“Chợ thần chết” chờ cơ chế hành chính - Tạp chí Đẹp

“Chợ thần chết” chờ cơ chế hành chính

Tin Tức

“Chợ thần chết” chờ cơ chế hành chính
Đường tàu Lê Chân – được mệnh danh là “chợ thần chết” – đến giờ này vẫn là nỗi ám ảnh nhức nhối về tệ nạn ma tuý ở Hải Phòng. Ảnh: Phạm Việt Hòa

Và vì không có cái gọi là “cơ chế” ấy nên con phố 2km chạy dọc tuyến đường sắt quận Lê Chân – vốn được gọi là “chợ thần chết” – đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh nhức nhối nhất về tệ nạn ma túy ở Hải Phòng.

Con phố ghê rợn

Cháu mua ma túy của một người không quen biết ở đường tàu Lê Chân” – một tội phạm vị thành niên bị bắt nói. Đó là câu trả lời quen thuộc tới mức chưa nghe đã đoán ra từ miệng những kẻ bán lẻ ma túy, cho dù họ bị bắt ở một quận nội thành Hải Phòng hay một huyện đảo xa hơn như Cát Hải… “Mua ma túy ở đường tàu” trở thành cụm từ cũng quen thuộc chẳng kém trong hàng trăm báo cáo về vụ án của các đơn vị CA TP.Hải Phòng.

Sở dĩ cái tên đường tàu Lê Chân “nổi tiếng” như vậy vì đây là tụ điểm ma túy hình thành sớm nhất và tồn tại lâu nhất ở Hải Phòng. Từ năm 2005 trở về trước, chỉ những người can đảm lắm mới dám đi qua đường tàu Lê Chân, bởi đây là “lãnh địa” của giới buôn ma túy và con nghiện. Chỉ cần bước qua những tuyến phố đông đúc, sầm uất và giàu có bậc nhất Hải Phòng như Cầu Đất, Mê Linh, Cát Cụt vài bước chân, rẽ vào đường tàu là một cuộc sống khác, một thế giới khác.

Những người lương thiện sống ở khu vực đường tàu vẫn còn hãi hùng về một thời người nghiện xếp hàng mua ma túy như cảnh người ta mua tem phiếu thời bao cấp. Ở nơi đó có những thân hình dặt dẹo, dật dờ như những bóng ma giữa “giàn đồng ca” hỗn tạp tiếng cười sặc sụa man dại, tiếng khóc rống, tiếng lải nhải chửi thề của những người đang vật vã vì cơn “vã” hay “phê” thuốc. Cứ dăm bữa người ta lại thấy một thân hình gầy giơ xương, mắt mở trừng trừng, miệng thì sùi bọt, nằm co quắp cạnh gốc cây, bờ tường – họ đã chết vì sốc thuốc, thiếu thuốc.

Sức tiêu thụ ma túy ở chợ này nhiều đến mức có một bà lão nghiện ma túy, hằng ngày đi dọc đường tàu nhặt bơm kim tiêm để bán cho các cơ sở tái chế nhựa; với giá 3.000đ/kg, mỗi ngày bà lão này cũng kiếm được vài chục nghìn đồng để mua ma túy chích cho mình. Chính vì những nét ghê rợn đó mà cái tên ma quỷ – “chợ thần chết” đã được người ta gán cho tuyến đường sắt 2km này.

Công an tuần tra, kiểm soát liên tục tại đường tàu Lê Chân.
Công an tuần tra, kiểm soát liên tục tại đường tàu Lê Chân.

“Boongke” của quỷ

Ngày nay vào đường tàu Lê Chân, không còn bắt gặp cảnh người nghiện xếp hàng mua ma túy, nhưng hoạt động buôn bán vẫn diễn ra lén lút với các thủ đoạn tinh vi hơn. Một trong những thủ đoạn thường được loại tội phạm này sử dụng là lập nên các “boongke”. Thượng tá Nguyễn Mạnh Vũ – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân – giải thích: “Boongke” là những ngôi nhà sát nhau, có cửa thông từ nhà này sang nhà kia, đồng thời nối ra những ngõ nhỏ loằng ngoằng, sâu hun hút.

Để mua được ma túy, người nghiện phải là khách quen và chỉ có thể đứng ngoài cửa sắt, đút tiền qua một ô hẹp, sau đó nhận “hàng” cũng qua ô cửa đó. Bắt các vụ mua bán ma túy ở các “boongke” luôn là nhiệm vụ khó khăn, bởi khi phá được các lần cửa sắt để vào trong thì kẻ buôn ma túy đã có đủ thời gian phi tang vật chứng hoặc cao chạy xa bay.

Để bảo đảm sự tin cẩn, an toàn, nhiều đầu nậu ma túy ở đường tàu Lê Chân lôi kéo, sử dụng chính những thành viên trong gia đình mình vào đường dây buôn “tử dược”. Đầu tháng 7.2012, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân bắt về trụ sở một “người quen” – đó là Nguyễn Thị Phấn (85 tuổi) về hành vi tàng trữ trái phép ma túy. Bà lão này là “cây cao bóng cả” của một đại gia đình với hơn 10 người gồm con, cháu nội, ngoại hầu hết đã và đang “bóc lịch” trong tù về tội buôn bán ma túy. Nhiều đứa cháu của bà Phấn khi bị bắt đã khai chính bà của chúng truyền dạy cho cách “làm ăn” này.

