Lựa chọn “Đẹp+…” kỳ này là một bất ngờ. Không phải một gương mặt A-list như thông lệ, mà là nhóm 3 nghệ sĩ trẻ – phần nhiều trong đó mang hơi hướng dòng chảy ngầm. Họ: Bảo Lan, Nguyễn Đình Thanh Tâm và Phạm Toàn Thắng xuất hiện đâu đó trong lẫn trong rất nhiều hạng mục của giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2014 – một mùa âm nhạc nhộn nhịp vào phút chót với rất đông những tên tuổi ấn tượng khác. Không được coi là “hạt giống” của mỗi bảng đề cử, nhưng họ đại diện cho những cái tên mới, những giá trị mới – để chúng ta tiếp tục cuộc tìm kiếm và tôn vinh những Giá trị Đẹp – trong địa hạt âm nhạc đương đại Việt Nam.
Nói về “Chạy mưa” – một bản nhạc vui tươi, tung tẩy với những giai điệu triển khai đầy bất ngờ, khi được hỏi “Giữa thị trường âm nhạc như Sài Gòn, ‘Chạy mưa’ biết trốn vào đâu để an toàn nhất?”, Phạm Toàn Thắng trả lời, “Chẳng có nơi nào là an toàn cả. Khi bạn mặc áo mưa thì cùng lắm là giúp bạn được 90% thôi. Và hầu như ai cũng chọn 90% đó, còn 10% thì ướt nhẹp cả ra. Có người bị té, có người bị bệnh, nhưng cũng có người lại tận hưởng được sự sảng khoái dưới cơn mưa ấy.” Còn Thắng – “để được ‘khoái’, tôi phải dám liều và dám thử”.
Thắng là một trường hợp khá chông chênh. Cậu tồn tại trong thị trường âm nhạc Sài Gòn nửa với ước mơ trở thành một ngôi sao quần chúng (bằng chứng là đang thử sức tại cuộc thi X-Factor!), nửa muốn trở thành một người viết nhạc đầy tâm tư. Nếu như Thắng dám gạt bỏ hết sự phù phiếm của 90% người lựa chọn kia, ẩn mình chạy khỏi cơn mưa thường trực, cậu sẽ trở thành một hạt nhân đáng gờm – một nghệ sĩ độc lập dạng Lê Cát Trọng Lý, Hải Bột… – lấp thêm vào phần thiếu của nhạc Việt đương đại. Một người viết nhạc có nhân sinh quan đa dạng, một tinh thần thẩm thấu âm nhạc Đông Tây dung hòa, và một giọng ca vừa đủ chở tâm tư riêng của mình đến với người nghe…
Thắng xuất hiện sớm hơn Tâm, qua một bản pop kẹo ngọt “Cô bé mùa đông” với Thủy Tiên. Những tưởng cậu sẽ sớm tan trong miệng của mấy cô cậu khán giả mau no chóng chán, nhưng bất ngờ, Thắng bước lên sân chơi Bài hát Việt tự thể hiện bản rock “Uống trà” của mình. Kể từ đó, “Bài hát Việt” có tên một người viết nhạc trẻ thật sự, nhưng đã sớm già trong con mắt nhìn đầy âu lo, đa cảm và đa chiều.
Thắng khi vui, khi buồn, khi phơi phới yêu đời nhưng khi lại chấp chới bế tắc… Nhạc của cậu như nhật ký của con tim đập loạn nhịp. Bài thì rất vui vẻ (“Uống trà”, “Vẽ”, “Bốn chữ lắm”), khi mộng mơ hoặc buồn lãng đãng vu vơ (“Dấu mưa”, “Lạc”)… Năm 2013 của riêng Thắng đột biến với những bài hit “Lạc” (Quốc Thiên), “Dấu mưa” (Trung Quân), “Uống trà” (Thảo Nhi dự thi The Voice và ra single đầu tay), “Tìm” (Văn Mai Hương – Trúc Nhân) và… “Chạy mưa” (Nguyễn Đình Thanh Tâm).
