“Cú đấm” từ phim Hàn Quốc - Tạp chí Đẹp

“Cú đấm” từ phim Hàn Quốc

Review

Chuyện từ “Tay đấm huyền thoại”

Chùm 9 phim có mặt tại LHP Hàn Quốc có chất lượng khá, trong đó nổi trội nhất là “Fists of Legend” (Tay đấm huyền thoại). Đây là tác phẩm điện ảnh mới nhất của Woo-Suk Kang – một trong những đạo diễn ăn khách trong thời điểm hiện tại. Ông là tác giả của những bộ phim có doanh thu cao ở xứ sở kim chi trong vài năm trở lại đây như “Glove”, “Moss”… và trước đó là series phim “Public Enemy” với 3 phần.

 

 Poster phim

Dễ dàng nhận thấy công thức làm phim với câu chuyện của món mì Hàn có mùi vị Hollywood qua “Fists of Legend” (CJ sản xuất). Xem phim sẽ liên tưởng đến “Warrior” – bộ phim xuất sắc ra mắt năm 2011 của đạo diễn Gavin O’Connor, hay một phim khác của Hong Kong cũng có tên “Fist of Legend” ra mắt năm 2004  có tài tử Lý Liên Kiệt.

Cùng khai thác đề tài đấu võ thể thao, nhưng nếu “Warrior” khai thác những tay đấm bốc chuyên nghiệp, thì “Fists of Legend” là câu chuyện của những võ sĩ nghiệp dư. Sàn đấu, những cuộc thư hùng thu hút công chúng là nơi gặp gỡ của họ và cũng là nơi hé lộ câu chuyện cuộc đời và góc khuất tâm hồn mỗi người.

Cuộc đời của những “tay đấm” trong “Fists of Legend” được tập trung vào hai giai đoạn: Những năm tháng học phổ thông và giai đoạn “khủng hoảng tuổi trung niên”, ngoài 40 tuổi. Nhân vật trung tâm là Im – Deok – Gyoo (Hwang Jeong-min), chủ một tiệm mì ế khách, vợ mất, sống với cô con gái duy nhất đang học trung học. Từng là một “boxer” nhiều hứa hẹn thời phổ thông, nay Gyoo đã hoàn toàn giải nghệ. Thế nhưng, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, “võ sĩ về vườn” này nhận lời tham gia show truyền hình “Fists of Legend” mà người điều hành là nhà sản xuất xinh đẹp và tham vọng Hong Gyoo-min (Lee Yo-won).

Để nhắm tới mục tiêu lôi kéo người xem càng nhiều càng tốt, Hong đã thành công trong việc lôi kéo “chủ quán mì trở lại sàn đấu”. Số tiền 20 triệu won mà người thắng cuộc có thể nhận được là phần thưởng trong mơ đối với người đang “đau đầu vì tiền” như Im – Deok – Gyoo. Khi bắt đầu tung ra những cú đấm thôi sơn trở lại cũng là lúc Gyoo biết mình khó rời sàn đấu, nhất là khi những người bạn thân từng “đồng cam cộng khổ” từ thời trung học, nay không còn giữ liên lạc của nhau, chính là đối thủ.

Vẫn theo đuổi một mô- típ không còn mới, nhà làm phim đứng trước thách thức phải mang đến “Fists of Legend” những ngã rẽ mới, những cảm xúc mới và hơn thế là những hàm nghĩa không sáo mòn. Ít nhất đây cũng phải là một “Warrior” (Chiến binh) khác. Và xét trên một số góc độ, “Fists of Lengend” đã làm được điều này. Phim đủ sức hấp dẫn đối tượng khán giả từ 16 tuổi trở lên trong khoảng thời lượng khá dài 150 phút. Câu chuyện gần gũi với đời thường để người xem có thể cười và có thể suy tư.

Những màn rượt đuổi, giang hồ đấu võ, tỉ thí trong phim không chỉ gợi lên so sánh với phim hành động Mỹ mà với khán giả Việt Nam, còn có thể liên tưởng đến những bộ phim nội địa như “Đường đua” hay “Bụi đời chợ Lớn” gần đây về tính chất. Thế nhưng xem “Fists of Legend” sẽ thấy, bộ phim này so với phim Hollywood thì không “vênh”, chứ so với phim Việt thì còn cách một khoảng khá xa.

Trước đó, một trong những bộ phim hành động ăn khách nhất trong lịch sử phim Hàn Quốc là “The Thieves” (Đội quân siêu trộm) còn có thể mang ra so sánh với “Mission: Impossible – Ghost Protocol” (Nhiệm vụ bất khả thi: Chiến dịch bóng ma). Nếu bộ phim Mỹ có sự góp mặt của tài tử Tom Cruise có cốt truyện nhạt thì bộ phim có dàn “sao” nổi danh nhất xứ Hàn tham gia có kịch bản hấp dẫn hơn hẳn. Riêng những pha hành động thì ở phim Hàn cũng quyết liệt và táo bạo tới cùng.

