Thanh xuân trở lại
Hiện có rất nhiều tác phẩm điện ảnh phác họa chân dung đời sống đương đại bằng cách lồng ghép vào đó những yếu tố huyền diệu. “Miss Granny”, bộ phim Hàn Quốc có chứa một phép màu như thế. Điều kỳ lạ xảy đến với bà lão 74 tuổi Oh Mal – Soon (Na Moon-Hee), người luôn mang mặc cảm mình ngày càng trở thành gánh nặng cho con cái, đặc biệt là với người con dâu.
Sớm góa chồng, Oh Mal – Soon một mình nuôi cậu con trai khôn lớn, thành đạt. Bà thường bộc lộ sự tự hào đôi khi thái quá về người con duy nhất là giáo sư trong lĩnh vực lão khoa. Đối với bà, tuổi già được sống bình yên bên con cháu là niềm hạnh phúc lớn nhất, bà chẳng màng gì hơn, mặc kệ một ông lão si tình vẫn ngày ngày… đeo bám.
Sau những đợt người con dâu bị trầm cảm, phải vào viện tới lui, bà mẹ chồng tự dằn vặt mình như thể chính bà đang khiến gia đình trở nên xáo trộn. Bà càng buồn hơn khi các con có ý đưa bà vào nhà dưỡng lão. Suy nghĩ miên man dắt bà lang thang trên các con phố, bước vào hiệu ảnh Thanh Xuân. Gặp ông chủ tiệm hình, bà bày tỏ ý định chụp một tấm hình kỳ niệm để dành cho đám tang một ngày…Chính lúc này, sau khi chụp hình, thì ở trong gương, trước mắt bà, có một… thiếu nữ.
Cái cớ tạo kịch tính và thiết lập đường dây câu chuyện của “Miss Granny” có vẻ quen, dù vậy, vẫn… khác thường. Đã từng gặp ở “The Courious Case of Benjamin Button” (Dị nhân Benjamin) câu chuyện về một cậu bé có chu trình sinh học ngược với bình thường. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh vô cùng nổi tiếng của Hollywood ít nhiều mang yếu tố “fantasy” (kỳ ảo). Còn ở “Miss Granny”, chuyện phim nghiêng về đời sống trần trụi, thực tế, dù một sự mầu nhiệm nào đó không được giải thích đã bất ngờ biến Oh Mal-Soon thành “ngoại già tuổi đôi mươi”.
Oái oăm, éo le bắt đầu xảy ra từ đây, khi Oh Mal-Soon, lúc này phải lấy một cái tên mới là Oh Doo Ri (Shim Eun Kyung), bên cạnh nhiều điều thú vị, thuận lợi thì cũng có những rắc rối khó tháo gỡ trước hiện tượng “hồn bà già, da gái trẻ”. Nhờ có giọng hát hay mà Doo Ri trở thành ca sĩ, tham gia ban nhạc của… cậu cháu trai hiếu thảo, chỉ có điều, cậu cháu là thủ lĩnh ban nhạc dần đem lòng yêu cô gái Doo Ri. Trong khi đó, Doo Ri và nhà sản xuất âm nhạc Han Seung-Woo sớm vướng tiếng sét ái tình: họ rung động trước nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều ấy khiến quá khứ buồn thương của “ngoại già” xưa và “gái trẻ” nay không khỏi ùa về…
Diễn xuất chính của “Miss Granny” lúc này thuộc về nữ diễn viên trẻ Shim Eun Kyung. Trong phim, cô là thiếu nữ 20 với làn da láng mịn và cơ thể căng tràn sức sống, ngoại hình ấy có vẻ không phù hợp với cách ăn nói bỗ bã cùng những câu nói thô lỗ lúc nào cũng chực tuôn ra của “bà già khó tính”. Tuy chưa thực sự tinh tế, nhưng nữ diễn viên trẻ đã khá thành công khi góp phần thể hiện những chi tiết hài hước không chỉ qua đáng điệu, cử chỉ mà chủ yếu qua tình huống và lời thoại.
