Đạo diễn của bộ phim “Cinderella” (phiên bản 2015 của hãng Disney) chia sẻ về quá trình làm phim: “Thách thức đặt ra đối với chúng tôi là làm thế nào để khán giả không phải thất vọng”. Với số điểm gần 8 trên hệ thống Imdb, 83% “tươi” trên trang Rotten Tomatoes, doanh thu tính đến ngày 15/03/2015 là 132,5 triệu đô và sẽ còn tăng (kinh phí làm phim 95 triệu đô), bộ phim coi như đã đạt được mục tiêu “không phải thất vọng” đó, đặc biệt đối với những khán giả nhỏ tuổi.
“Đề bài” quá hóc búa
Những năm gần đây, sự cạn ý tưởng khiến Hollywood có xu hướng chuyển thể và làm lại nhiều phim, nhưng không phải lúc nào các tác phẩm mới này cũng thành công. Cặp phim về nàng Bạch Tuyết là “Bạch Tuyết và thợ săn” và “Gương kia ngự ở trên tường” là minh chứng rõ ràng cho sự thất bại này. Bộ phim về nàng công chúa có giấc ngủ dài “Tiên hắc ám” nếu không có sự xuất hiện của Angelina Jolie có lẽ cũng khó đạt được thành công. Từ những điều này, khán giả không kỳ vọng nhiều ở “Cinderella”, bộ phim có ý tưởng cũ kỹ, thậm chí cái tên quá đơn giản và trailer không gợi chút tò mò.
Lily James được lựa chọn trở thành Lọ Lem phiên bản 2015
Việc một cô gái nghèo, mồ côi chinh phục được Hoàng tử đã là điều khó tin trong đời sống đầy sự thực dụng hiện tại. Nhưng việc kể đi kể lại một câu chuyện khó tin mà vẫn hi vọng khán giả hồi hộp còn khó tin hơn nữa. Vì thế các nhà sản xuất có thể dựa trên mô típ truyện cũ, tạo ra Lọ Lem biến thể, dạng “Lọ Lem ở thế giới hiện đại” như rất nhiều phim đã làm, hoặc Lọ Lem ở trong câu chuyện khác, như bộ phim “Into the woods” (tựa Việt: “Khu vườn cổ tích”) mới ra rạp cách đây không lâu. Nhưng ông lớn Disney và đạo diễn 5 lần nhận đề cử Oscar – Kenneth Branagh lại to gan làm phim “Lọ Lem” trung thành với câu chuyện cổ tích gốc. Cách tiếp cận đó, ai ai cũng phải thừa nhận là một đề bài quá khó.
Có lẽ Disney cũng như ê kíp làm phim hiểu rằng, thẳm sâu trong mỗi chúng ta, giấc mơ được đổi đời không bao giờ tắt. Khi người kể chuyện chạm được vào giấc mơ đó, giấc mơ ai cũng muốn trở thành Lọ Lem, thì dù chỉ trong một vài tiếng đồng hồ xem phim, họ cũng đã làm được quá nhiều cho khán giả của mình.
Dàn diễn viên sáng giá với phục trang cầu kỳ
Để tạo nên sự thành công của “Lọ Lem” phiên bản 2015, không thể không kể đến dàn diễn viên được lựa chọn khắt khe và những bộ phục trang thiết kế cầu kỳ.
Lily James, cô gái người Anh, là một lựa chọn tuyệt vời cho vai Lọ Lem. Mặc dù cô chưa bao giờ đóng một vai lớn, nhưng năm 2011 tờ Daily Mail đã đánh giá cô là “một ngôi sao nữ mới”, “chinh phục được tất cả mọi người”. Lily có gương mặt ngây thơ hồn nhiên, nhưng cũng có chút ngang bướng, điều này rất phù hợp với tính cách của Lọ Lem trong phiên bản lần này của Disney. Mặc dù nhiều người cho rằng Lọ Lem 2015 hơi bị lép vế trước bà mẹ kế do Cate Blanchett thủ vai, nhưng họ cũng phải thấy rằng, khó có thể chọn một diễn viên nữ khác phù hợp hơn Lily.
