Hoàng đế cởi truồng - Tạp chí Đẹp

Hoàng đế cởi truồng

Giải Trí

Vừa “chuối” vừa “hàn lâm”

Đó có phải nghệ thuật không? Câu hỏi nghe rất “chuối” mà cũng rất nghiêm túc hàn lâm ấy dường như rất hợp với loại hình này, bởi hình như đa phần các tác phẩm trình diễn – ở ta, và ngay cả ở Tây hay Tàu – dường như đều có gì đó “chuôi chuối”, nhưng lại có cả sự nghiêm túc hàn lâm.

Cũng phải nói luôn rằng, bài viết này không đặt ra mục đích công kích, mà cũng không có sứ mệnh tôn vinh nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam (và đương nhiên, cả phạm vi thế giới). Điều người viết bài mong muốn, là cố gắng, bằng cách nhìn giản dị nhất, ghi nhận lại được những gì quan trọng nhất, đang diễn ra từ các nghệ sĩ, và từ công chúng – những người mà nghệ sĩ hướng tới, thông qua hành vi nghệ thuật của mình.

Đây, một nghệ sĩ bơi trong một bể nước cùng với lươn. Phải đến trăm con. Rồi anh chậm rãi giết từng con và kẹp vào bánh mỳ. Thông điệp mà anh đưa ra đại loại là con người hiện nay quá dã man, tàn phá giết chóc ăn sống nuốt tươi cả thiên nhiên mà không ghê tay, ghê miệng. Đó là một tác phẩm trình diễn xuất hiện cách đây gần 20 năm, lúc thứ nghệ thuật này mới được du nhập vào Việt Nam. Sốc? Đúng! Để hiểu? Thật không dễ dàng gì! Mà khó hiểu nhất chính là ở chỗ, sao lại phải cảnh báo về sự dã man bằng hành vi dã man như vậy?

Tác phẩm “Đối thoại với thời gian”, tại Sài Gòn năm 2006 của hai nghệ sĩ Thanh-Hải

Đây, hai nghệ sĩ dùng băng y tế bôi màu đỏ như máu quấn vào người, quấn vào cả cây cối ở Văn Miếu – Hà Nội. Có lẽ họ muốn diễn đạt một vết thương thế hệ (?!), hoặc vết thương do thực tại gây ra với nghệ sĩ (?!). Cuộc trình diễn gây ra một cú sốc văn hóa và truyền thông quá mạnh. Đến mức hồi đó, đi đến đâu cũng nghe về chuyện này. Cơ quan quản lý thì giật lên đùng đùng, cùng thái độ với dư luận bài xích, mắng mỏ. Nhưng cũng có những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa cho đó là hiện tượng nghệ thuật mới, cần lắng nghe.

Đây, một nữ nghệ sĩ chậm rãi khỏa thân, rồi dùng lông chim dính vào người. Chị còn ngậm một con chim đã được chuẩn bị sẵn vào miệng, rồi phóng (sinh) nó ra. Tác phẩm có cái tên khá lãng mạn “Bay lên” này dĩ nhiên là gây sốc. Vì việc một nữ nghệ sĩ vô cùng đầy đủ ý thức về việc mình làm, lại bình tĩnh cởi hết quần áo ra trước bàn dân thiên hạ như thế thì đương nhiên là quá kích động đám công chúng vốn rất hiếu kỳ, vốn rất thích sex (và những gì liên quan), nhưng cũng rất đao to búa lớn đạo đức. Bằng chứng là rất nhiều người quan tâm xem hình thể của nữ nghệ sĩ có đẹp không, có sexy không mà dám… cởi. Khi biết nữ nghệ sĩ không sở hữu body như người mẫu, lại cũng không còn trẻ trung thì họ đồng thanh lên án. Nhưng nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ lúc đó làm công tác quản lý nghệ thuật lại lên tiếng ủng hộ. Còn thì nghe đâu nơi tổ chức cuộc trình diễn đó (trong khuôn khổ một liên hoan nghệ thuật trình diễn mời nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước) bị “sờ gáy”!

Cũng nữ nghệ sĩ này, qua năm sau, trình diễn một màn ấn tượng khá ghê rợn: Sau khi dùng bàn là nóng chà xát các tấm da lợn để khô, chị thản nhiên dùng chính chiếc bàn là ấy, chà lên cánh tay mình, bất chấp việc da tay bỏng rộp. Trình diễn này thậm chí còn không được đặt tên, và nghệ sĩ cũng không giãi bày gì với công chúng hết – nên mọi người ra sức đoán non đoán già mà mãi không thể đoán ra.

