Bí quyết trồng cây thanh long từ hạt

Nhiều chị em phụ nữ rất thích mua thanh long vì không chỉ ngon, rẻ mà loại quả này còn có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Với một cốc sinh tố thanh long để giải nhiệt vào mùa hè, mọi nóng bức mệt mỏi trong người dường như sẽ tan biến hết. Một số gia đình còn trồng cây thanh long trong sân vườn để làm cảnh vì hoa của cây này khá đẹp và có hương thơm dịu nhẹ. Đẹp Online hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn tự trồng thanh long tại nhà để vừa ngắm được hoa mà cũng vừa ăn được quả nhé.

 
Thanh long ruột đỏ.

Thanh long có nguồn gốc từ Nam Mỹ và cùng họ với xương rồng. Các chất dinh dưỡng có trong thanh long khá phong phú:  vitamin B, vitamin C, protein, potassium, nước, kali, canxi, chất xơ, sắt… Loại quả này tốt cho tim mạch, hệ miễn dịch, có tác dụng chống lão hóa, ngừa mụn nhọt và  cả ngăn ngừa ung thư.

Trong ngành trồng trọt, thanh long thường được trồng vào tháng 10 – 11 dương lịch để tận dụng độ ẩm khi vào cuối mùa mưa. Tuy nhiên nếu bạn trồng tại nhà theo sở thích thì không có gì ngăn cản việc trồng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thanh long thích hợp khí hậu nắng nóng, chịu được hạn giỏi nhưng rất ngại… “dập dềnh” trong nước (rễ không chịu được quá ẩm ướt). Để có thể trồng được ngay tại ngôi nhà thân yêu của mình bằng hạt giống thanh long, bạn cần chuẩn bị theo các bước sau:

Bước 1: Bổ đôi một quả thanh long ra, nạo hết ruột và cho vào một cái đĩa. Sau đó, dùng thìa gạt nhỏ những miếng thanh long để tách được hạt của chúng và rửa sạch.Công đoạn này đòi hỏi phải tập trung và khéo léo để không làm hư tổn tới hạt. Chọn trong đám hạt được lấy ra những hạt trông “ưu tú” nhất (to hơn chút xíu so với các hạt khác, đen láy và không bị hư hại). Ngay từ khâu chọn hạt nếu làm không cẩn thận, rất có thể sẽ trồng cả năm mà không thể nảy mầm.


Dùng thìa nhẹ nhàng lấy phần ruột thanh long, sau đó tìm cách lấy hạt một cách khéo léo.

 
Phần hạt sau khi được tách khỏi ruột.

Bước 2: Rải đều những hạt thanh long lên một miếng giấy hoặc bông ẩm thấm nước. Sau đó cuộn những mảnh giấy lại và cho chúng vào những chiếc túi nilon, đóng kín lại rồi để chúng dưới đèn chuyên dụng hoặc để nơi cửa sổ để lấy ánh sáng.


Túi nilon chứa bông ẩm.

Sau khoảng 2 tuần, những hạt thanh long sẽ bắt đầu nảy mầm. Lúc này bạn vẫn cần phải duy trì độ ẩm cho chúng để mầm phát triển nhanh trước khi chuyển chúng ra chậu đất. Nếu đến khoảng 3 tuần mà bạn vẫn chưa thấy nảy mầm thì có thể do chất lượng của hạt hoặc độ ẩm chưa đủ, hạt thiếu ánh sáng. Chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu.


Những mầm non đầu tiên bắt đầu vươn dài khỏi hạt.

Sau khoảng 3 tuần thì ta đưa những hạt mầm non ra những chậu đất nhỏ để chúng bắt đầu thích nghi với môi trường đất. Đây là thời điểm cây cần cung cấp nhiều ánh sáng để kích thích cây đâm chồi lá non đầu tiên. Vẫn tưới nước đều đặn vào mỗi buổi sáng, nhưng đừng quá tay nhé, hãy nhớ rằng dù sao thanh long cũng thuộc họ xương rồng. Mà họ xương rồng thì thường không thích phải “tắm” quá nhiều đâu.


Mầm thanh long hứng ánh nắng ấm áp.

Sau hơn một tháng thì những mầm non cây thanh long sẽ cho ra nhánh lá đầu tiên. Những nhánh này có đặc điểm là có hình đa diện và có các vảy lông tơ nhỏ dài bao xung quanh. Đây là giai đoạn định hình của cây.


Nhánh lá non của thanh long có vẻ ngoài “nguy hiểm” hơn hẳn các loại cây khác vì có rất nhiều lông tơ.


Giai đoạn này quyết định lớn đến việc cây sẽ phát triển tốt đến đâu.