Đến lúc này, khán giả cũng dường như có thể quên đi lý do nào đã khiến một người già được (hoặc bị) “trẻ hoá”. Dù phim có thời lượng quá dài, tới 134 phút, nhưng vẫn đủ sức lôi kéo khán giả dần “nhập cuộc” một cách tự nhiên với diễn biến câu chuyện. Cứ như thể một cuộc sống mới tươi trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng của Doo Ri trong tình bạn và tình yêu chớm nở cũng đang mở ra với mỗi người.
Mãi mãi tuổi hai mươi
Đã có nhiều bộ phim mang mô típ tương tự “Miss Granny” với cái kết và thông điệp chính dễ được đoán định trước. Mới đây nhất, ở “Mr. Peabody and Sherman”, bộ phim về chuyện ngược chiều thời gian, du hành quá khứ, thông điệp được chuyển tới khán giả cũng giống với “Miss Granny”: không cần có sự thay đổi duy ý chí nào cả, hãy để hiện tại như nó vốn dĩ là tốt nhất. Chân lý ấy được mỗi nhà làm phim kể những câu chuyện khác nhau, và dẫn tới những diễn biến, chi tiết cũng khác nhau.
Xem “Miss Granny”, bên cạnh tiếng cười sảng khoái, còn đọng lại nhiều điều có thể khiến khán giả bước ra khỏi rạp còn vương vấn. Là một tác phẩm điện ảnh theo hướng giải trí, những lớp ý nghĩa trong phim không có gì “thách đố” khán giả. Tùy mỗi độ tuổi, mỗi trải nghiệm khác nhau mà từng người sẽ thấy những vẻ đẹp riêng từ đó.
Điều đầu tiên, chắc chắn là gần gũi nhất, đó là sự gắn kết, yêu thương của những thành viên trong gia đình. Nhờ cả đời cực nhọc nuôi dạy con thành tài của người mẹ góa bụa sớm Oh Mal-Soon mà gia đình ấy đã có ba thế hệ sung túc, vậy nhưng nhiều khi những thành viên vẫn không thấu hiểu, chia sẻ được với nhau và vì thế không nhận ra giá trị thực sự của nhau. Chỉ đến khi có những cảnh huống nguy kịch, trớ trêu xảy ra thì hiện tại mới là tấm gương soi, là chất keo kết dính tình cảm của cả nhà.
Qua tình huống “ngoại già tuổi đôi mươi”, nhà làm phim có cơ hội thỏa sức truyền đi ước mơ của người trẻ và ao ước của người già. Khi còn trẻ, người ta dành nhiều sức lực, tâm trí và nỗ lực cho công việc, sự nghiệp, vợ con, khẳng định chỗ đứng riêng và thể hiện cá nhân. Đến lúc về già, với bao người bình thường, chỉ còn lại sự yêu thương, vỗ về và niềm vui chứng kiến cháu con thành đạt.
Với người già, cho dù được làm lại cuộc đời và những ước mơ, có cơ hội thứ hai, thì họ cũng có thể từ bỏ bản thân bất cứ lúc nào, miễn sao con cháu được sống cho ước mơ. Có khán giả đã khóc trước cảnh người bà ở bến chờ xe còn đứa cháu kêu đói, cảnh người bà thời trẻ gạt nước mắt lúc chồng lên đường tham gia cuộc chiến…
Riêng về cách mỗi người trẻ lại, tuy “Miss Granny” không mang đến viên thuốc thần nào, nhưng đã mang đến cái nhìn về bổn phận của con người trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Chúng ta có thể không “lão hóa” khi tình thương, cảm xúc, sự lãng quên, niềm tin yêu, hy vọng không già theo tuổi.
Bài: Bùi Dũng
Ảnh: CJ
>>> Có thể bạn quan tâm: Mặc dù khai thác đề tài về sự cô đơn nhưng bộ phim không khiến khán giả phải khổ não, u sầu, không làm cho người xem chán chường, tuyệt vọng với cuộc sống hiện tại. Thật đáng ngạc nhiên, “Her” có sức cuốn hút kỳ lạ, hài hước nhẹ nhàng đủ khiến ta mỉm cười, tình cảm vừa đủ để khiến ta bâng khuâng, giả tưởng vừa đủ để khiến ta tò mò, ngạc nhiên.