Câu chuyện của “Thor 2: Thế giới bóng tối” được mở đầu bằng lịch sử của dân tộc Asgard khi Bor, cha của Odin, cùng đội quân của mình tiêu diệt các Hắc Tinh, trong đó có Malekith cùng bảo vật Aether, mang sức mạnh hủy diệt cả 9 hành tinh.
Trải qua nhiều ngàn năm, vũ trụ lần nữa bước vào thời khắc hội tụ, 5000 năm có một lần. Trong khoảng thời gian này, các không gian được liên kết với nhau do những lỗ hổng từ trường.Người yêu ở Trái đất của Thor, Jane Foster, trong lúc tìm kiếm anh đã vô tình lạc vào một vùng không gian bị lãng quên, nơi cất giữ sức mạnh khủng khiếp của Aether và giải phóng cho nó, đánh thức cả Malekith cùng đội quân hủy diệt của mình, bắt đầu cuộc chiến mới trên khắp dải Ngân hà.
Về phần Thor, sau sự kiện Phase 2 tại Trái đất trong “Avengers”, anh trở lại Asgard, đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn hòa bình cho cả chín thế giới. Loki bị bắt giam trong ngục tối để phải sám hối những lỗi lầm của mình, tuy nhiên vẫn mang nỗi hận đến người cha nuôi là thần Odin, chỉ có người mẹ, nữ hoàng Eir là còn quan tâm và yêu thương Loki. Khi nhóm quân phản loạn của Malekith trở lại, với tham vọng lấy lại vũ khí tối thượng Aether từ người Jane, cũng như đưa vũ trụ trở lại thời kỳ bóng đêm, Thor và Loki buộc phải dẹp bỏ ân oán, bắt tay cùng nhau chống lại kẻ thù chung.
Trong phần 2, người xem được chứng kiến những thế giới mới ngoài Asgard, đó là những vùng đất của Cửu Giới. Tạo hình của nhân vật trong các thế giới này mang nhiều đặc trưng khác nhau. Có vùng đất mang nét văn hóa Trung Hoa, cũng có những nơi chỉ có một màu đen của chết chóc như nơi Malekith và đồng bọn bị giam giữ.
Phần 2 của “Thor” cũng đồng thời khắc họa kỹ hơn về thế giới Asgard, nơi phép thuật, kỹ thuật hòa làm một. So với những thần thoại khác như Hy Lạp, Ai Cập, La Mã, thần thoại Bắc Âu có thể còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên theo bước chân Thor vào lãnh thổ của anh, với kiến trúc hoành tráng, sang trọng nhưng vẫn không thiếu sự bí ẩn thần thánh, người xem sẽ thấy cực kỳ thích thú. Trang phục trong “Thor 2: Thế giới bóng tối” cũng là một điểm tuyệt vời của phim. Những bộ giáp ánh kim thẳng hàng tăm tắp khi quân đội tập luyện, bộ quần áo “kinh điển” của Thor, Loki, hay những bộ áo đầm của hoàng hậu Eir, Jane đều rất đẹp, tôn lên được sự quý phái hoàng gia của đế quốc Asgard.
Khác với phần 1, trong phần 2 này, Thor không còn là một chàng thanh niên háo thắng, xem sự thể hiện bản thân là trên hết, anh điềm đạm, suy nghĩ có chiều sâu và nghĩ cho đại cuộc nhiều hơn. Ở một số phân cảnh, khán giả có thể thấy được tâm trạng nhân vật được Chris Hemsworth diễn xuất rất tốt, nhưng cũng có nhiều chỗ có được sự hóm hỉnh như lúc còn ở sự kiện Phase 2 (“Avengers”). Chris vẫn tiếp tục lưu giữ một hình ảnh Thần Sấm cơ bắp, đẹp đẽ trong phần hai này.
