DFS 10 Đam mê: Hãy cháy hết mình, dù chỉ lần duy nhất trong đời! - Tạp chí Đẹp

DFS 10 Đam mê: Hãy cháy hết mình, dù chỉ lần duy nhất trong đời!

Thời Trang


Khi người mẫu Thanh Hằng mang hình hài bào thai được khuôn đúc từ gương mặt Công
Trí, đi những bước cuối cùng trên sân khấu, tất cả ê-kíp như cháy lên: Chúng ta
đã làm được!

1. Cách đó mấy tháng, khi giám đốc sáng tạo Hà Đỗ có ý định đưa 10 nhà thiết kế lên
sân khấu DFS10, và giám đốc sản xuất Lê Như Thoa, Đinh Hồng Thắm dũng cảm đồng
ý, rất nhiều người đã cho rằng đó là điều không thể. Chưa ai làm như vậy và chắc
chắn không ai có thể làm như vậy (!?) Cho tới tận buổi tổng duyệt đêm hôm trước,
kết thúc lúc 3h sáng, vẫn có người lo lắng rằng chương trình không thể chạy trọn
vẹn.

Kể ra người ta lo lắng cũng không phải không có lý, khi trên một sàn diễn quy tụ
10 NTK, 9 BST với 8 màn trình diễn, mà màn nào cũng được dựng như màn chính (bởi
nếu đã mời 10 NTK lên sân khấu, thì không thể có người chính, người phụ).

Một đêm diễn được xây dựng như một Fashion Week thu nhỏ. Ở đó, người ta có thể
chỉ được xem vài suất diễn nhỏ, còn nếu có thời gian (và cả sự may mắn cũng như…
sức khỏe), mới có thể “chạy sô” hết chừng ấy suất diễn (nhưng nếu một Fashion
Week có hàng chục ngàn người tham gia sản xuất và hỗ trợ, thì toàn bộ ê-kíp Le
Bros dàn dựng, sản xuất, hỗ trợ cho DFS 10 chỉ dừng ở con số hàng trăm. Một sức
làm việc căng mình quả là khủng khiếp).

Sự lo lắng dường như càng có cơ sở, khi tới phút cuối cùng, đạo diễn Việt Tú
quyết định thay đổi đường dây kịch bản. Cá nhân tôi hoàn toàn “phục” sự thay đổi
này. Mỗi BST đã tìm được vị trí phù hợp nhất trong kịch bản mới. Trước khi thực
hiện, tôi từng nói với NTK Trương Thanh Hải và giám đốc sáng tạo Hà Đỗ rằng, hãy
chuẩn bị tinh thần đi, Việt Tú là người sẵn sàng thay đổi mọi thứ vào phút cuối. Tôi nói vậy, bởi tôi hiểu rõ tính cầu toàn của anh.

Như một thứ “dấu ấn Việt Tú”, đêm diễn bắt đầu với video clip truyền đạt thông
điệp. Một anh chàng mắt luôn nhìn thẳng kiên định, dù bị va chạm, nhiều lúc
tưởng không đứng lên được, nhưng vẫn bước tiếp, để bùng nổ vào giây cuối. Đó
chính là cách mà Việt Tú diễn giải hai chữ Đam Mê.

Nhiều người hỏi tôi: – tại sao DFS cứ phải là những màn trình diễn, sao không
đưa thời trang về catwalk thông thường? – Ừm, hỏi vậy khó như hỏi một cô gái,
rằng tại sao thích giày mà không phải thích túi.

Thời trang ý tưởng hay thời trang ứng dụng là hai món ăn không thể thiếu và
không thể phân định cái nào quan trọng hơn, của không chỉ thời trang Việt Nam mà
với bất cứ nơi nào trên thế giới này. Cũng như câu chuyện Con gà và Quả trứng,
thời trang ý tưởng đưa NTK vào thế giới của sự sáng tạo, được thỏa trí, để rồi
từ đó họ có thêm tình yêu và đam mê. Cũng từ thời trang ý tưởng, rất nhiều BST
ready-to-wear được ra đời. Ngược lại, thời trang ứng dụng là cách các NTK tiếp
cận gần hơn với khán giả, và quả thực cũng là nguồn tài chính giúp họ có cơ hội
nuôi dưỡng nhiều ý tưởng điên rồ của mình.
Mà hình như những người đã trưởng thành và va vấp nhiều, trải nghiệm nhiều,
chẳng ai còn hỏi Con gà hay Quả trứng.

