Nguyễn Khắc Duy: Nói tôi “ăn theo” là sai! - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Khắc Duy: Nói tôi “ăn theo” là sai!

Sao

“Việt hóa – Tôi biết chắc rằng mình sẽ có khán giả”

– Một là vở nhạc kịch kinh điển của Broadway – “Chicago”, hai là một bộ phim ca nhạc quá nổi tiếng của Disney – “High School Musical”. Cả hai đều không quá xa lạ nhưng thực tế cho thấy khán giả của chúng ta chưa có thói quen mua vé xem nhạc kịch. Vậy anh nghĩ lý do vì sao khán giả lại quan tâm đến hai tác phẩm nhạc kịch của anh?

– Họ tò mò muốn biết xem là những vở nhạc kịch nổi tiếng do người Việt diễn sẽ như thế nào, hát bằng tiếng Việt sẽ như thế nào.

 

– Cái “như thế nào” mà anh đề cập, theo anh, cụ thể là gì?

(Cười!) Có thể là giống như thế nào mà cũng có thể là dở như thế nào so với bản gốc. Nhưng may mắn là phần lớn khán giả đều cảm thấy hài lòng với những gì nhận được so với số tiền họ bỏ ra bởi vì so với mặt bằng chung của kịch, giá vé 300.000 – 400.000 đồng một vé nhạc kịch là không hề thấp nhưng có khán giả đã sẵn sàng mua và xem lại.

– Khán giả cảm thấy hài lòng – có khi nào đó chỉ là nhận xét chủ quan của anh? Hoặc, cũng có thể những lời khen của truyền thông, của khán giả xuất phát từ một lý do đơn giản hơn: anh là người tiên phong và không có sự so sánh?

– Có thể! Nhưng tôi tin vào những tràng vỗ tay dài vô tận của khán giả sau mỗi đêm diễn, vào những khán giả của tôi khi họ sẵn sàng ở lại khi trời đã gần quá nửa đêm để được nghe diễn viên chúng tôi hát thêm nữa. Đó chẳng phải là những bằng chứng thiết thực nhất sao?

– Nếu xem sự quan tâm và ủng hộ của cả báo giới và khán giả đối với hai vở nhạc kịch phiên bản Việt này là thành công thì anh có nghĩ thành công này, trước hết, đến từ danh tiếng của các tác phẩm gốc?

– Tôi không phủ nhận điều này.

– Nói như vậy nghĩa là điều này đã nằm trong sự tính toán từ trước của anh?

– Thật ra, đối với vở “Chicago”, việc đến với công chúng Tp.HCM là một quá trình đầy cơ duyên. Cái duyên ở đây là tôi có được một ngũ các bạn trẻ rất tâm huyết với nhạc kịch, nên tôi quyết định dựng vở này trong kì thi tốt nghiệp khóa đạo diễn sân khấu. Sau đó, cơ hội đến là khi tôi có dịp mang tác phẩm này đi thi cuộc thi đạo diễn trẻ và được nhiều người trong nghề khuyên rằng nên đem nó ra trình diễn rộng rãi. Nhưng, nếu muốn bán vé lấy tiền thì lại đụng phải vấn đề bản quyền. May mắn và cũng là cơ hội mang tính quyết định là khi tôi mua được bản quyền của Broadway để chính thức có bốn suất diễn mỗi đêm.

Sau đó, được một số nhà đầu tư gật đầu đổ tiền vào, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm vở nhạc kịch thứ hai. Tôi quyết định Việt hóa bộ phim ca nhạc “High School Musical” sang phiên bản sân khấu và bằng tiếng Việt. Trước hết, tôi biết chắc rằng mình sẽ có một lượng khán giả nhất định.

 

– Vậy anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng những tác phẩm của anh là “ăn theo”?

– Thật sai lầm khi nghĩ là tôi “ăn theo”!

– Nếu như anh làm một vở nhạc kịch do anh tự viết nhạc và lời, chắc gì đã được quan tâm như thế. Để tôi nói cho anh biết nhé, trước khi “High School Musical” phiên bản Việt của anh công diễn khoảng một tháng, nhạc sĩ Vũ Huy Tiến cũng cho ra mắt vở nhạc kịch “Nhà thờ Đức Bà Paris” (Notre Dame De Paris) mà ông dày công sáng tác cả nhạc và lời trong suốt hơn 30 năm. Nhưng kết quả là nó vẫn chật vật tìm kiếm khán giả, 350 ghế mỗi đêm mà có đến 250 người đến xem vì… có vé mời. Nói vậy để thấy, hai tác phẩm của anh không phải ngẫu nhiên mà được quan tâm đến như vậy, đặc biệt là khi anh và các bạn của mình đều là những người vô danh trong làng nghệ thuật?

– Tôi hoàn toàn đồng ý rằng sự ưu ái của báo giới và ủng hộ của khán giả đều xuất phát từ danh tiếng của vở “Chicago” và bộ phim “High School Musical”. Tuy nhiên, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện khi tôi tìm hiểu về việc mua bản quyền vở nhạc kịch đầu tiên.