Lại đây nữa, một nghệ sĩ trình diễn trên bồn cầu. Anh làm một cái toilet có cửa, nhưng trống hai bên và đằng sau, phía trên két nước là một cái giá để sách báo. Giữa ánh sáng tưng bừng của lễ khai mạc triển lãm, trước hàng trăm cặp mắt và hàng chục ống kính máy ảnh, máy quay, anh điềm nhiên tụt quần, ngồi lên bồn cầu và lấy sách ra đọc.

Trình diễn này cũng ầm ĩ trên báo chí. Nghệ sĩ phát biểu, rằng anh muốn công chúng lưu ý nghệ thuật thì cũng không hề xa rời với những chỗ vốn được mặc định là không nên nhắc đến giữa chốn đông người; rằng tri thức hay văn hóa có thể đến với con người từ những nơi bị nghĩ là thấp hèn nhất .v.v..

Có lần, một anh bạn họa sĩ nói, chân thành: “Ông ạ, bọn làm nghệ thuật trình diễn, gọi là đương đại, bây giờ lố quá. Hình như bọn họ chỉ nghĩ đến chuyện gây sốc, được lên báo, lên mạng. Nghệ với thuật cái gì ba trò ấy?!”

Họa sĩ là người rất gần với những thứ như sắp đặt, trình diễn. Nhưng nhiều người còn nghĩ như thế thì không biết công chúng còn nghĩ đến đâu? Nhiều vị trong giới còn trầm ngâm nhận định rất chi sâu xa, rằng đang là họa sĩ thì sao không tập trung vẽ? Đang là nhà văn thì sao không dành thời giờ viết? Cớ sao lại phải nhảy ra khua khoắng, làm ba cái trò nếu không đến mức lố lăng kệch cỡm thì cũng vớ va vớ vẩn!

Cũng phải ghi nhận hiện tượng, trước một tác phẩm trình diễn, nhiều người không thấy ở đấy có gì hết, ngoài những hành vi kỳ cục, những ý niệm bí hiểm. Và họ suy ra, theo một logic khó mà cãi, thì những vị theo con đường nghệ thuật trình diễn chẳng qua là háo danh; nếu không thì chắc chắn do bế tắc, kém tài… Trong khi nghệ sĩ trình diễn ra sức kêu gào rằng hãy nhìn những gì đọng lại phía sau hành vi của họ, rằng cái đẹp của loại tác phẩm này không giống cái đẹp đã được định hình lâu nay; thì có người lại so sánh, nghệ sĩ trình diễn cũng chẳng khác gì mấy cô diễn viên người mẫu thiếu cả may mắn lẫn chuyên môn nhưng muốn nổi. Nên thỉnh thoảng lại nghĩ ra vài chiêu trò, kiểu như khỏa thân chụp bộ ảnh (với bối cảnh thật, hoặc ghép “rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi” vào bằng photoshop) rồi loan ầm lên rằng đó là hy sinh vì môi trường!

Có chuyện đó hay không?

Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh

Như những gì tôi biết, qua quá trình lăn lộn với các nghệ sĩ trình diễn, nghe họ bàn, xem họ làm, chứng kiến những băn khoăn trăn trở của họ trước và sau khi trình diễn, thì tuyệt đại đa số họ thực lòng tin tưởng vào thứ nghệ thuật mà họ theo đuổi. Nhưng tiếc thay, lại cũng tuyệt đại đa số ở phía công chúng thì lại thấy những cố gắng của họ chỉ là cuồng dại về hành vi và hũ nút về tư tưởng. Tình cảnh của họ xem ra còn đáng thương hơn cả vị thần lăn đá lên đỉnh núi chỉ để đêm xuống đá lại tự lăn về chân núi, bởi ít ra thì đá không giống khán giả ở chỗ, nó không biết cười nhạo người lăn nó.

Mục đích của việc gây sốc, giữa một nghệ sĩ trình diễn và một cô người mẫu “vì môi trường” có vài điểm khác nhau, nhưng điểm khác nhau lớn nhất chính là cô người mẫu sau scandal thì ngày càng nhiều show tương đương với thu nhập ngày càng cao, còn đa số nghệ sĩ trình diễn thì ngoài việc khuấy động dư luận lên chút đỉnh với dăm ba thứ được gọi là “thông điệp”, họ chẳng còn lại gì. Số nhỏ còn lại, tụ vào trong một vài nhóm dưới bóng dăm vị uy tín có quan hệ thân thuộc với quỹ văn hóa nghệ thuật nước ngoài, cam phận vui với vài món tài trợ nhỏ nhoi, vài chuyến đi nước ngoài giao lưu học hỏi. Thế thôi.