Thắng chưa đủ sức tự hoạch định đường hướng cho nghệ sĩ, mà đơn giản ca khúc mới nào ra đời cũng có ca sĩ đón đợi, sau đó là người nghe trẻ tuổi “hứng” sẵn… Năm nay sẽ còn có “Chuyện của mùa đông” (Hà Anh Tuấn), “Vẽ”, “Bốn chữ lắm” (Trúc Nhân) dự đoán sẽ làm mưa làm gió thị trường… Lẽ ra, “Dấu mưa” hoàn toàn xứng đáng là một đề cử Bài hát của năm 2014 nhưng không hiểu sao lại bị đẩy ra, có lẽ Cống hiến muốn nhường thêm chỗ cho một gương mặt tác giả khác chăng? Thế nhưng nhìn hiện tượng “Dấu mưa” phong tỏa mọi ngõ ngách đô thị, được lẩm bẩm trên môi của mỗi cô cậu thanh niên cũng đủ để thấy vui – vì khoảng cách từ bản “hit” ngây ngô “Cô bé mùa đông” đến sự ngọt ngào chín tới của “Dấu mưa” là một khoảng cách xa trong tay nghề của Toàn Thắng.
Giờ đây, Thắng làm chủ được cảm xúc của mình, ẩn nó vào âm nhạc vừa đủ. Giãi bầy nhưng không kể lể, một bài hát được viết theo giai điệu êm ái hay trúc trắc đều rất bắt tai và gây ấn tượng với người nghe bằng những câu chuyện rất chín chắn. Chữ “thị trường” lâu nay luôn gây dị ứng cho những đôi tai khó tính, thế nhưng ở trường hợp của Thắng, thị trường càng đón nhận nhiều bài hát mới, càng hâm mộ Thắng, chúng ta càng nên vui. Bởi giới trẻ đang lan tỏa những cảm xúc hết sức sạch sẽ, không hề bi lụy của tác giả. Sự yêu đời và nghịch ngợm ấy, theo Thắng, anh học hỏi từ âm nhạc của Jason Mraz, cùng với sự miên man ẩn chứa của Đỗ Bảo và cả một chút điên nổi loạn của Kurt Cobain… “Nói đôi tai bạn nghe nhạc gì, tôi sẽ hiểu bạn sống ra sao” – chân lý này hoàn toàn đúng với Thắng, và với cả những bạn trẻ đang chờ đợi bài hát của Thắng – “Hits Maker Junior”!
– Bạn đang viết nhạc cho ai nghe?
– Trước tiên là cho tôi. Dù nhạc của tôi có mang tính đại chúng hay không thì bản thân tôi phải hài lòng về nó ở một mặt nào đó đã, rồi mới dám để nó xuất hiện trước mọi người.
– Bạn “vẽ” nhạc mình bằng tông màu gì?
– Tôi luôn vẽ bằng tông màu nude, vì bản tính thích thể hiện những cảm xúc của mình một cách trần trụi. Tôi không phải thiên tài để có thể tự tô vẽ một bức tranh cảm xúc của tất cả mọi người. Bức tranh của tôi là những góp nhặt từ những niềm vui, vết xước trong cuộc sống của mình. Âm nhạc của tôi có thể hơi hỗn tạp, nhưng biết sao được, cuộc sống của tôi đâu có phẳng lì như mọi người.
– “7 ly rượu”* có đủ làm bạn say không?
– Tôi luôn là một người say dưới lốt bề ngoài tỉnh táo. Tôi luôn cười, lạc quan và liều lĩnh nhưng thật ra thì chao đảo như một cái cân, luôn mong muốn tìm lại sự cân bằng cho chính mình. Tôi không thích âm nhạc được làm một cách quá nghiêm túc, mà nó phải hơi phởn đời, ngông nghênh như một người say. Vì chẳng phải khi ta say là lúc ta chân thật và bản năng nhất sao?
– “Bốn chữ lắm”* của bạn giai đoạn này?
– Một bài hát mới – một khúc đồng dao trẻ con thôi, không quái, không mới nhưng đủ giản đơn để thấy mình trong lành. Tôi không phải là một cái hũ gạo không đáy, mà tự nhận bản thân cũng dễ cạn kiệt. Nên mỗi lần cảm giác gần hết, tôi phải thử nghiệm ở những chuyện khác, viết khác, nghĩ khác, dở cũng được. Với tôi, phải là “bốn chữ khác”.