Tuy nhiên, khi coi phim, nhân vật được nhớ và thích thú nhất lại không phải Thor, mà là cậu em ngang bướng Loki (Tom Hiddleston). Sự đau khổ khi biết mình mất người thân, sự thù hận mệt mỏi hằn lên gương mặt trong những cảnh diễn tâm trạng hay sự hài hước mỉa mai trên đoạn đường đi cùng anh trai làm cho nhân vật Loki thể hiện được cá tính của mình. Có thể trong phần 1 hay “Avengers”, người xem không thích một Loki tàn ác, ngang bạo, nhưng với phần 2 này, chắc chắc Loki sẽ là cái tên đáng nhớ nhất cho người xem.
Nhân vật Jane Foster của Natalie Portman thủ diễn cũng vẫn duy trì tính cách mạnh mẽ, ngoan cường như trong phần 1, đặc biệt, Jane có sở thích tát người khác. Lúc gặp lại Thor, Jane tát anh hai bạt tai, một để kiểm chứng mình mơ hay thực, một để cho nỗi nhớ suốt hai năm qua. Và khi gặp Loki, Jane cũng tặng hắn một cái tát, “vì New York”. Jane cũng là một vai diễn tốt của Natalie nhưng lại không có nhiều điểm mới hơn so với phần một.
Lần này, một vai diễn nhỏ, xuất hiện không nhiều nhưng lại gây được ấn tượng tốt và làm người xem nhớ nhiều, đó là vai diễn hoàng hậu Eir của Alice Krige. Những đoạn chiến đấu, ánh mắt nhìn con đầy thương yêu, hay lời trấn an cho đức vua Odin, đều thể hiện được uy quyền, phẩm hạnh của một vị hoàng hậu nhưng vẫn tròn thiên chức người làm vợ, làm mẹ.
Với rất nhiều điểm sáng trong diễn viên, bối cảnh như vậy, nhưng “Thor 2” vẫn yếu thế vì không có được một kịch bản sâu sắc hơn. Kịch bản được đơn giản đến mức gần như tối giản, không thắt nút, không cao trào, cũng như không có những cú chuyển làm khán giả bất ngờ. Những đoạn đánh nhau trong phần 2 này cũng thiếu đi sự hoành tráng và cao trào, kịch tính như trong phần 1 hay “Avengers”, thay vào đó chỉ là màn đấu tay đôi của Thor và Malekith và màn nhảy không gian liên tục. Sự liên kết không gian này được giải thích tốt, tuy nhiên liên tục đưa vào đoạn đánh nhau cao trào, khiến cho hai nhân vật không thể hiện được khả năng thần thánh hay sức mạnh mà chủ yếu là nhào vô, ôm nhau rồi lăn hết chỗ này chỗ kia.
Coi phim xong, người xem cũng không nhớ được gì nhiều, ngoài cơ bụng 6 múi, trang phục đẹp, bối cảnh đẹp và… hết. Câu chuyện của “Thor 2” cứ vậy mà chìm vào quên lãng vì không điểm nhấn, chưa kể phần mở đầu hơi dàn trải, dài quá mức cần thiết khiến cho ai không kiên nhẫn sẽ thấy có chút buồn ngủ.
Nhưng nhìn chung, “Thor 2: Thế giới bóng đêm” vẫn là một bộ phim giải trí tốt cho những fan của dòng phim đại cảnh hoành tráng, hay đã lỡ yêu những nhân vật bước ra từ hoạt hình Marvel. Thế nên, cứ việc xách bắp rang và nước ngọt lên và đi coi “Thor 2” cho cuối tuần!
Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDB
>>> Có thể bạn quan tâm: Trên tổng thể, khó có thể nói “Tía ơi!” là một phim điện ảnh đúng nghĩa, vì mang quá nhiều hơi hướm truyền hình. So với những bộ phim giải trí ra rạp gần đây, như “Âm mưu giày gót nhọn” “Tiền chùa”, “Tía ơi!” có chiều sâu nhân văn trong kịch bản nhiều hơn, tuy nhiên, cách kể chuyện phim lại chưa xứng tầm với một câu chuyện tốt như vậy.