Susan Boyle: “Thiên thần xấu xí” và cuộc chiến quả cảm với chứng tự kỷ
Người phụ nữ được cả thế giới ca ngợi có thể phút trước vừa cười đùa và nhảy múa, phút sau đã có thể nổi cơn thịnh nộ, và sự ấm áp chị vừa mang tới vụt biến mất trong giây lát. Lý do của sự bất thường đó là vì Susan Boyle bị chứng tự kỷ hoành hành, nó điều khiển cảm xúc và hành động người phụ nữ sở hữu giọng hát đẹp như ánh mặt trời ấy. Nhiều người đã ngạc nhiên trước sự thay đổi bất ngờ của Susan, cho đến khi cuốn tự truyện của cô ra mắt với những tiết lộ đặc biệt về chứng bệnh chỉ chực kéo con người xuống vực sâu, và khán giả ồ lên. Họ bắt đầu nhìn Susan với con mắt nhiều cảm thông hơn.
Susan Boyle
Theo nghiên cứu, người tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, họ dễ trở nên bối rối không có nguyên nhân. Đó là lý do, nhiều người khi mắc chứng bệnh này đã tự thu mình lại, rơi vào sự cô đơn. Susan cũng có nhiều lần cảm thấy mình không còn là chính mình, cô đã hoang mang và sợ hãi. Cuốn tự truyện của cô viết thế.
Vậy khi đã là một ngôi sao của thế giới, việc giao tiếp xã hội trở thành hiển nhiên thì mọi chuyện còn khó khăn tới mức nào? Trên sân khấu, người ta chứng kiến một Susan Boyle tự tin, an toàn và toả sáng. Ngoài đời, người ta vẫn không ngừng thắc mắc về những hành động kì quặc của Susan, sự vụng về trong giao tiếp của cô, sự lo lắng thái quá mà đôi khi chẳng vì lí do gì. Tuy nhiên điều mà không phải ai cũng nhận ra đó là những nỗ lực của cô. Susan Boyle cố gắng giải thích điều gì xảy tới với mình: “Những người mắc chứng tự kỷ cố gắng dựng nên một rào chắn ngăn cách vì họ không biết tin tưởng. Tôi thì muốn mở lòng mình”. Cô cũng học được cách đối phó với sự thay đổi cảm xúc, bằng cách bỏ đi mỗi khi cảm thấy khó chịu. “Tôi muốn nhìn nhận bản thân như một người đang gặp vấn đề, nhưng là vấn đề mà tôi có thể giải quyết được. Chắc chắn là tôi cảm thấy tốt hơn trước.” Chính tinh thần quả cảm, dám nhìn thẳng vào vấn đề và với sự giúp đỡ của bạn bè yêu thương, Susan Boyle đang giành phần thắng trước hội chứng có thể huỷ hoại tinh thần con người này.
Sáu năm trước, một câu chuyện cổ tích đã được viết nên tại Britain’s Got Talent khi một người phụ nữ mang ngoại hình của một bà nội trợ Scotland đã cất lên giọng ca vàng chinh phục toàn thế giới. Susan Boyle là minh chứng cho nỗ lực hòa nhập và khẳng định mình của những người tự kỷ. Công bố hội chứng đã giày vò mình cũng được coi là một quyết định dũng cảm của người phụ nữ này.
Ca sĩ từng được đề cử Grammy muốn lấy mình làm một ví dụ chứng minh, rằng những người mắc chứng tự kỷ vẫn còn rất nhiều cơ hội: “Tôi muốn mọi người biết cảm giác mắc chứng tự kỷ là như thế nào, để thấy rằng không nên chế giễu những người như thế”.
Courtney Love và quá khứ chông gai
Được chẩn đoán mắc tự kỷ nhẹ từ năm 9 tuổi, thật khó để xác định trong những hành động quậy phá, sa đọa của Courtney hồi trẻ thì tự kỷ có phải là lí do hay không. Từng có những hành xử kì quái, nghiện ngập ngay từ những năm đầu đời, có tiền sử lạm dụng thuốc nên có thời gian dường như mọi thứ đều quay lưng với Courtney Love.
