"Godzilla": phiên bản Hollywood đuối sức so với loạt phim hoạt hình của Nhật Bản - Tạp chí Đẹp

“Godzilla”: phiên bản Hollywood đuối sức so với loạt phim hoạt hình của Nhật Bản

Review

Godzilla: King of the Monsters” là phần phim tiếp theo thuộc Vũ trụ phim quái vật MonsterVerse sau “Kong: Skull Island” (2017), và là tác phẩm riêng thứ hai về Godzilla sau tập phim ra mắt năm 2014. Bên cạnh thương hiệu “Godzilla” đến từ Hollywood, còn một trilogy hoạt hình cùng tên được Toho sản xuất và phát hành trên Netflix hồi năm ngoái.

Trong cả hai chuỗi phim, quái thú Titan đều là đại diện cho cơn thịnh nộ của Trái Đất. Theo tiến sỹ Emma Russell (Vera Farmiga) ở “Godzilla: King of the Monsters“, loài người được ví như bệnh dịch lây lan tạo nên mất cân bằng hệ sinh thái, còn Titan, trong đó có Godzilla, là kháng thể giúp Trái Đất tự phòng vệ.

Hai thương hiệu “Godzilla” có nhiều điểm khác biệt, nhưng cả hai đều sử dụng hình tượng quái vật khổng lồ như phép ẩn dụ cho cách phòng vệ tự nhiên của Trái Đất, trước vô số biến đổi mà loài người gây ra cho hành tinh chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi các phim điện ảnh về Godzilla đến từ Hollywood gây ấn tượng qua những cảnh chiến đấu hoành tráng giữa các đại mãnh thú và câu chuyện cảm động của con người (điển hình là “Godzilla” ra mắt năm 2014), thì trilogy phim hoạt hình Nhật Bản cho thấy nhiều tham vọng hơn, tương tự những gì họ đã làm với tác phẩm châm biếm chính trị “Shin Godzilla” năm 2016.

Theo tiến sỹ Emma, Titan cần được thả ra để cân bằng lại Trái Đất sau khi hành tinh bị con người hủy hoại.

Trong cảnh cuối của “Godzilla: King of the Monsters“, chúa tể Godzilla giành lấy ngôi vương, tất cả những Titan còn lại quây thành vòng tròn, cúi đầu trước đế vương mới sau khi Godzilla đánh bại quái thú ba đầu đến từ vũ trụ Ghidorah. Trước đó, Jonah Alan (Charles Dance) cùng với sự hỗ trợ của tiến sỹ Emma đã cố gắng đánh thức Ghidorah và các đại mãnh thú khác để tiêu diệt “bệnh dịch” con người, cân bằng lại Trái Đất.

Thế nhưng, chiến thắng tuyệt đối của Godzilla không khiến tất cả người xem hài lòng. Sau khi mở đầu với loạt câu hỏi về sức ảnh hưởng của loài người đến vũ trụ, đạo diễn Michael Dougherty và đồng biên kịch Zach Shields khép lại câu chuyện một cách nhẹ nhàng. Bản thân nhân vật của Farmiga cũng tạm lãng quên lập trường ban đầu của mình và rời khỏi đội Allen, quay trở về ủng hộ tổ chức Monarch và người chồng cũ Mark (Kyle Chandler) ở cuối phim.

“Godzilla: King of the Monsters” được đánh giá cao về hình tượng quái vật nhưng yếu tố con người bị cho là nhạt nhòa, các nhân vật chính không có lập trường thống nhất, thiếu cơ sở niềm tin vững chắc.

Godzilla: King of the Monsters” khai thác công thức làm phim quái vật được hình thành từ hàng thập kỷ qua của công nghệ giải trí. Những trường đoạn hành động long trời lở đất giữa “các vị thần đầu tiên” thể hiện quyền năng vĩ đại của những đại mãnh thú Titan. Godzilla vừa là một động vật hoang dã giống như loài sói mà Mark nghiên cứu ở đầu phim, nhưng cũng là một vị thần lâu năm lấy sức mạnh từ ngôi đền xa xưa của mình. Chúa tể muôn loài bất tử nhờ khả năng nạp lại năng lượng sau mỗi trận chiến, hình ảnh Godzilla hồi sức trong ngôi đền đầy chữ tượng hình tạo ấn tượng mạnh và bất ngờ cho người xem.

Phần phim mới nhất của Vũ trụ quái vật MonsterVerse tri ân quê hương của Kaiju bằng nhân vật tiến sỹ Serizawa, người sau này chấp nhận đánh đổi tính mạng để dùng bom nguyên tử đẩy nhanh quá trình hồi phục cho Godzilla, giúp đế vương kịp thời chống trả Ghidorah đang hoành hành trên Trái Đất. Theo ông, con người phải học cách sống cùng lỗi lầm trước đây của họ.

Nhân vật tiến sỹ Serizawa bị cho là “cuồng Gojiza” thái quá.

Ngược lại, bộ ba phim hoạt hình của Toho bao gồm “Godzilla: Planet of the Monsters“, “Godzilla: City on the Edge of Battle” và “Godzilla: The Planet-Eater” lấy bối cảnh sau khi những sinh vật Kaiju khổng lồ, trong đó có Godzilla, gây nên các cuộc thảm sát buộc con người phải tìm cách thoát khỏi Trái Đất. Sau 20 năm rời đến trạm vũ trụ Gematron, loài người nhận ra điều kiện sống ở đây quá khắc nghiệt, thanh niên trẻ tên Haruo tâm niệm quay trở lại Trái Đất để giết sạch đám Kaiju. Thế nhưng, Trái Đất giờ đây đã trải qua 20,000 năm, trở thành một hành tinh xa lạ với hệ sinh thái phù hợp cho quái vật Godzilla.

Trilogy “Godzilla” được phát hành trên Netflix có nội dung và thông điệp được đánh giá cao hơn bản điện ảnh.

Trong phần phim cuối, Sakaki đứng trước hai lựa chọn: hoặc sử dụng Mechagodzilla City và chất Nanometal để giết Godzilla, hoặc chấp nhận để quái vật khổng lồ là người bảo vệ của hành tinh. Trong khi đó, rồng ba đầu Ghidorah trở thành biểu tượng cho tham vọng thống trị Trái Đất của loài người thay vì tập thích nghi với hệ sinh thái trên hành tinh.

Hình ảnh trong “Godzilla: Planet of the Monsters”.

Điều đáng chú ý nhất trong bộ ba phim hoạt hình của Toho, ngoài cốt truyện không thể đoán trước, là cách biên kịch sẵn sàng để quan điểm về Godzilla của nhân vật chính thay đổi theo thời gian. Hoàn cảnh, nền tảng lập trường và diễn biến tâm lý khiến sự hy sinh không thể tránh khỏi của Sakaki có ý nghĩa hơn nhiều, nhất là khi so sánh với cái chết của Serizawa trong “Godzilla: King of the Monsters“.

Godzilla trong trilogy hoạt hình đến từ Nhật Bản không được xây dựng theo hình tượng mà khán giả vẫn quen thuộc và yêu thích, nhưng được đánh giá cao vì khai phá những miền đất cùng góc nhìn mà công chúng chưa từng tưởng tượng đến.

Tác giả: Phương Thảo

03/06/2019, 18:15