Ẩn số Tùng Dương - Tạp chí Đẹp

Ẩn số Tùng Dương

Sao

Nếu Dương tin cậy bạn, anh sẽ cho bạn tiến đến gần phần yếu đuối và cảm động nhất trong sâu thẳm của mình: đó là âm nhạc. Nếu Dương kiêu hãnh muốn khoe với bạn về gia tài và những giấc mơ hoang đường nhất của anh: đó cũng chính là âm nhạc. 

Dương dễ ở trạng thái “tuôn trào”, nhưng lại cẩn thận và khéo léo nếu anh chuẩn bị sẵn tâm thế cho một cuộc phỏng vấn. Bởi vậy, để chân thực Là Tùng Dương nhất – tôi sẽ chỉ góp lại những trao đổi của chúng tôi trong vài buổi cà phê bạn bè.

Ca sĩ Tùng Dương

Tôi không định phô diễn một giọng hát đẹp!

– Tùng Dương đang ở “tuổi 30 yêu dấu”, tôi nghĩ là lúc này anh đúng ở độ chín. Vừa đủ trải nghiệm mà lại ăm ắp năng lượng. Nói là quãng này hát hay nhất cũng có lý chứ?

– Sau chín là sẽ chín nẫu đấy. Tôi không muốn nghĩ mình đang ở một cái đỉnh nào, bắt tay vào một dự án là mỗi lần tôi lại tự nhủ: Nào, hãy can đảm thay đổi để đi vào con đường mới. Tôi hát đang hay nhất – đó là cảm nhận của chị trong tư cách một người nghe. Tôi thì thấy mình đang trở về cốt lõi, là mình và đúng mình nhất.

– Cấp tiến như Tùng Dương, người chưa bao giờ ngại “đường khó” – mà cũng có một quãng toàn hát nhạc xưa. Cả nền âm nhạc Việt Nam đang đi kiếm tiền bằng nhạc xưa, thấy anh cũng chăm chỉ “Tình ca” – nói thật lòng là tôi có thất vọng. “Chiếc khăn Piêu” là bài hát yêu thích của năm 2012, sang tới cuối năm 2013 rồi mà anh xuất hiện ở sân khấu nào khán giả cũng hô: “Chiếc khăn Piêu đi! Chiếc khăn Piêu đi!”, sự thật thì anh có thích điều đó không?

– Cũng chán lắm rồi! Tôi đã từng hát trong những đêm nhạc nhìn xuống mình chỉ còn chưa đầy 10 khán giả, nhưng cực đoan như thế để làm gì? Lấy dự án phổ thông để dồn góp nuôi dự án cấp tiến, điều đó chẳng tốt hơn là cứ khăng khăng một kiểu để không có cơ hội (về vật chất) thực hiện những giấc mơ hoang đường nhất của mình?! Tôi thích những khán giả tỉnh táo, mình làm hay thì họ khen, làm dở thì họ chê. Cái khắt khe của khán giả chính là động lực thúc đẩy mình làm cái mới. Sự cấp tiến từ nghệ sĩ chưa đủ, nó phải tìm thấy tương tác từ khán giả. Trường hợp của “Chiếc khăn Piêu” hay “Bài ca trên núi” thì tôi nghĩ mình đã mang lại một giá trị mới, một hơi thở của hôm nay cho tác phẩm có đời sống trong quá khứ. Khán giả sẽ được nghe lại 2 bài hát này trong “Độc đạo”, với không gian hòa âm chưa bao giờ họ chứng kiến. Tôi nghĩ nó vẫn thú vị.

– Có rất nhiều nghệ sĩ khi chưa làm gì, người ta đã phán đoán được hết điều họ định làm. Cái đoán được trước này rất chán, vì không ai muốn chờ đợi điều đã biết. Còn anh, chỉ cần cầm mic là “thăng”, là nổi loạn đến mức không thể khống chế. Tôi nghe các đạo diễn âm nhạc bảo, khi Tùng Dương “phê” nhạc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người khác không đoán được về anh, còn chính anh có tự đoán trước được về mình không?

