Nhưng nghe thì thích thế thôi, chứ còn khi coi cái clip ca nhạc khi đó, tôi chẳng còn bao nhiêu hứng thú, bởi nhận ra nó trùng khớp ý tưởng và quá giống hai video ca nhạc nổi tiếng trước đây là “It’s all coming back to me now” của Celine Dion và “Unbreak my heart” của Toni Braxton, cũng đụng xe, cũng thành hồn ma quay về. Khi đó tôi nghĩ, làm clip chắc cũng không liên quan gì đến ca sĩ nhiều, ca sĩ thì chỉ biết hát, còn clip thì do đạo diễn làm.
Sau đó một thời gian, Quyên bắt đầu được chú ý với bài “Hãy trả lời em”, đi đâu tôi cũng thấy người ta bật nhạc Quyên, từ quán cà phê sang chảnh, đến quán lề đường, tiệm đĩa nhạc, thậm chí mấy cái xe kẹo kéo cũng bật nhạc Quyên như thương hiệu. Mấy câu hát trong đó người ta cũng hay trích dẫn, tặng cho nhau khi còn yêu, hay tự đăng lên blog mình khi thất tình: “Em hỏi anh có bao giờ, anh thôi không còn yêu em, anh trả lời em rằng, cuộc tình chúng mình không bao giờ tan…” Tôi thấy vui, vì cô ca sĩ mình thích quả đúng là có rất nhiều người yêu mến.
Giọng Quyên được thích, bởi đó là giọng ca đầy nội lực, cách Quyên nhấn giọng, nhả chữ, nghe đầy thổn thức và đàn bà một cách hoang mang. Mỗi khi bạn bè buồn, nhất là về tình cảm, tôi hay dặn đừng nghe Quyên hát, vì nghe xong có khả năng đi…tự tử rất cao. Nhạc của Quyên thường buồn và tan vỡ, như thành cái thương hiệu cá nhân, “không thổn thức thì không phải Lệ Quyên.”
Hai, ba album sau đó Quyên ra, hay đều, đẹp đều, được thích đều… nhưng không đột phá. Sau “Giấc mơ có thật” (2004) có những bài như “Thôi đừng chiêm bao”, “Hãy trả lời em” thì những album sau như “Lời yêu còn mãi” (2006), “Mắt biếc” (2007), “Như giấc chiêm bao” (2008), cũng không nhiều ấn tượng. Quyên vẫn cứ hát an toàn, ổn định, kết hợp với vài giọng nam như Tuấn Hưng, Lê Hiếu, Hoàng Thiên Long… ra thêm mấy bài hit “Như giấc chiêm bao” (với Tuấn Hưng), “Chia tay người ơi” (với Hoàng Thiên Long) hay “Quay lại từ đầu” với câu hát thành châm ngôn đàn bà “Đừng vì chút nhan sắc mà đến bên em, vì hoa kia rồi cũng sẽ phai tàn.” Nhiều người nghĩ, Lệ Quyên đã lên được đỉnh cao nhất của bản thân trong nghề hát, giờ, chỉ còn coi là Quyên giữ được đỉnh ấy bao lâu, hay bắt đầu đi theo chiều hướng xuống. Thậm chí đến hai album ra cùng lúc trong năm 2009 là “Nếu như ngày đó” và “Lệ Quyên acoustic” cũng không gây được dư luận, vì thời điểm đó, thị trường nhạc Việt rơi vào bão hòa với hàng loạt ca sĩ trẻ giẫm chân nhau nổi tiếng, tranh giành rất kinh khủng.
Nhưng mọi chuyện thay đổi khi năm 2010, Quyên ra mắt “Khúc tình xưa”, được coi như một album đưa Quyên trở lại, đến với đông đảo người nghe nhạc hơn. Trào lưu làm mới nhạc cũ khi đó đang thịnh, Mr. Đàm ghi dấu với những album “Dạ khúc cho tình nhân”, đặc biệt là “Qua cơn mê” với kha khá bài lần đầu tiên được cấp phép hát tại Việt Nam. Hay như Hồng Ngọc khi đó cũng có album “Vết thương cuối cùng” toàn những bài từng rất quen thuộc như “Phút cuối”, “Mùa đông của anh”… Và Quyên có “Khúc tình xưa”. Giọng Quyên là giọng miền Bắc, các luyến láy cũng theo kiểu miền Bắc, thế nên khi Quyên hát những bài trong “Khúc tình xưa” như “Hàn Mặc Tử”, “Buồn”, “Sầu lẻ bóng” vốn dĩ thường quen thuộc với những giọng ca miền Nam, thì bỗng dưng chúng trở nên lạ lẫm, thu hút người nghe một cách khó tả. Có anh bạn tôi nhận xét: “Quyên hát nhạc xưa, như kiểu người Bắc hát cải lương, nghe ban đầu thấy lạ, nhưng nghe dần sẽ thấm, thích lúc nào không hay.” Ngẫm thấy đúng thật.
