"Her" - Cánh chim cô đơn giữa biển người - Tạp chí Đẹp

“Her” – Cánh chim cô đơn giữa biển người

Review

Her

Cô đơn. Buồn. Thông thường, hai trạng thái cảm xúc đó luôn đi liền với nhau, gắn chặt với nhau. Thế nhưng, đôi khi cô đơn chưa chắc người ta đã buồn, thậm chí có những lúc còn rất vui và cao hứng. Ngược lại, buồn chưa chắc người ta đã cô đơn. Ngay cả khi đứng giữa một bữa tiệc với bạn bè, người thân xung quanh, người ta vẫn cảm thấy buồn. Điều đó còn tùy thuộc vào từng thời điểm, tùy vào tâm trạng, tùy vào từng tính cách của mỗi cá thể trong xã hội đang đi quá nhanh này.

Đối với nhân vật Theodore (Joaquin Phoenix) nói riêng và cả tác phẩm “Her” nói chung cũng vậy. Mặc dù khai thác đề tài về sự cô đơn nhưng bộ phim không khiến khán giả phải khổ não, u sầu, không làm cho người xem chán chường, tuyệt vọng với cuộc sống hiện tại. Thật đáng ngạc nhiên, “Her” có sức cuốn hút kỳ lạ, hài hước nhẹ nhàng đủ khiến ta mỉm cười, tình cảm vừa đủ để khiến ta bâng khuâng, đồng cảm, giả tưởng vừa đủ để khiến ta tò mò, ngạc nhiên.

“Her” lấy bối cảnh ở tương lai khi mà công nghệ đã tiến một bước rất xa. Nhân loại giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử. Điều đó vô hình chung đã kéo dãn mối quan hệ giữa con người với con người. Tình cảm ảo không ít thì nhiều dần xâm chiếm, lấn át tình cảm thật. Sau khi li thân với vợ, Theodore sống cô đơn trong một căn hộ tại thành phố New York. Mọi thủ tục giấy tờ đều đã được chuẩn bị, chỉ cần hai người ký là chính thức li dị. Giống như mọi người đàn ông khác, Theodore cũng rơi vào trạng thái buồn chán, trầm cảm trong thời gian dài. Thay vì lao vào nhậu nhẹt, tìm tới bạn bè chơi bời, anh lại giải tỏa theo hướng hoàn toàn khác. Theodore là một người đàn ông thông minh, nhạy cảm, hướng nội, mà theo như anh chàng đồng nghiệp nhận xét, vẻ ngoài là đàn ông nhưng trái tim lại như phụ nữ. Anh tự gặm nhấm nỗi buồn từ ngày này qua ngày khác.

Her

Cuộc sống của Theodore bỗng thay đổi theo chiều hướng tích cực khi anh cài phần mềm máy tính có trí thông minh nhân tạo. Nhân vật Samantha (Scarlett Johansson lồng tiếng) không chỉ giao tiếp nhờ lập trình mà còn có khả năng học hỏi, cảm nhận như con người. Họ tâm sự, chia sẻ với nhau mọi điều về cuộc sống, công việc và cả nội tâm thầm kín nhất. Cho đến một ngày Theodore nảy sinh tình cảm với Samantha lúc nào không hay. Việc chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào máy móc, công nghệ không phải là chủ đề chính của bộ phim. Đạo diễn kiêm biên kịch Spike Jonze đưa vấn đề này vào chẳng phải để chỉ trích hay lên án mà là cái cớ để nói lên sự cô đơn của con người, cụ thể ở đây là anh chàng Theodore. Ngay bản thân những mối quan hệ giữa anh và các nhân vật phụ trong phim cũng vậy, rời rạc, không kết nối, đôi khi chỉ là ký ức vụt thoáng qua. Đó là vợ cũ Catherine (Rooney Mara), người bạn thân Amy (Amy Adams) hay cô gái quyến rũ trong lần hẹn hò trở lại.

Có thể nói không ngoa rằng Joaquin Phoenix là một trong những nam diễn viên tài năng nhất hiện nay. Ở những bộ phim điện ảnh mà nhân vật chính phải tự thoại dù làm khéo đến mấy vẫn khiến khán giả cảm thấy gợn gợn. Tuy Theodore không phải tự thoại mà là chuyện trò với nhân vật ảo Samantha nhưng cũng không khác là bao. Từ đầu cho tới cuối phim, đạo diễn Spike Jonze chủ yếu quay một mình nhân vật Theodore tự nói chuyện nhưng người xem không thấy giả tạo. Vai diễn cực kỳ sinh động này thật đáng tiếc đã không mang lại cho Joaquin Phoenix đề cử Oscar mà chỉ nhận được đề cử ở giải Quả cầu vàng.

Her

Hollywood đã từng sản sinh ra vô số nhân vật đặc biệt, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nhân loại. Nhân vật máy tính có trí thông minh nhân tạo cũng đã được đề cập đến trong rất nhiều bộ phim trước đây. Thế nhưng chưa có nhân vật ảo mà thật như Samantha. Cô trò chuyện, chia sẻ với Theodore mà cũng y như trò chuyện, chia sẻ với khán giả. Chính cảm xúc cực kỳ ấn tượng đó đã đưa Samantha lên một tầm cao mới. Mới đây, thậm chí liên hoan phim (LHP) Rome còn dám “liều” khi trao giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Scarlett Johansson cho dù cô chưa một lần xuất hiện trên phim. Hay nói cách khác, ban giám khảo LHP Rome trao giải cho giọng nói của cô thì đúng hơn. Tuy giải thưởng này quả thật không tưởng và quá điên rồ, nhưng ít nhiều nó cũng một phần chứng thực sức hấp dẫn từ nhân vật Samantha. Giọng nói của Scarlett Johansson ngọt ngào và cuốn hút quá đỗi. Vừa gần gũi như con người thật vừa xa cách, mơ hồ như phần mềm ảo.

Ngoài một câu chuyện giả tưởng khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình, “Her” còn rất đặc sắc ở phần trang phục cùng khâu thiết kế mỹ thuật. Đạo diễn Spike Jonze sử dụng sắc màu trầm ấm kết hợp với màu rực nhưng không quá chói. Màu cam, nâu, đỏ đậm phối một chút với hồng, vàng đã tạo nên nét riêng biệt cho phần hình ảnh trong “Her”. Nó mang lại sức tươi mới, nổi bật cho nhân vật Theodore trong thế giới cô đơn của chính anh. “Her” là tuyệt phẩm trong năm 2013. Mỗi khán giả sẽ nhìn thấy mình qua con người Theodore. Chắc hẳn đã ít nhất một lần bạn từng cảm thấy cô đơn.

Her

 

Phim: “Her”
Đạo diễn: Spike Jonze
Diễn viên: Joaquin Phoenix, Amy Adams, Rooney Mara, Scarlett Johansson, Olivia Wilde
Thể loại: Hài hước / Tâm lý / Giả tưởng
Đánh giá: 5 sao
Năm sản xuất: 2013
Thời lượng: 126 phút

 
Bài: Hoàng Phương

logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Lần đầu tiên trong lịch sử, nền điện ảnh của đất nước láng giềng có phim đứng trong hàng ngũ tranh giải Oscar lần thứ 86. Cùng 4 bộ phim khác, “The Missing Picture” (Hình ảnh mất tích) vinh dự có tên trong đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng! 

Thực hiện: depweb

24/03/2014, 15:20