“Âm nhạc của Thanh Tùng nghe đến tận cùng là nỗi cô đơn” - Tạp chí Đẹp

“Âm nhạc của Thanh Tùng nghe đến tận cùng là nỗi cô đơn”

Review

Nhạc sĩ hiếm hoi tự phối khí tác phẩm của mình

Ngoài việc mang tâm tư chân thật của một người luôn khao khát tình yêu, một lý do khiến nhạc của Thanh Tùng đến nay vẫn nằm trong list những bài hát được người trẻ nghe nhiều là nằm ở kỹ thuật. Có thể nói Thanh Tùng là một trong số ít nhạc sĩ ở thời của ông viết ra một thứ âm nhạc mới mẻ rất phương Tây và có âm hưởng quốc tế rõ ràng. Các tác phẩm của ông, từ “Hoa tím ngoài sân”, “Trái tim không ngủ yên”, “Một mình”… đều được viết với vòng hòa thanh chặt chẽ.                                    

Theo nhạc sĩ Phú Quang, riêng việc mang đến một làn gió mới cho âm nhạc Việt Nam ở thập kỷ 90, Thanh Tùng được ghi nhận là một nhạc sĩ tài năng và có vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc đương đại.

Sang Triều Tiên học sửa chữa tàu, nhưng với tài năng của mình, Thanh Tùng đã chuyển sang học nhạc, vì ông là người được âm nhạc chọn. Ông tốt nghiệp hệ Trung cấp Âm nhạc ở Triều Tiên và về nước làm nghề. Những ca khúc của Thanh Tùng viết ở những thập niên 90 đã làm tươi mới bầu trời nhạc Việt, và tạo nên tên tuổi của nhiều ca sĩ tại thời điểm đó như Bằng Kiều, Mỹ Linh….

Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường thì chia sẻ: “Với tôi, Thanh Tùng là nhạc sĩ nhạc pop hàng đầu Việt Nam. Khoảng hai thập niên ở cuối thế kỷ 20 – thứ âm nhạc rất trẻ của Thanh Tùng đã bay lên, là bệ đỡ cho những tài năng như Mỹ Linh, Bằng Kiều… tỏa sáng.”

Một người thuộc thế hệ đi sau, nhạc sĩ Anh Quân thì cho rằng: “Có hai người (ngoại trừ bố tôi), mà theo tôi đã làm được rất nhiều cho nền nhạc nhẹ Việt Nam đó là nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ Thanh Tùng. Đó cũng là hai người ở lớp trước mà tôi đặc biệt đánh giá cao”. Điều nhạc sĩ Anh Quân kính nể nhất ở Thanh Tùng là, ở thời của ông, khi số nhạc sĩ vừa tự viết bài hát vừa tự phối khí cho tác phẩm của mình rất hiếm, thì tác giả “Hoa tím ngoài sân” đã làm được việc đó. Và đó là lý do ông rất được các nhạc công kính phục.

Tên tuổi của nhiều diva và ca sĩ hàng đầu Việt Nam đều bắt đầu từ mối nhân duyên với âm nhạc của Thanh Tùng. Mỹ Linh đã khiến triệu trái tim tan chảy khi hát “Một mình”, dù sau này có nhiều người cũng hát thành công bài hát đó. Bằng Kiều đã nổi tiếng và được định danh sau khi hát “Trái tim không ngủ yên”. Đáng nói, những bài hát này còn theo anh đến tận hôm nay.

Người lựa chọn đi cùng định mệnh theo cách đẹp đẽ nhất

Ngoài công việc sáng tác Thanh Tùng còn được biết đến là một doanh nhân. Bên cạnh vẻ hào hoa phiêu lãng, do tính chất công việc kinh doanh, ngoài đời Thanh Tùng không mang dáng vẻ hiền lành. Điều làm nhạc sĩ Anh Quân thú vị chính là “Ở ngoài Thanh Tùng không hiền, nhưng âm nhạc của chú lại rất hiền”. Và theo Anh Quân, âm nhạc mới chính là con người thật của một người viết nhạc.

Nhạc sĩ Thanh Tùng cùng ba con Thông – Bách – Bạch Dương

Nhạc sĩ Phú Quang lại nhận định: “Âm nhạc của Thanh Tùng nghe đến tận cùng thì thấy một con người rất cô đơn”. Trong cách nhìn của người bạn cùng thời, thì Thanh Tùng có rất nhiều bất hạnh. Bởi “ai cũng nghĩ anh giàu, nhưng không ai nhìn thấy những thất bại trong kinh doanh của anh ấy cả. Ai cũng nghĩ anh là người được nhiều cô gái yêu, nhưng những tình yêu ấy lại khiến anh nhận ra – vợ mình mới là người phụ nữ vĩ đại nhất”. Cũng theo nhạc sĩ Phú Quang, những điều Thanh Tùng viết trong âm nhạc, sở dĩ thuyết phục người ta vì nhạc sĩ đã viết rất thật.

Chia sẻ về những điều bất như ý trong cuộc đời vị nhạc sĩ tài hoa này, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng: “Có những thứ trong cuộc đời là mệnh trời và con người sinh ra chỉ có một nhiệm vụ là chấp nhận định mệnh đó. Trong tư thế của người đón nhận định mệnh ấy, Thanh Tùng đã sống đẹp với từng phút giây, dù anh ấy đã không thực có điều kiện”. Bởi thế, với Nguyễn Cường, cách lựa chọn để đi cùng định mệnh của Thanh Tùng cũng đẹp như âm nhạc của ông vậy.

Nhạc sĩ của những bản tình ca đẹp đẽ đã ra đi sáng nay. Ông để lại những bài hát chưa bao giờ cũ cùng một mối tình đẹp đẽ – dù đã trở thành quá khứ với chính ông từ lâu. Vợ ông, người phụ nữ được nhắc đến rất nhiều trong những bài ca của Thanh Tùng đã rời bỏ ông sau 18 năm gắn bó. Ông đã sống với nỗi nhớ thương vơi đầy và những cơn bạo bệnh trong nhiều năm tháng cuối đời. Nhưng ông vẫn giữ được những điều đẹp đẽ và thổi vào tác phẩm của mình – người nhạc sĩ chưa bao giờ chịu “ngủ yên” trong tình yêu của chính mình.

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

logo

Thực hiện: depweb

15/03/2016, 13:22