Hà Việt Dũng: "Chàng lọ lem" hiện đại - Tạp chí Đẹp

Hà Việt Dũng: “Chàng lọ lem” hiện đại

Sao

Nhưng ở chàng trai cao 1,86m từng đoạt giải Đồng cuộc thi Siêu mẫu 2011 và đang bán nước mía này không có chút mặc cảm hay tủi thân nào, thậm chí ngược lại là đằng khác. Ở Dũng có vẻ rắn rỏi và tự tin của một chàng trai từng vào quân ngũ và bươn chải qua rất nhiều nghề nặng nhọc khác… Có lẽ vì thế mà dù là diễn viên tay ngang, Dũng vào vai Kiên trong “Mùa hè lạnh” với nhiều sự đồng cảm, vì “chỉ cần mang cuộc sống của mình vào phim là đủ, không cần phải diễn nữa”.

Ở cái bản làng của Dũng, học được hết cấp 3 đã là may. Rồi sau đó ở nhà, sáng lên nương rẫy, tối về ngủ cùng giờ với… gà. Một hai năm sau thì lấy vợ, sinh con và cứ thế, vòng tròn cuộc sống lại tiếp diễn. Ông bà, bố mẹ Dũng đã từng sống như thế, quanh năm lam lũ mà bao đời nay vẫn nghèo. Nhiều người trong làng bản chịu không nổi được cảnh nghèo nên đi buôn… ma túy. Bản làng của Dũng có rất nhiều người như thế, nhiều bạn bè hay người quen từng vướng vào vòng lao lý, hoặc bị chết vì sốc thuốc, chết vì nhiễm AIDS do tiêm chích hoặc chết vì các cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng xã hội. May mắn là Dũng có một gia đình hạnh phúc dù nghèo. Bố mẹ hết lòng dạy dỗ con cái. Và ngay từ nhỏ, Dũng đã tập quen với việc kiếm được từng đồng bằng mồ hôi công sức của mình. Từ năm 9, 10 tuổi, cứ đến hè là Dũng theo mẹ đi làm phụ hồ, đóng lò gạch. Năm 11 tuổi theo bố xuống một xưởng mộc của người chú họ ở Hà Nội để học nghề bào gỗ, đánh nhám, hết hè có được một ít tiền cho bố mẹ hoặc mua dụng cụ cho năm học mới…

Tốt nghiệp cấp 3, Dũng vào thăm chị gái lấy chồng ở Đà Nẵng rồi tranh thủ học nghề chế tác kim hoàn, chỉ vài tháng hè đã thạo nghề, đã làm được nhẫn vàng, dây chuyền. Rồi bố mẹ gọi về vì có giấy gọi quân ngũ. Thế là chàng trai bản Mường xuống Hà Nội vào quân đội. Nhờ có vóc dáng cao ráo, khỏe mạnh nên Dũng được tuyển vào Lữ đoàn cơ động 144 của Bộ Quốc phòng, chuyên làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các nguyên thủ quốc gia khi sang thăm Việt Nam, đến khi nào họ ra sân bay về nước thì mới được nghỉ. Hai năm quân ngũ của Dũng cũng có khá nhiều thành tích, như được đại tướng Phùng Quang Thanh khen… chào đẹp, bảo vệ tốt; từng sáng tạo một điệu nhảy hip-hop dạy cho lữ đoàn đi thi và được giải nhất, từng được chụp hình bìa cho tạp chí Tuyên huấn của Bộ Quốc phòng… Khái niệm nghệ thuật với Dũng lúc đó chỉ có thế – “được cái tôi làm gì cũng được, học gì cũng rất nhanh và bắt chước thì rất giỏi”. Hai năm quân ngũ rèn cho Dũng tính kỷ luật và sự điềm tĩnh cũng như thích nghi được với mọi hoàn cảnh nhưng cuộc sống gò bò khiến chàng thanh niên trẻ tuổi bị ức chế. “Mỗi tuần chúng tôi chỉ được 2 giờ tự do, còn lại phải sống theo nếp của quân đội hết. Tôi vốn thích sự khám phá nên một gò bó một thời gian nó tê hết cả người”…

