Haute Couture Thu Đông 2014-15: Thời quá khứ là đây - Tạp chí Đẹp

Haute Couture Thu Đông 2014-15: Thời quá khứ là đây

Thời Trang

BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Maison Martin Margiela

BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Maison Martin Margiela

Dòng sản phẩm “Artisanal” đánh số 0 – số đầu tiên trong 24 số từ 0 đến 23 để gọi tên các BST của thương hiệu, là câu trả lời của NTK Martin Margiela cho Haute Couture truyền thống. Cũng giống như Haute Couture, đây là các trang phục có một không hai và được thực hiện thủ công. Tuy vậy, NTK người Bỉ thường chọn đồ cũ, phế phẩm, như găng tay, đồ jeans, chuỗi ngọc trai, ví da hay thậm chí quân bài, làm chất liệu “thiết kế” thành trang phục đẹp một cách kỳ lạ. Tôi không rõ có ai mua những món đồ kỳ dị này không, nhưng người ta có thể thấy sự tinh tế và xa hoa của việc đi tìm cái đẹp trong những đồ vật hàng ngày, chất cool toát lên từ những đồ vật đã qua nhiều trải nghiệm. Đây là những ý tưởng phá đám, đi ngược lại các quan niệm và gu thẩm mỹ đương thời, được những bàn tay thành thạo các thao tác thời trang biến thành các đồ vật đắt tiền nhưng vẫn gợi cảm giác bất an. Chúng ta coi đó là những thứ đẹp và có giá trị vì từng ấy sức lao động bỏ ra, hay vì muốn thể hiện rằng mình cũng rất cool bằng việc công nhận vẻ đẹp và giá trị của những đồ vô dụng và phê phán gu thẩm mỹ của chính chúng ta? Gì thì gì, vấn đề của chiếc áo thêu đã ngả màu của Poiret, mà Sarah Mower miêu tả là “Thứ duy nhất trong bộ sưu tập khiến không ít người phải nghển cổ để nhìn cho rõ”, là do nó đã đẹp sẵn rồi, đã có một “căn tính” sẵn mà Poiret tạo rồi. Nó “làm” gì trong BST của Maison Martin Margiela? Tôi ước gì người ta gán cho dòng chữ Poiret một mẩu vải trắng có đính bốn góc bốn mũi khâu màu trắng, quên đi tên của thương hiệu, trâng tráo nói dối rằng “Ờ, đây là một cái áo vintage thật tuyệt!”. Việc làm lại những món đồ tuyệt vời của quá khứ chẳng phải là phong cách đặc biệt của MMM (Replica) hay sao?

Ảnh hưởng của Poiret đến Matthieu Blazy – NTK vừa được Suzy Menkes công khai danh tính phá vỡ truyền thống của thương hiệu MMM, còn thể hiện trong các mô típ thêu và kiểu dáng suôn Á Đông được Paul Poiret quảng bá trong thập kỷ 1910. Mô típ tôm hùm của thời trang Schiaparelli “thân thiết” với các nghệ sĩ trường phái Siêu thực thập kỷ 1930 cũng xuất hiện trở lại. Công thức chắp ghép những thứ trông tưởng chừng như không liên quan của các nghệ sĩ Siêu thực được “thời trang hóa” ở những chiếc đầm chắp vải (patchwork). Ngoài ra, áo bomber jacket lụa satin kiểu Nhật (thêu rồng phượng chim muông cực đẹp) đem dư âm của giới trẻ Nhật thập kỷ 1950 – những năm đất nước hoa anh đào hồi phục sau Đế chiến thứ Hai đến thời hiện tại. Vài chiếc áo kiểu này đã được “sửa” lại thành đầm dự tiệc. Tôi cho rằng món đồ mang những sự đối lập không thể tồn tại thiếu nhau như “Đông/Tây”, “đường phố/tiệc tùng”, “thiếu niên/người lớn” này có lẽ là thiết kế thú vị nhất trong BST năm nay.

BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Maison Martin Margiela

BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Maison Martin Margiela

“Đi ngược thời gian” là xu hướng đang được báo chí thời trang thế giới quan tâm đến. Khác với những chuyến du hành trước đây, đem chúng ta đến với thập kỷ 20, 40, hoặc 80, các BST Haute Couture Thu Đông năm nay có vẻ là thời quá khứ toàn diện, trải dài từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20. Chúng ta rất dễ bị lạc lối trong thời gian vì những thời đại này không chỉ hiện diện riêng biệt trên các trang phục hay BST khác nhau. Quá khứ đan xuyên, gắn kết hầu như chẳng theo một thứ logic cụ thể nào cả, hoàn toàn theo cảm tính của các NTK. Càng dễ lạc hơn vì đấy cũng không hẳn là quá khứ của chúng ta mà thuộc về văn hóa Châu Âu, Mỹ, Nhật – những nền văn hóa thường được cho là đi trước, phát triển hơn và là hình mẫu để noi theo.

Nếu ai đó còn băn khoăn điều gì gắn kết trường phái Baroque trưởng giả “vàng chảy thành sông” với kiến trúc hiện đại Bauhaus của đầu thế kỷ 20 chú trọng tới sự giản lược của kết cấu và tiện dụng trong vận hành, thì câu trả lời là Chanel. “Thời hiện đại với chi tiết của thời Baroque” – Karl Lagerfeld giải thích, nhưng khó có thể đoán được tại sao ông lại kết nối hai phong cách và hai quan niệm về cái đẹp rất trái ngược nhau như vậy. Ấn tượng với kiến trúc cung đình Baroque của Paris (nhất là khi “bước ra phố” từ bên trong siêu thị làm nền cho show diễn Xuân Hè năm nay)? Hay do những quan niệm triết học về thời hiện đại mà Coco Chanel đã chuyển hóa thành thời trang, nhờ vải jersey, đầm đen nhỏ và nước hoa No.5? Về mặt thực dụng mà nói thì đường nét, kiểu dáng giản lược không rườm rà của trang phục (mà NTK chỉ ra rằng không những được cắt may, mà còn được “dập uốn” thành phom) có thể được coi là liên tưởng đến kiến trúc hiện đại của Le Corbusier.  

BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Chanel

Cuối buổi ra mắt BST Haute Couture Thu Đông 2014-15 của Chanel

Không nhiều mô típ của thời trang có thể sánh với sự hoành tráng lấp lánh của hoa văn Baroque được thêu, đính hạt sequin một cách tinh xảo. Công thức kết hợp những sự đối lập đã được thẩm định của thời trang? Hay sức thuyết phục có thể rũ bỏ bản chất sự việc để gắn kết những sự trái ngược với nhau của thương hiệu Chanel?

Trong cuốn “Tigersprung: Fashion in Modernity” (Cú vồ của hổ: thời trang trong thời hiện đại), thời trang được coi là sản phẩm của thế giới hiện đại. Trong tiếng Pháp, thời trang (la mode) gắn kết chặt chẽ với tính chất hiện đại (la modernité). Thời trang là thước đo thể hiện, phân tích và phê phán những gì đang diễn ra của thế giới ngày nay. Và từ đầu thế kỷ 20, thời trang là một ngành công nghiệp, một mảng kinh tế xã hội, chứ không chỉ còn là chuyện gu thẩm mỹ (không thể đo được) và đồ dùng phù phiếm (không có giá trị vĩnh hằng) dành cho giới nhà giàu mà thôi. Thời trang luôn thay đổi cùng những biến chuyển trong cuộc sống, nhưng đây là sự đổi mới, theo hướng phát triển. Hoàn thiện để hướng đến sự hoàn hảo cả về hình dáng lẫn công năng, hợp lý hóa sản xuất và kinh doanh để giảm thiểu tối đa chi phí là những đòi hỏi tất yếu của thời hiện đại.

Có lẽ chỉ có hai yếu tố cản trở trên con đường phát triển của thời trang: Haute Couture (rất cũ) và quan niệm “chẳng còn gì mới” của thời hậu hiện đại.

