Chuyện của StarTAC - Tạp chí Đẹp

Chuyện của StarTAC

Giải Trí

Nếu đến cửa hàng di động mà hỏi StarTAC, bạn có thể nhận được câu trả lời đại loại: “Bố tôi cũng có một cái đấy!”.

StarTAC, được sản xuất bởi Motorola, ra mắt ngày 3/1/1996, không chỉ là điện thoại nhỏ và nhẹ nhất thời bấy giờ, mà vẫn là một chiếc điện thoại nhỏ và nhẹ theo tiêu chuẩn ngày nay, 16 năm sau. Được quảng bá là loại điên thoại “di động” đúng nghĩa (wearable) đầu tiên, StarTAC chỉ nặng 3,1oz – tương đương 88 gram (trong khi iPhone 4 nặng 4,8oz). Ngày nay ta có thể thấy buồn cười bởi khái niệm này, nhưng hãy nhớ thời điểm đó, không phải chiếc điện thoại nào cũng dễ dàng cho vào túi quần được.

Tất nhiên không được như các điện thoại thông minh ngày nay, nhưng StarTAC cũng có thể kết nối với laptop với tốc độ bằng 1/6 một modem dial-up 56k. Nó cũng là điện thoại đầu tiên có chế độ rung và dùng pin li-ion.

Quan trọng hơn, StarTAC là chiếc điện thoại dạng vỏ sò đầu tiên trên thế giới (phát triển từ MicroTAC, điện thoại với thiết kế có nắp gập che bàn phím, sản xuất năm 1989). Với hình dáng gọn nhẹ, nghiêng về tính thời trang, StarTAC đã mang tới cho toàn thế giới một định nghĩa về thiết kế của điện thoại di động.

Thêm một cú sốc nữa, là khi giá thành của StarTAC phiên bản đầu tiên được công bố: 1.000USD, đắt nhất thời bấy giờ. Trong mẫu quảng cáo xuất hiện đồng loạt trên các tạp chí sang trọng nhất, người ta đặt StarTAC cạnh chiếc thẻ American Express Gold, “bắt” người xem liên tưởng hai thứ với nhau: nhỏ nhẹ như nhau, đáng được khao khát như nhau. Và chiến lược marketing này đã nhanh chóng thành công. Bước ra ngoài chức năng là một vật dùng để liên lạc, như tất cả các máy điện thoại di động trước đó, chẳng mấy chốc StarTAC trở thành một vật đáng khao khát và đã nằm trên tay tất cả những người muốn chứng tỏ sự thành công của mình. Không ngạc nhiên khi nó là một trong những điện thoại di động đầu tiên đạt doanh thu kỷ lục, đã có 60 triệu chiếc StarTAC được bán ra.

Cuộc soán ngôi của StarTAC

Tuy vậy, không bất biến như những thiết kế kinh điển và trường tồn như bút máy Mont Blanc, những sản phẩm tương tự của Sony và Ericsson ra đời đã hạ giá StarTAC nhanh chóng. Một năm sau, dòng StarTAC 75 ra đời với giá 200USD, và StarTAC 85 nguyên bản cũng có thể mua được với giá 300USD. Tuy vậy nó vẫn là một trong những chiếc điện thoại đắt nhất thời bấy giờ.

 

StarTAC phiên bản đặc biệt 

Không ngủ quên trên chiến thắng, Motorola liên tục làm mới StarTAC, ví dụ phiên bản vỏ “cầu vồng”, màn hình từ LED sang LCD đen trắng hoặc OLED… Cú đột phá cuối cùng là sự ra đời của dòng StarTAC 130 sang trọng mạ vàng, ngoài ra còn có phiên bản đặc biệt kết hợp với Jaguar, Mercedes S class. StarTAC vẫn còn phổ biến đến những năm 2000 và xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Hollywood thời đó như phim “8mm” với sự diễn xuất của Nicolas Cage.

Phiên bản StarTAC cuối cùng được sản xuất năm 2002, rồi chính thức được xếp vào hàng “cựu binh”. Nhưng với những gì đã làm được, chiếc điện thoại vỏ sò đầu tiên này được PCWorld xếp hạng 6 trong danh sách 50 thiết bị đỉnh cao; và tạp chí Time cũng xếp StarTAC vào danh sách 100 thiết bị quan trọng nhất trong lịch sử.

 

Sành điệu một thời

Bài viết đã đăng:

>> Huyền thoại “Người đi bộ”

>> Chuyện của StarTAC

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề:

>> Đồng nát sành điệu

>> Xa xỉ một thời và bền lâu

>> Người sành điệu một thời

Thực hiện: depweb

07/11/2012, 17:03