Đến Sài Gòn, ăn gì đúng "chất"? - Tạp chí Đẹp

Đến Sài Gòn, ăn gì đúng “chất”?

Ẩm Thực

Chuyên đề: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!

Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler nổi tiếng của Mỹ vừa có phóng sự ảnh đặc biệt về thành phố Hồ Chí Minh trong số tháng 1/2015. Cả thế giới có thể nhìn thấy một thành phố tròn 40 tuổi thú vị đến nhường nào với những điều xưa cũ ẩn sâu bên trong hơi thở hiện đại. Tròn 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, dân số của thành phố mang tên Bác đã tăng gấp đôi – từ 4 triệu lên 8 triệu người. Thành phố trẻ không ngừng đổi thay nhưng những gì khác biệt và đặc trưng nhất vẫn còn nguyên vẹn, để vẫn là một điểm đến đầy thú vị trên bản đồ du lịch thế giới. Chuyên đề kỳ này của Đẹp dành để nói về một thành phố với những góc nhìn khác, mang hơi thở của thì hiện tại.

(*) Lời bài hát “Sài Gòn đẹp lắm” của nhạc sĩ Y Vân

Đọc thêm:
– Yêu em, dắt em đi khắp Sài Gòn
– 40 điều thú vị chỉ có ở Sài Gòn trong mắt nhạc sĩ Quốc Bảo
– Nhạc sĩ Quốc bảo – đi tìm một Sài Gòn im lặng
– Đàm Hà Phú: Sài Gòn – “Bi nhiêu thì bi”
– Hẻm Sài Gòn, đi đến bao giờ mới trọn
– 10 quán cà phê nhất định phải đến ở Sài Gòn
Sài Gòn, thành phố bao dung…

Gỏi khô bò

Nếu chọn một món ăn vặt đặc trưng nhất ở Sài Gòn, dễ chừng gỏi khô bò sẽ nằm đầu bảng. Có đủ màu sắc và các vị mặn, ngọt, chua, cay trong món ăn chơi đặc biệt kích thích vị giác này. Nguyên liệu để làm nên một đĩa gỏi là: đu đủ sống bào sợi, khô bò chế biến theo cách đặc biệt, đậu phộng rang giòn, rau thơm, nước mắm chua ngọt và tương ớt. Quán gỏi nổi tiếng nhất là ở công viên Lê Văn Tám; quán lâu đời nhất là ở 107 Nguyễn Văn Thủ, quận 1.

am-thuc-sai-gon-2-copy

Canh chua

Là trung tâm của phương Nam trù phú sản vật và đất lành của dân nhập cư tứ xứ nên Sài Gòn cũng là nơi hội tụ nhiều món ngon của đủ vùng miền và cả thế giới. Món canh chua là một trong số đó, và đã được “Sài Gòn hóa” bằng cách kết hợp đủ vị chua – mặn của miền Bắc, cay nồng của miền Trung và ngọt lành của miền Nam.

am-thuc-sai-gon-3-copy

Cơm tấm sườn bì

Khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, đâu đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy món ăn rất phổ biến này. Người Sài Gòn có thể dùng cơm tấm làm món ăn sáng, trưa và cả chiều, tối, với đủ các món ăn kèm; nhưng đặc trưng nhất là cơm tấm sườn nướng, bì, chả, trứng thêm chút mỡ hành thơm phức, ăn kèm đồ chua, dưa leo và nước mắm chua ngọt. Món này vốn là của “con nhà nghèo” (vì được nấu từ những hạt gạo tấm, vỡ vụn), nhưng nay đã trở nên quen thuộc và đặc biệt là nằm trong danh sách những món hè phố hấp dẫn nhất, do CNN bình chọn năm 2012. Những quán nổi tiếng là: chuỗi quán Thuận Kiều; Ba Ghiền (84 Đặng Văn Ngữ); cơm tấm đêm Cao Đạt (góc Nguyễn Trãi – Trần Bình Trọng); chuỗi cơm tấm Cali…

am-thuc-sai-gon-1-copy

Bò bía

Với một miếng bánh tráng làm từ bột mì và một số nguyên liệu phổ biến đi kèm là: củ sắn, cà rốt xắt sợi, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, tép khô và trứng vịt, những cuốn bò bía có xuất xứ từ người Hoa đã trở thành một trong những món đường phố không thể bỏ qua ở Sài Gòn. Yếu tố quyết định hơn 50% cho món bò bía ngon là ở phần nước chấm, bao gồm nước tương pha nhiều đậu phộng rang giã nhỏ, đồ chua và ớt – vừa đủ mặn, ngọt, chua, cay, béo, bùi. Những nơi bán bò bía nổi tiếng là: xe bò bía cua cô Lý trên đường Đinh Tiên Hoàng (gần cầu Bùi Hữu Nghĩa); các quán trước trường Đại học Sư phạm (đường An Dương Vương); quán bên hông trường Nguyễn Thị Minh Khai (gần chùa Xá Lợi)…

am-thuc-sai-gon-4-copy

Thực hiện: depweb

24/03/2015, 16:57