Bộ váy dạ hội của nàng Lọ Lem Ella đã mất tới hàng tháng trời để hoàn thiện, với tông màu xanh của hoa tử đinh hương làm chủ đạo, kết hợp với các tông màu đậm nhạt khác nhau, chiếc váy bồng bềnh với từng chuyển động khiến Lọ Lem trở nên xinh đẹp, thanh thoát hơn bao giờ hết. Dự báo sắc xanh này sẽ được lặp lại ở nhiều trang phục của các tín đồ thời trang sau khi phim ra mắt.
Richard Madden, diễn viên vào vai Hoàng tử, có một gương mặt điển trai và thành thật. So sánh với Chris Pine, người đóng vai Hoàng tử trong phim “Khu vườn cổ tích” có thể thấy rõ điều này. Nếu Chris có vẻ vương giả kiêu ngạo, thiên về bề nổi, thì Richard lại có sự trầm tư hiểu biết, hài hước thân thiện và đặc biệt đôi mắt tràn ngập tình yêu. Cả hai đều đẹp trai si tình, nhưng Hoàng tử mà Richard Madden đóng là một người bạn biết lắng nghe chứ không chỉ nhìn người theo dáng vẻ bên ngoài. Trang phục của Hoàng tử chủ yếu là quân phục, chúng tôn lên dáng người đẹp và đặc biệt là đôi mắt xanh biết nói của chàng. Ở một số cảnh quay, bộ đồ ôm sát có gây ra những thắc mắc, nhưng chẳng hề gì, khi vẻ đẹp lấp lánh của thần sắc đã thổi bay những cảm xúc “khó tiêu” của khán giả.
Richard Madden, diễn viên vào vai Hoàng tử trong phim “Lọ Lem”
Sự xuất hiện của một ngôi sao lớn như Helena Bonham Carter trong vai Tiên đỡ đầu – một bà tiên vụng về – là một điều thú vị. Đáng tiếc vai diễn này chỉ xuất hiện trong một trường đoạn duy nhất (trong câu chuyện gốc, bà tiên xuất hiện 2 lần). Tuy thế, Helena Bonham Carter vẫn để lại ấn tượng với khán giả như những bộ phim lớn khác của cô, một phần nhờ bộ váy được thiết kế với đôi cánh bạc gắn hơn 10.000 viên pha lê Swarovski và 400 bóng đèn LED cỡ nhỏ.
Cuối cùng, ngốn nhiều ngân sách cho trang phục nhất, là phu nhân Tremaine do diễn viên 2 lần nhận giải Oscar – Cate Blanchett thủ vai. Nhà làm phim muốn thể hiện sự hào nhoáng của nhân vật mẹ kế qua trang phục, sự chỉn chu đến từng chi tiết trên mỗi thiết kế thể hiện sự tính toán chi ly từng âm mưu của bà mẹ ghẻ độc ác. Chưa kể, những bộ trang phục này có nhiều chi tiết, tông màu mạnh, thể hiện con người phức tạp của Tremaine.
Cate Blanchett (bên phải) vào vai bà mẹ ghẻ độc ác Tremaine
Vai diễn của Cate Blanchett là một điểm nhấn quan trọng của bộ phim. Và sức hút của người phụ nữ 45 tuổi này qua từng cái liếc mắt, từng bước đi trên phim giúp khán giả hiểu rằng, không hề ngẫu nhiên, cô là lựa chọn đầu tiên trong dàn cast của bộ phim này.
Bốn diễn viên quan trọng trong phim. Từ trái qua: Helena Bonham Carter, Lily James, Richard Madden, Cate Blanchett.
Tuy thế, tất cả những đầu tư về sức người, sức của ở trên đều có thể trở nên công cốc như rất nhiều phim bom tấn Hollywood khác, nếu thiếu đi kịch bản tuyệt vời của bộ phim.