Một nghệ sĩ trình diễn trên bồn cầu 

Liệu có nên nghĩ về giải pháp “thay khán giả”, như lời đùa mà đau của chính một nghệ sĩ trình diễn? Phải chăng khán giả không theo kịp với sự phát triển của nghệ thuật đương đại, dưới cái nhìn của nghệ sĩ trình diễn và một số nhà phê bình nghệ thuật? Có lẽ… Nên đừng nên ngạc nhiên khi thấy một số người hăng hái nhất trong giới nghệ thuật đương đại có hẳn một kế hoạch nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ đương đại, và hậu hiện đại cho công chúng. Liệu có nên chỉ thẳng ra, rằng đây là một công việc vô vọng? Bởi ngay với thứ nghệ thuật được coi là quen thuộc như hội họa, các triển lãm vẫn chỉ hơi đông vui vào hôm khai mạc, với từng ấy khuôn mặt quen thuộc lặp đi lặp lại. Thì trông mong gì vào sự phát triển của “mỹ cảm mới”? Của “ngôn ngữ nghệ thuật mới”?

Thế nên, chắc chắn tình trạng được mệnh danh là “xem vua cởi truồng” sẽ còn trường diễn. Nghệ sĩ có lao tâm khổ tứ, có hy sinh (thật hoặc tự huyễn) cũng là vô nghĩa. Đấy là chưa kể tình trạng nhập nhèm này tiếp tục dung dưỡng những non yếu về nghệ thuật. Vì tất cả sẽ như nhau trong tình cảnh tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh.

Vậy có nên vui khi loạt trình diễn luôn diễn ra lúc xuân về nhiều năm gần đây của một nghệ sĩ nổi tiếng luôn đầy ắp khán giả, và thu hút được tài trợ đều đều. Dù nó luôn thiếu ý niệm đương đại và luôn thừa những thông điệp to tát chung chung. Bù lại, luôn được nghệ sĩ và cộng sự dày công dàn dựng với những màn uốn éo cơ thể trên những bối cảnh ngày một phức tạp, trong âm thanh nhức óc. Và sáng tạo gần như duy nhất của những chương trình này – theo rất nhiều người trong giới – là năm sau luôn hoành tráng, ồn ào hơn năm trước.

Chưa có dịp trao đổi phỏng vấn nghệ sĩ ấy, nhưng tôi đồ rằng đây là một sự thích nghi của anh với tình hình thực tế địa phương. Vì dân ta vốn không thích hướng tới những gì thuộc về lý trí nặng nề, thì tại sao lại phải gắng nêm thêm cái thức khó xơi ấy vào món ăn tinh thần cho họ? Mà cũng nên lưu ý rằng đó đều là những món ăn miễn phí.

Và liệu có thể vui với những chương trình nghệ thuật đương đại được nước ngoài tài trợ, trong đó có khá nhiều tác phẩm trình diễn. Điểm chung của chúng là luôn đề cập đến những vấn đề con người chung chung, những vấn đề to tát tầm cỡ toàn cầu hoặc hơn nữa; Khiến những ông Tây bà đầm hài lòng còn khán giả Việt thì chỉ biết kính nhi viễn chi.

Nghệ sĩ thì luôn phải tranh đấu giữa cái này cái kia bên ngoài mình và ngay trong chính mình. Thảy đều có vẻ to tát, kèm theo giá trị nhân văn rất tinh tế .v.v.. nhưng tệ nhất, là phải có cá tính. Nhưng tệ hơn nữa, là sự nghiệp nghệ thuật phải đáp ứng được sự tồn tại của chính mình.

Vậy thì, ở đây phải lưu ý đến một điều hình như nghệ sĩ đương đại Việt, nhất là nghệ sĩ trình diễn đã quên mất. Đó là, cuộc tranh đấu giữa chính mình và đối tượng hưởng thụ nghệ thuật của mình. Nói rõ hơn, là cuộc chiến giữa chính họ và khán giả. Vâng, ở đây, chính là cái sự thể một bên tuyên bố việc họ dám làm đến cùng những điều họ cho là cách tân trong nghệ thuật, và cởi mở trong đời sống; còn một bên là đám đông chỉ có nhu cầu giải trí nhẹ nhàng dễ hiểu. Đồng nghĩa với việc nghệ sĩ trình diễn không bao giờ “bán được vé” cho những tác phẩm của mình.

Tình cảnh kẻ nói thế này, người nghe thế khác, thậm chí kẻ nói, người nghe ở những chiều không gian khác nhau – đã sinh ra một thứ nghệ sĩ độc thoại-độc diễn được mệnh danh là nghệ sĩ trình diễn.

Bài: Cù Lu

Thực hiện: depweb

07/05/2013, 09:51