– Mới có 3 chữ khác thôi, chữ cuối nhé: một Vị trí khác
– (* Tên các sáng tác của Toàn Thắng)
Điểm sáng của Nguyễn Đình Thanh Tâm chính là sự khiêm tốn và lễ độ. Dù Tâm thừa chữ nghĩa để đối chất với những câu hỏi khó, và thậm chí thừa sức át vía nhiều phóng viên văn nghệ non gan. Tâm mới đến làng nhạc, nhưng được lựa chọn để trở thành một nhân tố của sự sáng tạo. May mắn Tâm gặp được Tùng Dương lần đầu ngồi ghế giám khảo, vừa như một hình ảnh phản chiếu chính Dương lúc mới vào nghề, vừa như một điểm tựa về niềm tin trên hành trình đến những con đường gian khó. Tâm có giọng hát, có chiều sâu đa diện, và cũng giống hệt bất kỳ một sinh viên kiến trúc nào là thích thể hiện bản lĩnh, thích đa sắc đa chiều, thích sự ẩn dụ và biến hóa…
Vì Tâm yêu nhạc và được âm nhạc lựa chọn, anh cũng sẽ không thể đi con đường khác. Một bên là con đường đại chúng, bản năng anh có nhưng tố chất cần có thì Tâm không đủ. Đi con đường “tiểu ngạch”, lấy sáng tạo làm kim chỉ nam, gai góc và biến hóa làm hành trang thì Tâm lại hoàn toàn phù hợp. Nói thẳng ra, Tâm không thể làm một ca sĩ nhạc pop, nhảy nhót và mặc quần áo đẹp như những nam ca sĩ nhạc nhẹ giữa sân khấu nhiều màu và đèn led lấp lánh. Tâm bắt buộc phải trở thành một con tắc kè hoa, mỗi lần bước lên sân khấu dưới ánh đèn follow lại là một bí mật mang đến cho khán giả. Ngoại hình đặc biệt của anh là thứ hấp dẫn người xem, là một đối trọng của những công thức Kpop đang ngập tràn nhạc Việt.
Ảnh hưởng Tùng Dương ở cách đến với sân khấu và cách tiếp cận công chúng, nhưng người chi phối Tâm nhiều nhất trong âm nhạc lại là Trần Thu Hà. Tâm không hề điên trong âm nhạc, mà thực tế cậu rất tỉnh – một tính cách điển hình của Trần Thu Hà. Cậu tỉnh trong việc chọn lựa tinh hoa của những tiền bối để xác lập vị trí của mình. Sự khôn ngoan nhất đến lúc này là cậu xây dựng được cho mình một ê kíp riêng và hoàn toàn mới trong showbiz, từ phần âm nhạc cho đến trang phục. Tất cả để làm cho Tâm khác biệt và sáng tạo chứ không bị bế tắc và quẩn quanh nếu như lại tìm đến những người đã sát cánh với hai cá tính Hà Trần và Tùng Dương hay còn mạnh hơn như Thanh Lam.
Điều ê kíp này đã làm được với Tâm chính là định dạng cậu hoàn toàn riêng biệt, quái vừa đủ để gây ấn tượng với phần nhìn, nhưng cách tân âm nhạc sang màu sắc điện tử mãnh liệt, vừa đại chúng vừa hiện đại. Con đường này rất gần với Madonna và Lady Gaga. Nếu tiếp tục đi con đường từ album vol 2 ấy, vứt bớt những thứ làm màu dựa vào tính dân tộc cổ truyền mà người khác đã định danh, Tâm sẽ có một lối đi của mình – không định kiến, đơn giản và đến với công chúng nhanh hơn nữa. Với người nghệ sĩ, làm gì cũng phải có người nghe, và khi đã có nhiều người đi theo, anh có thể làm bất kỳ điều gì anh muốn, kể cả những điều quái gở!
Thời điểm này, Nguyễn Đình Thanh Tâm đang là một cái tên mới của trường phái nghệ sĩ sáng tạo. Nhóm nghệ sĩ này không bao giờ nhiều, nhưng bắt buộc thời điểm nào cũng phải có một ai đó. Tâm cũng sẽ phải gánh trọng trách như Thanh Lam, Hà Trần, Tùng Dương ở mỗi thời điểm, trở thành đối trọng cho những thứ hào quang tung hô đầy màu sắc, phải chấp nhận sự khắt khe và búa rìu chuyên môn – dư luận – và thị trường. Ai cũng chọn đường dễ dàng, đường gian nan biết dành phần ai? Con đường đó giờ đang không có người đi, hoặc họ đã rẽ sang đường khác. Nguyễn Đình Thanh Tâm – hãy bước tiếp đi nào!
