“Khi một người mất mẹ ở tuổi năm mươi, điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn. Bạn tự nhủ lòng rồi ngày mai sẽ khá hơn nhưng điều ấy sẽ không bao giờ có được.
Khi một người đã năm mươi tuổi mà vẫn còn sống một mình và mẹ cũng một mình (vì ba mất sớm) thì mẹ và người ấy là hai người bạn. Hai người bạn ấy đã cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời nhưng mẹ bao giờ cũng là người thiệt thòi nhất vì mẹ bao giờ cũng thấy con mình là một đứa trẻ và do đó mẹ đã chăm sóc con trên từng giấc ngủ, trong từng bữa ăn. Và cũng chính mẹ sẽ rời bỏ mọi cuộc vui để không rời bạn khi bạn đau ốm.
Một người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm. Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có hủy diệt chứ không thể làm sinh nở một điều gì tốt lành.
Nếu thân xác mất đi mà linh hồn vẫn còn lại thì bạn hãy tin rằng mẹ sẽ là người đau khổ nhất chứ không phải là bạn. Ở nơi linh hồn đó, mẹ biết rằng từ nay không còn ai đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi bạn trong những phiền muộn trập trùng của cuộc đời.
Một người năm mươi tuổi mất mẹ thì đau khổ hơn trẻ lên năm bởi vì người ấy không còn kỳ vọng gì ở tương lai nữa. Mất mẹ là mất một phần lớn của cuộc vui muốn được đền đáp, chia sẻ.”
Trịnh Công Sơn (Tháng 11/1991)