Tuy không diễn ra các tuần lễ thời trang nhưng tháng Năm vừa qua vẫn là một thời điểm nhộn nhịp đối với giới mộ điệu. Bên cạnh sự kiện thời trang đình đám nhất năm là Met Gala thì trong một tháng vừa qua, chúng ta đã được “chiêu đãi” nhiều chiến dịch thời trang với sự góp mặt của các tên tuổi lớn. Cấu trúc ngành tiếp tục dịch chuyển khi các Giám đốc Sáng tạo mới rời đi và được bổ nhiệm. Đặc biệt, vấn đề thuế quan đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán của nhiều thương hiệu lớn.
Nữ diễn viên Zendaya đã trở thành gương mặt quảng bá chính thức cho chiến dịch thời trang mùa hè mới nhất của Louis Vuitton. Đây là chương cuối cùng trong chuỗi dự án hợp tác giữa thương hiệu Pháp và nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami, với họa tiết cherry rất phù cho mùa hè. Bộ sưu tập bao gồm hơn bảy mươi sản phẩm với kiểu dáng và màu sắc bắt mắt, từ túi Capucines, đồ denim thêu, giày mules đế Cherry và khăn lụa – mỗi món đồ đều tràn ngập nét quyến rũ hoài cổ của những năm 2000 và nghệ thuật đại chúng Nhật Bản. Lần ra mắt này khẳng định lại ảnh hưởng lâu dài của mối quan hệ hợp tác Louis Vuitton × Murakami, cũng như kết hợp tính di sản, sự kỳ quặc và khả năng sưu tầm thành những sản phẩm thời trang vui tươi tuyệt vời.


Versace đã chọn ngôi sao nhạc pop Sabrina Carpenter làm người đại diện cho chiến dịch La Vacanza 2025, đánh dấu lần hợp tác thứ hai của họ. Được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Carlijn Jacobs, chiến dịch này làm nổi bật bản chất tiệc tùng của bộ sưu tập mới, kết hợp sự quyến rũ mang tính biểu tượng của Hollywood với tinh thần táo bạo, biểu cảm của Versace. Từ những phiên bản cải tiến của chiếc túi Tag đặc trưng đến phông nền gợi nhớ về Versace Home, dự án này hướng đến thế giới toàn diện của La Vacanza – bao gồm cả tủ quần áo, du lịch và phong cách sống.


Nữ diễn viên Lily Collins đã hợp tác với Calvin Klein để quảng bá cho chiến dịch Xuân Hè 2025 của thương hiệu. Trong trong loạt ảnh do nhiếp ảnh gia Charlotte Wales chụp, Lily nổi bật với trang phục may đo tinh tế có những đường nét gợi cảm, trong khi lụa mềm mại và len có cấu trúc phản ánh các quy tắc thiết kế tối giản của Calvin Klein. Từ đầm satin đến denim vượt thời gian, bộ sưu tập định nghĩa lại những món đồ thiết yếu trong tủ quần áo với sức hấp dẫn bóng bẩy, từ ngày đến đêm – tất cả đều thấm đẫm sự tinh tế và quyến rũ đặc trưng của nàng “Emily in Paris”.


Thương hiệu Dior chính thức công bố nữ diễn viên Jenna Ortega làm đại sứ quốc tế đối với mảng làm đẹp. Dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Peter Philips, Jenna Ortega sẽ dẫn đầu các chiến dịch quảng bá mỹ phẩm sắp tới của Dior, mang ảnh hưởng của Gen Z và điện ảnh đến với thương hiệu cao cấp. Dựa trên các tác phẩm nghệ thuật nổi bật bao gồm series “Wednesday” (2022) , “Beetlejuice Beetlejuice” (2024) và “Death of a Unicorn” (2025), việc bổ nhiệm nữ diễn viên phản ánh cam kết liên tục của Dior trong việc định nghĩa lại vẻ đẹp vượt thời gian thông qua các biểu tượng văn hóa mới.

Guerlain công bố nghệ sĩ trang điểm kiêm doanh nhân ngành làm đẹp Mohammed Hindash làm Đại sứ trang điểm đầu tiên của hãng tại khu vực Trung Đông. Lớn lên ở Dubai, Hindash là một trong những người có sức ảnh hưởng đầu tiên trên YouTube hướng đến mục tiêu giáo dục phụ nữ về trang điểm. Phong cách trang điểm của anh nổi tiếng bởi tính điêu khắc và nghệ thuật hội hoạ, thông qua đó truyền tải những câu chuyện giàu cảm xúc chứ không đơn thuần là khắc phục khuyết điểm trên gương mặt. Việc bổ nhiệm Mohammed Hindash đã mở ra một chương mới trong sự hiện diện của Guerlain tại Trung Đông, được định hình thông qua lăng kính đương đại và tầm ảnh hưởng của văn hoá địa phương. “Tôi rất tự hào khi chào đón Hindash đến với gia đình Guerlain. Nghệ thuật độc đáo, phong cách mạnh mẽ và mối liên hệ sâu sắc với khu vực khiến anh ấy trở thành Đại sứ hoàn hảo, giúp chia sẻ tầm nhìn sáng tạo về trang điểm của thương hiệu đến Trung Đông – một khu vực có vẻ đẹp sống động truyền cảm hứng cho cả thế giới”, Gabrielle Saint-Genis – Tổng giám đốc điều hành của Guerlain cho biết.