Nhưng thường, cái gì lạ, người ta sẽ thích và ấn tượng ở lần đầu, chứ còn những lần sau vẫn đi theo phong cách và lối mòn đó, sự háo hức thích thú sẽ giảm đi hẳn. Dễ thấy nhất là hai album nhạc xưa sau đó của Quyên, “Trả lại thời gian” (2011) và “Dòng thời gian” (2013), vẫn là những ca khúc theo phong các xưa, được hòa âm, phối khí làm mới, vẫn không gây được dấu ấn, được ghi nhớ như những gì Quyên đã làm hồi 2010. Trường hợp này, có lẽ đúng cho câu “nhiều quá thành nhàm.”
Với dòng nhạc trẻ, Quyên ra album “Con tim dại khờ” với màn chào sân là video clip “Quá muộn màng”. Ấn tượng đầu tiên tôi nhớ về clip này, là Quyên quá đẹp. Không phải kiểu đẹp của gái mười tám, đôi mươi, đẹp kiểu hotgirl chân dài, sexy, Quyên đẹp kiểu đàn bà, “gái một con trông mòn con mắt.” Cái đẹp này, nó âm thầm, nhưng nó dễ làm đàn ông chết hơn. Ấn tượng thứ hai tôi nhớ, là Quyên quá điệu. Điệu từ ánh mắt, bước đi liêu xiêu đầu clip, cho đến cả khẩu hình miệng khi nhả chữ. Sau Hiền Thục hồi hát “Nước mắt pha lê” đến giờ, tôi mới được thấy một người hát chữ “em” mà miệng vẫn mở tròn như Quyên. Nhưng cũng chả sao, đàn bà đẹp là có quyền điệu, đẹp như Quyên hay Hiền Thục mà không điệu thì phí cái đẹp Trời cho. Chỉ tiếc một điều, “Quá muộn màng” lại không phải một bài hát ấn tượng đủ để mở đường quay lại cho Quyên, nếu như Quyên chọn “Ta đã từng yêu” hay “Chôn dấu một tình yêu” có lẽ ấn tượng cho album này sẽ còn lớn hơn hiện tại.
Một lý do khác làm tôi thích Quyên sau gần 10 năm trời, chính là chuyện Quyên không dính vào bất kỳ scandal nào. 10 năm bền bỉ hoạt động nghệ thuật, đi lên bằng khả năng, nỗ lực, chinh phục người nghe bằng chất giọng, lên báo nói về sự nghiệp, một chút đời tư, tự hào về gia đình với chồng và con trai. Quyên như miễn nhiễm với thói mượn scandal gây chú ý của rất nhiều ngôi sao hiện nay. Vì vậy, người nào đã thích Quyên, thì lại càng thích hơn.
Sắp tới, Quyên tổ chức “Q show” liveshow chính thức đầu tiên sau ngần ấy năm ca hát. Những người say mê giọng Quyên, lại có cái để chờ đợi. Riêng mình, tôi lại có chút lo lắng không hề nhẹ. Dù Quyên không nhận, nhưng người ta vẫn gọi Quyên là “Nữ hoàng phòng trà” vì giọng Quyên khi ở những không gian vừa đủ như phòng trà, Quyên đứng đó hát, người ta ngồi nghe cách chưa đầy mấy chục bước chân, mới cảm nhận hết được cái ma lực, ám ảnh của giọng Quyên. Những lần nghe Quyên hát tại mấy sân khấu lớn, sức chứa cả ngàn, tôi thấy giọng Quyên có chút gì đó bị đuối, hơi bơ vơ, lạc lõng. Có lẽ Quyên không hợp với những thứ gì quá hào nhoáng, rực rỡ. Nhưng dù sao, vẫn chúc Quyên thành công với tâm huyết của sự nghiệp mình, cũng như tôi vẫn sẽ thích Quyên như mười năm nay vẫn thích…
Bài: Chú Hề
Ảnh: Lệ Quyên FC
>>> Có thể bạn quan tâm: Ở thời điểm này, sau khi bộ phim hài lãng mạn “Âm mưu giày gót nhọn” đang thu hút khán giả ở các rạp chiếu, Petey Majik Nguyễn trở nên nổi tiếng hơn với vai diễn một anh chàng Việt kiều hài hước và quyến rũ, được hôn cả 4 cô gái xinh đẹp và là nguyên nhân gây ra cuộc chiến giày gót nhọn giữa họ…