– Tôi cũng không đoán được! Tôi không thể đo trước được độ hưng phấn của mình, giống như khi say thì bạn không thể kiềm chế. Tôi để thả lỏng cho mình tự do, không khống chế các giới hạn của mình, bung hết ra cho nó đẹp chứ! Lúc thăng nhất tôi không phân biệt được mình giải phóng hình thể hay giọng hát, mà để bản thể mình chạm đến sự quyết liệt và mạnh mẽ nhất.

– Tôi hay nghĩ về anh khi nhìn các nghệ sĩ trẻ đang quằn quại làm khó để nhận diện mình. Đến tận album “Những ô màu khối lập phương”, anh vẫn bị tính toán, kiểu sơ đồ tầng lớp, tự làm cho mình thành nguy hiểm. “Liti” thì anh đã tiết chế và thả lỏng hơn. Giọng hát của anh trong sự đơn giản và tự nhiên, tôi thấy đáng quý và đẹp.

– Ngày xưa tôi cố gắng để mình “dị” đi, có khát vọng phải làm gì đó khác thường, nhưng vẫn bị giới hạn vì cái khác thường ấy mới ở bề mặt. Cách hát thì quá quằn quại bức bối, đôi khi cố tình “làm quá”. Tôi đã lược bỏ dần những lớp vỏ rườm rà ấy, để tiến đến sự giản dị. Điều này nghe tưởng dễ dàng, nhưng là một bước tiến quan trọng mà tôi chỉ nhận ra khi đã thăng trầm qua cuộc sống và trải nghiệm nghề nghiệp. Điều cốt lõi giữ lại, chính là tâm của tôi với nghề ngày càng đào sâu, ngày càng dốc lòng dốc dạ. Đam mê có lúc tàn hay bùng là do điều kiện ngoại cảnh tác động, nhưng tấm lòng với nghề thì may sao cứ đinh ninh như thế. Tuổi trẻ ai cũng phải trải qua thời điểm ngông cuồng và ngang bướng, muốn mình phải thật khác thường. Nhưng cũng lưu ý là nhiều người “điên” một cách rất tính toán, chứ không phải do bản năng thúc đẩy. Sự tự nhiên nó rất khác với việc bạn chuẩn bị để quái dị, vì cái chuẩn bị đã là giả. Tôi thấy nhiều người ngoài đời sống “điên” lắm nhưng trong nghệ thuật lại nhạt nhẽo. Những cái vặn vẹo cố tỏ ra khác thường chỉ là cái vỏ. Tất cả những tiểu xảo sẽ qua, cái còn lại là tư tưởng trong tác phẩm và cách biểu đạt tư tưởng ấy như thế nào. Đến album “Độc đạo”, tôi nghĩ là mình đã đạt đến sự tự nhiên – hát mà không toan tính nữa.

Ca sĩ Tùng Dương

– Cá nhân tôi thấy, bây giờ mà khen Tùng Dương hát “tinh tế”, “mãnh liệt” hay “lộng lẫy”… cũng không đúng nữa. Những tính từ ấy chỉ là các mảnh ghép, trong khi chúng ta có thể hình dung về một không gian.

– Đúng như chị nói, những cái đó chỉ là một trạng thái, nó đã qua rồi, tôi đâu định phô diễn một giọng hát đẹp. Nhưng trong nghệ thuật, dù chỉ một khoảnh khắc bạn chạm được đến đời sống của ai đó, bài hát của bạn gieo cho người ta niềm tin yêu, sự ấm áp, để người ta thấy cảm động vì cuộc sống còn đẹp đẽ thế… thì đã đủ giá trị rồi. Tôi muốn âm nhạc của tôi phải luôn trung thực với tâm hồn tôi, khi đời sống của mình có những dịch chuyển và thay đổi, âm nhạc cất lên cũng như vậy. Như cái vỏ và cái lõi – vỏ thế nào, lõi thế đấy. Đừng biến cái vỏ của bạn rất khác cái lõi, như thế hoặc là giả dối, hoặc là thiếu tự trọng. Làm gì cũng phải vừa vặn và chân thực nhất với cái lõi của mình.

Nguyên Lê cho tôi một con đường, một giá trị để tiếp quản
 
– Có những danh ca gắn cả đời ca hát của mình trong một xu hướng âm nhạc, còn anh thì mỗi sản phẩm là một thể loại, nhiều màu và luôn thay đổi. Vậy điều gì bền vững trong âm nhạc của anh?