Về phía đơn vị nắm giữ bản quyền, họ đã tính toán chi phí này dựa trên số ghế ngồi trong rạp, lượng vé phát hành, giá vé, thù lao cho diễn viên … để ra được con số là 1.000 USD mỗi đêm diễn. Đây không chỉ đơn thuần là chi phí của một đêm diễn mà cá nhân tôi cho rằng nó là một con số vô cùng hợp lý, phải chăng mà còn nói được lên một điều quan trọng, đáng suy nghĩ. Đó là người phương Tây, bằng cách đưa ra một con số trong khả năng của người làm nghệ thuật, họ đã ngấm ngầm khuyến khích sự phát triển loại hình nhạc kịch ở các nước như Việt Nam chúng ta. Đó là lý do Thái Lan – đất nước rất gần với chúng ta – gần đây đã chuyển ngữ và cho công diễn vở “Miss Saigon”. Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc thì không những chỉ có “Chicago” mà còn có những vở có tầm vóc lớn hơn như “Les Miserables, Phantom of the Opera”…  Vậy thì tại sao chúng ta không làm điều tương tự? Mua bản quyền và chuyển ngữ một vở nhạc kịch không phải là “ăn theo” mà là tạo cho khán giả trong nước có cơ hội thưởng thức một tác phẩm lớn, được đầu tư bài bản của Broadway ngay tại nước nhà.

 

– Nhưng theo tôi được biết thì ở Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, họ không chỉ có những vở nhạc kịch của Broadway mà còn có những sáng tác của riêng họ?

– Đúng! Và đó là điều bản thân tôi cũng muốn hướng tới.


Tôi “nuôi” khán giả của riêng tôi

– Nhưng có điều tôi thấy hơi lạ, “Chicago” là một vở nhạc kịch kinh điển và đối tượng khán giả của nó là những người chững chạc, có gu nghệ thuật ổn định. Trong khi đó, khán giả của “High School Musical” phần lớn là teen. Tôi không hiểu lắm về định hướng của anh.

– Quả là tôi có nhận được một số lời góp ý rất khéo léo và tế nhị từ những người đã xem và thích vở “Chicago” phiên bản Việt rằng họ chưa được thỏa mãn lắm đối với “High School Musical”. Ngoài những yếu tố khách quan thì trong thời gian tới tôi sẽ có sự điều chỉnh lại để lựa chọn những tác phẩm phù hợp hơn.

– Thật tình mà nói thì tôi thấy khán giả bây giờ họ sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng để được xem hài Hoài Linh, để được cười hơn là bỏ gần 400.000 đồng để xem các anh nhảy múa và hát một thể loại khá là khó “gặm” như nhạc kịch.

– Hơn ai hết, tôi ý thức được điều này chứ. Bởi vậy, tôi phải đảm bảo được rằng những ai đã đồng ý bỏ tiền ra mua vé vào xem thì không được nuối tiếc.

 

– Bằng cách nào?

– Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết và tinh thần hoạt động nghệ thuật nghiêm túc của mỗi người trong chúng tôi. Tôi có những diễn viên sẵn sàng luyện tập hàng tháng trời mà không có một đồng thù lao. Tôi có những diễn viên (hiện đang là sinh viên các trường nghệ thuật) vì luyện tập mà bỏ học đến nỗi bị cấm thi; trong khi đó, thù lao sau một đợt diễn không đủ để trả nợ môn ở trường. Nghĩ cũng tội, cũng xót nhưng đây là con đường rất dài và gian nan, không đủ yêu và không dám hy sinh như vậy thì đi không đến nơi được!

– Việt hóa một vở nhạc kịch nước ngoài, dẫu sao, cũng là cho khán giả xem lại tác phẩm lần thứ hai. Hơn nữa, những vở phiên bản Việt này chưa hẳn đảm bảo được chất lượng như tác phẩm gốc. Anh có nghĩ sự tò mò ban đầu của khán giả đối với thể loại này sẽ dần bị bão hòa?

Thể loại sân khấu có một yếu tố mà ít loại hình nghệ thuật nào có được, đó là tính khoảnh khắc. Nói cho đơn giản, bạn xem một bộ phim lần thứ 10 sẽ không khác lần đầu xem, nhưng 10 suất diễn của kịch thì không suất nào giống nhau cả. Diễn viên kịch mỗi lần diễn là mỗi lần họ có thể tung tẩy thêm, bớt tùy theo cảm hứng và điều này làm nên giá trị riêng của mỗi suất diễn. Bởi thế, tôi hoàn toàn tự tin rằng sẽ có những khán giả sẵn sàng đi xem “Chicago” hay “High School Musical” lần thứ hai, thứ ba và nhiều hơn thế nữa.

Đồng thời, tôi cũng có kế hoạch cho khán giả làm quen dần với nhạc kịch. Tôi “nuôi” lượng khán giả của riêng mình bằng những vở kịch có nhạc, dần dần đưa âm nhạc vào kịch nói. Xen kẽ đó là những vở nhạc kịch của Broadway và từ từ sẽ hướng đến những vở tự viết.

– Cám ơn anh và chúc anh gặp nhiều thuận lợi trên con đường mình đã chọn!

Bài: Hoàng Khánh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Khốn khổ thay cho những người phụ nữ quen phải những người đàn ông nào cũng có tư tưởng đề cao trinh tiết. Những người đề cao trinh tiết là những người coi trọng quá khứ hơn hiện tại, một tư tưởng rất vô minh theo góc nhìn của Phật giáo.” – Admin Triết học Đường Phố Nguyễn Hoàng Huy chia sẻ với độc giả của Đẹp Online.


 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

24/02/2014, 10:22