Copenhagen, em & bia - Tạp chí Đẹp

Copenhagen, em & bia

Sự Kiện
>> Đừng đến Ấn Độ vào tháng 5
>>
Hai ngày trên hòn đảo hoang sơ

Nếu muốn được làm “chú lính chì dũng cảm”đi một mình đến bến “cảng của các nhà buôn” với mong muốn gặp gỡ “nàng tiên cá”và thỏa chí thưởng thức những vị bia tuyệt hảo bậc nhất châu Âu, chỉ một địa danh duy nhất giải quyết mong ước đó, chính là đô thị ven biển được hình thành từ năm 1167, một thành phố mệnh danh là miền cổ tích, có tên gọi Copenhagen – thủ đô của Đan Mạch.

Sau một giờ khởi hành, tôi đã được đặt chân lên thủ đô Copenhagen trong tâm trạng hơi lo lắng khi nhìn thấy những tấm bảng cảnh báo cẩn thận kẻo bị kẻ gian móc túi được treo rải rác khắp ga tàu cổ kính.

Rờ rẫm kỹ lưỡng lại ví bóp, rồi tìm đến ngay quầy đổi tiền để chuyển lượng tiền tệ có được sang đồng Krone, bởi xứ Đan Mạch mà cầm đôla hay euro xài thì chỉ có nước móm bởi sẽ chẳng cửa hàng nào tiếp nhận. Rời khỏi nhà ga trung tâm, với tấm bản đồ du lịch trong tay, câu chuyện khám phá “cảng của các nhà buôn” được tôi bắt đầu với đích đến là vịnh Oresund.

Copenhagen: Em và bia!

“Em” ở đây chính là nàng tiên cá Den Lille Havfrue nằm phơi mình trên tảng đá ở Langellinie vịnh Oresund, một tuyệt phẩm điêu khắc gắn liền với câu chuyện cổ tích thần tiên của nhà văn Andersen miêu tả về người cá Havfruen. Tác phẩm này là con đẻ của điêu khắc gia nổi tiếng Edward Eriksen (1876-1954), với khuôn mặt “em” lấy mẫu từ nữ diễn viên nổi tiếng Ellen Price, còn thân người đẹp mỹ miều ấy chính là Eline – vợ của nhà điêu khắc Edward.

Tôi tạm gác hình ảnh của nàng tiên cá sang một bên để nói về một thú vui ăn nhậu hấp dẫn ở Copenhagen, đó chính là bia. Ở Đan Mạch, câu chuyện bia bọt đã từ trăm năm qua là đề tài cực kỳ hấp dẫn của cả dân Bắc Âu mỗi khi nhắc đến. Bởi bia ở Đan Mạch ngon nhất xứ Bắc Âu, với đủ chủng loại, mùi vị, làm ngất ngây những tín đồ bia bọt từ khắp thế giới. Và thật thú vị khi lật trở lại lịch sử ra đời của nàng tiên cá xinh đẹp, có được nàng ngồi đấy cho cả thế giới chiêm ngưỡng, cũng chính nhờ… bia.

Đại gia về bia là Carlsberg Jacobsen – ông chủ của hãng bia Carlsberg – đặt làm bức tượng độc đáo này như một món quà của ông dành cho Copenhagen. Tác phẩm nàng tiên cá được hoàn thành vào ngày 23/8/1913, và ngay sau đó trở thành biểu tượng không chỉ riêng Copenhagen mà của cả Đan Mạch cho đến tận bây giờ.

Nội thất đẹp long lanh trong quán bia Streckers.

Tạm biệt tác phẩm nàng tiên cá tuy đẹp nhưng chẳng đem lại cho tôi chút xao động – dù rằng nàng ngồi đó bán khỏa thân khoe bộ ngực trần đầy gợi cảm. Tôi phải ngậm ngùi chia tay nàng để đi tìm cảm xúc thực cho mình, chính là những hương vị bia tươi mà gã đàn ông nào đến xứ này cũng mong một lần nếm trải.

Điểm đến để trải nghiệm hành trình bia bọt chuẩn nhất là quảng trường Rahusplatsen. Bởi lẽ, chính ngay quảng trường cổ xưa này từ bao năm qua luôn là điểm khởi đầu cho một ngày mới với những người yêu bia. Bởi nơi ấy đang nắm giữ một nét văn hóa độc đáo, đó là hình ảnh những chú ngựa lông xù – gọi là ngựa Jysk đến từ Jylland phía Tây của Đan Mạch – chở đầy những thùng bia tươi nặng trĩu rảo bước loanh quanh quảng trường như để khoe hàng trước khi đem phân phát cho các quán bia khắp Copenhagen.

