“Cuối tuần ở Paris” và khúc nhạc yêu tuổi xế chiều - Tạp chí Đẹp

“Cuối tuần ở Paris” và khúc nhạc yêu tuổi xế chiều

Review

Người về soi bóng mình…

Đó là câu chuyện về đời sống hôn nhân của cặp vợ chồng già người Anh tên Nick (Jim Broadbent) và Meg (Lindsay Duncan). Để mong cứu vãn mối quan hệ vợ chồng đang rơi vào nhàm chán, bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ, họ quyết định đến Paris vào dịp cuối tuần để tìm lại cảm giác yêu đương của 30 năm trước, lúc họ cùng nhau hưởng tuần trăng mật.

phim hay

Khi những phiền toái, cãi cọ liên tiếp xảy đến, thì không chỉ Nick và Meg lờ mờ nhận ra, mà khán giả cũng thấy rằng, đôi vợ chồng già tìm đến Paris không chỉ để kỷ niệm ba thập kỷ yêu nhau mà còn để trốn tránh thực tại, tạm quên đi thực tế đáng buồn đang ngự trị ở quê nhà Birmingham.

Chỉ đôi ba ngày ở nơi họ luôn muốn đến – Paris – cũng đủ để người theo dõi hành trình này hình dung ra cuộc đời, tính cách, đời sống tình cảm của cặp đôi này suốt bao năm qua. Thế nhưng, “Cuối tuần ở Paris” không mang mục tiêu kể về câu chuyện thăng trầm của hôn nhân, mà đây đích thực là một bộ phim cảm giác.

Cái hài nhẹ nhàng, hóm hỉnh luôn thường trực ở bộ phim mang tới vẻ lạc quan hiện diện trong mỗi suy tư, hành động khi khùng điên,  khi ngốc ngếch, khi thành khẩn, khi tự hào của những cặp tình già.

Không như “Notting Hill” cũng của đạo diễn Roger Michell, “Le Week-End” là phim độc lập, có kinh phí thấp và chắc chắn kén khán giả.“Notting Hill”có sự tham gia của người đàn bà đẹp Julia Roberts là câu chuyện tình chênh lệch tuổi tác của anh chủ tiệm sách nhỏ với minh tinh màn bạc, còn “Le Week-End” là câu chuyện của hai vợ chồng già làm nghề dạy học, không mấy thành công trong nghề nghiệp.

Nick thường lo lắng về chuyện tiền bạc, thiếu tự tin khi không thể “hào phóng” lo cho vợ con; còn Meg là người phụ nữ thẳng tính, luôn đòi hỏi nhiều hơn cho cuộc sống và hôn nhân. Vậy nên, rõ ràng là họ đang “chịu đựng” nhau; nhưng ở tuổi này, khi đủ để có “đám cưới bạc” rồi thì muốn nói đến chuyện ly thân, ly hôn hẳn cũng khó. Níu giữ cho tình yêu của hai người là những ký ức ngọt ngào xa xưa, khi “đôi trẻ” của 30 năm về trước còn chưa nặng gánh lo toan, chưa rơi vào những trắc trở cuộc sống – như cách hôm nay Nick bị mất việc.

Tình huống của họ thật giống bao cặp vợ chồng quanh chúng ta giờ đây. Ở nơi hiện thực chẳng như mơ, mỗi cá nhân trở thành “Người câu bóng”. Đó là khi “sống đành, ta kẹt giữa muôn khắc thời gian xếp nên đời ta. Sống đành mang mơ ước, mang bao hoài niệm xếp đầy hiện tại…”. Và khi đó, Meg hay Nick mang tâm trạng của “cái ‘tôi’ nào không rét căm căm, nếu còn hơi ấm nơi em?…” như ca từ của nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Chắc chắn luôn có nhiều cặp đôi dù còn son trẻ hay khi đã già rơi vào cảm thức ấy, để mà lặng im, bỏ mặc, “ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho” (“Ru tình” – Trịnh Công Sơn). Vậy thì nỗi ủ ê, chán chường sẽ dễ dàng kéo đến, nếu ta chẳng làm gì để tìm lại hồi ức, hâm nóng tình yêu, hay ít ra chỉ là phiêu du cho khuây khoả.

