Đang làm công việc của người làm bếp
– Là một người bận rộn khi đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò: giảng viên âm nhạc, giám đốc âm nhạc The Voice, huấn luyện viên (HLV) The Voice Kid, anh gặp áp lực thế nào?
– Tất nhiên là có áp lực, vì khối lượng công việc hơi nhiều, nhưng tôi vẫn nghĩ là mình đang làm việc trong khả năng và sức lực có thể, vì nếu nhận nhiều việc mà biết mình không làm nổi thì chắc chắn là mình không nhận.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh
– Làm nhiều việc thế, anh tính cách nào để mang dấu ấn cá nhân của mình vào mỗi công việc?
– Tôi nghĩ, bản thân mỗi người có tính cách khác nhau, và khi đảm nhận một chương trình, mỗi người sẽ dùng kinh nghiệm riêng của cá nhân, nên vô tình nó đã thể hiện cá tính của mình trong việc thay đổi chương trình. Tất nhiên, để một chương trình thành công lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một cá nhân không thể quyết định được. Ví dụ, các chương trình The Voice hay The Voice Kid thì thành công hay thất bại của nó phụ thuộc vào việc tìm kiếm tài năng. Bên cạnh đó, nếu năm đầu tiên, chương trình gây ấn tượng với khán giả, thì càng về sau áp lực của những người thực hiện nó càng cao. Tôi suy nghĩ về điều này nhiều hơn để định hình vai trò của mình trong chương trình.
Làm giám đốc âm nhạc, nghe thì to tát, nhưng tôi thấy công việc hiện tại của mình toàn là việc lặt vặt, không tên – nó giống như công việc của một người làm bếp. Thách thức là, nếu mình định hình được nó, sắp xếp nó theo một trật tự hợp lý thì chắc chắn sẽ mang tới hiệu quả bất ngờ.
– Anh có nghe tin này không, The Voice năm nay đang được đánh giá là có gu âm nhạc “lạ”. Với vai trò của một giám đốc âm nhạc, anh có ý kiến gì?
– Bản thân mình khi đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc, hay các HLV, việc lựa chọn thí sinh nào, hát cái gì đều có một tiêu chí riêng. Thực tế, trong các đội thi, có những thí sinh từ đầu đến cuối chỉ định hình một phong cách âm nhạc, nhưng lại có những thí sinh có sự biến hóa qua nhiều vòng, nhiều tuần.
Bên cạnh đó, mỗi HLV đưa ra chiến thuật cho thí sinh cũng dựa trên khả năng vốn có của các em. Không có chuyện áp đặt thí sinh phải theo phong cách, sở thích cá nhân của HLV. Trong vai trò là một giám đốc âm nhạc, tôi sẽ cùng các HLV lựa chọn bài và góp ý cho các em, giúp từng em có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của mình. Ngoài mục đích hướng cho các em một hình ảnh trẻ trung, chúng tôi còn muốn hướng tới một hình ảnh chỉn chu, đàng hoàng. Có thể đây là một trong những lý do để khán giả cảm thấy The Voice có gu âm nhạc hơi “già” (cười).
Tôi nhận ra, thị trường âm nhạc cũng như mặt bằng thí sinh mỗi mùa đã khác rất nhiều, thẩm mỹ âm nhạc của các em cũng thay đổi, nên nếu không kỹ lưỡng sẽ gây ra những hậu quả khó đoán cho chương trình.
– Dường như Hồ Hoài Anh đang bị cuốn vào những cuộc chơi ồn ào? Và vì thế, lâu lắm rồi anh không có thêm bản “hit” nào? Và đàn bầu nữa, anh đã bỏ nó rồi sao?
– Chắc chắn mình đang bị cuốn vào đấy (cười to). Thực tế, song song với việc tham gia làm công việc này, Hồ Hoài Anh vẫn sáng tác. Nhưng với một người viết, đâu phải lúc nào mình bảo “hôm nay mình sẽ làm một bài hit” thì sẽ có một bài hit đâu.
Còn với đàn bầu, tôi chẳng bao giờ từ bỏ. Tính cách không ưa ồn ào của tôi cũng được định hình từ môi trường học tập và đam mê từ nhỏ. Chính sự tâm huyết và mong muốn duy trì, phát triển âm nhạc dân tộc được ảnh hưởng từ mẹ đã khiến tôi luôn gắn bó với cây đàn bầu. Bản thân tôi rất yêu âm nhạc dân tộc, đó là thứ giá trị nhất giúp Hoài Anh tìm lại chính mình để sống chậm hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn, dù ở nơi ồn ào nhất.
