim được xem như kinh điển của dòng phim kinh dị. Và đến năm 1980, nhân vật của Jack Nicholson trong “The Shining” được ghi nhận như một trong những nhân vật phản diện đáng sợ nhất trong lịch sử điện ảnh. Ba tác phẩm vượt lên trên tất cả những series phim kinh dị máu me khác như “Friday the 13th” hay “Texas Chainsaw Massacre” bởi chúng đều xoay quanh những hiện tượng siêu thực, kỳ bí mà con người không thể lý giải nổi. Những nỗi sợ vô hình ẩn chứa ở khắp nơi, luôn sẵn sàng nuốt chửng lấy nhân vật chính bất cứ lúc nào mà không hề có sự cảnh báo trước rõ ràng là ám ảnh hơn nhiều so với những tên sát nhân hữu hình khát máu.

Ấy thế nhưng cho tới thập niên 90, dòng phim kinh dị của Hollywood lại đi vào ngõ cụt, khi sau thành công của “Scream” năm 1996, người ta được chứng kiến một loạt những “I Know What You Did Last Summer”, “Valentine” hay chính “Scream 2”, “Scream 3”… với motif tương tự nhau: những kẻ giết người cuồng loạn lên kế hoạch tinh vi để thanh toán từng người một vì một mối thù nào đó. Khi mà sự bế tắc ấy đã làm khán giả chán ngấy thì sự xuất hiện của anh chàng người Malaysia gốc Trung Quốc James Wan quả là một sự cứu cánh cho các nhà sản xuất.

Sinh ra tại Malaysia nhưng được nuôi nấng trưởng thành tại Úc, chàng đạo diễn James Wan là sự hòa trộn giữa nền văn minh phương Tây với tín ngưỡng tâm linh đặc trưng Á Đông. Tốt nghiệp đại học RMIT chuyên ngành Nghệ thuật, James Wan không mất nhiều thời gian để làm nên tên tuổi của mình. Sau bộ phim “Stygian” đầu tay năm 2000, anh khiến tất cả phải bất ngờ với việc tạo ra “Saw” bốn năm sau đó, được phát triển từ phim ngắn cùng tên của anh.

Mang về hơn 100 triệu USD trên toàn cầu từ vốn đầu tư chỉ 1,2 triệu USD, “Saw” thực sự là một hiện tượng của phim kinh dị năm 2004. Nội dung bộ phim cũng kể về một tên sát nhân, song thay vì tự mình cầm dao truy sát nạn nhân, hắn lại khiến họ phải tham gia những trò chơi quái ác để tự cứu bản thân mình. Những chiếc bẫy kinh hoàng, câu hỏi về đạo đức con người khi bị dồn vào đường cùng và cái kết không thể đoán trước giúp “Saw” trở thành cơn gió mới mà các fan của thể loại phim kinh dị hằng mong đợi.

Và một khi sản phẩm đầu tiên tại Hollywood đã gây chú ý đến vậy thì tác giả của nó cũng phải nhận được sự săn đón lớn từ các hãng phim. Ấy vậy nhà làm phim 27 tuổi này lại không tiếp tục làm đạo diễn một phần nào của “Saw” nữa mà chỉ làm nhà sản xuất cho serie béo bở này trong ba phần sau đó. Tính đến nay, “Saw” đã có tổng cộng 7 phần với tổng doanh thu là 873 triệu USD, con số đáng mơ ước với một loạt phim kinh dị.

Đưa phim kinh dị siêu nhiên trở lại đúng vị thế

Có lẽ James Wan không muốn làm tiếp serie “Saw” là bởi anh đã thấy trước ảnh hưởng của nó và không muốn lặp lại chính mình. Sau thắng lợi phòng vé của “Saw”, một loạt những bộ phim cộp mác kinh dị nhưng chứa đầy những cảnh hành hạ thể xác con người như “Hostel”, “Turistas”, “Captivity”, “The Collector” hay “The Human Centipede” lần lượt được ra đời. Đến cả nền điện ảnh Pháp cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng “splatter film” (tạm dịch là Phim tra tấn) này khi sản xuất ra những “Martyrs” hay “Frontiers” khiến khán giả ghê nhiều hơn là sợ.

Trong bối cảnh ấy, những tác phẩm kinh dị của Châu Á với những đại diện tiêu biểu như “Ringu”, “Kairo”, “Ju-On” (Nhật Bản) hay “A Tale of Two Sister” (Hàn Quốc), “Shutter” (Thái Lan) lại được khán giả đặc biệt ưa thích. Đặc điểm chung của chúng là việc xoay quanh những thế lực siêu hình, mạch phim căng như một sợi dây được kéo căng có thể đứt bất cứ lúc nào, đủ khiến người xem luôn nơm nớp lo sợ.

Chứng kiến Hollywood mua bản quyền để làm lại những tác phẩm Châu Á trên, người con có xuất xứ từ châu lục này quyết tâm chinh phục người hâm mộ xứ cờ hoa bằng sở trường của mình. Anh hiểu rằng qua sự nổi lên của các phim kinh dị Châu Á và thành công của loạt phim “Paranomal Activity”, thể loại phim kinh dị siêu nhiên đang sống lại. Sau khi không thành công thời kỳ “hậu Saw” với hai phim cùng năm 2007 là “Dead Silence” và “Death Sentence”, James Wan lấy lại được vị thế vốn có trong vai trò đạo diễn với “Insidious” (2011).

Kể về một gia đình có đứa con bị quỷ ám, “Insidious” khiến khán giả sợ hãi đến tột độ bởi nỗi sợ vô hình theo họ ngay cả khi đã bước ra khỏi rạp và lớn dần lên khi ở một mình trong màn đêm cô quạnh. Và tới “The Conjuring” – xoay quanh những câu chuyện bí ẩn có thật từng xảy ra với cặp vợ chồng Ed và Lorraine Warren tại Mỹ thập niên 70 – James Wan đã thực sự khơi dậy những nỗi sợ thầm kín nhất trong tâm hồn người xem.

Trong phần lớn thời lượng phim, khán giả sẽ chẳng hề thấy một bóng ma nào, và đó lại là điều đáng sợ nhất. Họ sẽ tự để trí tưởng tượng mình lấp vào khoảng trống ấy, và với hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc thì nỗi sợ còn lớn hơn gấp bội. Chính James Wan đã chia sẻ với tờ Rolling Stones rằng “hãy cứ để cho nhân vật nhìn vào khoảng tối đằng sau một cánh cửa và bạn sẽ thấy họ còn kinh hãi hơn nếu được trực tiếp nhìn vào thứ mà cánh cửa ấy đang che giấu”.

Được làm ra với 20 triệu USD kinh phí, tính đến thời điểm này “The Conjuring” đã mang về đến gần 170 triệu USD trên toàn thế giới và còn nhận được những điểm số đáng kinh ngạc trên các trang phê bình như Roten Tomatoes hay IMDB. Với việc “Insidious 2” chuẩn bị ra mắt tháng Chín tới trong sự háo hức của khán giả, có thể khẳng định James Wan đang đi đúng hướng.

Hè năm 2014, quyền lực Châu Á mới tại Hollywood này sẽ đạo diễn bom tấn “Fast & Furious 7”. Đây sẽ là bộ phim kinh phí lớn nhất mà anh từng đảm nhiệm và sức ép từ thành công của người bạn Justin Lin trong bốn phần trước chắc chắn sẽ tồn tại. Nhưng với một kẻ tiên phong và luôn làm mới mình như James Wan, hẳn anh đã “nóng máy” và sẵn sàng cho những khúc cua của Fast 7.

 

Bài: Thịnh Joey

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category