Đại Nghĩa: “Nhiều người chưa xem phim lồng tiếng đã gõ phím chê bai”

Sự nghiệp của Đại Nghĩa không thể thiếu đi vai trò lồng tiếng. Anh từng làm công việc này từ thời mới ra trường để kiếm thêm thu nhập, được nhiều đạo diễn giao trọng trách “cứu” các vai diễn có đài từ kém, và gắn liền với cả một thế hệ khán giả trẻ nhờ việc góp giọng nói trong nhiều bộ phim hoạt hình. Nam diễn viên kiêm MC trả lời tự tin: “Tôi chẳng ngại nhận lời lồng tiếng cho phim bom tấn, dù đó có là ‘Avengers’”.

Lần lồng tiếng đầu tiên của anh cho phim điện ảnh là vai nào?

Thần chết Du trong “Những nụ hôn rực rỡ”, bởi vai đó cần một giọng nói tốt hơn, truyền cảm hơn giọng của Johnny Trí Nguyễn. Johnny Trí Nguyễn đóng vai hành động ổn, còn những vai cần thể hiện tình cảm mùi mẫn và sâu lắng một chút, giọng anh ấy lại không hợp. Vì từng học chung lớp với Nguyễn Quang Dũng nên tôi đã nhận lời. Đó cũng là một vai diễn mà tôi rất thích.

Rồi sau đó anh có thêm “Rio”, nhiều tư liệu ghi nhận rằng đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng tại Việt Nam với kinh phí lên đến 1 tỷ đồng. Anh còn nhớ lần đó không?

Tôi nhớ bữa đó 1 giờ trưa vào phòng thu, tôi lồng tiếng một lèo khoảng 3-4 tiếng đồng hồ là xong hết rồi.

Có vẻ như kể từ thời điểm đó, anh đã trở thành gương mặt vàng trong làng lồng tiếng vì các dự án đến dồn dập!

Tôi tham gia lồng tiếng cho “Rio” phần 1 và phần 2 cùng với Minh Hằng, Minh Tiệp. Sau đó tôi lồng tiếng cho phim “Chú mèo đi hia” cùng Ốc Thanh Vân và anh Đàm Vĩnh Hưng, rồi đến phim “Đi tìm Dory”. Phim để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất là “Chú mèo đi hia”. Thời điểm đó tôi đang phải dốc hết sức lực diễn chương trình “Ngày xửa ngày xưa” ở Nhà hát Bến Thành, thế mà vai trong phim “Chú mèo đi hia” cũng rất nặng, phải la hét, gào thét um sùm. Các buổi trưa, tôi tranh thủ chạy qua studio lồng tiếng rồi buổi chiều lại chạy về biểu diễn bên kia. Lần đó, đích thân đạo diễn của “Chú mèo đi hia” bản gốc còn đến Việt Nam để ngồi theo dõi, căn chỉnh từng câu từng chữ.

Biết rằng bản lồng tiếng được tung ra để phục vụ các đối tượng không đọc kịp phụ đề như trẻ em, người già, nhưng nó cũng khiến khán giả trẻ, đối tượng chủ yếu bỏ tiền ra rạp xem phim cảm thấy bất công vì các suất chiếu lồng tiếng được ưu tiên quá nhiều. Anh nghĩ sao?

Tôi thấy tâm lý này có phần đúng. Bản thân tôi cũng thích nghe giọng của diễn viên gốc hơn bởi đó là tiếng nói được tuyển chọn qua rất nhiều vòng casting, của những diễn viên nổi tiếng nhất Hollywood như Angelina Jolie hay Jack Black. Mỗi người đều có lựa chọn riêng của mình, chỉ cần đừng chê bai, kỳ thị quá mức hay nói những lời tiêu cực như “diễn viên Việt Nam dở ẹc”, “lồng tiếng làm mất giá trị của phim” là được.

Anh có đi xem những bộ phim do mình lồng tiếng để biết phản ứng của khán giả không?

Có chứ. Tôi đi xem để tự đánh giá hiệu quả công việc của mình. Cảm giác nghe lại giọng mình khi xung quanh có nhiều khán giả rất thú vị, chẳng khác gì đi xem một bộ phim mình đóng.

Nếu phải nghe những lời chê bai ngay trong rạp thì sao?

Tôi chưa bao giờ nghe trực tiếp. Khi khán giả quyết định mua vé xem phim lồng tiếng thì có lẽ họ cũng thích thể loại này rồi. Với lại, diễn viên Việt Nam không tệ đến mức khiến khán giả phải chê đâu. Những người phụ trách việc lồng tiếng như đạo diễn, nhà sản xuất đã casting rất kỹ để tìm ra giọng nói phù hợp với nhân vật. Ngay cả những nghệ sĩ không chuyên như Ái Phương, Hoàng Rapper, Minh Hằng… đều có khả năng nhanh nhạy để thích ứng với nhân vật mà họ lồng tiếng. Nếu có những bình luận tiêu cực thì đa phần đều đến từ mạng xã hội. Trên đó có những người chưa đi xem phim mà đã ngồi gõ phím chê bai. Đó là chuyện hết sức bình thường và tôi chấp nhận.

