"Khói" - cuộc dạo chơi đáng giá - Tạp chí Đẹp

“Khói” – cuộc dạo chơi đáng giá

Review

Ở thời đại này, những sự kiện, hết ngày này qua tháng khác, được đăng tải tràn lan trên mạng Internet. Việc đọc của nhiều người chủ yếu hướng đến những vấn đề mang tính thời sự. Tôi nhận thấy phần lớn chúng ta dù có vẻ ham mê đọc, nhưng luôn ở trong tình trạng đói chữ mà bội thực thông tin…

Đã lâu lắm rồi tôi “đọc” như thế. Có thể cuộc sống cuốn tôi đi nhanh quá, phần vì do cơ duyên chưa đủ lớn để có được những cuốn sách hay, hoặc những cuốn phù hợp với gu đọc của mình. Còn nhớ, hồi còn cắp sách đi học, những cuốn tiểu thuyết dày cộp mấy trăm trang đối với chúng tôi không phải là trở ngại gì nhiều.

 

Bìa cuốn “Khói” của Đoàn Bảo Châu 

Tôi gặp “Khói” và Đoàn Bảo Châu trong một buổi chiều cuối đông bên bàn trà sân trước nhà anh. Trước lúc chưa vào câu chuyện, những suy nghĩ của tôi về anh chỉ là “một ông võ sư yêu chữ nghĩa”. Người đàn ông tầm thước đứng trước tôi có gương mặt sáng, rắn rỏi, nhiệt thành và luôn tỏ vẻ trẻ trung so với độ tuổi năm mươi của anh. Trước khi chia tay ra về với cuốn “Khói”, tôi đã nghĩ nó sẽ cùng chung số phận bị bỏ rơi của khá nhiều đầu sách trong tủ sách nhà mình.

Một buổi sáng với thói quen ngồi cà phê và điểm tâm những việc phải làm trong ngày, tôi lật những dòng đầu tiên của “Khói” một cách uể oải và thiếu sự kết dính của mắt và chữ. Thế nhưng tôi đã bị “Khói” cuốn hút ngay từ trang đầu tiên. Bỏ hết những cuộc hẹn nhàn nhạt, tôi đọc “Khói” cho đến dòng cuối cùng. Tôi no nê, thỏa mãn cùng “Khói” dù trước đó cũng đã ngần ngại trong suy nghĩ: 560 trang sách này, liệu nó có thừa thãi quá không?

“Khói” là hành trình của bốn người bạn thân nhau từ bé, hành trình trải dài từ ấu thơ cho đến tuổi trung niên. Mỗi người một số phận, một con đường cùng những vui buồn, đắng cay và những trải nghiệm rất riêng. Người thì được định sẵn với những thuận lợi, hanh thông bằng phẳng, người thì luôn phải đấu tranh vật lộn để sinh tồn và đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của chính mình. Những được, mất ở đời, cuối cùng cũng chỉ là phù du. Cái còn lại là tình bạn cao cả và sự tử tế ở đời của bộ tứ : Dũng Khói, Quang, Thành và Tuấn.

Tôi đã đọc một số cuốn tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh, một nhà văn phía Nam nổi tiếng những năm 75. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Duyên Anh có lẽ là “Điệu ru nước mắt”, đã được chuyển thể thành phim. (Ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của nhạc sĩ Phạm Duy là viết cho bộ phim này). “Điệu ru nước mắt” nói về thân phận của tướng cướp Trần Đại (Đại Cathay). Cuốn sách của Duyên Anh sẽ phần nào thỏa mãn những độc giả thích phiêu lưu, có máu quân tử Tàu. Nếu so sánh với tác phẩm của Duyên Anh, “Khói” của Đoàn Bảo Châu, ngoài những yếu tố này, theo tôi đánh giá, nó còn thú vị hơn bởi lối chiết xuất ngôn ngữ đậm chất Bắc nhưng lại không mang nặng tính vùng miền như của Duyên Anh. Thêm vào đó, những câu chuyện kể về “văn hóa tù” ở nửa cuối cuốn “Khói” cũng rất đáng nghiền ngẫm, với các chi tiết tác giả xới tung những góc khuất ở mảnh đất đầy sát khí nơi trại giam. Thêm vào đó, dù kể về điều gì, “Khói” luôn nổi bật tinh thần võ hiệp của người viết.

Tác giả Đoàn Bảo Châu

Và trong “Khói”, ta bỗng về lại thuở tình yêu thật lãng mạn với những rung động đầu đời đầy ánh sáng. Trong “Khói” có tổ hợp những niềm vui cao vút, những nỗi buồn đau tận cùng, có những sum vầy và có những chia ly mất mát. Tôi nhận thấy tuyên ngôn của Đoàn Bảo Châu trong “Khói”, rằng “tình yêu luôn là nơi người ta tìm về để nương tựa vào, để sống và lại tiếp tục hy vọng”, câu này nghe đã quá cũ, nhưng vẫn luôn đúng. Tình yêu của Dũng Khói và Hạnh như sợi dây xuyên suốt, dẫn dắt người đọc suốt 560 trang tiểu thuyết này. Tình yêu của Dũng Khói với Hạnh đã giúp cho hắn có được những khai mở về tâm và trí để không dung nạp những mầm ác luôn hiện ra trước mắt trong những năm tháng ở bưởng vàng và sau đó lại chôn chân ở chốn tù đày khắc nghiệt nhất.

Với tiểu thuyết đầu tay, Đoàn Bảo Châu đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện, rất lôi cuốn trong thủ pháp viết, và tuyệt vời nhất là cách xây dựng nhân vật. Trong “Khói”, các nhân vật từ chính đến phụ đều được Đoàn Bảo Châu khắc họa cực kỳ rõ nét và sống động, tài tình. Tôi cứ nghĩ những người giỏi kể chuyện bằng hình ảnh sẽ không giỏi kể chuyện bằng ngôn ngữ, nhưng ở “Khói”, tôi có thể nhìn ra chính nghề nhiếp ảnh đã giúp cho ngòi bút của anh thực sự giàu có về tư duy hình ảnh. Các nhân vật trong “Khói” đều bật sáng bằng cách hết sức riêng, để khi tôi khép sách lại, các nhân vật vẫn ám ảnh mãi khôn nguôi.

Sáu năm ấp ủ để đứa con tinh thần đầu tiên ra đời là cả một quá trình làm việc nghiêm túc và tâm huyết với bao chắt lọc, nghiêm cẩn trong từng con chữ. Võ sư Đoàn Bảo Châu nói “đây là cuộc dạo chơi vào văn học”. Vâng, chỉ là một cuộc chơi, thưa anh, nhưng là một cuộc chơi thật đáng giá!

Bài: Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn 

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Những bài thơ trong tập “Em giấu gì ở trong lòng thế” trải dài từ khi Nguyễn Thế Hoàng Linh còn là một cậu thanh niên cho đến khi sắp thành một trung niên 32 tuổi. Tập thơ là sự trưởng thành hay sự khác đi rất cần thiết của sự sống.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

05/01/2014, 11:05