Cá Hồi Hoang: Indie hay không, cũng không quan trọng

Đối với Cá Hồi Hoang, có cảm giác như mọi thứ đã được định đoạt ngay từ cái tên. Hành trình ngược dòng của cá hồi là một hành trình đi tìm lẽ sống, và thay vì tìm sự an ổn, nó lại đi tìm sự bất định.

“Con thác” thứ tư mà Cá Hồi Hoang ngược dòng mang tên “Hiệu ứng trốn chạy”. Album phòng thu này có nhiều điều bất định, trước hết là nó ít đi những điều người ta đã từng vì thế mà yêu thích ban nhạc. Album được phát hành có tem ấn đàng hoàng, và khán giả sợ rằng Cá Hồi Hoang đã trưởng thành, đã thoát khỏi một cái gì phi chính thống.

Xét cho cùng thì đó là một nỗi sợ thật dễ thông cảm. Tôi có thể liều lĩnh so sánh nó phần nào giống nỗi sợ của người hâm mộ khi thấy Bob Dylan không mang cây guitar mộc quen thuộc mà chuyển sang cây guitar điện vào một đêm diễn tháng 7/1965. Những người yêu folk thời điểm ấy nghĩ, vậy là họ đã mất Bob Dylan của riêng họ vào tay thứ rock ồn ào kia rồi.

Thì cũng tương tự thế, có những người mà tuổi trẻ của họ từng được kể bởi Cá Hồi Hoang. Khi Cá Hồi Hoang để ngỏ một khả năng bước ra ánh sáng, họ cảm thấy như thể tuổi trẻ của mình đã chạm hồi kết, những bí mật cất giấu trong bóng tối giờ đây không còn là của riêng họ nữa, và một công chúng lớn hơn sẽ nuốt chửng lấy những ngọt ngào mới ngày nào còn dành riêng cho họ.

“Hiệu ứng trốn chạy” là album phi chính thống hơn tất thảy

Tuy nhiên, khán giả không cần phải lo lắng quá nhiều. Bởi “Hiệu ứng trốn chạy” dường như còn phi chính thống hơn tất cả những gì họ từng làm trước đây, trong “Chương II”, trong “Giấc mơ giấy”, trong “Gấp Gap: Có cần phải có lý không?”. Một thứ âm nhạc phi chính thống chín muồi, không ngây thơ, không bản năng, khó nghe hơn, có những bài hát hoàn toàn là một cuộc chơi âm thanh (như “Hiệu ứng cuối cùng”), đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để thực sự rơi vào cái vũ trụ ấy, nhưng một khi đã rơi vào thì khó bước ra.

Bìa album “Hiệu ứng trốn chạy” là hình ảnh khe phát âm thanh hình chữ f thường thấy trên những nhạc cụ thuộc họ violin, nhưng lại cách điệu thêm một chữ “x”, để tạo thành f(x). f(x) là cách người ta ký hiệu một hàm số trong toán học: khi biến số “x” thay đổi thì giá trị của hàm số cũng dao động theo. Có lẽ đó cũng là bản chất thứ âm nhạc trong “Hiệu ứng trốn chạy”, liên tục dao động từ thể trạng này sang thể trạng khác.

Âm nhạc chòng chành trong những chương hồi cảm xúc trái ngược, mất mát và lấp đầy, nhớ và quên, chạy trốn và kiếm tìm, mơ màng và tỉnh táo, rối ren và cân bằng, thẫn thờ và gấp gáp. Trong những bài hát của “Hiệu ứng trốn chạy” luôn có một thể nhị phân, ví dụ như trong bản nhạc số 3, “Bin” còn là một con người, ngay lập tức tiến sang bài số 4, “Inside Mr.Bin” đã trở thành một cái thùng rác. Con người và cái thùng rác trong âm nhạc của Cá Hồi Hoang thì cũng giống nhau cả, luôn chất đầy những thứ tưởng là cần mà chỉ đáng vứt đi.

Nhị phân nhập nhằng ấy tồn tại trong mọi ngóc ngách của “Hiệu ứng trốn chạy”. Như trong ca khúc chủ đề của nó, nhân vật chính luẩn quẩn trong vòng quay trốn và tìm. Cô chạy khỏi cái này để đi tìm một cái khác, và rồi phát hiện ra chẳng có gì thay đổi.

Chủ nghĩa hiện sinh trong âm nhạc của Cá Hồi Hoang

Nếu so với album “Chương II” hay “Giấc mơ giấy”, “Hiệu ứng trốn chạy” mang tính concept cao hơn nhiều. Bạn có thể nghe bất kỳ bài hát nào trong “Chương II” và “Giấc mơ giấy”, nhưng với “Hiệu ứng trốn chạy” thì bạn phải nghe theo thứ tự từ đầu tới cuối để có thể thu nạp cả một tổng thể âm nhạc, để trải qua tất cả những trò chơi âm thanh mà Cá Hồi Hoang đã bày ra.