Ở “chợ thần chết”, ngoài gia đình Nguyễn Thị Phấn còn có một số đại gia đình buôn ma túy như gia đình Vân “cong” với gần 10 người bị bắt. Gia đình T cũng đông đúc cả xâu, dạn dày “thành tích bất hảo”. Quả thật, với những “boongke” ma quỷ này, cảnh sát điều tra khu vực và thành phố đã lắm phen vất vả, nhưng không hiệu quả bao nhiêu. Đã thế, trong tay lại không có cơ chế cần thiết.  

“Cơ chế” đến từ đâu?

Trước tình trạng tệ nạn ma túy ngày càng lộng hành, gần đây, quận Lê Chân liên tiếp tổ chức tấn công vào “chợ thần chết”. Hàng chục chuyên án đã được triển khai, xóa sổ nhiều ổ nhóm sừng sỏ ở đây. Dọc tuyến đường sắt trước kia là đường đất, um tùm cây bụi đã được dọn sạch, xây dựng thành đường bêtông với hệ thống đèn chiếu sáng cao áp lắp dọc tuyến, không để cho tội phạm có cơ hội hoạt động ban đêm.

Ông Phạm Tiến Du – Chủ tịch UBND quận Lê Chân – nói: “Đặc biệt từ trung tuần tháng 5, chúng tôi đã chỉ đạo CA quận phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội đồng loạt bao vây, tấn công  trực tiếp tội phạm ma túy khu vực đường tàu”. Mỗi ngày có từ 50 đến 70 lượt cán bộ, chiến sĩ CA tăng cường tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ ở tuyến đường tàu. Khi người nghiện bị đẩy, đuổi ra khỏi đường tàu Lê Chân, các đối tượng chuyên bán ma túy trong các “boongke” buộc phải… ra đường giao hàng và đó chính là thời cơ thuận lợi nhất để lực lượng CA tiến hành bắt giữ.

Sơ kết đợt cao điểm từ ngày 15.5 đến 30.6, CA quận Lê Chân đã bắt 18 vụ với 20 đối tượng buôn bán ma túy; lập hồ sơ đưa 47 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động số 2 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Triển khai đợt cao điểm này, chính quyền quận Lê Chân quyết tâm xóa đi hình ảnh xấu ở khu vực đường tàu này, nhưng vướng mắc lớn nhất đối với họ lại chính là cái được gọi là “cơ chế”. Theo quy trình đang được áp dụng tại TP.Hải Phòng thì chính quyền một quận, huyện chỉ được phép lập hồ sơ đưa các đối tượng nghiện có hộ khẩu thường trú tại quận, huyện đó đi điều trị tại trung tâm cai nghiện. Trên thực tế, có tới hơn 80% số người nghiện có hộ khẩu ở các địa phương khác thường lai vãng ở đường tàu Lê Chân.

Đối với những người này, CA quận Lê Chân không thể lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, nên đành đứng nhìn họ ngày đêm vào ra “chợ thần chết”. Ông Phạm Tiến Du cho rằng: “Để giải quyết tình trạng người nghiện tụ tập tại các tụ điểm ma túy nhức nhối như đường tàu Lê Chân, TP.Hải Phòng cần có một cơ chế rộng mở hơn. Theo đó, lực lượng chức năng cần có đủ thẩm quyền đưa bất kỳ một người nghiện nào vào trung tâm cai nghiện của TP cho dù đối tượng là người thuộc địa bàn quận, huyện khác. Mọi thủ tục hồ sơ sẽ được thông báo và địa phương nơi người nghiện cư trú có trách nhiệm bổ sung sau”.

Đồng tình với quan điểm của ông Du, trung tá Lương Gia Tuấn – Đội phó Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân – khẳng định: “Chỉ cần TP.Hải Phòng có cơ chế như vậy, chúng tôi đảm bảo trong vòng 2 tháng sẽ xóa sạch chợ ma túy đường tàu. Một khi người nghiện không thể vào đây, các “boongke” bán ma túy sẽ tự nhiên sụp đổ”.

Ý kiến của ông Phạm Tiến Du thật ra đã có tiền lệ. Ở Đà Nẵng, Sơn La người ta đã làm rồi. Thậm chí Đà Nẵng mỗi khi thu gom được một đối tượng nghiện vào trung tâm, lực lượng chức năng còn được “thưởng nóng”. Hiện CA quận Lê Chân chưa nghĩ tới việc được thưởng, cái họ cần trước mắt là một cơ chế thích hợp để xóa bỏ tội ác, làm trong sạch lại địa bàn. Đơn giản chỉ có vậy, thế mà cả chục năm nay cứ phải chờ như chờ một thủ tục hành chính dửng dưng, máy móc. Tại đâu thế?

Theo Lao động

Thực hiện: depweb

09/08/2012, 10:58