– Định kiến “cái bóng Tùng Dương” có phải là quá nặng nề cho bạn không?
– Từ “định kiến” đương nhiên đã là nặng rồi, tôi thích từ “so sánh” hơn. Định kiến là một cái gì đó khó thay đổi và hẹp hòi về niềm tin, mà tôi lại có niềm tin rất lớn rằng khán giả luôn rộng lượng, luôn khách quan để đánh giá mỗi nghệ sĩ, giọng hát và phong cách. Có những thứ mình không tạo ra nhưng phải cố gắng để “bứt phá” khỏi thứ vô tình mình được đặt vào như vậy. Nói thật lòng, tôi không khó chịu bởi sự so sánh đó, còn nếu nói khéo léo, thì “đó là áp lực và động lực để em phấn đấu”.
– Nếu đặt kỳ vọng bạn bứt phá tiếp, nhiều hơn nữa từ album thứ 2, bạn có lo lắng không? Bởi làm nhạc cho bạn rất khó. Nếu quá quái đản, phi giai điệu và giới tính sẽ mang theo định kiến về cái bóng. Còn nếu làm thương mại thì thị trường chưa dễ dàng đón nhận?
– Tôi chỉ lo lắng thành phẩm mình làm ra có thỏa mãn chính mình và khán giả của mình không, có đủ để mình cảm thấy tự hào khi nhắc về nó khi tính thời sự của sản phẩm đã qua đi vài năm hay không. Người ta thường nói “cái khó thì sẽ ló cái khôn”, cuộc sống với tôi luôn là những tháng ngày hồn nhiên và nhiều niềm tin. Nên tôi luôn tin rằng đến một lúc nào đó, nếu mình cứ chân thành, cứ hồn nhiên với mình thì cũng sẽ có những người như vậy ngồi nghe mình hát. Lúc đầu có thể vắng, nhưng sau sẽ dần đông lên. Tôi cũng cho rằng, từ những ngày đầu tiên vào nghề, nếu Tùng Dương không vững tâm với những gì đã lựa chọn thì có lẽ ngày hôm nay của Tùng Dương là một điều khó khăn. Sự vững tâm và quyết liệt với lựa chọn của mình, có lẽ anh Dương là một người để tôi học hỏi nhiều.
– Cuộc chơi của bạn vừa tốn sức vừa tốn tài (tài năng/tài chính). Phải làm sao đây?
– Tôi phải chuẩn bị tốt nhất về “tài” (với cả hai nghĩa). Tôi sắp tốt nghiệp Đại học VHNT Quân đội, nhưng vẫn sẽ phải học tiếp, phải cập nhật liên tục xu hướng cũng như xây dựng bản thân nữa. Còn về “tài chính” thì với tâm lí “góp gió thành bão” hoặc “kiến tha lâu cũng đầy tổ” xem ra cũng không quá yếm thế. Nhưng tôi chưa từng nghĩ ca hát là một cuộc chơi đâu. Với tôi, nghề sẽ thành nghiệp nếu có đầy đủ sự nghiêm túc cũng như đầu tư từ bản thân mình. Còn tôi cũng chưa đủ giàu, chưa đủ “tài tử” để làm mọi thứ theo dạng “làm mà chơi – chơi mà học”.
Bài: Chu Minh Vũ
Nhiếp ảnh: Trọng Đức
Make up: Ne
Stylist: Thi Thi
>>> Có thể bạn quan tâm: “Tìm được người đồng hành với mình rất khó. Nhạc sĩ bây giờ rất nhiều, ca sĩ cũng thế nhưng để làm việc chung thì cần nhiều lý do”. Trang Pháp nói vậy. Những lý do của Trang hẳn cũng có lý lẽ của nó, vì gần như chỉ mới hai năm, con đường âm nhạc mà cô chọn lựa cùng sự hỗ trợ của Dương Khắc Linh đã ngày càng rõ ràng hơn.