– Đó chính là bản sắc Việt. Tôi càng đi nhiều, càng nhận ra bản sắc là một báu vật không gì đánh đổi được. Chính vì yêu dấu, nên tôi rất muốn làm tươi mới tinh thần Việt trong âm nhạc của mình bằng hơi thở đương đại. Thể loại hay xu hướng âm nhạc chỉ là cái vỏ, là con đường để mình biểu cảm cái “lõi” là bản sắc, hướng tới đích đến là tính tư tưởng. Tôi có hát jazz, new age, electronica…thì cuối cùng vẫn phải là Tùng Dương của Việt Nam.

– Anh thật may mắn vì có cơ hội được làm việc với hai nhạc sĩ coi tính chủng tộc là căn cốt thiết yếu trong nghệ thuật của họ, đó là Ngọc Đại và Nguyên Lê. Tôi nghĩ rất ít người làm âm nhạc trong nước có thể “tiếp máu” âm nhạc cổ truyền với luồng sinh khí hiện đại như thế, bằng cách như thế. Hai nhạc sĩ đó, họ hẳn đã lay động anh mạnh mẽ?

– Ngọc Đại và Nguyên Lê không cần “hự” với “hạ”, không cần cưỡng ép Ngũ Cung trong âm nhạc của mình, mà họ vẫn rất dân gian. Một người bằng âm thanh, một người bằng giai điệu. Phải quá yêu âm sắc truyền thống thì họ mới sáng tạo như thế được. Gần đây gặp lại Ngọc Đại, tôi rất xúc động. Tôi có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ, nhưng người kiêu hãnh về tính Việt Nam như nhạc sĩ Ngọc Đại thì quá hiếm. Mặc dù đời sống cá nhân của ông không thuận lợi, ông chịu nhiều từ chối, nhưng tôi mừng khi ông vẫn giữ được chính mình mà không chịu thỏa hiệp, vẫn nuôi niềm đam mê và tư tưởng đau đáu của mình về chủng tộc, xem điều đó là cái gốc để phát triển. Còn tính bản sắc của Nguyên Lê là trong tiếng đàn, trong tư tưởng được diễn giải bằng nhạc cụ. Đến mức nghe âm nhạc của ông, mình sởn da gà. Tại sao lại có mối giao cảm lớn như vậy của một người lớn lên ngoài biên giới Việt, không ăn mắm tôm, không liên quan đến làng quê? Nguyên Lê gốc Việt, nhưng ở Pháp từ hồi bé tí, là một ông Tây rồi. Nhưng vì sao ông lại dành bao nhiêu thời gian và tình yêu để làm nên thứ âm nhạc hay như thế, đậm đặc màu Việt Nam như thế? Tôi nghĩ điều đó là sứ mệnh ông Trời cho người nghệ sĩ, để họ phải làm. Trời thì cho mỗi người một thiên chức, mình phải biết trân trọng và đam mê cái thiên chức của mình. Tôi trăn trở và suy tưởng nhiều về sứ mệnh của nghệ sĩ, đó là “đường dây” đầu tiên để tôi làm album “Độc đạo”. “Độc đạo” là lối đi cô đơn của người nghệ sĩ, là sự kiêu hãnh về con đường của mình, mình sống trong cuộc sống phải tạo ra giá trị nào đó.

– Theo truyền thống có hai dạng: người nghệ sĩ có sẵn tính dân gian trong huyết quản, anh ta yêu nó như tự thân phải thế, bởi đó là cốt lõi trong tâm hồn và đời sống của anh ta; Dạng thứ hai là trò lắp ghép, đưa cái “sample” truyền thống vào tác phẩm, nó rất bề mặt mà không chạm sâu vào tâm thức Việt. Tôi thấy nương vào truyền thống đến từng nào, để mình không bị lạc vào quá khứ, mà vẫn ở nhịp đập của ngày hôm nay, không bị lỗi thời quê mùa, cũng không phải thứ “giả cổ”… đúng là một câu chuyện khó khăn.