Vào giữa tháng Năm, Pierpaolo Piccioli – cựu nhà thiết kế lâu năm của Valentino đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga. Bộ sưu tập đầu tay của Pierpaolo cho thương hiệu Tây Ban Nha sẽ được tiết lộ vào cuối tháng Mười. Trong một tuyên bố, nhà thiết kế cho biết: “Balenciaga có được như ngày hôm nay là nhờ tất cả những người đi trước đã mở đường. Trong mọi giai đoạn của mình, trong khi không ngừng phát triển và thay đổi, nó chưa bao giờ đánh mất dấu vết các giá trị thẩm mỹ cốt lõi. Những gì tôi đang nhận được là một thương hiệu tràn đầy khả năng và vô cùng hấp dẫn”. Vào tháng Ba năm ngoái, Pierpaolo Piccioli rời Valentino sau 25 năm gắn bó với nhà mốt Ý, biến BST Thu Đông 2024 thành sản phẩm cuối cùng của ông dành cho Valentino. Tại Balenciaga, ông sẽ thay thế Demna – người đang chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập thời trang cao cấp cuối cùng của mình cho Balenciaga vào tháng Bảy này trước khi chuyển đến Gucci.

Ngay trước khi bước sang tháng Sáu, đã có thêm một tin tức còn gây “chấn động” hơn cả sự kiện Pierpaolo Piccioli sẽ lãnh đạo Balenciaga. Đó là việc Maria Grazia Chiuri từ chức khỏi vị trí Giám đốc Sáng tạo các dòng thời trang nữ và thời trang cao cấp của Dior, chấm dứt nhiệm kỳ chín năm của mình tại nhà mốt Pháp này. Tin tức này nổ ra chỉ vài ngày sau buổi trình diễn BST Dior Cruise 2026 tại Rome – đồng nghĩa với việc đây sẽ là bộ sưu tập cuối cùng của Maria dành cho thương hiệu. Vào năm 2016, Maria Chiuri đã tạo nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Dior kể từ khi thành lập vào năm 1947.

Delphine Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Christian Dior Couture chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn nồng nhiệt nhất đến Maria Grazia Chiuri, người đã hoàn thành công việc to lớn kể từ khi đến Dior với góc nhìn nữ quyền đầy cảm hứng và sự sáng tạo phi thường, tất cả đều thấm nhuần tinh thần của Monsieur Dior, cho phép cô ấy thiết kế những bộ sưu tập vô cùng đáng mơ ước”. Thời kỳ của Maria được đặc trưng bởi góc nhìn nữ quyền rõ rệt, thúc đẩy các khẩu hiệu trao quyền và hợp tác rộng rãi với các nghệ sĩ nữ để dàn dựng sân khấu cho chương trình thời trang. Người kế nhiệm cô là Jonathan Anderson – Giám đốc sáng tạo của Dior Men. như vậy, Jonathan sẽ đảm đương tất cả mảng thời trang của Dior bao gồm, đồ nam, đồ nữ và dòng Haute Couture với khoảng 10 bộ sưu tập mỗi năm – một khối lượng công việc vô tiền khoáng hậu ở một giám đốc sáng tạo trong lịch sử thương hiệu.
Mặc dù có báo cáo thu nhập ròng tăng vọt 155% trong quý đầu tiên của năm 2025, thương hiệu adidas vẫn nhấn mạnh mối lo ngại của mình về bối cảnh thương mại không chắc chắn và cảnh báo về việc tăng giá trong tương lai đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Các quốc gia nơi adidas đặt xưởng sản xuất như Việt Nam và Campuchia đang phải đối mặt với mức thuế quan hơn 40%, nếu không đạt được thỏa thuận nào khác.

OTB Group đã có bình luận về khả năng tăng giá trên toàn bộ các thương hiệu của mình nếu mức thuế gây tranh cãi của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có hiệu lực. Tập đoàn Ý (công ty mẹ của Maison Margiela, Diesel, Jil Sander, Marni, Amiri và nhiều thương hiệu khác) hiện đang đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với mức giá trên toàn bộ tập đoàn. Tại buổi họp báo về báo cáo phát triển bền vững mới của thương hiệu, Tổng giám đốc điều hành Ubaldo Minelli cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá từng thương hiệu một, các hành động khả thi để giảm thiểu tác động. Các mô phỏng cho thấy để cân bằng tác động, chúng tôi sẽ phải tăng giá 8-9% cho toàn bộ tập đoàn.”