2. Đêm diễn DFS 10 bắt đầu bằng những nhân tố hoàn toàn… ngoài thời trang. Anh
chàng bầm dập trong clip Triết lý sống bất hủ của huyền thoại Steve Jobs. Và ngay sau đó là Nguyễn Nho Trường Sa, tay guitar lead và là bạn diễn quen thuộc của Lê Cát Trọng
Lý. Nhưng mỗi người được đặt lên sân khấu DFS đều có “vai” của mình. Tất nhiên, Nguyễn Nho Trường Sa không đóng vai người mẫu thời trang, dù anh khoác chiếc áo
sành điệu và ôm cây đàn đính toàn đá phát sáng.



BST của NTK Devon Nguyễn

Trong màn trình diễn mở đầu, nếu BST của NTK Devon Nguyễn là tập hợp của những
đối lập và mâu thuẫn, giữa thiện và ác, giữa mềm mại và mạnh mẽ, thì âm nhạc
cũng là tổng hòa của những đối lập. Trí Minh với cây đàn dương cầm của những
khán phòng cổ điển; và Nguyễn Nho Trường Sa với guitar điện của không khí sục
sôi. Và bạn tin không, họ đã cùng chơi bản Hồ thiên nga, một bản nhạc đẹp đã
nghe nhiều lần, nhưng chưa bao giờ cho tôi cảm giác gai người như vậy.

Nghệ sĩ Trí Minh là người quen của DFS, nhạc điện tử cũng là món quen của anh. Nhưng trong suốt đêm diễn DFS 10, tôi lại thích nhất những lúc anh bỏ hết “đương
đại” qua một bên, ngồi xuống cây đàn dương cầm và để bàn tay mình lướt trên đó.
Sau đêm diễn, gặp Trí Minh, tôi nói, “Em thích nhạc của anh lần này”, là khi tôi
nhớ tới những ngón đàn của anh, nhất là trong màn diễn Trương Thanh Hải.




BST của NTK Trương Thanh Hải

Khi Trường Sa cùng tiếng đàn dần chìm sâu dưới sân khấu, không gian chùng xuống
trong bóng tối, nhưng đó không phải sự kết thúc như thông lệ, mà là sự mở đầu.
Bóng tối dẫn người xem vào thế giới huyền bí của Trương Thanh Hải. Quả là một
cảnh tượng kỳ ảo, khi những người mẫu chìm trong bóng đêm, từ từ trôi trên sân
khấu. Tất cả chỉ còn bừng lên những bộ trang phục rực sáng. Chính Trương Thanh Hải, dù đã mất hàng tháng trời giam mình trong buồng tối, cũng phải bất ngờ vì
hiệu ứng này. Có thể coi màn trình diễn của Hải là màn tốn kém nhất, khi BTC
phải sản xuất riêng một băng chuyền trên sân khấu, và một hệ thống đèn đặc biệt,
chỉ dùng một lần duy nhất trong cả đêm diễn.

Tôi cũng thích cách Anh Thư khiến khán giả nhớ lại thời của thế hệ vàng của sàn
diễn Việt. Cô rực sáng như một cảnh viễn tưởng về linh hồn nơi cực lạc, trôi
trong miền vô định như một sinh linh phù du.

Tôi hơi tiếc cho màn trình diễn của Diễm My, bởi những bộ trang phục của cô chỉ

khi nhìn gần mới thấy hết được sự kỳ công của người thực hiện. Hơn 20 bộ trang
phục hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, chỉ riêng điều đó thôi cũng là một
giá trị cực kỳ xa xỉ trong thế giới của tốc độ, của những sự phân công công
nghiệp.

BST Kelly Bùi được khoác lên mình những kiếm sĩ Kendo, trình diễn trong nhịp độ
và bước đi của… kịch nô. Với màu đen, những đường cắt cúp mạnh mẽ, những đôi
giày đế nặng, cô lại một lần nữa khẳng định với khán giả rằng: tôi là Kelly Bùi!



BST của NTK Kelly Bùi

Liền sau đó, sân khấu chuyển mình thành một bàn cờ. Ý tưởng sàn diễn hình bàn cờ
đã được nhiều người sử dụng, từ phim ảnh, kịch nói, tới thời trang, nhưng ở DFS
10, sàn diễn ấy gần như một bàn cờ thực thụ, khi “người chơi” là hai “kỳ thủ”
khác nhau.

Một bên là Lý Quí Khánh, với cảm hứng từ phong cách đặc sắc của hoàng hậu Pháp
và Tây Ban Nha Marie Antoinette. Tôi đã gặp anh ôm khư khư cuốn sách về Marie
Antoinette trong suốt quá trình dàn dựng. Người ta cũng đã khai thác Marie
Antoinette quá nhiều, phim, kịch, nhạc kịch, thời trang, v.v… nhưng Khánh vẫn
tin rằng mình có thể nhìn cảm hứng ấy theo một cách rất Lý Quí Khánh. Và tôi
thích lựa chọn “không an toàn” này của anh.

