Gia đình văn hóa, đừng quên cách đối nhân xử thế! - Tạp chí Đẹp

Gia đình văn hóa, đừng quên cách đối nhân xử thế!

Sống

Trong những ngày tháng tuổi thơ của tôi có rất nhiều câu chuyện hay mà tôi mang theo mãi trong đời. Một trong số đó bắt đầu bằng sự kiện: gia đình tôi được trao chứng nhận gia đình văn hóa. Đây là một điều mới mẻ và gây nhiều tranh cãi nội bộ. Tôi luôn dị ứng với những loại danh hiệu, nhất là các danh hiệu mang tính cổ động. Tôi đoán chắc trong gia đình tôi ai cũng có suy nghĩ ấy. Thế mà chẳng hiểu vì lý do gì khi bác tổ trưởng tổ dân phố đến thông báo gia đình tôi được vào danh sách nhận giấy chứng nhận gia đình văn hóa, cha tôi lại gật đầu đồng ý và hỏi bác xem có cần phải đóng phí gì không, thay vì từ chối thẳng thừng như chúng tôi mong đợi. Vì lũ trẻ con thì sợ nhất là phải mặc quần áo đẹp mà không được chơi đùa thỏa thích, hay phải giữ nhiệm vụ là đứa trẻ ngoan và nhất cử nhất động phải dè chừng.

gia đình văn hóa, chứng nhận gia đình văn hóa, gia đình văn hóa là thế nào, đối nhân xử thế

Khi chúng tôi hỏi cha vì sao muốn nhận chứng nhận gia đình văn hóa, ông cười: “Các con không nhận thấy gia đình mình đúng là gia đình có văn hóa hay sao? Bố không bao giờ uống rượu, gây rối trật tự. Bố mẹ chưa từng to tiếng, và các con ngoan ngoãn, học giỏi, biết vâng lời. Vậy có gì sai khi nhận chứng nhận đó. Nhưng điều quan trọng hơn là đừng quên cách đối nhân xử thế! Bác tổ trưởng là hàng xóm nhà mình, tại sao phải gây khó khăn cho công việc của bác ấy, nhất là khi người ta cũng chỉ có ý tốt mà thôi”.

Tôi sẽ chẳng còn nhớ câu chuyện ấy, nếu như cho đến tận bây giờ tôi vẫn nghe râm ran đâu đây những cổ động cho một trào lưu sống tốt, làm từ thiện hay tiếp sức mùa thi và làn sóng những người nhào theo cố gắng dập tắt bằng các dẫn chứng hay ý kiến trái chiều thuộc thiểu số. Đôi khi chúng ta phải tạm khoan phân tích sai đúng, vì lẽ ấy nhiều khi thuộc quan niệm cá nhân mỗi người; nhưng rõ ràng, cách người ta hành xử với một bất đồng sẽ cho thấy văn hóa của cá nhân hay cộng đồng nào đó.

Tôi có cô bạn thân lập gia đình sớm, đàn bà ngoài ba mươi đang tuổi chín muồi của nhan sắc mà hầu hết thời gian chỉ dành cho chồng, con. Công việc vừa phải, giao tiếp xã hội cũng chừng mực; lựa chọn của cô làm nhiều người thấy tiếc nuối. Điều tôi tiếc nhất là không còn được thảnh thơi cùng cô nghe nhạc trong những quán nhạc hay của thành phố. Họa hoằn mới sắp xếp được một buổi nghe nhạc trong phòng cách âm của gia đình cô, nhưng không trọn vẹn vì đôi khi cô phải gián đoạn để sắp xếp chuyện con cái hay căn dặn người nhà việc nọ, việc kia… Đỉnh điểm là việc đi xem hòa nhạc ở Nhà hát Lớn, khó khăn lắm mới kiếm ra vé, thế mà giờ chót cô đành bỏ vì bận tập đàn piano ở nhà với con, chú bé sắp thi chuyển lớp và nhất định không chịu tập một mình mà không có mẹ; giải thích thế nào cũng không chịu, chỉ khi có mẹ chú mới đủ tự tin. Tôi những tưởng cô sẽ tiếc ngất ngây khi bỏ lỡ buổi hòa nhạc, nhưng khi gặp lại, cô vui vẻ khoe ngay cậu bé con đã được lên lớp vì bài thi cuối cùng rất khá. Cô hân hoan như thể buổi tối ấy cô hủy kế hoạch đi xem nhạc để tập đàn với Richard Clayderman chứ không phải là chú bé con 5 tuổi với sách Tập hồng.

 

Và sau cùng thì chứng nhận gia đình văn hóa vẫn là bài học tuyệt vời cho cá nhân tôi. Ngày bác tổ trưởng đem bằng đến và nói là theo quy định phải treo cái bằng đó lên tường thì cha tôi từ chối. Cha bảo gia đình tôi chỉ có vài bức tranh sơn dầu treo trên tường và không gì hơn. Ngay cả bằng khen của các con, ông đều giữ trân trọng trong một album, chứ không treo chúng lên. Cha nhận chứng nhận, đặt trên tủ búp-phê, gửi chi phí làm chứng nhận, và để kết thúc vấn đề cũng như tiễn bác tổ trưởng khu phố, cha vỗ vai bác thân tình: “Anh yên tâm, chắc không cần treo lên, ai cũng sẽ biết gia đình tôi là gia đình có văn hóa”.

 Bài: Chương Đặng

logo

Thực hiện: depweb

11/05/2015, 10:59