Có điều gì tốn kém hơn việc thêu tay tất cả mọi thứ, khi máy móc tự động có thể thêu mọi thứ? Còn gì kém hiệu quả hơn khi thiết kế một mẫu trang phục chỉ dành cho một, hai khách hàng? Và có điều gì vô lý hơn khi duy trì những show diễn tốn kém cho BST thời trang mà trên thế giới chỉ có rất ít người có đủ tiền mua cũng như nơi chốn để chưng diện? Câu trả lời chắc hẳn ai cũng đã biết, làm hình ảnh! Tiền bán đồ Haute Couture có thể khó mà nuôi sống một bộ máy sản xuất thủ công lỗi thời, nhưng lại là hình ảnh tuyệt vời có thể bán mọi thứ, từ son môi, nước hoa, đến kính mát.

NTK Raf Simons sáng tạo với thiết kế áo khoác bar Dior

NTK Raf Simons sáng tạo với thiết kế áo khoác bar nổi tiếng của Dior trong BST Haute Couture Thu Đông 2014-15

Trong thời hậu hiện đại mà chúng ta đang sống, “mới” không còn được coi là sẽ chiếm được lòng tin tuyệt đối của nhân loại. Thay cho “mới”, chúng ta có những “chuyến đi về quá khứ” để vay mượn lịch sử và đồng thời viết lại lịch sử cho những điều tưởng như đã quen thuộc. Thời trang vẻ như là nơi quan điểm này được thể hiện rõ nét. Có gì là mới khi chúng ta không biết điều gì là cũ và lạc thời? Những vay mượn liên tục từ thời quá khứ hẳn là để làm nền cho những điểm nhấn “mới” hoặc nét chấm phá “mới” táo bạo. Như Giambattista Valli nói về BST Haute Couture của mình là: tinh thần tự do và chơi trội của cuối thập kỷ 1960, đầu thập kỷ 1970. Dành cho những người chưa thật hình dung ra khí thế thời trang của những tháng năm tình yêu tự do tươi đẹp đó, Vogue tả tiếp “còn có ảnh Diana Vreeland trong thập kỷ 1930 và 1940”. Thời trang thời quá khứ cũng đã “vay mượn” của nhau. BST làm nên những xu hướng chủ đạo của thập kỷ 1970 của Yves Saint Laurent chẳng hạn, là “bản sao mới” những trang phục của phụ nữ Paris trong những năm chiến tranh thế giới thứ 2 từ ba thập kỷ trước.

Tôi nghĩ rằng thời trang, hay nói đúng hơn, thương hiệu và báo chí cần quá khứ để khẳng định sự xác thực, nguyên bản (như MMM cần cái tên Poiret trong BST năm nay vậy). Điều này hay được gọi bằng từ hình như giờ đã hết mốt là “DNA” của thương hiệu. Và có lẽ Raf Simons là người đã “bẻ gãy” quan niệm về DNA, khi anh quyết định “hiện đại hóa” Dior, làm phong cách New Look mỹ miều kiều diễm của Dior phù hợp hơn cho phụ nữ thời công nghệ thông tin với công thức “chất liệu mới cho kiểu dáng cổ điển”. Vẫn là những đường cong của bar jacket, nhưng trông có vẻ nhẹ hơn. Vẫn là xếp li và thêu, nhưng trên đồng phục na ná như của các nhà du hành vũ trụ. Và bỗng nhiên báo chí thời trang dùng từ “khoa học viễn tưởng” để miêu tả các BST được thực hiện thủ công. Tuy vậy, cách tiếp cận “đương thời hóa Dior” của Raf Simons khá giống tinh thần thời trang hiện đại của Coco Chanel trong thập kỷ 1920. 

 
Bài: Thành Lukasz

logo

Xem thêm: Xu hướng phụ kiện Thu Đông 2014: Khăn choàng và găng tay


Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất? Vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết về thời trang của bạn qua email: thoitrang@dep.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

Thực hiện: depweb

04/09/2014, 16:23