Kể ra cũng thật buồn cười khi nhiều người lớn cứ cho mình quyền bình luận thay cho trẻ con nhỉ!

Chứ còn gì nữa! Đối tượng chính của phim hoạt hình là con nít, xem phim hoạt hình cùng con nít thì người lớn phải chấp nhận chứ. Thật vô lý khi đòi hỏi những bộ phim dành cho con nít phải phục vụ mình.

Thành công liên tiếp của hai phiên bản lồng tiếng live-action “Aladdin” và “Vua sư tử” có phải là dấu hiệu cho thấy việc khán giả đã bật đèn xanh cho các dự án phim lồng tiếng?

Thật ra khán giả đã đón nhận phim truyền hình Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc lồng tiếng Việt từ hàng chục năm nay rồi. Tôi nhớ hồi trước có series phim “Vượt ngục” cả 5 phần đều lồng tiếng Việt rất tốt. Chẳng qua diễn viên Hàn Quốc, Hồng Kông có khuôn mặt châu Á nên khán giả thấy họ cất giọng Việt hợp lý hơn là Brad Pitt, Angelina Jolie nói tiếng Việt thôi.

Với số lượng bom tấn nước ngoài được phát hành mỗi tháng tại Việt Nam, anh có nghĩ lồng tiếng cho phim điện ảnh là một nghề hấp dẫn?

Những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp đang thực hiện một công việc thầm lặng. Họ không được mọi người biết đến. Thu nhập của họ không cao bằng những người xuất hiện trên màn ảnh. Nhưng họ góp phần làm cho bộ phim đó hay hơn, hấp dẫn hơn với khán giả. Những người có đam mê diễn xuất nhưng không có ngoại hình tốt đều có thể chọn lĩnh vực lồng tiếng.

Thời tôi mới ra trường, mặc dù là một diễn viên chuyên nghiệp đi diễn sân khấu, đóng phim nhưng tôi vẫn đi lồng tiếng để kiếm thêm thu nhập. Tôi lồng tiếng cho rất nhiều phim truyền hình, vai của chính tôi cũng có mà vai của người khác như Nguyên Vũ, Bình Minh… cũng có. Chính giọng nói của tôi đã cứu rất nhiều vai diễn trên màn ảnh.

LỒNG TIẾNG CHO PHIM BOM TẤN: NÂNG TẦM HAY PHÁ HỦY?

Dù đã ăn sâu bắt rễ vào phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam từ lâu nhưng việc lồng tiếng cho phim điện ảnh nước ngoài chiếu rạp lại gây nhiều ý kiến trái chiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Khán giả cho rằng bản lồng tiếng sẽ không bao giờ hay bằng bản gốc, nhất là đối với những bộ phim nhạc kịch.
Tuy nhiên, những con số doanh thu lại cho thấy điều ngược lại. Chúng chứng minh rằng việc lồng tiếng vẫn có sứ mệnh riêng, giúp khán giả lớn tuổi và nhỏ tuổi đều có thể nắm rõ toàn bộ nội dung phim.

• Từ 2012-2019, CGV đã lồng tiếng cho 12 bộ phim hoạt hình và 4 bộ phim live-action (phim người đóng) từ Disney

• Hơn ½ khán giả đến rạp lựa chọn bản lồng tiếng thay vì bản phụ đề

• Doanh thu bản lồng tiếng chiếm 47% tổng doanh thu các phim

• 4 phim có doanh thu bản lồng tiếng cao hơn bản phụ đề: “The Incredibles 2” (51%), “Ralph Breaks The Internet – Wreck It Ralph 2” (56%), “Toy Story 4” (58%) và “Dumbo” (68%)

• Số suất chiếu bản lồng tiếng phim “Aladdin” chỉ chiếm 20% nhưng doanh thu vẫn ngang bằng doanh thu bản phụ đề

Bài: Phương Thảo

Sản xuất: Hellos. – Nhiếp ảnh: Lâm Nguy – Trợ lý: Huey

Đọc thêm
Đại Nghĩa: “Nhiều người chưa xem phim lồng tiếng đã gõ phím chê bai”
“Phù thủy lồng tiếng” Đạt Phi: “Thù lao lồng tiếng phim điện ảnh cao gấp 100 lần phim truyền hình”
Võ Hạ Trâm: tại Việt Nam không nhiều người có thể vừa hát vừa lồng tiếng


From the same category