Tôi học được ở bố sự khó tính
– Nhạc sĩ Anh Quân từng chia sẻ rằng rất có thể Anna sẽ chọn về nước để đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Nhưng thực tế, Anna đã tiếp tục ở lại Mỹ sau khi cầm trong tay bằng tốt nghiệp. Vì sao?
– Vì một tấm bằng thôi thì chưa đủ! Tôi cần thêm vài năm đi làm để có kinh nghiệm cọ xát ở thị trường âm nhạc sôi động nhất thế giới. Nhất là khi cơ hội mà tôi có là được làm việc tại một phòng thu nổi tiếng ở Los Angeles, nơi ông chủ của nó từng ẵm tới 16 giải Grammy.
– Cảm giác trước và sau khi đi học khác nhau thế nào?
– Trước, lớn lên trong gia đình, thấy mẹ thì hát, bố thì hay ngồi một mình rất lâu trong phòng thu, sản xuất cho mẹ hết đĩa nhạc này đến đĩa nhạc khác, tôi thấy bình thường. Giờ đi học đi làm rồi mới thấy thấm hết việc cho ra đời một sản phẩm phòng thu là vất vả và kỳ công tới mức nào, nhất là với những cá tính làm nghề cầu toàn như bố và mẹ.
– Một dạo, nhạc sĩ Anh Quân từng phải gánh chịu những lời dị nghị khi đứng sau cái bóng quá lớn của một diva. Anna có từng để ý đến điều đó, và đã bao giờ nhìn thấy sự tổn thương?
– Phải học lên cấp 2, cấp 3, tôi mới bắt đầu để ý, còn trước đó thì không, tôi thấy mọi việc trong nhà diễn ra bình thường như bao gia đình khác.
Ngay cả ông chủ phòng thu từng giành tới 16 giải Grammy ở chỗ tôi đang làm cũng không phải ai cũng biết. Vì lên truyền hình nhận giải thường là các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, chứ mấy khi là các nhà mixing, dù rằng, nếu không có những người đứng sau thì hào quang liệu có thể đến với những người đứng trước?
Bố Quân vốn dĩ là người không nói nhiều, không thích lập ngôn, không dễ gì chia sẻ với người khác về những đam mê của mình, đôi khi kể cả với vợ con. Bố chỉ cần cả nhà được sống bên nhau, hết lòng yêu thương nhau và cùng yêu nhạc là đủ!
– Bố Quân có chính xác là người nóng tính?
– Cũng có lúc bố nóng tính. Còn về cơ bản là khó tính (cười). Khi tôi thu đĩa với bố, có lúc tôi tức điên lên vì bố cứ bắt phải hát cho ra cái nốt đó, không được phô chênh. Giờ được học rồi, được ngồi vào vị trí giống như bố, từng có lúc ở lì trong phòng thu liền tù tì 13-14 tiếng, tôi mới hiểu làm phòng thu nghĩa là không thể nào đại khái được. Tôi mong học được ở bố cái sự khó tính đó, và hình như tôi cũng đang dần học được thì phải.
– Nhưng cũng chính ông chồng, ông bố khó tính ấy đã vui vẻ làm một… “bà nội trợ” khi “mẹ vắng nhà”?
– Phải, vì bố chủ yếu làm việc ở nhà, các con tiếp xúc với bố nhiều hơn với mẹ. Bố thường đi đón con, đi siêu thị mua đồ ăn cho cả nhà; nếu phải đi công tác, bố cũng luôn cố nhanh nhanh chóng chóng về nhà… Ngay cả việc bố quyết chuyển nhà ra ngoại thành (lúc đầu tôi đã rất tức vì rất khó hẹn hò đi chơi với bạn), chấp nhận những bất tiện cho nghề nghiệp của bố mẹ, cũng là vì nghĩ đến chất lượng sống của cả gia đình.
Mẹ Linh đích thực là một “superwoman”!
– Lúc trước, khi thử cầm mic, Anna cũng từng nếm trải cảm giác đứng sau cái bóng quá lớn của một diva. Cảm giác đó thế nào?
– Đúng là tôi đã từng rất sợ dư luận, sợ bị so sánh, và đúng là tôi đã từng bị soi là giọng mỏng, này kia… Nhưng sau này sang Mỹ, tôi mới biết rằng trên đời này có rất nhiều kiểu giọng khác nhau, không cứ phải giọng khỏe thì mới được yêu thích; có những chất giọng mảnh, nó lại bám vào mình rất dễ thương… Âm nhạc cốt nhất ở sự thư thái, tôi nghĩ thế.
Nếu được ước, tôi mong mình có thể bước lên sân khấu bằng bản lĩnh và sự tự tin, hồn hậu như mẹ – đó là thứ tôi khao khát “chiếm” được của mẹ nhất!
– Đi hát, thu đĩa, viết lời cho ca khúc, ngồi ghế giám khảo cho các cuộc thi, mở trường nhạc Young Hit Young Beat (tới nay đã có 3 cơ sở), đứng lớp, ghé vai, “tiếp tay” cho cái phòng thu gia đình dễ chừng ngốn cả núi tiền, lo cho con cái hết đứa này tới đứa khác đi du học… – ngần ấy thứ liệu có đủ khiến một diva phân tâm và bị vắt kiệt?