– Những người bế tắc tiếp cận di sản theo kiểu đặt lời mới cho dân ca, khi muốn viết có âm hưởng ca trù hay quan họ thì bê đúng cái khúc thức ấy vào… Điều đó không tạo ra giá trị, nó không phải là sự sáng tạo mới trên nền tảng truyền thống. Người nghệ sĩ có tư tưởng về chủng tộc thì luôn cố gắng mang lại điều gì đó riêng biệt khi tiếp máu truyền thống. Dân gian là bản sắc, đời sống, chiêm nghiệm, những đau khổ buồn vui dồn góp qua chiều dài lịch sử tâm hồn người Việt… Tôi nghĩ đã là con người Việt Nam thì phải coi những giá trị đó là thiêng liêng. Nhưng phải có một thứ âm nhạc Contemporary Traditional của Việt Nam, nó chuyển hóa, tiếp diễn, tạo đời sống và diện mạo mới cho truyền thống. Không ủ ê hay cũ kỹ, nó đẹp và đầy đặn, vẫn luôn luôn đầy chất thơ. Ứng xử với truyền thống không phải là mượn vào hoặc áp đặt. Nếu ta không tạo dựng được một đời sống có tiếp diễn, thì cái truyền thống sẽ chết, nó chỉ có giá trị tồn tại trong bảo tàng thôi.

Ca sĩ Tùng Dương

– Có một số điều chúng ta bị ám ảnh rất sâu bên trong con người mình,  cho đến khi nhờ một va chạm nào đó mà trở nên sáng rõ. Cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyên Lê đã soi rọi điều gì cho anh?

– Nguyên Lê là một nghệ sĩ có sức mạnh trong tư tưởng. Tôi nghĩ mình gặp anh Lê là một sắp đặt của số phận. Ngày xưa tôi nghe các đĩa nhạc Nguyên Lê phải qua CD chép lậu mua ở Hàng Trống, nghe xong thấy hoang mang như rúc vào một mớ bòng bong, hòa thanh tầng lớp mình không hiểu gì cả. Cái tiếp cận Việt Nam tính của Nguyên Lê cũng có nhiều cấp độ, 20 năm trước, anh Lê mới chạm chất liệu Việt Nam ở ngoài vỏ thôi. Sau quãng thời gian dài như thế, bản thân Nguyên Lê cũng đã trở về, sự nhuần nhị chỉ đến từ những trải nghiệm sống, chứ không chỉ trong tâm tưởng hay bằng tài liệu lưu trữ. Đến “Độc đạo” là một Nguyên Lê khác, không trưng trổ như xưa, con đường ấy đã qua rồi, đĩa nhạc này đi vào cốt lõi hơn, anh ấy rất thanh thản. Nguyên Lê có nói Tùng Dương là sự khám phá của anh ấy ở Việt Nam, chúng tôi kích ứng được nhau, cùng làm một điều mới trong sự tự do và riêng biệt của mỗi người. Điều quan trọng nhất mà Nguyên Lê làm cho tôi không phải là một album, một sản phẩm. Mà là cho tôi nhìn rõ một con đường, một giá trị để tiếp quản. Đó là lòng tự tôn dân tộc từ ý tưởng, tư tưởng cho đến suy tưởng. Âm nhạc của ai, thời đại nào không quan trọng, nhưng phải ra màu văn hóa, chúng ta phải đi tìm bản thân trong chính chủng tộc của mình.

Con đường Độc hành còn hơn là bè phái

– Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe lời khen dành cho một sản phẩm âm nhạc mới ra mắt là “Nghe Tây quá!”. Với nhiều người đó là điều đáng để tự hào, họ thấy mình đạt một đẳng cấp trong nghề…

– Lời khen ấy dễ giết chết nhau đấy! Với tôi, “sản phẩm này Tây quá” là một lời chê. À, mày không có bản sắc, mày lạc bố lạc mẹ, chân không tới đất cật không tới trời! Được khen thế là cũng muối mặt đấy. Trong thời đại này, dù có làm gì, phiêu du tới đâu thì bạn vẫn phải tìm về bản sắc. Có nhiều cá nhân thông minh, nhanh nhạy, nhưng không thành công lớn và không thuyết phục được chúng ta là vì họ không có bản sắc, họ nhợt nhạt mất gốc.

