“Tôi biết rằng con người chúng ta giành lấy thành công bằng lời nói nhiều hơn là viết nên chúng, rằng mọi khoảnh khắc tuyệt vời trên hành tinh này đều là nhờ những nhà diễn thuyết vĩ đại chứ chẳng phải từ những cây viết xuất chúng”. Đó là những lời mà Adolf Hitler viết trong cuốn tự truyện “Mein Kampf” xuất bản năm 1925 của ông ta.
Hitler trong một bài phát biểu vào năm 1935 (Nguồn: Business Insider)
Hitler là một trong những nhà hùng biện có ảnh hưởng nhất trên thế giới tạo ra các đảng phái lớn nhất của Đức. Ông ta không chỉ chinh phục một quốc gia mà suýt chiếm cả châu Âu cùng với đó là cuộc tàn sát đẫm máu 21 triệu người trong khoảng thời gian 12 năm trị vì Đế chế thứ 3 của mình.
Giáo sư Bruce Loebs, người đã dạy một lớp gọi là “Hùng biện của Hitler và Churchill” 46 năm qua tại Đại học bang Idaho nhận xét: “Ông ấy đã học được làm thế nào để trở thành một diễn giả có sức lôi cuốn, và mọi người, vì bất kể lý do gì, bắt đầu đam mê ông ta.” “Mọi người đều sẵn sàng nghe theo ông ta, vì Hitler dường như có câu trả lời đúng đắn trong một thời gian biến động kinh tế rất lớn,” Loebs nói với tờ Business Insider.
Bị ám ảnh với khoản bồi thường khổng lồ liên quan đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất, thêm vào đó là một nền kinh tế toàn cầu ngày càng tụt dốc, kinh tế Đức những năm 30 đã gián tiếp tạo đà thống trị của Hitler.
Đấu trường chính trị của Hitler
Trước khi Đức quốc xã phát triển nhanh chóng trên sân khấu thế giới, đảng phái của Hitler vốn không được biết đến với số phiếu bầu chỉ khoảng 3% trong cuộc bầu cử năm 1924. “Khi Hitler quyết định để cạnh tranh trong Reichstag,” hay quốc hội Đức, “ông ta biết điều đó có nghĩa rằng ông phải nói những bài phát biểu có tính thuyết phục trước số đông để được bầu cử,” Loebs nói tiếp. Tám năm sau, Đức quốc xã là đảng lớn nhất trong Reichstag. Vào năm 1934, Hitler và chương trình nghị sự chính trị đáng sợ của ông ta đã dẫn đầu chính phủ Đức.
Trong ngắn hạn, như nhà sử học Robert Waite viết: “Hiếm khi trong lịch sử của nền văn minh phương Tây lại phụ thuộc quá nhiều vào tính cách của một người đàn ông như vậy. Ông ta đã tạo ra lý thuyết chính trị của riêng mình và một chính quyền không thể tồn tại nếu thiếu ông ta”.
Quá trình diễn thuyết của Hitler
Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã đã viết trong nhật ký của mình rằng Hitler tự viết những bài phát biểu của mình và chỉnh sửa chúng đến 5 lần. “Ngài sẽ làm việc rất muộn vào ban đêm, cần tới 3 thư ký đánh chữ và đều theo dõi họ làm việc, rà soát lỗi chính tả rồi tự mình điều chỉnh các dự thảo”, nhà sử học người Anh Ian Kershaw cho biết.
“Ông ấy chỉ đơn giản là không muốn dựa vào bất cứ ai để viết các bài phát biểu của mình,” Loebs tiết lộ thêm. “Đối với Adolf Hitler, diễn thuyết cho công chúng là rất quan trọng và điều này cần được đảm bảo bằng chính bản thân ông ta.”
Giọng nói của Hitler là một thứ thôi miên
Trong cuốn sách của Ron Rosenbaum – “Lý giải về Hitler,” tiểu thuyết gia người Pháp-Mỹ George Steiner mô tả giọng nói của nhà độc tài Đức Quốc Xã là có sức áp đảo mạnh mẽ và như một loại thần chú. “Tôi sinh ra vào năm 1929, do đó, từ năm 33, những kỷ niệm đầu tiên mà tôi nhớ là ngồi trong bếp và nghe tiếng Hitler trên đài phát thanh,” Steiner chia sẻ với Rosenbaum.
Giọng nói của Hitler có sức lôi cuốn đặc biệt (Nguồn: Business Insider)
“Đó là một điều khó tả, nhưng tiếng nói đó đã thôi miên tôi … Điều đáng ngạc nhiên là bạn có thể cảm thấy bạn đang theo dõi được các cử chỉ từ ông ta. Trong tiếng Đức, Hitler đã vẽ được một loại quyền lực tu từ nào đó – một cách có lẽ là một chút đặc thù của người Đức để khiến ông ta trở thành một thiên tài chính trị”, Steiner nhận xét.
Ngoài ra, nhà tâm lý học Mỹ Henry Murray còn mô tả sự hiện diện tổng thể của Hitler như “thôi miên” trong cuốn “Tính cách của Adolf Hitler,” một báo cáo 229 trang được làm từ năm 1943 do Văn phòng Strategic Services, tiền thân của CIA thực hiện.
Theo báo cáo của Murray, Hitler đã nhận được lời khen ngợi thường xuyên về đôi mắt màu xám xanh của ông ta, mặc dù giờ đây nó đã được mô tả là “đã chết, vô cảm, và bị mù”.
Theo: Yến Nhi/Vietnamplus