Thành công đến với Courtney luôn đi kèm với những cáo buộc về sử dụng chất kích thích, trốn nợ, gian dối tài chính… Mới đây nhất, cuốn tự truyện về cuộc đời của nữ ca sĩ 50 tuổi cũng dính tới pháp luật khi bị người chấp bút cuốn sách đâm đơn kiện. Không thể đổ lỗi tất cả cho hội chứng rối loạn về thần kinh, nhưng chắc chắn chứng tự kỷ đã ảnh hưởng ít nhiều tới hành động và cách tư duy của Courtney Love.
Courtney Love
Nhưng cuộc đời Courtney Love không chỉ có những mảng tối, cô là người đã có những đóng góp quan trọng cho xã hội. Là một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, Courtney đã truyền cảm hứng nghệ thuật cho hàng ngàn người, trong đó có cả những tên tuổi như Lana Del Rey, Avril Lavigne, hay Sky Ferreira. Ban nhạc Hole của Love với hơn 3 triệu bản bán được chỉ riêng thị trường Mỹ trở thành ban nhạc rock thành công nhất mọi thời đại dưới sự dẫn dắt của một rocker nữ. Có thể nói Courtney Love đã trở thành một biểu tượng văn hoá, một người phụ nữ dám đứng lên cầm cây đàn guitar để thỏa mãn tình yêu của mình.
Khi đã có tuổi, Courtney Love vẫn không ngừng ủng hộ cho các chương trình từ thiện bảo vệ người đồng tính, giúp trẻ em bị xâm hại, chống lại nạn hiếp dâm… Thành công và những hoạt động cống hiến cho xã hội của Courtney Love là không thể phủ nhận. Cho dù, những thông tin đó luôn đi cùng với những tai tiếng về đời tư của cô.
Những sao nam “quậy phá” với chứng tăng động giảm chú ý
ADHD là tên gọi của chứng tăng động giảm chú ý, một dạng biểu hiện của tự kỷ, biểu hiện chủ yếu ở trẻ em thông qua các triệu chứng như khó tập trung, hiếu động quá mức. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho trẻ khi học tập và hòa nhập với bạn bè.
Trên thế giới có nhiều người nổi tiếng từng là nạn nhân của hội chứng này. Nhưng vượt lên những hệ quả xấu, họ vẫn gặt hát được thành công không nhỏ trong sự nghiệp:
Justin Timberlake
Justin Timberlake
Nam ca sĩ đoạt giải Grammy và Emmy từng là một cậu nhóc nghịch ngợm và hiếu động. Mắc chứng ADHD từ nhỏ, Justin luôn khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Ngay cả hoạt động đơn giản nhất như chuyện ngủ, nam ca sĩ cũng gặp khó khăn. Tuy vậy, như anh chia sẻ, hồi nhỏ mỗi khi cảm thấy khó ngủ, Justin thường tự hát cho mình nghe. Anh nhận ra bố mẹ và bạn bè thích thú với giọng hát của mình và nhờ đó anh tìm thấy niềm đam mê của mình và có dịp bồi đắp thêm tình yêu với âm nhạc. Như vậy, Justin đã biến chứng bệnh của mình trở thành điều kiện phát triển tài năng, để giờ đây chúng ta có một “sexy man” thăng hoa trên sân khấu với những giai điệu R&B quyến rũ chết người.
Adam Levine
Adam Levine
Tay vocal của Maroon – giám khảo The Voice tại Mỹ là một thành viên của hội chứng ADHD. Được chẩn đoán mắc tăng động giảm chú ý từ sớm, Adam Levine từng “giữ mình” ổn định cho tới khi trưởng thành. Khi đã trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ, anh từng nhiều lần không thể thu âm nổi ca khúc vì không tập trung và giữ được cảm xúc. Adam nhận ra mình cần sự giúp đỡ. Anh là một trong những ca sĩ ủng hộ cho những người mắc chứng ADHD và là người truyền cảm để người mắc chứng tăng động giảm chú ý biết rằng họ không hề đơn độc trong cuộc chiến.
Tỉ phú Richard Branson
Ngoài hai cái tên trên, những người nổi tiếng khác cũng đã và đang chống chọi với hội chứng tăng động giảm chú ý như tỉ phú Richard Branson, chính trị gia James Carville… Họ đều là những cái tên thành công hiện nay, bất chấp những khó khăn do ADHD gây ra.
Đọc thêm:
– Phim về tự kỷ: Lời an ủi từ Hollywood
– Những ngôi sao phải đối mặt với chứng tự kỷ
Bài: Ngọc King
Ảnh: Daily Mail