“Đối thủ” trên bàn cờ phía bên kia là hai NTK trẻ Hulos, những người được NTK
Minh Hạnh phát hiện và ưu ái. Hulos say sưa khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật Á
Đông – của những đường thêu tinh xảo và màu sắc rực rỡ, thiên về tông nóng; cùng
với đó là việc sáng tạo nên kỹ thuật thêu 3D. Có ý kiến cho rằng BST Hulos hơi
rườm rà “làm quá”, nhưng hãy nhớ rằng “làm quá” cũng là một tố chất của thời
trang ý tưởng.

Trước đêm diễn 1 tháng, đạo diễn sân khấu và hiệu ứng hình ảnh Lê Quốc Hưng đã
nói, sân khấu lớn không phải một thứ để khoe. Với anh, sân khấu quá lớn thật ra
là một thách thức. Nhưng không gian hàng trăm mét vuông của sàn diễn đã phát huy
hiệu quả tối đa trong màn diễn này, khi mà tất cả người mẫu của cả 2 BST đều tìm
được cho mình một vị trí trong bàn cờ.

Andrian Anh Tuấn lại có một cách khám phá khác về kỹ nghệ truyền thống. Anh đã
dùng kỹ thuật đan lát, được thực hiện bởi bàn tay của các nghệ nhân lành nghề,
để dựng nên phom dáng những bộ trang phục kinh điển của những năm 1960. Một sự
kết hợp và hòa trộn tinh tế.

Đêm diễn khá dài, nên những màn diễn “nóng” được dành tới cuối cùng. Lê Thanh Hòa nhìn Đam Mê bằng sắc đỏ – thứ màu thu hút nhất, trấn áp nhất. Trong màn diễn
của Lê Thanh Hòa, những người mẫu, để đạt được danh vọng, không khác gì những võ
sĩ trên đấu trường. Họ phải tranh đấu nhau, hạ gục nhau, và nhiều khi chiến
thắng cũng đồng nghĩa với cái chết. Tôi thích nhất hai điểm trong màn diễn này. Thứ nhất là cách Lê Thanh Hòa xử lý chất liệu inox. Thứ hai là quan điểm của anh
về Cái chết (hãy đọc bài phỏng vấn của Lê Thanh Hòa để hiểu thêm về quan điểm
này).

3. Trong một lần đi khám bệnh, nhìn những bản phim cắt lớp cơ thể, Công Trí chợt
thấy ám ảnh về câu chuyện giải phẫu bản ngã. Và nỗi ám ảnh đó được anh hiện thực hóa bằng thời
trang, trong đó hầu hết các mẫu đều được tạo thành hai cặp song hành mà anh gọi
là “Hình” và “Bóng”. Còn tôi thì liên tưởng tới thuyết Phân tâm học của Sigmund
Freud. nhớ có lần trong lúc chuyện phiếm, Công Trí bảo, có lẽ anh sẽ ngưng nghề
thời trang, đi tìm một cuộc sống khác. Tôi hy vọng, trong cuộc “giải phẫu chính
mình”, anh đã tìm được nguồn cảm hứng mới với thời trang, và mong rằng là, bất
tận.

Nếu mở đầu màn diễn, Thanh Hằng được thả từ trên trần xuống trong hình tượng
bệnh nhân trên bàn mổ tìm bản ngã, thì trong những bước chân cuối cùng của sàn
diễn Đẹp Fashion Show 10, cô bước ra trong bộ trang phục trong suốt, mang trong
mình một hình hài bào thai được khuôn đúc từ chính gương mặt Công Trí. Một sự
tái sinh ở cuối con đường đi tìm bản ngã.

4. Ngay sau đêm diễn, giám đốc sáng tạo Hà Đỗ mơ DFS 11 sẽ được thực hiện trên
một… chuyến bay, khán giả chỉ chừng vài trăm người, độ dài cũng chỉ vừa bằng một hành trình
từ Hà Nội tới Sài Gòn. Chưa biết ý tưởng đó hiện thực hóa được bao nhiêu phần
trăm, nhưng chắc chắn rằng đêm diễn thời trang với 10 NTK sẽ chỉ có thể thành
hiện thực một lần duy nhất.



BST của NTK Kelly Bùi


Bài:: Vũ Thủy
Ảnh: PASSION, Phạm Hoài Nam, Khôi Phạm

 

Thực hiện: depweb

15/11/2011, 09:15