Trong chuyên đề đặc biệt “Underground Men”, xin trân trọng giới thiệu 5 người đàn ông với 5 nghề nghiệp khác nhau. Đó là những nghề đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt, phải mất nhiều công sức lao động miệt mài, đồng thời lại bắt buộc phải có những phẩm chất sáng tạo có từ bên trong họ. Họ không hẳn là những người nổi tiếng (hoặc chưa nổi tiếng), nhưng lại có những ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của mình và được cộng đồng trong giới thừa nhận.
Mời bạn đọc làm quen với 5 người đàn ông trên dưới 30 tuổi này, những người chọn nghề nghiệp đặc biệt của họ vì niềm đam mê nhiều hơn là một công việc để kiếm sống, như Khổng Tử từng nói: “Hãy chọn công việc bạn yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình!”.
Trung là như vậy, mọi thứ xung quanh anh cứ mập mờ bí ẩn mà có sức thu hút lạ kỳ, đến mức bạn bè còn đùa anh làm nghề “điệp viên” khi thấy anh cứ như một cái bóng thoắt ở chỗ này mai lại ở chỗ khác, khi thì ở Việt Nam hôm sau lại hiện diện ở trời Âu. Trung chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền cố hữu, và lặng thầm đeo đuổi những đam mê, dự định, kế hoạch… miệt mài như điều anh đã và vẫn làm suốt bao năm qua. Và nhiều người sẽ rất bất ngờ vì những gì Trung dám dấn thân và đạt được cũng như nghị lực vươn lên đáng ngưỡng mộ của một chàng trai có tuổi thơ không mấy may mắn này lớn hơn rất nhiều so với bề ngoài gầy gò mảnh khảnh của anh.
Trung chuyển vào Sài Gòn năm 2002, vừa đi học vừa bắt đầu cuộc sống tự lập, trải qua rất nhiều công việc từ làm ở khách sạn, quán bar, hệ thống Khaisilk… cho đến nhân viên tổ chức sự kiện, điều phối dự án quảng cáo hay làm việc cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Vốn sẵn tính phiêu lưu và đam mê văn hóa, anh cảm thấy không thỏa mãn với cuộc sống làm việc cho công ty nhà nước vốn rập khuôn và gò bó. Nhờ sự giới thiệu của người anh (nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách) thân thiết trong gia đình, anh có cơ hội tiếp cận đến các công trình văn hóa, di tích hay cổ vật còn sót lại ở Huế. Tích cóp số tiền dành dụm được, anh lao vào sưu tầm bất cứ thứ gì từ tượng gỗ, đá, đồng (Lý, Trần, Lê…) , tô chén (Hán -Minh – Thanh hay Lý – Trần – Nguyễn) đến đồ vải vóc thêu thùa (Thanh hay Nguyễn) của Trung Quốc và Việt Nam. Lúc này có nhiều nhà sưu tập cũng như doanh nhân biết đến anh giữ nhiều đồ “độc” nên họ hỏi mua. Từ một người chơi cổ vật, anh chuyển sang một nhà môi giới chỉ trong vòng thời gian ngắn. Trung khá thành công trong vai trò một người môi giới nghệ thuật và cổ vật vì hầu hết những đồ anh sưu tầm bây giờ đều thuộc về các bộ sưu tập cá nhân. Không dừng lại thị trường trong nước, anh còn thường xuyên tham dự các phiên đấu giá tại Hongkong, Bangkok hay các bảo tàng ở châu Âu… vừa để mua, tham khảo giá mà còn trau dồi kiến thức .
“Cuộc đời là những ngã rẽ không ngờ”, anh nói, “không thể không nhắc tới người tư vấn chính trong việc mua đồ cổ nghệ thuật cho tôi là nhà sưu tầm danh tiếng Nguyễn Hữu Hoàng” – người đã gây tiếng vang với bộ sưu tập áo vua Hàm Nghi và Duy Tân mà ông đã dày công thu nhặt và bảo tồn từ núi cao rừng thẳm hay thôn xóm hẻo lánh nơi chúng bị thất lạc.
Thế nhưng khác với hai người “thầy-không-chính-thức” dẫn dắt anh vào nghề, Trung không chỉ sưu tầm và phục hồi mà còn phát triển nó theo hướng của riêng mình. Anh biết cách tiếp cận rồi lấy nghệ thuật truyền thống làm nền tảng để phát triển và thử nghiệm những nghệ thuật đương đại. “Học cái cũ, làm cái mới” như anh nói. Đó là hàng loạt những dự án với các họa sĩ, nghệ sĩ sân khấu được thực hiện tại Saigon Outcast, hay đạo diễn chương trình body-painting cùng với 2 họa sĩ Việt Nam, DJ từ Nhật, Úc, người mẫu từ Nhật, Anh… và tham gia tổ chức với cùng các nghệ sỹ trẻ và nhóm múa Arabesque trong một chương trình sân khấu thử nghiệm.
“Làm rồi đi tiếp, chinh phục cái mới”, anh nói thêm, “ bởi tôi không muốn lặp lại chính mình”.
Hiện tại Trung đang hợp tác cùng với một doanh nhân sắp mở một gallery – nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội họa hiện đại bên cạnh những bộ sưu tập cổ vật mà họ lưu giữ. “Nơi đây chúng tôi hy vọng đồng thời là nơi tìm kiếm và phát triển các thế hệ nghệ sĩ và họa sĩ trẻ của Việt Nam cũng như hợp tác trong khu vực”, anh chia sẻ. Đồng thời, Trung cũng đang tham gia lớp học vẽ để chuẩn bị cho chương trình cử nhân thiết kế của học viện thời trang và nghệ thuật Italy (Accademia Italiana Institute). “Sau gần nửa đời người trải qua biết bao nhiêu công việc, cuối cùng tôi cũng dừng lại bằng cách học hành một cách bài bản từ học viện nghệ thuật của Ý. Mặc dù tiếp cận với nhiều lĩnh vực liên quan nghệ thuật nhưng thật sự thiếu sót lớn lao nếu như tôi không hệ thống nó lại bằng cách nâng cao kiến thức học thuật” – Trung nói.
Kết thúc buổi gặp, khi biết tên Trung chọn cho gallery của anh và bạn sắp mở là “Stutt” – một từ chơi chữ tắt của từ “cà-lăm” trong tiếng Anh, tôi hỏi: “Tất cả mọi công việc anh đã và đang làm đều phải giao tiếp và đối thoại rất nhiều, anh không coi tật nói lắp của mình là một trở ngại sao? Trung chia sẻ chân tình: “Sự mạnh mẽ trong đầu quan trọng hơn rất nhiều so với những khiếm khuyết bên ngoài. Như vua George – cha của của nữ hoàng Elizabeth II hay gần đây là Nick Vujicic đều là những người truyền cảm hứng và ý chí vĩ đại. Tôi quan niệm mỗi một khía cạnh nếu làm hết mình tới cùng, đi suốt cùng nó sẽ đạt đến sự thăng hoa. Hãy khắc phục và lấy điểm yếu làm sức mạnh tiến lên, khi đó bạn sẽ tiến xa hơn rất nhiều”.
Text: Louis Nguyen, Phuong Huyên
Photo: Tuan.Fr
Producer:C.H
Assistant: Ly Binh Son
Make up: Dinh Nhon