Nếu chúng tôi nổi tiếng hơn thì tốt cho Giang
– Thành thực thì: tiền, quyền lực, sự nổi tiếng – đâu là lý do giữ chân hai vợ chồng anh ở các chương trình truyền hình thực tế lâu đến vậy?
– Khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế, lợi thế của một gia đình làm nghệ thuật chính là việc nhanh chóng gây dựng được hình ảnh, tên tuổi của mình. Nhưng thực sự, khi nhận lời tham gia các chương trình này gia đình tôi đã không đặt mục đích phải nổi tiếng hơn. Nói cách khác, cá nhân tôi không có nhu cầu trở thành một người quá nổi tiếng, vì công việc của mình là ở phía sau. Nhưng thuận lợi nếu có là tốt cho Lưu Hương Giang. Vì Giang là một ca sĩ, việc gây dựng hình ảnh để đến gần hơn với khán giả là thực sự cần thiết, và truyền hình thực tế đã mang lại cho cô ấy điều đó.
Đặc biệt khi tham gia The Voice Kid – một chương trình thu hút rất nhiều đối tượng khán giả, hiệu ứng của truyền thông đã giúp Hương Giang gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp của cô ấy.
– Vậy là nên hiểu, anh chịu lộ diện ra “ánh sáng” là vì… vợ?!
– Thực ra, các chương trình truyền hình thực tế góp phần định hướng khán giả rất nhiều. Vì thế, ở các cuộc thi, việc lựa chọn những người làm chuyên môn như chúng tôi sẽ góp phần mang tính định hướng. Sự thật là, trên sóng truyền hình không thể trình diễn những thứ vớ vẩn, nhố nhăng được.
Vì thế, bên cạnh những những lợi ích thu được bằng cả giá trị tinh thần lẫn vật chất, và hỗ trợ thêm cho Giang, thì điều giữ chân Hoài Anh còn chính là mong muốn được góp sức vào việc giáo dục âm nhạc cho các bạn trẻ, đặc biệt là các em nhỏ. Ở thời điểm hiện tại và cả sau này, con đường chính của tôi vẫn là công việc liên quan đến giáo dục. Tôi luôn mong muốn trẻ em Việt Nam sẽ được tiếp cận với giáo dục nghệ thuật ngày càng sớm và ngày càng nhiều. Việc đó không chỉ nằm ở việc giáo dục âm nhạc đỉnh cao, mà nó có thể thông qua các hoạt động khác, để nâng cao thẩm mỹ về nhận thức âm nhạc và cuộc sống của một đứa trẻ. Đấy là hướng đi mà bản thân tôi luôn mong muốn.
– Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Từ người đàn ông “khó tính” Quốc Trung đến người đàn ông “ngại đám đông” Anh Quân, cuối cùng đều phải ra “trình diện” ở sân chơi mang tên truyền hình thực tế. Dẫu biết, cuộc chơi đấy ở một đất nước khác chỉ là một góc bé nhỏ của đời sống showbiz, nhưng ở Việt Nam, sức ảnh hưởng của nó vẫn “choán” sự chú ý của số đông. Và trong hiện thực đó, có những cặp gia đình, đại gia đình nghệ sĩ, nhờ truyền hình thực tế mà hình ảnh rực rỡ hơn, gần gũi hơn trong mắt công chúng.
Lần này Đẹp Online đã mời “đại gia đình” nghệ sĩ Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang – Lưu Thiên Hương xuất hiện trong câu chuyện bàn về sự “thiệt – hơn” khi trưng mình ra “ánh sáng” của truyền hình thực tế. Họ đang được coi là đại gia đình “chiếm sóng” truyền hình mỗi cuối tuần.
Đón đọc các bài viết:
Lưu Thiên Hương: “Đôi lúc tôi không dám ngồi gần em gái mình”
Lưu Hương Giang: “Cờ đến tay ai thì người ấy phất!”
Tổ chức: Hải Khôi – Thực hiện: Mộc Miên
Bài: Mộc Miên
Ảnh: Nhân vật cung cấp