– Thì mẹ Linh đích thực là một “superwoman” rồi, không bàn cãi gì nữa! Tôi quả thực chưa từng thấy ai chăm chỉ và kiên trì như mẹ. Từng có những đêm diễn mà khi từ sân bay về, mẹ mệt tới mức lao thẳng vào giường, ấy là vì mẹ nhất định phải bay về nhà ngay, thay vì ở lại. Mẹ luôn sốt sắng về với gia đình vì mẹ yêu ngôi nhà của mình một cách kỳ lạ. Lúc mẹ mở trường, mặc dù bố ban đầu ra sức phản đối, sợ mẹ vất vả, nhưng mẹ vẫn quyết làm bằng được vì đó là cả một tâm huyết để đời của mẹ. Tất nhiên làm việc nhiều như thế cũng sẽ có lúc khiến mẹ kiệt sức, nhưng trên hết, vẫn luôn là một nụ cười rất lạc quan, mẹ chỉ cần cười là quên hết, đi qua được hết.
Liệu mẹ có bị phân tâm không ư? Chắc chắn là ít nhiều cũng có bị ảnh hưởng rồi, nhưng không sao, nếu có thì cũng chỉ là một khoảnh khắc nào đó mà thôi.
– Càng đi ra ngoài, Anna có thấy làm phụ nữ Việt Nam quá vất vả không?
– Đúng vậy. Hai từ “phái mạnh – phái yếu” ở Việt Nam đúng là vẫn còn phân biệt quá đi! Vợ vừa phải giỏi giang vừa phải nấu ăn ngon là sao? Trong khi đàn ông chỉ cần giỏi?
Nhưng trong gia đình tôi, mẹ không bị bắt buộc phải nấu ăn giỏi. Cả nhà đều biết mẹ không thể nào làm xuể được. Mẹ có cả núi việc, sao mẹ kịp chạy về nấu cơm mỗi ngày, dù mẹ biết làm món sushi rất đẹp và ngon.
– Trong sự trồi sụt không phải là hiếm thấy ở một người hát, đã có lúc giọng Mỹ Linh bị cho là yếu đi so với trước. Anna có thấy thế?
– Ô, tôi lại không hề thấy thế, thậm chí còn ngược lại! Cũng có thể mỗi người nghe nhạc bằng những cảm xúc khác nhau. Vì đây là mẹ tôi, tôi có xúc cảm đặc biệt của một đứa con gái khi nghe mẹ hát. Sẽ không chỉ đơn thuần là giọng hát, mà trong đó còn cả những niềm thương khác. Thương mẹ đi làm vất vả, bền bỉ đi hát bao năm cho mọi người nghe, mà sao giọng mẹ vẫn ngọt, trong và đầy đến thế…?!?
– 20 năm dài Mỹ Linh đồng hành cùng Anh Em. Dưới góc nhìn của một nhà sản xuất, Anna có nghĩ rằng biết đâu nếu kết hợp với nhiều ê-kíp khác nhau, chân dung diva sẽ còn sinh động và phong phú hơn?
– Đồng hành với Anh Em, đó là lựa chọn của mẹ. Theo tôi biết thì trong 20 năm đó, cũng đã có lúc mẹ từng thử cộng tác với ê-kíp khác, nhưng rồi vẫn lại quay về với đội của mình vì đã quen với đường hướng, chuẩn chỉ… của nó, và cũng là vừa vặn với lượng fan đã ổn định theo thời gian của mẹ.
– Nhạc sĩ Huy Tuấn thì nói rằng: “Việc tốt nhất và lựa chọn thông minh nhất mà Mỹ Linh làm cho Anh Quân chính là… Anna”?
– Đúng quá rồi! Tôi đáng yêu thế này thì lựa chọn đó của mẹ thông minh quá còn gì! (cười)
MỸ LINH & ANH EM – “MỘT NGÀY” & 20 NĂM
20 năm trước, họ từng gặp nhau trong “một ngày” có “cành ngọc lan xòa bóng mát”, làm nên cặp đôi độc đáo của nhạc Việt, gắn kết một ban nhạc tồn tại lâu vào hàng “của hiếm” ở Việt Nam và một diva “Tóc ngắn” cùng cuộc hôn nhân “kiên cố”.
20 năm đủ để định hình một phong cách, một con đường và cũng là lúc thấy “trái ngọt” khi Mỹ Linh – Anh Em được nắm tay các con trên sân khấu và trong phòng thu, như những đồng nghiệp; để lớp công chúng ngày hôm nay được chứng kiến một “phiên đổi gác” đang dần thay thế những người đã đặt viên gạch đầu cho nhạc nhẹ.
20 năm để nhận ra mọi thứ có thể thay đổi nhưng những giá trị tinh tuý được chưng cất qua thời gian sẽ vĩnh viễn không bị mất đi, như ý nghĩa tên gọi “Thời gian” cho tour xuyên Việt trong tháng 8 của Mỹ Linh & Anh Em.
Sẽ là tour diễn lớn cuối cùng trong sự nghiệp của diva Tóc Ngắn, như đoán định? Hay bền bỉ nối tiếp “những giấc mơ dài” như lời Linh từng hát trong album “Một ngày”, cũng là một trong những album thành công của chị: “Rồi cứ thế đến rồi đi/ Những tháng năm những dòng sông/ Nước cuốn đi không đợi ai/ Và ta ngày tháng ngược xuôi về những bến bờ…”
Đọc thêm
– Diva Mỹ Linh: Người đàn ông như Anh Quân giờ chỉ còn trong… sách đỏ!
– Nếu năm ấy Mỹ Linh không gặp Anh Em…
– Nghệ sĩ jazz Nguyên Lê: Nếu đang đẹp thì sao phải kết thúc?