Không nói ra nhưng Nick và Meg đã bộc lộ: Đừng nói tình yêu phai nhạt hay không còn hoà hợp, hãy làm gì đó để phút giây thấy mình thuộc về nhau trở lại và biết đâu còn… lợi hại hơn xưa. Khi cặp đôi đặt mình vào thành phố xa lạ, cho dù không thể xua đi những lo lắng đời thường, lại còn gặp bao nhiêu phiền toái, thì ít nhất họ cũng tìm thấy lại chính bản thân mình, bộc lộ rõ hơn về nhau.

Người khác có thể chỉ hài lòng với cuộc hôn nhân “tập hai”, nhưng nếu còn yêu nhau, còn trân trọng nhau và thấy rõ hơn giá trị của người mình vẫn bấy lâu sống chung, gắn bó thì đôi bạn đời, dẫu đã già, vẫn còn thể lật sang trang mới của cuộc đời. Trang mới đó viết về tình yêu ở năm thứ ba mươi mốt.

… Giữa đường phố không lặng thinh

Khi còn nỗ lực hâm nóng cuộc hôn nhân thì chuyện tình tiếp nối của Nick và Meg đã có câu trả lời. Nói đúng hơn là cùng với những va chạm diễn ra giữa hai người, những tình huống oái oăm xảy đến giúp họ khám phá thêm được về nhau; thì việc soi mình qua người khác cũng giúp họ thấy nhau rõ hơn. Những góc phố, quán ăn, không khí mùa đông lãng mạn của kinh đô ánh sáng… và đặc biệt là cuộc gặp gỡ với những con người khác, một cách tình cờ, đã giúp tình yêu trong họ lên tiếng.

Hãy đến với một bữa tiệc không định trước của ông chồng Nick và bà vợ Meg. Ở đó họ chứng kiến người bạn cũ là Morgan (Jeff Goldblum), từng có thời cơ hàn, đi bán báo dạo với Nick, nay hưởng thụ cuộc sống phong lưu, vui thú với đôi ba điều hào nhoáng. Morgan chia tay người vợ trước ở New York để đến sống ở Paris, có cuộc hôn nhân thứ hai.

Morgan gọi người vợ trẻ trung hơn mình, với vẻ đầy tự hào là “nàng Mona Lisa”, cứ như thể người vợ là bức tranh treo trên tường, bất cứ lúc nào cũng khoe nụ cười nơi khoé miệng. Tiếp xúc với họ, Nick và Meg như có cảm giác, đó chẳng phải nơi họ có thể thuộc về…

Từng có nhiều bộ phim về tình yêu, đến “Cuối tuần ở Paris”, đạo diễn Roger Michell dường như cứ để chuyện của Nick và Meg diễn ra như vốn dĩ phải thế, không nói quá, cường điệu hoá một điều gì. Tất cả sự tự nhiên đó diễn ra cùng những đoạn nhạc phim gợi nhiều cảm xúc, là sự đan xen của piano và violin. Và cũng trong khung cảnh lãng mạn đó, vẫn thấy cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ít nhiều đổ bóng xuống câu chuyện tình.

Xem “Cuối tuần ở Paris” thấy một điều: càng yêu nhau nhiều thì càng không muốn thể hiện tình yêu qua lời nói. Ở một bộ phim đậm đặc phong cách Pháp khác là “Amour”, với câu chuyện tình yêu tuổi già được thể hiện vô cùng tinh tế và đặc biệt, cũng toát lên ý đó.

Cứ như thể tình yêu của Nick và Meg là quãng thời gian trước khi có câu chuyện “tình già” ở “Amour” – bộ phim về tình yêu và cái chết từng làm mưa làm gió ở các giải thưởng điện ảnh.

Có một điều lạ là dạo gần đây điện ảnh Hollywood bỗng quan tâm nhiều đến câu chuyện của người già và mỗi câu chuyện được kể, dù ở thể loại phim gì, thì cũng đều có sức hấp dẫn riêng. Nếu bạn còn trẻ thì cũng vẫn nên xem “Escape Plan” (Vượt ngục) để thấy trí lực tuổi già, xem “Las Vegas” (Bô lão xì tin) để thấm thía về giá trị của tình bạn muôn đời và bây giờ, có thể đến với “Cuối tuần ở Paris” để tìm cảm giác nhẹ nhõm khi nghĩ đến tình yêu.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: IMDB




>>> Có thể bạn quan tâm: Bước trên chuyến tàu mang tên “Snowpiercer”, điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục băng qua nền điện ảnh của nhiều nước châu Á khác. Câu chuyện hậu tận thế trong phim cũng là câu chuyện của toàn cầu.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

11/12/2013, 16:43