Thực hiện xong nghĩa vụ quân đội, Dũng lại về quê. Lại sáng lên nương tối về nhà. Được một thời gian thì chồn chân mỏi gối muốn đào thoát lần nữa. “Một khi đã sống ở Hà Nội 2 năm, đã thấy được những ánh đèn rực rỡ khi đêm xuống, thật khó để sống lại cuộc sống bốn bề núi rừng heo hút”. Thế là chàng trai bản lại tính chuyện lên đường. Vấn đề là lúc đó không kiếm được đồng nào để dằn túi cả. Bố mẹ cũng không có đồng nào để dành, may mắn Dũng được ông anh trong làng cho 2 triệu đồng làm lộ phí. “Đó là một người buôn bán ma túy trong bản, làm chủ cả một đường dây tiêu thụ, nhưng chưa bao giờ lôi kéo tôi vào con đường đó. Và khi tôi cần tiền thì sẵn sàng cho mà không cần bất cứ điều gì” – Dũng tâm sự.

Số tiền đó cũng giúp Dũng sống lay lắt ở Hà Nội một thời gian mà không tìm được việc. Một lần nữa, cậu lại thực hiện cuộc phiêu lưu lớn nhất của đời mình: bán luôn chiếc xe Wave cũ được 5 triệu và bắt một chuyến xe đò vào Sài Gòn. Dũng gọi đó là một chuyến Nam tiến vô thức vì không có khái niệm gì về mảnh đất phương Nam này cũng như không biết tương lai phía trước thế nào.

Từ Sài Gòn, Dũng lại xuống Sa Đéc, Đồng Tháp làm thuê cho một chủ xưởng gỗ. Ngày ngày ra bến bốc vác những thanh gỗ nặng cả tạ từ đường sông Thái Lan sang, sau đó xẻ thành ván rồi bào và chà nhám. Tiền lương sau khi ăn uống cũng chỉ được vài trăm ngàn mỗi tháng. Được vài tháng, Dũng lại quyết định lên Sài Gòn để tìm công việc đỡ nặng nhọc mà thu nhập cao hơn. Ai dè lại tiếp tục làm nghề… bốc vác. Lần này là bốc vác giấy vụn cho một xưởng thu mua phế liệu. Thu nhập được 4,5 triệu đồng nhưng mỗi ngày vác cả tấn giấy. Chị chủ khuyên Dũng nên bỏ nghề vì người cao như thế mà vác nặng rất dễ bị gù lưng. Đến bây giờ, dấu tích những ngày tháng lao động cực khổ đó vẫn hằn lên đôi vai chai sạn và hơi gù gù của chàng siêu mẫu.

Nhưng khoan, hành trình đến với giải Đồng siêu mẫu vẫn còn gian nan lắm!

Bỏ nghề bốc vác giấy vụn, Dũng chuyển sang làm nghề… bồi bàn tiệc cưới. Để tiết kiệm được khoản thuê nhà và ăn uống, Dũng chỉ tìm chỗ thuê nào bao cả ăn ở. Đầu tiên là làm bồi bàn cà phê, rồi quán karaoke, nhưng thấy không… an toàn nên chuyển sang làm ở một trung tâm tiệc cưới ở Hóc Môn. Chủ nuôi ở và ăn ngày hai buổi, buổi tối tự lo. Dũng làm ca sáng nên thường đi dọn bàn, kiếm được vài chục ngàn khách để lại “boa” để ăn tối. Trung tâm tiệc cưới bé xíu, lại chủ yếu tổ chức đám cưới cho các cặp vợ chồng công nhân nên rất nghèo. Lương tháng của Dũng được 1,4 triệu đồng, cậu để dành tiết kiệm và phòng lúc đau ốm.

Tết năm 2010, không đủ tiền về quê, Dũng ở lại Sài Gòn ăn cái Tết xa nhà với những người bạn công nhân. Gọi điện về nhà, mẹ khóc hết nước mắt, vì trước đó Dũng nói dối bố mẹ vẫn ở Hà Nội. Dũng cũng biết thêm, người anh trong bản từng cho mình 2 triệu đồng làm lộ phí đã bị bắt và bị tù chung thân khi đường dây ma túy bị phá vỡ trong một cuộc thanh toán băng đảng đẫm máu ở Hải Phòng. “Ơn của tôi đối với anh ấy không phải vì 2 triệu đồng lộ phí mà cái ơn đã không lôi kéo mình vào con đường chết và luôn khuyên tôi tìm công việc tử tế để sống. Vợ con anh ấy hiện vẫn đang ở quê, một ngày nào đó, tôi sẽ trả cái ơn này!” – Dũng tâm sự. Với Dũng, đó là một cái tết thật buồn, nhưng cũng là động lực lớn để cậu quyết tâm thay đổi tương lai của mình.

