Hai mặt của Hong Kong - Tạp chí Đẹp

Hai mặt của Hong Kong

Sự Kiện

 

Xe điện 2 tầng – phương tiện giao thông ảnh hưởng từ dáng dấp chiếc xe buýt 2 tầng nổi tiếng của nước Anh

Hòn đảo cuồng hàng hiệu

11 giờ đêm bước ra đường, có thể bạn sẽ nghi ngờ rằng đồng hồ của mình đang chạy nhanh vài tiếng, bởi tại sao đường phố lại có thể đông người đến thế? Người Hong Kong dường như rất dồi dào năng lượng. Những công dân của trung tâm tài chính này làm việc cả ngày nhưng về nhà rất muộn. Không cần đợi đến cuối tuần, buổi tối mỗi ngày là khoảng thời gian họ dành cho mua sắm – và phải nhấn mạnh rằng: mua sắm hàng hiệu.

7 giờ tối sải chân trên đại lộ Harbour City, dễ dàng nhìn thấy một dòng người đang kiên nhẫn đứng nối đuôi nhau trước cửa hàng Chanel để mua bằng được chiếc túi mà có khi họ đã phải đặt hàng trước cả năm trời. 11 rưỡi đêm, cửa hàng Dior ở con phố trung tâm vẫn sáng đèn và không từ chối bước chân những vị khách du lịch muốn vào xem hàng hiệu lúc nửa đêm. Người Hong Kong coi hàng hiệu như nhu yếu phẩm, đến nỗi một cuốn sách đã viết rằng: “Nếu Adam và Eva sống ở Hong Kong thì chắc cả hai chẳng phải bận tâm đến quả táo hay con rắn làm gì, mà hẳn đã chọn một cái túi da cá sấu Hermès Birkin hoặc một chiếc đồng hồ Bvlgari màu táo xanh với dây đeo bằng da rắn, rồi thẳng tiến đến một quầy bar Armani gần đó mà xả hơi với một cốc martini…”

Cùng với Nhật Bản, giới trẻ Hong Kong là những người đi đầu trong phong cách thời trang. Cú va chạm đầy thiện cảm giữa văn hóa Đông – Tây tại nơi đây khiến nam thanh nữ tú Hong Kong thừa hưởng cả sự tinh tế và kín đáo theo lối Á lẫn tinh thần phóng khoáng và ngông cuồng kiểu Âu. Sự kết hợp đó tạo ra một vẻ đẹp có gu nhưng không gây chói mắt, ngược lại, cảm giác là lạ, thú vị và dễ chịu như ngắm một cô gái lai: tóc đen, mũi nhỏ nhưng có đôi mắt sâu và nước da trắng bóc. Họ “bắn” cùng lúc cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa. Tương tự vậy, bất kỳ một chiếc biển hiệu nào trên đường phố Hong Kong cũng đều viết cả hai thứ tiếng.

Nói thêm về biển hiệu và đèn màu, đó là hai thứ khiến khách du lịch phải lóa mắt trước sự lộng lẫy và phô trương của Hong Kong lúc về đêm, cũng đồng thời là nguyên nhân khiến nó được liệt vào danh sách những thành phố có mức độ ô nhiễm ánh sáng cao nhất thế giới.

Dòng người mua sắm hối hả trên các tuyến phố trung tâm, bất kể kim giờ đang nhích dần đến số 11

Làng chài ngái ngủ

Tất nhiên khi đến Hong Kong, bạn sẽ tự mò đến Lan Kwai Fong mà không cần ai gợi ý. Và nếu đêm hôm trước đã lỡ say ngất ngư cái khung cảnh cuồng nhiệt của gần 100 quán bar trong khu giải trí số một Hong Kong này, hẳn bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhận ra nó vào buổi sáng hôm sau. Khi nam thanh nữ tú rảo bước ra về, những cánh cửa quán bar khép lại, khu phố được trả về dáng vẻ yên tĩnh đến khó tin, tựa như một cô gái đẹp nhưng rất mực kiệm lời.

Đó cũng là dáng vẻ chung của quận Soho – quận giải trí ở khu vực Central lúc trời sáng.

Ban ngày, thanh niên và trung niên kéo nhau ra thang cuốn Mid-levels (thang cuốn ngoài trời dài nhất thế giới), di chuyển tới chỗ làm. Những con đường nhỏ và dốc được kiến tạo trên sườn núi, lúc này dường như chỉ tồn tại để nâng đỡ bước đi chậm chạp của những người già với mái đầu bạc phơ. Đâu đó bên lề đường dựng hững hờ một chiếc xe đạp kiểu cổ như còn sót lại từ thời Trung Hoa trước cải cách. Cửa hàng cửa hiệu mở cửa để đấy, thậm chí chẳng buồn bật lên một ngọn đèn.

Hong Kong lúc này giống một làng chài ngái ngủ. Nhịp sống chậm chạp khiến người ta hoàn toàn quên mất cái điệu bộ gấp gáp, tất bật và sôi động ở những khu phố trung tâm. Nhưng cũng nhờ sự chậm chạp thong dong đó, ta mới có cơ hội nhìn rõ kiến trúc đặc trưng của khu vực này. Nhà nhỏ nhắn, nhiều màu và nằm san sát. Quán cà phê không nhạc cũng không đèn, tuyệt đối khiêm tốn nhưng treo đủ loại cờ của các quốc gia như ngầm chứa thông điệp: đây là nơi giao lưu văn hóa Đông – Tây.

Cứ ngồi ở quán cà phê đó nếu bạn còn muốn níu giữ nhịp thở khoan thai, thong thả của một phần Hong Kong. Nếu không, vẫn có một cách khác để sống chậm giữa thành phố sống nhanh này: trèo lên tầng 2 của chiếc xe điện 2 tầng, ngồi lắc lư ngắm dòng người đang di chuyển như kiến trên vỉa hè, mỉm cười khi nhòm thấy người lái taxi đang gõ nhẹ ngón tay trên vô lăng, đếm theo từng tiếng “ting – ting” của đồng hồ giao thông, chực chờ đèn xanh sáng lên là lại lao vút đi như không hề biết đến khái niệm sống chậm.

 

“Bộ mặt ban ngày” của một tụ điểm giải trí về đêm 

Lượng biển hiệu và đèn màu được sử dụng vào buổi tối ở Hong Kong được xếp vào hàng cao nhất thế giới 

Để bay tới Hong Kong

– Cathay Pacific có 16 chuyến bay mỗi tuần, xuất phát từ Tp.HCM. Liên hệ: (08) 38 223 203.
– Dragonair – hãng hàng không trực thuộc tập đoàn Cathay Pacific có 10 chuyến/tuần xuất phát từ Hà Nội, hoặc 3 chuyến/tuần xuất phát từ Đà Nẵng. Liên hệ: (04) 38 267 298/38 267 299.
Vào trang web www.dragonair.com.vn để biết thêm chi tiết.

Bài: Hương Thủy

Thực hiện: depweb

10/05/2013, 15:01