Đến thăm ngôi nhà của những “Người tình” - Tạp chí Đẹp

Đến thăm ngôi nhà của những “Người tình”

Du Lịch

Đúng ra, đó là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nơi gắn liền với câu chuyện tình nổi tiếng những năm đầu thế kỷ trước giữa một chàng trai người Việt gốc Hoa và cô gái người Pháp. Câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy trắc trở đó đã được cô gái viết nên thành tiểu thuyết “Người tình” và chuyển thể thành bộ phim “L’Amant” nổi tiếng. Nhưng tôi thích gọi đó là ngôi nhà của những “người tình” bởi lẽ mỗi năm ngôi nhà đón hơn 30.000 lượt du khách, trong đó phần lớn là những đôi tình nhân. Tất nhiên, nhiều cặp đôi đã ngủ lại ngôi nhà này để trải nghiệm sự lãng mạn và mãnh liệt của tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras gần 90 năm trước.

img_6106
Ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ sông Tiền nhưng lại ẩn chứa trong đó những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tình yêu mãnh liệt

Ngôi nhà nhỏ có kiến trúc độc đáo nằm quay mặt ra sông Tiền thuộc thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với những con thuyền nhộn nhịp xuôi ngược, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1895 bởi ông Huỳnh Cẩm Thuận – một thương gia gốc Hoa giàu có. Ban đầu nhà xây theo kiểu ba gian truyền thống của miền Tây Nam Bộ, đến năm 1917 ngôi nhà được trùng tu xây lại bằng gạch với sự kết hợp của lối kiến trúc giữa Pháp – Việt Nam và Trung Quốc có cách bố trí phong thủy khá độc đáo. Về sau, người con út là ông Huỳnh Thủy Lê kế thừa ngôi nhà và đã làm nên câu chuyện tình lãng mạn không biên giới với cô gái người Pháp – M.Duras.

10
Quang cảnh tấp nập của sông nước miền Tây

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện tại ngôi nhà vẫn giữ được những nét nguyên vẹn như khi xưa. Vẻ ngoài là lối kiến trúc La Mã phục hưng ở thế kỷ 17 với những cổng vòm, cột hoa văn và phù điêu nhưng mái nhà lại là hình thuyền của miền Tây sông nước. Nhưng từ cửa đi vào bên trong lại là nhà ba gian của người Việt với những họa tiết điêu khắc cảnh miền quê yên bình. Lối bài trí của các bao lam sơn son thiếp vàng và phong thủy lại là của Trung Hoa. Gian giữa của nhà thờ Quan Công, hai gian hai bên là nơi tiếp khách cùng phòng ngủ, hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới với sân vườn rộng, nhà để xe hơi (nhưng nay không còn khu vực từ vườn trở về sau).

img_6111
Ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê là sự pha trộn của kiến trúc Pháp – Việt – Trung
img_6071
Với những chạm trổ tinh xảo trong nội thất của ngôi nhà

Ngôi nhà tuân thủ đúng nguyên tắc “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” với thị tứ Sa Đéc nổi tiếng sầm uất khi xưa, dòng sông Tiền cuộn đỏ phù sa cùng lộ Nguyễn Huệ lớn nhất lúc bấy giờ. Ngoài việc có vị trí hợp phong thủy như vậy, ngôi nhà “Người tình” còn có rất nhiều điều đặc biệt khác như: toàn gộ gạch men với hoa văn lá dùng để lát ngôi nhà được nhập trực tiếp từ Pháp sang. Ở cửa chính có một khung với các thanh gỗ tròn nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa, nhà không đóng cửa chính mà chỉ kéo khung gỗ này lại vừa có thể để ánh sáng và gió lùa vào nhưng người ngoài thấy vậy cũng sẽ không gọi làm phiền.

Thêm một điều nữa, ở gian giữa của ngôi nhà bị trũng xuống như hình lòng chảo cạn, đây không phải là do lún mà hoàn toàn có chủ đích khi xây dựng. Chủ nhân của ngôi nhà quan niệm rằng làm trũng để tiền tài chảy vào sẽ đọng lại và không chảy ra ngoài, ở chính giữa còn có hố nhỏ bằng bát ăn cơm với viên gạch đậy lên mà không trát kín với hàm ý tiền có ra thì cũng không thất thoát ra ngoài.

img_6079
Hố nhỏ ở giữa nhà với hàm ý tiền sẽ chảy vào mà không bị thoát ra ngoài
img_6084
Những đồ gỗ trong nhà vẫn còn giữ được dù đã hơn 100 năm