Không thể cứ làm nghề phục vụ tiệc cưới mãi, được bạn bè khuyến khích vì có vóc dáng người mẫu, từ số tiền tiết kiệm được, Dũng trích ra 600.000 đồng mỗi tháng để học nghề người mẫu ở Trung tâm PL. Năm đầu đi thi bị trượt ngay từ vòng đầu. Lại tiếp tục quay về làm phục vụ bàn để quyết tâm thi năm sau, vì với nghề người mẫu, phải có thứ hạng mới hy vọng được mời đi show và kiếm được tiền”. Năm thứ 2, Dũng lọt vào vòng chung kết và đoạt giải Đồng chung cuộc. Số tiền thưởng lên đến 20 triệu đồng, là khoản tiền lớn nhất mà Dũng có được trong đời. Một nửa gửi về cho mẹ, nửa còn lại Dũng đãi bạn bè công nhân một bữa nhậu ra trò và một hai món quà nhỏ cho người giúp đỡ cậu. Nhưng rồi nghề người mẫu thu nhập cũng phập phù không kém, trong khi Dũng đã nghỉ hẳn ở chỗ trung tâm tiệc cưới. Và thế là quán nước mía ra đời.

Câu chuyện về chàng siêu mẫu đi bán nước mía qua một bức ảnh tình cờ của đàn chị Trang Trần quả là một chiêu PR không công mà Dũng không lường trước được, dù cậu cũng không hề mong muốn được nổi tiếng theo cách đó. Báo chí bắt đầu tới tấp khai thác và ngay cả đạo diễn Ngô Quang Hải cũng ấn tượng tới mức quyết định giao vai chính cho Dũng khi đang định giao vai chính trong bộ phim “Mùa hè lạnh” cho một siêu mẫu tên tuổi khác…

Cuộc sống có những ngã rẽ mà không ai lường trước được – Dũng nói. Hành trình của một chàng lọ lem sinh năm 1987 ra đi từ miền quê nghèo, trải qua bao nghề cực khổ kiếm sống để rồi một ngày đứng trên sàn diễn catwalk hay trước máy quay điện ảnh là điều Dũng không bao giờ tưởng tượng được khi bắt chuyến xe đò vào Nam. Tôi hỏi Dũng, sống giữa thế giới của một chàng bốc vác, phục vụ hay bán nước mía lầm lụi, cực khổ và thế giới phù phiếm của thế giới người mẫu, diễn viên, có bao giờ cậu bị sốc không? Dũng nói, nhờ có sự trải nghiệm mà cậu biết cân bằng và thích nghi rất tốt. Bây giờ về quê, cậu vẫn lên nương cày cấy không khác gì ngày xưa. Cuộc sống ở đâu cũng có mặt trái. Ở quê thì sống trong điểm nóng về ma túy và giờ với cuộc sống của một người mẫu, diễn viên thì là điểm nóng của sự… cám dỗ, cái còn lại là bản lĩnh của mình thôi. Dũng nói thêm, “trên đời này không có gì tôi chưa thử cả, cũng mắc một số sai lầm, nhưng chỉ thử để biết, cái nào ảnh hưởng xấu đến mình thì bỏ”. Có lẽ vì thế mà sự phù phiếm chưa bao giờ chạm tới chàng trai này. Dũng kể, những lúc rảnh rỗi, anh vẫn nhậu với đám anh em công nhân may mặc hay phụ hồ từ hồi ở dưới Hóc Môn, còn trong giới người mẫu, diễn viên thì hầu như không chơi với ai.

