“Họa Duyên Tương Ngộ”: Cuối cùng thì "kho báu sơn mài" của họa sĩ Trần Phúc Duyên cũng đã về với quê hương - Tạp chí Đẹp

“Họa Duyên Tương Ngộ”: Cuối cùng thì “kho báu sơn mài” của họa sĩ Trần Phúc Duyên cũng đã về với quê hương

Tin Tức

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993), Phạm Lê Collection kết hợp cùng gia đình cố họa sĩ và bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng tổ chức Triển lãm di sản nghệ thuật “Họa Duyên Tương Ngộ: Trần Phúc Duyên”. Đây cũng là triển lãm chuyên đề đầu tiên Bảo tàng nghệ thuật Quang San thực hiện với vai trò đồng tổ chức và vận hành kể từ khi chính thức mở cửa vào tháng 06 năm nay.  

Có thể nói, sau 71 năm, kể từ triển lãm lần đầu tiên với 30 tác phẩm sơn mài tại Sài Gòn vào tháng 01.1952, người dân thành phố lại được dịp “tái ngộ” Trần Phúc Duyên trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản. Triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” trưng bày gần 150 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sỹ (1968-1993), và qua đời tại đó. Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo… Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng, và Phúc niệm.

Tác phẩm “Bóng nước”
Tác phẩm “Phong cảnh mạn ngược”.
Tác phẩm “Làng ven sông”.
Tác phẩm “Mùa gặt”.
Tranh sinh vật cảnh.

Được biết, sau khi Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sỹ. Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018 được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh – gọi tắt là Phạm Lê – tình cờ khám phá. Và đây cũng là cái “DUYÊN” bắt đầu hành trình sưu tập độc lập của Phạm Lê Collection. Họ đã dành nhiều công sức để lần tìm thêm những manh mối về họa sĩ, gặp gỡ gia quyến của ông bên Pháp và Việt Nam. Từ đó, mở ra chuyến hồi hương kỳ diệu cho các tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ. Vì vậy, với những người tổ chức sự kiện văn hóa hiếm có này, cũng như với giới sưu tầm và cả công chúng yêu nghệ thuật, “Họa Duyên Tương Ngộ” có ý nghĩa như một triển lãm hồi cố.

Nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt tại buổi họp báo triển lãm “Họa duyên tương ngộ”.

Từ ngày 22.07.23 – 06.08.23, công chúng yêu nghệ thuật sẽ không chỉ được ngắm cảnh sắc thủy mặc trong sơn mài Trần Phúc Duyên, mà quan trọng hơn, là được cảm nhận và sống cùng với những triết lý, suy tư, trăn trở của người họa sỹ tha hương. Qua đó, ta có thể hiểu hơn những gì mà Jean–Claude Piguet đã viết trong bài phát biểu vào ngày khai mạc triển lãm hội họa Trần Phúc Duyên năm 1983 tại Thụy Sỹ: “Mọi thứ (trong tranh Trần Phúc Duyên) đều được xử lý để nhường chỗ cho sự im lặng, cho những giấc mơ và cho thiền. Người họa sĩ đã vượt ra ngoài ranh giới của sự thể hiện, để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật”. 

Tác giả: Đẹp Online

15/07/2023, 07:36