Gọi một ly bia – uống một chỗ ngồi

Bắt đầu từ quảng trường Rahusplatsen, tôi rảo bước trên con đường mua sắm Strøget nối hai quảng trường phía đông và phía tây của Copenhagen. Đây là con đường mua sắm được mệnh danh là cổ và dài nhất của Châu Âu, đẹp hết chỗ nói với những viên đá nhỏ lót đường đều tăm tắp, các dãy cửa hàng đồ hiệu tràn ngập, bài trí, trang hoàng vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn khách bộ hành, nhưng những bước chân đa phần chỉ dám “window shopping” chứ ít thấy ai dám mua sắm bởi hàng hóa trên con đường này thuộc vào hàng xa xỉ. Xin nói thêm ở Copenhaghen, thành phố lớn thứ 2 Bắc Âu chỉ sau Stockholm của Thụy Điển, là thành phố có mức sống thuộc vào hàng đắt đỏ nhất châu Âu.

Nhưng cách sắp đặt, bố cục trên suốt tuyến đường mua sắm ấy có một nét độc đáo, chính là những quán bia cổ kính hàng trăm năm tuổi được bố trí chẳng biết cố tình hay vô ý cứ nằm rải rác, kiểu như đi vừa chút mỏi chân ngẩng mặt lên đã thấy một quán bia đẹp từ nội dung đến hình thức, bán những loại bia đã đi vào huyền thoại của xứ xở Đan Mạch như Carlsberg, Guld, Kilkenny, Guinness, Jacobsen Brown Ale, Tuborg, Somersby, Staropramen, Leffe Brune, Hoegaarden… hầu hết đều là những tên bia nghe lạ hoắc.

Không gian quán nhìn bên ngoài đều khá giống nhau, với một vài bàn nhỏ bày phía trước, cuốn thực đơn ghi các loại thức ăn, và tất nhiên không thể thiếu tên các loại bia, giá tiền… Đi mãi mỏi gối, tôi chọn quán bia có tên Streckers, với cách trang trí nội thất cổ xưa như từ thế kỷ 18. Yên vị trong chiếc ghế bọc da cổ kính, tôi mới định thần lại, và nhận ra khác biệt rõ rệt của không gian quán với bên ngoài, cứ như đang được ngược thời gian trở về hơn 100 năm trước chứ không phải đang ngồi giữa Copenhagen ở thế kỷ 21.


Khách lác đác ngồi trong từng góc quán, trầm ngâm, suy tư, trên bàn là ly bia vàng sánh như mật. Nhấp ngụm bia đặc sản, tha hồ thả hồn mình vào cõi mông lung bên ngọn đèn chùm, bên màu nâu trầm của gỗ xưa thật ấm cúng. Dân Đan Mạch ngồi trong nhà uống bia im hơi lặng tiếng, không ồn ào, xô bồ, bởi hình như những không gian quán cổ xưa thế này, người ta đến ngồi uống cả không gian quán, chứ không chỉ là ly bia đặc sản.

Rời con đường mua sắm sầm uất, tôi lang thang ra kênh đào Nytory nơi có con đường Nyhavn nổi tiếng từ hơn 300 năm trước bởi đó là nơi khét tiếng của giới thủy thủ mỗi khi cập cảng thường tìm đến khu vực này để ăn chơi và xả hơi sau những ngày dài lênh đênh trên biển.

Copenhagen được gọi là “thủ đô xe đạp”. Bởi đó là phương tiện di chuyển chính của người dân.
 Chỉ cần đặt một lượng tiền cọc khoảng 40 Krone là có thể sử dụng và trả xe ở bất kỳ bến đỗ nào
trong tổng số 100 vị trí đã được xây dựng sẵn và lấy lại tiền cọc.


Những câu chuyện băng đảng giang hồ, quán bia đầy những tay đầu gấu đầu mèo hội tụ…, tất cả đó chỉ còn là dĩ vãng. Nyhavn hôm nay đẹp thần sầu với những ngôi nhà ven con kênh được sơn màu đủ loại, trông thật đẹp mắt và ấn tượng, quán xá trên con đường này cũng được đầu tư, chăm chút, trở thành một điểm đến hoàn hảo cho lữ khách phương xa.

Nổi đình đám nhất trong các quán bia ở Nyhavn mà người bạn bản xứ giới thiệu khi đến nên ghé vào, đó là quán bia số 17. Dân Đan Mạch xưa khi trở lại con đường Nyhavn cũng hay chọn quán 17, lữ khách cũng thích ngồi trong quán 17 nhìn ra con kênh đào đậu đầy ghe thuyền đẹp mắt. Bởi rằng xưa, quán 17 là nơi dữ dằn, nổi tiếng của cả con đường không chỉ là vị bia ngon mà còn là những thành phần vào quán, đều là dân đầu sỏ anh chị. Nay quán được nâng cấp trở thành một không gian cực đẹp, cũng với nét trang trí mang phong cách cổ điển, sang trọng và quý phái, đủ cho người ta cảm được không khí của sự cổ xưa ở Copenhagen trong sự bình yên, thanh thản của nhịp sống hôm nay.

