Ca sĩ Hoàng Bách: “Cảm ơn thầy đã… từ chức!” - Tạp chí Đẹp

Ca sĩ Hoàng Bách: “Cảm ơn thầy đã… từ chức!”

Sao

Hành động từ chức của thầy hiệu trưởng trường “nữ sinh bị đánh hội đồng” ở Trà Vinh, nếu là ở các nước văn minh – nơi các công dân luôn có trách nhiệm với công việc của mình, hẳn là một việc bình thường. Nhưng ở Việt Nam thì phải nói là “của hiếm”.

Hẳn chúng ta đều đồng ý, trong sự việc này, lỗi không chỉ thuộc về một người mà là lỗi của cả một hệ thống từ gia đình tới nhà trường, trong đó có cả những thầy cô trực tiếp dạy dỗ các em và cả chính bản thân các em nữa. Các em đã học đến lớp 7, cũng đã bắt đầu đủ lớn để ít nhiều nhận thức được hành động của mình… Nhưng, còn gì dễ hơn khi nói: “Đây là lỗi hệ thống, lỗi tập thể”, và cuối cùng, sẽ chẳng là lỗi của ai cả – một “thông lệ” ở ta rồi! Hành động từ chức của thầy hiệu trưởng vì thế theo tôi rất đáng trân trọng, khi thầy đã không chọn núp mình dưới cái “thông lệ” đáng buồn ấy.

Ca sĩ Hoàng Bách và con trai trong chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”

Dĩ nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu sự việc không bị phát hiện thì làm gì có chuyện thầy hiệu trưởng từ chức. Tôi nghĩ khác, chuyện học sinh trong trường đánh nhau không hẳn là chuyện cá biệt. Trẻ con ở tuổi “nổi loạn”, việc đánh nhau không phải là điều hiếm ở bất kỳ nước nào chứ không riêng ở ta. Để xảy ra chuyện, ngay trong một trường học, dĩ nhiên lỗi đầu tiên thuộc về thầy hiệu trưởng, nhưng như đã nói, không thể quy kết cho một mình thầy.

 

Ở Việt Nam có biết bao sự việc, cả những việc đôi khi ảnh hưởng đến mạng sống của người khác, nhưng liệu đã mấy ai chịu từ chức? Trong khi đó, một thầy hiệu trưởng đã dám đứng ra nhận trách nhiệm trong một câu câu chuyện mà lỗi không chỉ thuộc riêng mình.

Dù so sánh là điều khập khiễng, nhưng trong thế giới phẳng này, học được một điều gì đó đáng làm từ những nước văn minh, thiết nghĩ cũng là  một cách để chúng ta hòa nhập. Với những hành động đẹp như vậy, nước ta sẽ giảm “cơ hội” để biến thành ốc đảo như lời của bác Dương Trung Quốc từng nói.

 

Văn hóa từ chức nói cho cùng chính là văn hóa sống có trách nhiệm, điều rất hay bị xem nhẹ ở ta. Mong rằng, đây sẽ là một tiền lệ tốt để mỗi người dù đang giữ vị trí nào ở nơi công sở, công quyền, dù là anh công an phường, hay bác bảo vệ trường, cả những người giữ chức vụ cao hơn nữa – nếu thấy được trách nhiệm của mình khi để sự việc nào đó xảy ra quá giới hạn cho phép thì cũng nên biết đứng ra chịu trách nhiệm.

Hành động từ chức của thầy giáo đang được dư luận ủng hộ và chia sẻ. Biết thế  là hơi bất nhẫn khi một người có lòng tự trọng phải từ bỏ công việc, nhưng đôi khi, một sự nuối tiếc sẽ để lại nhiều bài học hơn là tròn trịa theo kiểu “cố đấm ăn xôi”.
“Văn hóa từ chức nói cho cùng chính là văn hóa sống có trách nhiệm, điều rất hay bị xem nhẹ ở ta”

Và đó âu cũng là lẽ công bằng: ai không làm được việc thì nghỉ, ai chưa làm tròn trách nhiệm thì nên từ chức. Còn nếu như anh thực sự là người có tài và có tâm, thì ở một công việc khác, vị trí khác, anh cũng vẫn có thể trở thành một người có ích cho xã hội.

Băn khoăn chăng ở đây là câu chuyện của một thầy giáo. Chúng ta luôn nói cần đề cao giáo dục, giáo dục là mũi nhọn…, nhưng trên thực tế, mức đãi ngộ lại chưa tương xứng với những công sức mà các thầy cô phải bỏ ra, cũng như những áp lực mà họ phải đối diện, để họ có thể làm nghề một cách toàn tâm toàn ý hơn. Sự thay đổi vì thế cần thiết là một sự thay đổi từ trong hệ thống, chứ không chỉ cá nhân một người thầy. Vấn đề không chỉ là văn hóa từ chức, vấn đề lớn hơn nữa là muốn một quốc gia phát triển thì chúng ta phải nhìn vào những vấn đề cốt lõi, trong đó có giáo dục…

Ca sĩ Hoàng Bách

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

19/03/2015, 08:23