"Cơ bản là buồn" - Tạp chí Đẹp

“Cơ bản là buồn”

Review

“Cơ bản là buồn”
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần
NXB Trẻ

Cơ bản là buồn

Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Thuần lần này kể về một đứa con lai Mỹ sống ở Việt Nam. Cốt truyện chắc hẳn hấp dẫn, nhưng cái thu hút hơn cả là văn phong và từ ngữ đặc biệt, gợi nhớ rất nhiều đến một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Ngọc Thuần trước đây: tập truyện ngắn “Cha và con và tàu bay”.

“Việt Nam văn hóa sử cương”
Tác giả: Đào Duy Anh
Nhã Nam & NXB Thế giới

Việt Nam văn hóa sử cương

“Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai”. Vệ Thạch Đào Duy Anh đã mở đầu tác phẩm đặc biệt lớn của ông như vậy.

Bản đầu của “Việt Nam văn hóa sử cương” được ấn hành vào năm 1938, khi Đào Duy Anh mới 34, 35 tuổi và đã nhanh chóng trở thành một cuốn sách kinh điển trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Tác phẩm không đồ sộ về dung lượng nhưng chứa đựng những miêu tả và kiến giải hết sức phong phú, đặc biệt có tầm vóc lớn về kiến văn và phương pháp tiến hành công việc. Quan niệm trọng tâm của Đào Duy Anh khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nằm ở mệnh đề: “Văn hóa là sinh hoạt”.

Độc giả ngày nay sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một ngôn ngữ và tư duy cổ kính, đồng thời cũng nhiều khi kinh ngạc trước tính chất hiện đại và thậm chí “cấp tiến” của cuốn sách này.

“Rabbit ơi, chạy đi”
Tác giả: John Updike
Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương dịch
Nhã Nam & NXB Văn học

Rabbit ơi, chạy đi

John Updike, một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ, đã thành danh từ rất lâu, nhưng có lẽ phải đến bây giờ, ba năm sau khi ông qua đời, mới có bản dịch một tác phẩm lớn của ông sang tiếng Việt. Sự nghiệp văn chương của Updike thường hay được đặt bên cạnh sự nghiệp của một nhà văn lớn khác của Mỹ là Philip Roth (Philip Roth thì có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Việt Nam). Harry “Rabbit” Angstrom, nhân vật chính của “Rabbit ơi, chạy đi”, có một cuộc đời mà ta có thể coi là hết sức đặc trưng của xã hội Mỹ. Anh xuất hiện lần đầu tiên trong cảnh chơi bóng rổ với bọn trẻ con ở đầu truyện, vì tuy làm nghề bán hàng lưu động, trước đây Harry là một ngôi sao bóng rổ. Cuộc sống của Harry Angstrom được John Updike thuật lại hết sức tỉ mỉ, chi tiết, tinh tế và thường xuyên điểm xuyết nỗi chua chát cùng sự châm biếm: Harry là một người Mỹ vừa “điển hình” vừa hết sức cá nhân, một hình tượng lớn trong lịch sử văn chương đương đại Hoa Kỳ.
 

 logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Khế ước xã hội”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, “Vĩnh biệt các gangster”… là những cuốn sách mới nên đọc của Đẹp:

 

Thực hiện: depweb

09/09/2014, 17:17