Nếu nói rộng ra về sự đa dạng của phim Hàn thì trong những năm gần đây, điện ảnh nước này đã tiến những bước rất xa. Thậm chí, nếu Hollywood đang tỏ ra đuối và bí trong khâu kịch bản thì điện ảnh Hàn Quốc đang chứng minh họ đang khá sung sức ở điểm này, chứ không chỉ có tiến bộ về công nghệ làm phim.


Chuyện ở LHP phim Hàn Quốc tại Việt Nam

Có thể thấy được phần nào sự xâm nhập với cường độ tăng dần đều của phim Hàn ở Việt Nam ngày nay. Một trong những minh chứng là LHP Hàn Quốc tại Việt Nam đã diễn ra lần thứ hai, sau khi Mega Star Cineplex – nhà phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam – được công ty CJ thâu tóm vào năm 2012.

Là công ty của Hàn Quốc, không chỉ hoạt động trong ngành giải trí mà còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác, thông qua Mega Star, CJ tổ chức LHP này. Để đi đường dài, dần đẩy phim Hàn vào thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn, củng cố “làn sóng Hàn Quốc” (hallyu) thì đây là một hướng đi có thể gọi là “mưa dầm thấm lâu”. Suy cho cùng, LHP Hàn Quốc tại Việt Nam là bài toán kinh doanh hơn là một hoạt động văn hoá hay trao đổi văn hoá.

Mỹ nam Lee Ki Woo tại lễ khai mạc LHP Hàn Quốc

Nếu LHP Đức, LHP Nhật hay LHP châu Âu tại VN hoàn toàn không bán vé, phục vụ phim ở rạp quốc doanh là chính, thì LHP Hàn Quốc có bán vé, dù giá vé khá thấp (30.000đ/vé). Nhưng tính hình thức không phải ở chuyện vé, bởi vẫn có số lượng không nhỏ vé mời được phát ra, mà ở tính chất và cách thực hiện.

LHP có 9 phim Hàn ở các thể loại khác nhau được chiếu, từ ngày 6-11/9/2013. Số lượng không phải quá ít, nhưng một nửa trong số này đã được ra rạp chiếu tại Việt Nam từ lâu. Mỗi phim trong số này nhiều nhất có 2 suất chiếu trong suốt đợt. Với những khung giờ rất kén người xem (trưa và chiều) thì cũng không có mấy khán giả có thể tiếp cận, nên tại không ít suất chiếu, khán giả chưa được nửa phòng chiếu nhỏ.

Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Gọi là LHP nhưng chỉ có họp báo, có lễ khai mạc mà không có… lễ bế mạc, phim bế mạc. Liên hoan cũng chỉ diễn ra tại Hà Nội chứ không phải Sài Gòn – nơi có thị trường phim ảnh sôi động hơn, ít mang tính “định hướng” hơn… LHP có gương mặt đại sứ Hàn là diễn viên Lee Ki Woo và phía Việt Nam là diễn viên Ngô Thanh Vân, nhưng Lee Ki Woo lại không có phim trong đợt này. Anh nổi danh nhờ phim truyền hình chứ không phải phim điện ảnh.

Qua những điều đó có thể thấy rằng LHP “danh” nhiều hơn “thực”. Danh nghĩa đó sẽ thuận tiện hơn cho việc quảng bá những góc độ mang tính bề nổi và hai chữ “Hàn Quốc”. Trong khi đó, cái gốc là sự tương tác hai chiều và độ rộng trong tiếp cận khán giả thì chưa thực sự được thể hiện rõ.

Khi LHP còn chưa kịp khép lại thì một trong những bộ phim được chiếu hôm khai mạc tại Hà Nội là “Killer Toon” (Kỳ án truyện tranh) bất ngờ có buổi công chiếu tại TP. HCM với lịch ra rạp chính thức từ 13/9. Vậy mà tại LHP, phim này vẻn vẹn có 2 suất chiếu. Điều này dẫn đến liên tưởng, buổi chiếu khai mạc LHP của “Killer Toon” không khác mấy một buổi công chiếu có quy mô hoành tráng hơn, cho một tác phẩm sắp ra mắt. Đem chiếu ngoài LHP thì đương nhiên giá vé cao hơn, gấp 3 lần.

“Fists of Legend” và LHP gợi đến một điều: điện ảnh Hàn đã tung những “cú đấm” khá mạnh trên “võ đài” điện ảnh quốc tế; vậy thì đến Việt Nam, không cần thiết phải rắc bánh vụn hay tạo “bánh vẽ” làm gì.  

Bài: Bùi Dũng
Ảnh: Hancinema

 

Thực hiện: depweb

12/09/2013, 11:46