Ca sĩ Tùng Dương

– Nghệ thuật ở mức đơn giản sẽ cho người ta cảm giác êm đềm, quyến rũ, cảm động. Tầng mức sâu hơn là nó chạm vào và mở rộng đời sống người ta, truyền cảm hứng để họ bừng thức và có ước vọng về một thế giới mà trước nay họ chưa từng nghĩ tới. Đích đến cuối cùng là sự cộng cảm ấy, nhưng có không ít kẻ sáng tạo  chọn phương cách cực đoan là không cần chia sẻ, họ chấp nhận mình bị từ chối. Cái cách tuẫn tiết trên niềm tin bản thể và sự cô độc ấy, thường những người trong showbiz chẳng thể hiểu nổi…

– Cái hay của người nghệ sĩ là sức lan tỏa tự phát tiết, họ truyền được cảm hứng cho giới làm nghề và công chúng, tiếp nối và nhân lên những giá trị đã có. Làm nghệ thuật nhất thiết cần cực đoan, để tin vào mình, theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Nhưng cực đoan không phải là từ chối đón những cánh cửa mới. Yêu bản thể của mình đến mức không đón nhận ai nữa, không nghe ai nữa thì sẽ đóng mình lại. Tôi nghĩ cứ cực đoan trong nghệ thuật đi, không cần thiết phải bày tỏ cực đoan ra bằng sự chối bỏ đồng loại, không cần chia sẻ. Như thế là quá dại, họ không biết mình ở đâu.

– Trong bối cảnh âm nhạc hiện nay, anh có thấy mình đơn độc dần, tìm người đồng hành ngày càng khó?

– Chị đang nhìn vào mắt tôi, và thấy điều đó? Hà Trần có lần nói với tôi, “Em sẽ trở thành người cô độc ở Việt Nam”. Điều ấy sớm muộn cũng đến, tôi bình tĩnh mà. Đến một mức độ nào đó thì tôi sẽ không còn người đồng hành nữa. Có một ê kíp cùng nhịp điệu, cùng từ trường là điều nghệ sĩ nào cũng ao ước, nhưng nó đâu dễ khi nhìn quanh tôi thấy những đích đến khác nhau, thế giới sáng tạo cũng khác nhau… thôi thì con đường độc hành vẫn còn hơn là bè phái. Người nghệ sĩ phải lặng lẽ, sáng tạo là câu chuyện cá nhân chứ không phải của tập thể. Mỗi cá nhân phải mãnh liệt hết sức, mạnh mẽ hết sức thì mới có thể hòng tạo ra điều gì đó mới mẻ và có ích. Tôi sẽ chỉ rủ rê những đối tượng mà mình thật sự mong muốn và kỳ vọng vào họ. Mình còn năng lượng thì hãy thử thách chính mình, hãy đi đến hết đường, đừng hoảng sợ điều gì.
 
– Anh nghĩ thế nào về bản ngã của người nghệ sĩ?

– Nó chỉ rõ quá khứ, hiện tại, tương lai. Anh là ai? Làm gì và đi về đâu? Anh có là duy nhất hay không?

– Tôi đoán anh hẳn có giấc mơ: âm nhạc của mình sẽ vang lên ngoài biên giới!

– Không dễ hoàn thành được hết dự định, nhưng tôi tin cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có thể hài lòng là mình đã cố gắng thực hiện hết sứ mệnh của mình. Khi hòa trộn với những chủng tộc và bản sắc khác, tôi sẽ không bao giờ phải tự ti lo sợ họ “át vía” mình. Cứ thủng thẳng thôi, nhưng tôi tin mình sẽ làm được điều ao ước: góp phần làm trù phú thêm sắc màu Việt Nam trong âm nhạc của ngày hôm nay.

 

Bài: Quỳnh Tun
Ý tưởng: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: TangTang
Sản xuất: Hellos
Trang điểm & làm tóc: Tùng Châu
Stylist: Chi Lemon
Trang phục: Yến Nguyễn Trần
Trợ lý: Dy Duyên

Không ít danh ca trả giá cho cả đời hát mà chẳng có được một âm chất Việt Nam, dù họ bỏ công nghiên cứu từ xẩm xoan cho đến quan họ, ca trù, chầu văn. Tùng Dương (lại may sao!) được Trời cho, chỉ cần mở miệng là đã đậm đặc Việt Nam, ăm ắp phương Đông.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

31/10/2013, 16:01