Phong cách Copenhagen

Người ta bảo dân Copenhagen bảo thủ, tôi chẳng biết rõ thực hư nhận định ấy thế nào, nhưng với riêng trong phong vị ẩm thực, sự bảo thủ mà tôi biết được của một quán ăn đã khiến nó trở thành một di sản độc đáo của Copenhagen, đó chính là nhà hàng Det Lille Apotek – có nghĩa là “hiệu thuốc nhỏ” nằm ở số 15 trên con phố Kannikestraede ngay trung tâm Copenhagen chỉ cách con đường mua sắm Strøget vài phút đi bộ. Đây là nhà hàng cổ xưa nhất ở Đan Mạch, với 291 năm tồn tại, và mọi thứ trong nhà hàng vẫn giữ nguyên nét cổ xưa như ngày đầu thành lập.

Lịch sử chép lại rằng, Det Lille Apotek từ trước 1720 là một hiệu thuốc nhỏ, nơi những người y sĩ đứng phát thuốc cho dân nghèo. Kể từ 1720, nơi này thay đổi công năng trở thành quán rượu, và là nơi lui tới thường xuyên của những văn hào nổi tiếng thế giới của Đan Mạch như Hans Christian Andersen, Peter Faber, Ludvig Holberg…

Tôi phải đến quán lúc xế trưa, bởi nếu đến đúng bữa trưa hoặc bữa chiều, nếu không đặt bàn trước thì thật khó để kiếm được một chỗ ngồi hoàn hảo, vì quán là nơi những danh nhân văn hóa lui tới nên khách đến Copenhagen ai cũng mong đến Det Lille Apotek để một lần nhập vai làm người nổi tiếng xem nó sự thể thế nào. Người phục vụ vui vẻ giới thiệu cho tôi món cá Herring truyền thống ăn kèm với dâu, mứt, và dưa cải muối cùng bánh mì khô, tiện tay anh chỉ luôn vào cái bàn nơi góc phòng, và giới thiệu đó chính là chỗ ngồi quen thuộc mà ngày xưa văn hào Andersen thường cắm dùi ở đó.


Xương voi ma mút khổng lồ ở bảo tàng “Believe or not”
.


Khắp nơi ở Copenhagen, từng góc phố, từng địa danh, từng hàng quán ở thời khắc nào trong ngày cũng đều có những câu chuyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn nhịp chân của tôi. Vào cuối ngày, những điểm dừng đầy hấp dẫn ở Copenhagen vẫn còn cả một danh sách dài. Đêm xuống, tôi tìm đến quán Bar Jernbane bên cạnh ga tàu trung tâm Copenhaghen.

Với dân phủi chơi đêm ở Copenhagen, ai cũng thuộc nằm lòng địa điểm này bởi đây là nơi hiếm hoi phục vụ khách liên tục từ 7 giờ sáng đến tận 2 giờ sáng của ngày hôm sau. Không gian của Jernbane còn là một bảo tàng thu nhỏ với bộ sưu tập về đồ chơi hỏa xa độc đáo, có cả những con tem hỏa xa từ khắp thế giới. Ngồi trong Jernbane, tôi cũng tìm được một chút niềm vui khi anh phục vụ thấy tôi đang tìm trong bộ sưu tập tem rồi hỏi từ đâu đến, tôi chỉ tay vào con tem hỏa xa Việt Nam, thế là hiểu nhau, gật gù nháy mắt cười vui vẻ cứ như quen nhau từ lâu lắm.


Các con tem về hỏa xa trưng bày tại Bar Jernbane.

Chu du ở Copenhagen bao lâu là đủ? Có lẽ thật khó để tìm câu trả lời, bởi nơi chốn nào ở miền cổ tích này cũng đều có những điểm nhấn hấp dẫn quyến luyến, níu kéo không chỉ riêng tôi mà cả với những ai đã từng đến với Copenhagen – thành phố của lãng mạn, của những giá trị xưa cũ được bảo tồn vẹn toàn, hòa nhịp với cuộc sống hiện đại, khiến ai từng trải nghiệm với Copenhagen cũng một lần nhớ mãi.

(*) Copenhagen dịch nghĩa là: Cảng của các nhà buôn.

 (*) Tên các tác phẩm của đại văn hào Hans Christian Andersen)

Nguyễn Đình (theo TTVH & Đàn Ông)

Thực hiện: depweb

26/07/2011, 14:41