Nike sẽ tăng giá bán lẻ tại Hoa Kỳ vào tháng Sáu, sau đó tăng giá bán buôn vào tháng Bảy – theo một báo cáo mới từ Complex. Các đối tác bán lẻ của Nike được cho là đã biết về tin tức này, vì công ty hiện đang tham gia cùng các công ty hàng đầu trong ngành để định hình lại chiến lược định giá trước những bất ổn về thuế quan. Theo đó, mức điều chỉnh giá bán lẻ được ghi nhận là dao động từ 2 đến 10 đô la Mỹ, với các ngoại lệ dành cho quần áo và phụ kiện Jordan, tất cả giày dép và quần áo trẻ em, tất cả giày dép dưới 100 đô la và Air Force 1.

Lần đầu tiên kể từ năm 2020, doanh số bán hàng của CHANEL đã giảm 4,3% xuống còn 18,7 tỷ đô la Mỹ và lợi nhuận hoạt động giảm 30% xuống còn 4,5 tỷ đô la Mỹ trong năm tài chính 2025. Để ứng phó, CHANEL đang đánh giá lại các đợt tăng giá mà họ đã thực hiện gần đây, đặc biệt là đối với những chiếc túi xách cổ điển của mình. Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux chia sẻ rằng mặc dù doanh số giảm nhưng CHANEL vẫn “khỏe mạnh” vì họ đang chuẩn bị cho việc thay đổi định hướng thương hiệu dưới sự lãnh đạo của Matthieu Blazy. Ông Blondiaux chia sẻ thêm rằng: “Hiệu ứng giá trung bình mà chúng tôi có đối với thời trang là 3% vào năm ngoái, tôi chắc rằng bạn sẽ đồng ý rằng điều này hoàn toàn phù hợp với lạm phát toàn cầu, nếu không muốn nói là ít hơn thế. Chúng tôi dự định sẽ duy trì ít nhiều chính sách tương tự, đó là theo dõi giá của chúng tôi phù hợp với lạm phát toàn cầu vào năm 2025.”

Báo cáo doanh thu tăng 13% từ 1,19 tỷ euro lên 1,34 tỷ euro trong quý I cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn Prada tiếp tục tăng trưởng bất chấp những khó khăn kinh tế đã làm giảm doanh số bán hàng trên toàn ngành hàng xa xỉ kể từ năm 2024. Thương hiệu Miu Miu báo cáo doanh số bán hàng tăng 60% trong ba tháng đầu năm 2025, kết thúc vào ngày 31 tháng Ba, nhờ doanh số bán đồ da và danh mục giày dép đang mở rộng của thương hiệu.

Trong khi doanh số chung của tập đoàn tại Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, thì Trung Đông là khu vực có hiệu suất tốt nhất, chứng kiến doanh số tăng 31%. Vẫn chưa biết liệu việc bổ sung Versace vào danh mục đầu tư của Prada Group có giáng một đòn mạnh vào hiệu suất của tập đoàn hay không. Versace, được mua lại từ Capri Holdings với giá 1,25 tỷ euro, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự suy thoái của ngành hàng xa xỉ, báo cáo doanh số giảm 15% trong quý cuối cùng của năm 2024.
VF Corporation – công ty mẹ của các thương hiệu The North Face, Vans và Timberland đã chia sẻ báo cáo tài chính mới nhất, cho biết doanh thu ròng trong quý đã giảm xuống còn 2,1 tỷ đô la Mỹ. Giá cổ phiếu của VFC cũng đã giảm từ mức đóng cửa là 14,43 đô la Mỹ xuống còn 12,15 đô la Mỹ, giảm 15,80% về giá trị. Tuy nhiên, The North Face đã mang về 834,5 triệu đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và Timberland báo cáo mức tăng 10%, lên đến 376 triệu đô la Mỹ doanh thu ròng. Vans và Dickies là “thủ phạm” gây ra khoản lỗ của tập đoàn, với Vans giảm 22% xuống còn 492,6 triệu đô la Mỹ và Dickies giảm 14% xuống còn tổng cộng 139,3 triệu đô la Mỹ doanh thu ròng. Tuy nhiên, VF Corp đã xác định rằng họ có vị thế tốt để xử lý sự biến động của thuế quan bằng cách đẩy nhanh quá trình phân phối trong thời gian tạm dừng 90 ngày, tối ưu hóa nguồn cung ứng và nhiều chiến lược khác.
