Nói Lý là “duy nhất” ở Việt Nam, tính tới thời điểm này là do… ăn may – như Lý vẫn tự nhận, tôi thấy Lý khiêm tốn quá. Tại vì tôi thấy Lý thực sự có tài, khi theo đuổi dòng country vốn thịnh hành ở Pháp vài chục năm trước.
Lý thiên về chia sẻ những triết lý đơn giản trong đời sống hơn là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp và tôi cũng không nhìn thấy khát vọng trở thành ca sĩ đứng trên sân khấu lớn trong Lý. Lý có những ý thơ rất hay, và trên nền năng khiếu về âm nhạc của mình, cùng với sự nhẹ nhàng (dù chỉ là vẻ ngoài), Lý tạo ra một không gian âm nhạc của riêng mình.
Tôi nhìn thấy Lý có đam mê và “nghệ sĩ tính” rất lớn. Và chắc hẳn phải có sự khác người nữa thì Lý mới có thể tiếp tục con đường đang đi một cách tuyệt đối như vậy. Trong thời buổi nghề ca sĩ đang “thịnh” như hiện nay, nếu muốn, Lý đã có thể chuyển hẳn sang nghề đi hát, và hát theo một kiểu khác. Hoặc cũng có thể chuyên tâm vào viết nhạc, và có thể viết theo một kiểu khác. Lý thông minh, nếu muốn, tôi tin Lý sẽ học được.
Lý cực đoan, có tiêu chí rõ ràng trong cách viết và chơi nhạc. Nhưng nội tâm của Lý có vẻ hơi khác với âm nhạc và vẻ ngoài của Lý. Chẳng hạn như Lý viết về “thiền” thì có vẻ như chỉ vì Lý nghĩ, thứ nhạc đó dễ đi vào lòng người hơn trong một xã hội có quá nhiều đua chen. Nhưng tôi không thấy nội tâm của Lý “thiền”. Tôi vẫn nhìn thấy mong muốn mang âm nhạc đến cho nhiều người nhất có thể, ở trong Lý. Tôi thấy nội tâm của Lý thậm chí còn có một chút “điên dại”.
Còn Thanh Lam, gọi Lam là số 1 hay duy nhất đều đúng. Vì một người nổi tiếng và cá tính thường không giống ai. Chưa kể, người đến sau nếu muốn nổi tiếng, tốt nhất đừng giống người đi trước. Nên làm gì có ai thay thế được Lam. Nhưng con đường Lam tạo ra, cách Lam sống và chia sẻ, năng lượng của Lam có thể lại ảnh hưởng hoặc trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người, ngay cả những diva khác.
Lam với Lý thì chẳng có gì liên quan tới nhau. Điểm chung có chăng là sự cực đoan và mạnh mẽ đến cùng, trên con đường mỗi người lựa chọn. Còn lại, Lam hoàn toàn khác biệt. Nhìn Lam, người ta dễ thấy tất cả: chất nghệ sĩ, đàn bà, sự “điên”… Còn Lý, tất cả đều ở bên trong, có thể do tính cách hoặc hoàn cảnh sống có gì đó đặc biệt đã ảnh hưởng tới Lý.
Về âm nhạc, tôi hợp với Lam hơn, còn âm nhạc của Lý không đúng “gu” của tôi lắm. Nhạc của Lý là dòng nhạc ru ngủ mà… không ngủ được. Nó êm êm nhưng vẫn phải khiến người nghe suy nghĩ.
Khác Thanh Lam, tôi không nghĩ rằng Lý cần dành thời gian nhiều hơn cho việc học, lúc này. Vì nhạc của Lý không cần đến khoa học hay sự chính xác của âm nhạc cổ điển. Lý viết nhạc chỉ để nói lên tâm tư và giải tỏa năng lượng của chính mình. Tôi nghĩ sau này Lý cũng không thay đổi đâu, mà cộng đồng người yêu thích Lý thì dường như ngày càng rộng.
Chẳng hạn như
Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ khi bắt đầu ông đã viết ra những thứ như vậy rồi chứ không cần đến sự học nào cả. Vì vậy, học có khi lại hỏng. Nên nếu Lý vào nhạc viện, tôi nghĩ chỉ sau 2 năm Lý sẽ… hỏng. Vì ở đó không dạy những điều Lý cần. Học vào có khi còn có thể thành ra một cái gì đó rất khác, rất chán.
Tất nhiên, khi làm việc cùng nhau, tôi nhìn thấy âm nhạc của Lý không có nhiều học thuật. Tôi cũng nhìn thấy Lý có mong muốn “phá” mình, nhưng đúng là Lý thiếu một chút kỹ năng chăng? Vì để viết nhạc “phá” chút nữa thì Lý vẫn còn thiếu một điều gì đó. Khi chơi nhạc cùng Lý, nhìn thấy những chỗ Lý cần bứt phá, tôi thường chỉ cho Lý và Lý rất thích thú. Đó gần như là mong muốn của Lý, nhưng Lý không tự mình tạo ra được…
Lam & Lý – Số Một & Duy nhất
Lam số Một – Lý duy nhất; Lam đàn bà – Lý trẻ thơ, Lam đánh thức – Lý ru ngủ; Lam lẫm liệt – Lý mong manh; Lam âm vang – Lý thỏ thẻ; Lam bao trùm – Lý khép nép, Lam vững chãi – Lý “chênh vênh”… Đó gần như là một phát hiện của Quốc Trung và Tùng Dương (hơn là của Đẹp) khi đặt hai sự đối lập đầy thú vị đó cạnh nhau trên sân khấu Macadamia concert 2015 và sắp tới là live show “Tùng Dương – Một thập kỷ hoan ca”.
Có chăng, Đẹp chỉ là người nhìn ra dụng ý đó, và nhanh tay chọn họ…
Thực hiện: Thư Quỳnh – Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Tuấn Anh (Lieta Studio), Trọng Đức
Đọc thêm: