Ái ly biệt khổ: Ngây thơ thay đàn ông - Tạp chí Đẹp

Ái ly biệt khổ: Ngây thơ thay đàn ông

Giải Trí

Chia ly thì có nhiều loại và bất cứ loại nào cũng đều găm chứa nhiều nghẹn ngào nuối tiếc bàng hoàng xót xa. Trường hợp ông Cao Bá Nhạ, cháu ruột danh sĩ ngông ngạo Cao Bá Quát chẳng hạn. Ông Nhạ tuy là người hay chữ nhưng chỉ đến khi định mệnh oái ăm xô đẩy vào cảnh ly biệt thì ông mới oan ức trở thành nhà thơ. Trong “Tự tình khúc” khét tiếng của mình ở vào thế kỷ 19, ông nức nở. “Tiểu đồng thổn thức xung quanh. Thê nhi lăn lóc bên mình khóc than. Phút nửa khắc muôn vàn thê thảm. Trong một mình bẩy tám biệt ly”. Một biệt ly cũng có thể làm cho đàn ông nhạy cảm muốn nhảy lầu, huống nữa đây là bẩy tám. Hỡi ơi, chỉ có đột ngột đau đớn cách chia mới dựng nổi những câu chữ bình thường thăng hoa thành tuyệt bút. Nói chung, không cứ ở ta mà ở cả Đông lẫn Tây, thi ca về chủ đề ly biệt bỗng lừng lững bi tráng tự thành một dòng riêng. Thi đàn Việt từng có những thi sĩ tiêu biểu của dòng này, đáng kể nhất là Thâm Tâm và Nguyễn Bính.

Trong các sự ly biệt ở đàn ông thì ly hôn là “ca’ hoang mang đặc biệt lạ. Đau khổ là đương nhiên bởi bản chất của sự biệt ly là nước mắt. Buổi ly dị tại tòa, khác hẳn với đám đàn bà, nhất là những quý bà đã trữ sẵn nhân tình từ trước thường cố nén náo nức để giấu hớn hở, đàn ông đa phần lộ liễu sa lệ. Bọn họ cay đắng nhìn “một nửa” của mình đang e thẹn trong đám đông rồi nàng bẽn lẽn bỗng dưng nhân hậu, bỗng dưng nhân văn, bỗng dưng cao thượng. Khi truyền thông phỏng vấn, nàng làm vẻ bải hoải điềm đạm kể tốt về người cũ. Và bao giờ cũng “chốt hạ” bằng câu nồng nặc mùi khoan dung “mãi mãi chúng tôi vẫn là bạn quý của nhau”. Lạ nhỉ. Làm gì có thứ bạn mà mới vài tháng trước thôi khi còn đang “đồng sàng”, thì không đêm nào các nàng không khát khao mơ thấy cảnh dùng xăng tẩm đứa nằm cạnh thành món “barbecue”.

Từ ngàn xưa, hôn nhân vẫn luôn được coi là biểu tượng của sự gắn kết thiêng liêng đoàn tụ. Hai con người đang xa lạ với hai tâm hồn hoàn toàn khác hẳn nhau, đang bơ vơ lạc lõng từ tận đẩu tận đâu bỗng một ngày nối thành “xương bởi xương, thịt bởi thịt và cả hai nên một thân xác” (Cựu ước, Sáng thế ký 23;24”. Không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa giáo xếp bí tích hôn nhân vào trong bẩy bí tích huyền nhiệm, một phép mầu của Chúa. Còn có cái gì trên đời ấm hơn là mái ấm của một cặp đôi hạnh phúc vợ chồng.

Chính vì thế mà tất thẩy đàn ông dù khôn hay ngu cũng đều ngấm ngầm mặc định, vợ và con là sở hữu có thật của mình. Ngây thơ thay đàn ông, con thì mong manh có thể chứ vợ thì hẳn nhiên chưa chắc. Vô số quý ông ngày nay có thâm niên bị vợ gieo sừng trên đầu, ngay cả lúc khốn nạn thăng đường vẫn loay hoay không hiểu nổi cái “lý có chân” giản dị này. Mù quáng tin theo truyền thống, bọn họ ngu ngơ cho rằng, nạn nhân của ly hôn thường là đàn bà. Bởi hồi xa xưa, đàn ông chỉ cần có đôi chút điều kiện về kinh tế là nghiễm nhiên được quyền năm thê bẩy thiếp. Ở cái thời long lanh thiên đường ấy, thê thiếp đúng là y phục. Đàn ông sung sướng làm sao, chẳng mặc Pierre Cardin thì mặc Lacoste. Rồi nhân loại lầm than tiến tới chế độ văn minh một vợ một chồng, đàn ông rơi vào cảnh “bắt cởi trần phải cởi trần. Cho may ô mới được phần may ô”. Trong cái thế không thể sành điệu thì hầu hết đàn ông đi tới hôn nhân đành chân thành dựa vào tình yêu. Mà hôn nhân đã là ái tình thì ly hôn mặc nhiên sẽ thành “ái ly biệt”.

 

“Ái ly biệt khổ” là một thuật ngữ của nhà Phật. Gần ba nghìn năm trước, Đức Phật đại từ đại bi đã xếp nó vào “top five”, chỉ sau tứ đại khổ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đàn ông nào mà vượt thoát qua được “ái ly biệt khổ” thì coi như đã để một chân tới cảnh giới đắc đạo. Có điều, để thôi day dứt về sự “chia tay với những gì yêu thương” luôn là chuyện thiên nan vạn nan. Sau ly hôn, những gã chung thủy vẫn yêu vợ thoạt nhìn là biết ngay. Họ phờ phạc một mình ngồi ở quán rượu, mặt mũi chảy dài xuống sát những bộ phận dưới. Còn bộ phận dưới thì buồn bã ngỏng lên đến tận mang tai (đầu gối quá tai).

Tất nhiên, vì cũng là người nên đàn bà cũng thường phải chịu nỗi đau từ “ái ly biệt khổ”. Tuy nhiên, do cơ địa cấu trúc khác nhau nên nỗi khổ này ở đàn bà thường ít nằm ở ly hôn mà hay nằm ở mối tình đầu. Số lượng quý cô tự tử sau khi tình đầu tan vỡ thường ngang bằng số lượng các quý bà hậu ly hôn đi bước nữa. Ví dụ minh họa miễn cưỡng có thể tìm thấy ở cuốn tiểu thuyết lừng danh “Cuốn theo chiều gió” do một phụ nữ sắc sảo viết. Gã lãng tử chung tình Rhett Butler chỉ kịp tỏ tình với người mình yêu vào khoảng giữa hai cuộc hôn nhân. “Scarlett ạ, thực tình tôi không thể suốt đời cứ rình để bắt cô vào quãng giữa hai đời chồng” (Sách đã dẫn – NXB Văn Học 1988- Quyển bốn, trang 32).

Với khả năng tái hôn nhanh như ăn cướp, rất nhiều nam phê bình gia tuy đầy ấm ức đố kỵ nhưng cũng đành ngậm ngùi công nhận rằng, nhân vật nữ Scarlett O’Hara chính là điển hình cho tính nữ thời hiện đại.

Nguyễn Việt Hà


Thực hiện: depweb

31/07/2012, 10:57