Bước 3: Sau khoảng 6 tuần thì cây non sẽ có chiều cao đạt khoảng từ 7 đến 10 cm,  nên chuyển chúng sang những chiếc chậu lớn hơn để cây phát triển mạnh mẽ hẳn (chú ý không nên trồng mật độ cây quá dày sẽ làm giảm chất lượng phát triển của cây con).


Giã từ chậu cây con để đến với môi trường lớn hơn, nơi rễ tha hồ “tung tăng” vươn dài.

Lúc này hình dạng của cây đã tương đối hoàn chỉnh. Chúng sẽ giữ hình dạng này cho đến lúc trưởng thành, chỉ khác là kích thước sẽ to hơn. Hãy cho cây được thỏa sức hứng nắng và tưới nước cho chúng từ 3-7 ngày/lần. Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi nhưng nếu thiếu nước kéo dài thì cây sẽ mất sức và làm giảm khả năng phát triển.


Cây đã bắt đầu biết “tạo dáng”

Sau khoảng 20 tuần thì chiều cao của cây sẽ đạt từ 50 – 70cm. Vì là cây thân leo nên bạn cần dùng những chiếc cột đỡ để cố định thân thanh long. Đây là giai đoạn cần bón nhiều phân hữu cơ để kích thích cây phát triển.

 
Từ tháng thứ 3 trở đi cây sẽ bắt đầu đẻ những nhánh con, lúc này chiều cao đã đạt từ 10 đến 15cm.

Từ tháng thứ 5 trở đi cây sẽ phát triển khá lớn. Nếu thấy việc trồng trong chậu nhỡ không đủ cho cây thì nhanh chóng chuyển sang chậu lớn hơn để bộ rễ bám sâu xuống đất hút chất dinh dưỡng. Dù là loại chậu nào thì cũng phải có được sự thoát nước tốt. Nhà có vườn thì mang trồng ra vườn sẽ càng tuyệt hơn.

Trụ đỡ để cây leo cần được nâng cấp lên chắc chắn vì thời điểm này có thể đường kính của thân sẽ đạt từ 5 – 7cm. Cây đẻ nhánh rất nhanh.

   

Từ 1 năm trở đi cây thanh long bắt đầu đơm hoa. Hoa thanh long nở nhiều và đẹp, rủ đều xuống hai bên. Đặc biệt mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu. Bạn sẽ có cảm giác đầy thư thái mỗi khi nhìn ngắm nhìn và ngửi mùi hương lúc hoa đang nở.

 
Hoa thanh long thường có màu trắng dịu dàng.

Thời gian từ khi có những nụ hoa chơm chớm xuất hiện đến khi hoa nở đẹp tươi là khoảng 15 – 25 ngày. Khi hoa nở đến lúc kết trái chín là 27 – 35 ngày. Hoa sẽ nở từng đợt liên tục và kế tiếp nhau ngay cả khi đã thu hoạch trái. Cây sai trái, quả ngọt đến đâu phụ thuộc rất lớn vào giống và đặc biệt là lượng ánh sáng được hấp thụ.

Một số lưu ý khi trồng:

– Cây thanh long là dạng cây thân leo, khi trưởng thành trọng lượng của những bụi cây rất nặng nên bắt buộc phải làm giá thật chắc chắn để cây có thể phát triển tốt mà không sợ đổ.

– Bọ xít, kiến, ruồi vàng là những con vật mà thanh long không ưa. Kiến đục khoét làm hư cây các cành thanh long non, cắn mất tai lá. Bọ xít và ruồi vàng thường chích vào những trái thanh long sẽ làm giảm giá trị và thẩm mỹ trái thanh long của bạn. Do đó nên để ý bắt sâu bọ và tỉa cành cho chúng phát triển một cách tốt nhất.


Khi trưởng thành, những bụi cây sẽ rất nặng. Để di chuyển được cây lúc này không hề dễ dàng.

– Một số bệnh hay gặp ở cây thanh long mà bạn cần chú ý là bệnh thối đầu cành và bệnh đốm nâu trên cành. Khi bị bệnh biểu hiện của cây là các ngọn cành của thanh long sẽ chuyển vàng, rồi mềm yếu và thối. Bệnh đốm nâu sẽ làm cho cành thanh long có những vết đốm màu nâu ở mắt và cành. Nên chú ý phòng bệnh và thường xuyên cắt tỉa những cành héo úa già để chúng không lây lan ra toàn cây.

Bài: Tùng Cover
Ảnh: GardenWB, PeterJE
logo

Xem tiếp: Lan Huệ – tình yêu nhú lên từ… củ

Bạn muốn chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc vườn tược, sắp xếp nhà cửa của mình? Hãy gửi tới chuyên mục Nhà/Vườn của Đẹp Online qua địa chỉ email: nhavuon@dep.com.vn

From the same category