Từ “Hiệu ứng bắt đầu” với tiếng piano sâu lắng, rồi tiếng ai đó thở gấp, những tiếng va đập của đồ vật thoáng qua, và giai điệu nối liền đột ngột với 5AM như một khúc cua gấp, “đồ thị hàm số” lên đến đỉnh ở “Acid8”, “Hiệu ứng ngược” và “Hiệu ứng trốn chạy”, sau đó đi xuống dần với “Cần một ngày”, “Tỉnh táo” – như tâm trí con người đang dần hồi phục. Khi đã “Cân bằng” thì lại là lúc những niềm đau của sự hiện sinh nhức nhối nhất. Đến phút cuối, sự nhập nhằng vẫn không dừng lại.

Từng có người nói rằng ở Cá Hồi Hoang phảng phất nét chủ nghĩa hiện sinh. Mặc dù cũng không cần thiết phải khoác một cái áo triết học quá cao siêu cho một ban nhạc rock làm gì, vì tự thân hai chữ “âm nhạc” đã có một đời sống vượt ngoài triết học, nhưng đúng thật, Cá Hồi Hoang thực sự rất hiện sinh.

Nói đơn giản thì hiện sinh là triết học về con người trong bối cảnh “con người bị kết án phải có ý nghĩa”. Và âm nhạc của Cá Hồi Hoang là một sự phản kháng với sự kết án đó. Sự phản kháng ấy vẫn hiển hiện trong “Hiệu ứng trốn chạy”, nhưng nó không chỉ đặt ra những cảm xúc vu vơ trống trải như những album khác đã làm, nó đặt ra một câu hỏi có tính phản đề, như trong “Cân Bằng”: “Thời đồ đá, phải chăng, ai cũng muốn cứ lay lắt sống qua ngày? Có cần phải ướt át? Còn giờ ai cũng hát cũng nghe về gió, về mưa. Gió sẽ mát hay mưa đẹp biết bao lần. Cuối cùng cũng héo khô”. Ngay cả ý nghĩa, cả cái đẹp cũng là vô nghĩa, còn gì phi lý hơn và hiện sinh hơn?

Nhà văn Ahn Do Hyun trong tác phẩm “Cá hồi” từng viết: “Điều quan trọng luôn nằm ở sau cùng. Cho dù là bất cứ điều gì, chưa đến tận cùng thì đừng vội xét đoán”. Không ai chỉ nhìn loài cá hồi trong một giai đoạn. Cuộc đời của cá hồi chỉ có thể xét đoán khi nó đã đi trọn vòng sự sống của mình. Với những chú Cá Hồi Hoang, người ta cũng chỉ có thể xét đoán một khi chúng đã xong xuôi công việc trong âm nhạc, nghĩa là còn cần thêm rất rất nhiều năm nữa.

Nói bao nhiêu cũng chỉ để giải thích rằng, có tem hay không có tem, indie hay không indie, thế nào là indie, điều đấy cũng không quan trọng.

CÁ HỒI ĐÃ BỚT HOANG?

Tại một nền giải trí nơi các sản phẩm âm nhạc hầu như chỉ được nhận diện bằng MV, và nhiều nghệ sĩ đại diện cho thị trường gần như bỏ quên việc làm album, thì một ban nhạc mang tiếng là độc lập như Cá Hồi Hoang lại có cách thức phát hành chuyên nghiệp hơn tất cả: ra liên tiếp 4 album, đầu tư cho từng concept, dùng MV làm sản phẩm quảng bá và tổ chức tour diễn xuyên Việt. Nói cách khác, những gì Cá Hồi Hoang đã và đang làm mới là những hoạt động chính thống nhằm tạo nên sự vận hành cho thị trường âm nhạc.
Trong buổi ra mắt đĩa nhạc thứ 4, ba chàng trai đồng loạt phát ngôn: “Chúng tôi sợ bị gọi là indie”. Điều này làm dấy lên một nỗi sợ trong cộng đồng người hâm mộ rằng “Cá Hồi đã không còn hoang”. Giờ là lúc để họ lên tiếng về điều này.

Thực hiện: Hạnh Moon, Thủy Phan

Đọc thêm:

Cá Hồi Hoang: Indie hay không, cũng không quan trọng

Nguyễn Thanh Minh: Indie là phong cách, không phải là thái độ

Thành Luke: Nhạc của Cá Hồi Hoang khó nghe và khó hiểu

Bùi Khắc Đạt: Chúng tôi bình thường đến bất thường


From the same category