Với “Mùa hè lạnh”, Dũng cho đó là một cuộc phiêu lưu may mắn của mình. “Trải nghiệm cuộc sống của tôi rất giống với Kiên trong bộ phim này, cũng là một cuộc phiêu lưu vào Nam đi tìm kiếm những điều không lường trước được. Anh Hải có thể nhìn thấy được điều đó ở tôi nên chọn tôi cho vai diễn nặng ký này dù đây là sự lựa chọn mạo hiểm. Bản thân tôi cũng rất mạo hiểm vì chưa có khái niệm diễn xuất điện ảnh trước đó, mà tôi thì ngại nhất là làm hỏng việc của người khác. Tôi và anh Hải lại rất khó nói chuyện với nhau. Ai cũng như con trâu, nhìn chỉ muốn húc nhau”.

Khi tôi hỏi làm sao để một diễn viên tay ngang có thể hóa thân vào nhân vật, Dũng cho biết, cậu không cố gắng để hóa thân mà chỉ mang con người thật của mình lên phim, bởi “cố gắng nhập vai mà không có kỹ năng hoặc không hợp thì rất dễ giả tạo”.

Hơn ba tháng đi quay bộ phim này, Dũng gặp không ít sự khủng hoảng hay những trải nghiệm… rợn tóc gáy mỗi khi nhớ lại. “Đầu tiên là khủng hoảng về tâm lý vì anh Hải không thích thị phạm diễn viên vì anh ấy cần diễn xuất tự nhiên của họ. Đôi lúc anh ấy tạo áp lực với những cách chỉ đạo khá thô bạo làm tôi cũng bị khớp, và càng bị khớp thì càng diễn không ra. Hay có những cảnh phải quay đi quay lại cả chục đúp, anh Hải suýt khóc vì ức chế hoặc quát tháo ầm ĩ”. Sau khủng hoảng về tâm lý là khủng hoảng vì… sợ hãi, như cảnh Dũng phải nhảy xuống cầu chữ Y với dòng nước đen ngòm và hôi thối với rất nhiều con vật chết. “Anh Hải hỏi tôi có dám nhảy không, tôi cũng sợ nhưng gật đầu. Đợi thủy triều lên, tôi nhảy xuống, nhưng vì trên vai đeo ba lô, chân lại mang giày nên mới nhảy xuống đã… uống một bụng nước đen ngòm. Leo lên thuyền tôi nôn thốc nôn tháo. Về nhà phải tắm bằng xăng mới sạch được”. “May mắn là sau những cảnh đen tối cũng có những cảnh lãng mạn. Nhân vật của tôi yêu hai cô gái xinh đẹp và mỗi cô có một cảm xúc khác nhau, bù lại những cảnh phải nhảy sông” – Dũng cười đùa.

Chưa biết được bộ phim điện ảnh đầu tay của Dũng có thành công hay không, điều đó còn phải chờ phản ứng của khán giả khi bộ phim chính thức ra rạp. “Tôi nghe nói nhiều người sống quá với nhân vật nên bị ám ảnh, khó thoát ra được. Tôi thì chỉ mang sự chân thật của mình lên màn ảnh nên khi máy quay đóng lại, cuộc phiêu lưu của tôi cũng kết thúc” – Dũng nói. Cậu chờ đợi bộ phim của mình với nhiều sự hy vọng, nhưng không để nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Cuộc sống hiện tại của Dũng vẫn là quán nước mía làm chung với người bạn đồng hương thuê cùng nhà (hy vọng đến một lúc nào đó có thể mở được cả một hệ thống), ngoài ra còn tranh thủ đi tiếp thị, bán mỹ phẩm, diễn show thời trang khi có lời mời. Dũng cũng tiết lộ đã có bạn gái và không ngần ngại cho biết. “Đó là một cô gái lớn hơn tuổi, nhưng không nhiều lắm (cười to) và cũng có nhiều trải nghiệm cuộc sống. Cô ấy hiện là chủ một vũ trường và đang làm luận án tiến sĩ. Đó là một người phụ nữ tôi ngưỡng mộ và xem như… người mẹ, người chị, người vợ tương lai của mình. Tất nhiên tình yêu mới chỉ được một năm nên tôi chưa dám nói điều gì”…

Text: LAM LE

Photo: TUAN FR.

Stylist: MARUKO

Theo danongviet.vn

Thực hiện: depweb

29/11/2012, 15:24