Câu chuyện Lọ Lem là câu chuyện về một nhân cách
Điều mà những người viết kịch bản cho “Cinderella” phiên bản 2015 cố gắng, đó là hợp lý hóa những sự vô lý ở câu chuyện gốc hoặc những bộ phim trước đây về nàng Lọ Lem. Hoàng tử chỉ yêu Lọ Lem khi nàng ăn diện, nàng chỉ yêu Hoàng tử vì chàng có dòng dõi hoàng tộc? Không, chàng đã gặp Lọ Lem trong bộ quần áo thường dân và chính chàng cũng ở trong bộ trang phục “người học việc”. Họ đã quý mến nhau qua những quan điểm về cuộc sống và vẻ bề ngoài tự nhiên của người kia. Hoàng tử chỉ cần tìm ra cô gái đẹp nhất và đuổi theo xin cưới nàng? Không, kịch bản lần này dẫn dắt để có một hoàng tử nhận thức được vị trí và trách nhiệm với giang sơn và thuyết phục vua cha để có thể làm theo sự lựa chọn của trái tim…
Còn nhiều chi tiết như thế trong bộ phim, và tất cả dựa trên nền tảng mong muốn khắc họa rõ tính cách nhân vật của biên kịch. Dường như nhà làm phim muốn khẳng định với khán giả rằng họ chưa hiểu rõ nhân vật như nó cần phải hiểu. Như bà mẹ kế Tremaine – bà có đủ, thậm chí là thừa, đất diễn để khán giả chú ý và thông cảm cho sự độc ác của mình. Bởi Tremaine đã đi qua hai cuộc hôn nhân mà cuối cùng vẫn lẻ bóng, bà có hai đứa con gái nhưng chúng đều xấu và vụng. Bà mong chúng có cuộc hôn nhân tử tế để mẹ con thoát khỏi cảnh tằn tiện chi tiêu, nhưng mong ước đó không nhìn thấy khả năng thành hiện thực. Tất cả những áp lực đó trút lên vai người đàn bà hai lần chết chồng đã tạo ra nền tảng khiến nỗi đau và sự độc ác của nhân vật do Cate Blanchett đóng nhanh chóng định hình và nổi bật. Đó cũng là lý do khiên nhân vật do Lily James đóng hơi bị lép vế.
Lần đầu tiên trong câu chuyện nổi tiếng này, người kể chuyện đã đề cập đến khoảng thời gian ấu thơ của Lọ Lem. Cô được cha mẹ dạy khiêu vũ, dạy ngoại ngữ, và sự thông tuệ đã giúp cô tiếp thu – cũng như ghi nhớ chúng trong nhiều năm – để khi cần có thể dùng đến. Điều này rất khác với những cô con gái của mẹ kế, chúng có nhiều điều kiện học hành hơn Lọ Lem, nhưng đã không học được. Và đó là điều khác biệt của Lọ Lem với hai cô chị kế của mình.
Cũng như nhân vật nàng công chúa nhỏ của Frances Hodgson Burnett, biên kịch xây dựng nhân vật Ella là một công chúa nhỏ trong thế giới của chính mình: dù đó là đồng cỏ hay gác xép có những con chuột xinh xắn, dù được cha mẹ yêu chiều hay mồ côi phải tất bật lam lũ dưới sự ghẻ lạnh độc ác của dì ghẻ. Ở đâu, Ella cũng đối xử với người khác bằng trái tim nhân hậu của mình. “Have courage and be kind” (Hãy can đảm và nhân hậu) là điều người mẹ khi còn sống đã dạy Ella, cũng là tôn chỉ sống của cô.
Kết
Có thể nói rằng, bộ phim này vượt trội so với nhiều phim cổ tích khác: trung thành với bản gốc, đề cao những giá trị con người trong khi vẫn rất thú vị chứ không giáo điều. Dù vẫn còn những hạt sạn về kỹ thuật hoặc phục trang nhưng câu chuyện của hãng Disney đã chạm đến trái tim nhiều khán giả trên toàn thế giới. Và điều này là quan trọng hơn hết: nếu một ngày nào đó, bạn muốn những đứa con của mình xem một bộ phim cổ tích đúng nghĩa thì phiên bản “Cinderella” này sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua.
Bài: Trà Fiew
Ảnh: CGV cung cấp