Nhưng điều đặc biệt nhất và cũng làm nên sự nổi tiếng của ngôi nhà chính bởi vì nơi đây bắt đầu cho một câu chuyện tình giữa gia chủ và nữ văn hào Pháp Marguerite Duras. Như một sự sắp xếp của định mệnh, vào cuối năm 1929 trên chuyến phà Mỹ Thuận, ông Huỳnh Thủy Lê lúc ấy đã 32 tuổi quen với cô gái người Pháp mới chỉ gần 16 tuổi. Hai người đã yêu, sống những ngày tháng ngọt ngào và cháy bỏng ở Sài Gòn. Nhưng mối tình ấy chỉ kéo dài được chừng gần hai năm khi người cha của ông nhất quyết không cho cưới bởi sự khác biết văn hóa, không môn đăng hộ đối… Ông Huỳnh Thủy Lê phải cưới một cô gái khác được cha ông sắp đặt từ trước. Marguerite Duras đau khổ và quyết định lên tàu trở lại Pháp.

img_6076
Hình ảnh về gia đình ông Huỳnh Thủy Lê
img_6077
Ông Huỳnh Thủy Lê và vợ

Từ đó trở về sau, M. Duras vẫn ôm nặng mối tình ấy và viết nên tiểu thuyết “Người tình” – “L’Amant” nổi tiếng xuất bản năm 1984 kể về cuộc tình trắc trở của bà. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Nhiều năm sau, ông Huỳnh Thủy Lê có sang Paris nhưng vì sợ làm xáo trộn cuộc sống mà không gặp lại bà Duras mà chỉ gọi điện để nói những lời yêu thương nhau. Mãi cho tới cuối đời, hai người không gặp lại nhau lần nào… Ngôi nhà khi xưa giờ trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Sa Đéc mà nhiều du khách nước ngoài ghé thăm sau khi biết đến câu chuyện Người tình.

img_6087
Những du khách nước ngoài rất thích lưu trú lại ngôi nhà
img_6102
Ngôi nhà “Người tình” Huỳnh Thủy Lê là địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi tới Sa Đéc

Du khách khi tới với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê sẽ được các hướng dẫn viên với chất giọng miền Tây đặc trưng giới thiệu tường tận về ngôi nhà, gia thế, sự nghiệp, các vật dụng cũng như nói về cuộc tình đầy trắc trở của hai người. Bạn cũng hoàn toàn có thể nghỉ lại tại chính ngôi nhà này để cảm nhận rõ hơn về mối tình lãng mạn. Phòng được bài trí theo đúng những gì khi xưa và chỉ có 2 phòng duy nhất nên bạn phải đặt trước.

Cách thức di chuyển và các điểm tham quan khác

Tất nhiên, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một trong nhiều điểm nên ghé thăm trên lộ trình sông nước của mình. Từ Sài Gòn bạn có thể đi xe khách, xe máy, ôtô tự lái qua Cai Lậy, cầu Mỹ Thuận để tới Sa Đéc (chừng hơn 150km). Từ đây, bạn có thể đi thăm làng hoa Sa Đéc nổi tiếng với những vườn hoa đầy sắc màu, thăm vườn quýt Lai Vung nổi tiếng hay ngược lên vùng Vàm Cống, Hồng Ngự để hòa nhịp cùng cuộc sống sông nước của người dân…

2
Vựa hoa Sa Đéc rất nhộn nhịp vào mỗi cuối năm
img_6115
Dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa ngay phía trước ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Thời gian tham quan thích hợp

Về cơ bản, bạn có thể đi miền Tây nói chung và Sa Đéc hay nhà cổ Huỳnh Thủy Lê quanh năm. Tuy nhiên, nếu kết hợp với nhiều địa điểm khác nữa thì nên đi vào mùa tháng 8 đến hết năm bởi từ tháng 8 – 11 là mùa nước nổi với nhiều thú vị. Gần Tết, làng hoa Sa Đéc vào vụ tạo nên cả thảm màu sặc sỡ có thể khiến bạn ngỡ ngàng. Đó cũng là mùa của quýt Lai Vùng nổi tiếng, bạn có thể chèo thuyền giữa vườn với những cây quýt trĩu quả.

9
Gần cuối năm là khoảng thời gian tốt nhất để ngao du miền Tây sông nước

Ẩm thực Sa Đéc 

Sa Đéc nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng có khá nhiều đặc sản. Đầu tiên phải kể tới là rất nhiều loại trái cây như sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, xoài, nhãn… Thứ hai là hủ tiếu, hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng cả vùng với nhiều loại như hủ tiếu khô, hủ tiếu nước, hủ tiếu xào, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu mực…Các loại hải sản cũng rất tươi ngon và rẻ, lẩu nhiều loại, “bò leo núi”, bánh xèo, cháo cá lóc… Bạn cũng có thể mua nem Lai Vung về làm quà, bánh phồng tôm Sa Giang…

Thực hiện: depweb

29/10/2018, 10:00