Bào thai "báo oán": chưa đủ kinh dị - Tạp chí Đẹp

Bào thai “báo oán”: chưa đủ kinh dị

Review

“Báo oán” là câu chuyện về gia đình vợ chồng A Minh và Ngải Trân cùng hai đứa con, một trai một gái. Bề ngoài, mọi người vẫn tưởng rằng đây là một gia đình thuận hòa, êm ấm, nhưng đến một ngày nọ, đứa con gái nhỏ Lucy của A Minh tìm thấy một vật thể lạ trong nghĩa địa, cũng là lúc mở ra phần quá khứ nhiều hãi hùng của gia đình.

 

Mặc dù kể chuyện dài dòng, nhưng nội dung của “Báo oán” hết sức đơn giản, không có được cao trào nào đáng kể trong suốt cả phim. Với những người tinh ý, chỉ cần xem phần đầu họ sẽ đoán được phần sau của phim ra sao. May mắn là đến cuối phim, “Báo oán” cũng có một cú chuyển hướng đột ngột làm cho khán giả bất ngờ. Nếu không có cú chuyển này, chắc bộ phim chẳng để lại điều gì đáng coi cho khán giả. Trường hợp này cũng na ná với phim “Cô dâu đại chiến 2” công chiếu cách đây không lâu.

Mặc dù vẽ lên cho phim một hình ảnh ma quái, tâm linh, nhưng “Báo oán” chủ yếu hù dọa người xem bằng những tiếng động lớn bất ngờ, những tiếng la hét không cần thiết và những hình ảnh ập đến gần sát màn hình đột ngột. Những điều này khiến người xem yếu bóng vía la hét trong rạp và có cớ… ôm chặt nhau. Với những người xem phim có thần kinh vững hơn, họ chỉ cười khẩy: “Có vậy mà cũng tính hù người à?”.

Thêm vào đó, sự hạn chế trong kỹ xảo dựng phim cũng là một điểm trừ đáng kể của “Báo oán”. Các cảnh ma quái, cùng hình ảnh hồn ma con nít được vẽ rất giả tạo, mang cho người coi cảm giác như đang được coi một bộ phim Mỹ ở thập niên 40 của thế kỷ trước.

 

Huỳnh Đức Bân trong vai A Minh và Thiệu Mỹ Kỳ trong vai Ngải Trân đều là hai diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Hoa ngữ, được khán giả biết đến nhiều qua các vai diễn khác nhau trong các bộ phim truyền hình TVB. Diễn xuất của cả hai đều tốt, tuy nhiên cao trào tâm lý lại được thể hiện quá hời hợt do đường dây kịch bản lỏng lẻo ngay từ những phút đầu của phim.

Diễn biến tâm lý nhân vật chính Ngải Trân biến đổi không ngừng, khi thì cô hoảng sợ, hoang mang khi gặp ma, khi phải lo lắng cho việc hạnh phúc gia đình bị đe dọa. Đây có lẽ là những tâm lý thường thấy của phụ nữ, nhưng khi biết được rằng hồn ma quay về báo oán lại là một bào thai mình bỏ trước đây, Ngải Trân lại càng sợ hãi, ghê tởm nó hơn bao giờ hết, nhưng lại vẫn nói rằng mình yêu thương các con. Người xem hoang mang, tự hỏi, không lẽ cái bào thai bị phá đi ấy không xứng đáng để được yêu thương?

 

Với nội dung còn lỏng lẻo, cách ghép đặt tình huống khiên cưỡng, cố ý chắp nối để tạo ra không khí kinh dị cho bộ phim, “Báo oán” khó được đánh giá là một bộ phim kinh dị hay. Tuy nhiên, điểm cộng vớt vát cho bộ phim này nằm ở ý nghĩa nhân văn của nó.

Đề tài phá thai được nhắc đến trong phim lồng ghép thêm luật nhân quả khiến người xem có nhiều trăn trở về thực trạng xã hội. Vấn đề này mặc dù không mới, nhưng cách thể hiện, đưa nó vào phim ảnh khiến người xem chú ý lại là một điểm hay của “Báo oán”. Chỉ tiếc rằng, nếu như đạo diễn Khâu Lễ Đào bớt tham lam, đừng đặt quá nhiều chi tiết thừa thãi trong phim, thì đây đã là một bộ phim đáng xem. 

 

Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDB

 >>> Có thể bạn quan tâm: Tác phẩm điện ảnh đáng xem của Hàn Quốc – “Miss Granny” – thuyết phục khán giả tin những năm tháng thanh xuân không chỉ đến một lần. Ở đó bày cách cho mỗi người có thể có một ngày thấy mình như… “ngoại già tuổi đôi mươi”.

Thực hiện: depweb

05/04/2014, 08:57