“Trụ rau” xanh mướt mát của anh Sơn
Rau thu hoạch ăn không xuể
Khoảng sân thượng rộng 21m2 với chiều rộng là 3m, chiều dài 7m nhưng anh Trương Bình Sơn chỉ sử dụng khooảng 10m2 để trồng rau sạch. Tuy mới “canh tác” được gần 6 tháng nhưng sân thượng nhà anh luôn ngập tràn các loại rau củ sạch. Hiện tại, sau khi vườn rau đã đi vào hoạt động ổn định, anh Sơn trồng thêm các loại cây ăn quả như cà chua, nho, khổ qua, hành … để khu vườn sân thượng cung cấp lượng thực phẩm đa dạng cho bữa ăn gia đình.
Diện tích sân thượng được tận dụng tối ưu để “phủ xanh”
Từ khi cưới vợ, và nhất là khi chuẩn bị đón thiên thần nhỏ Trương Bình Vạn Xuân chào đời, anh Sơn đã nghĩ đến việc trồng rau để đảm bảo mỗi ngày vợ và con mình được sử dụng thực phẩm sạch do chính gia đình sản xuất. Với khoảng diện tích sân thượng khá nhỏ hẹp, lại thêm nhiều chức năng trong khoảng sàn hạn chế nên anh Trương Bình Sơn đã quyết định chọn mô hình khí canh của NASA Mỹ và điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện nhà phố, nhà ống và túi tiền của người Việt Nam để tiến hành thực hiện.
Ban đầu tìm hiểu và thực hiện theo mô hình này, anh Bình Sơn đã gặp phải không ít khó khăn. Anh Sơn chia sẻ, nếu thuê thợ làm nhà lưới sân thượng khoảng 9 mét vuông để chống sâu bệnh và chim hại cây hay làm giàn leo cho cây cũng tốn khoảng 15 triệu đồng. Vì vậy, anh đã tích hợp luôn giàn leo và lưới vào hệ thống khí canh, vừa gọn nhẹ, tiện lợi và chi phí khá tiết kiệm, chỉ tốn 300 nghìn đồng/ bộ. Với cách làm này, anh Sơn cho biết, giàn leo và lưới được anh gắn khá chắc chắn, bền đẹp dù đã trải qua khá nhiều trận mưa gió, áp thấp nhiệt đới của Tp.HCM.
.
Mỗi trụ khí canh có diện tích 0,5×0,8m nên mỗi m2 anh có thể đặt được 1 trụ mà vẫn thoải mái đi lại chăm sóc rau cỏ. Theo mô hình khí canh này, anh Sơn thiết kế mỗi trụ có chiều cao ~1m9 với 56 hốc trồng cây. Với các loại rau hay cây cho củ, anh đều ươm hạt ở bên ngoài bằng mút xốp, hạt lớn lên trong từng ô mút xốp được giữ ẩm thường xuyên. Khi cây con có khoảng 4 lá thật anh sẽ đặt vào hốc trồng cây.
Ngon – sạch – nhàn
Theo anh thì các loại rau ăn lá như rau muống, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch mất khoảng 17 đến 20 ngày. Với rau cải thường lâu hơn một chút, khoảng 25 ngày. Các loại cây như su hào, cà rốt thì mất nhiều thời gian hơn. Anh Sơn chia sẻ, những loại cây ăn quả cũng tùy loại có thời gian thu hoạch khác nhau. Tuy nhiên, với mô hình khí canh có thể giúp rút ngắn khoảng 30% thời gian thu hoạch so với các phương pháp khác.
Với 56 hốc rau, trung bình mỗi lần một trụ thu hoạch được 10kg cả rau và rễ. Mỗi lần thu hoạch rau, anh đều biếu hàng xóm và bạn bè vì lượng rau quá nhiều. Tuy nhiên, nếu muốn ăn rải rác, đan xen các loại rau, anh thường thu hoạch mỗi hốc khoảng 2 đến 3 lá là đủ cho một bữa ăn và thu hoạch được nhiều lần trong thời gian dài. Theo anh Sơn, ước tính mỗi gia đình có 5 người ăn thì chỉ cần thiết kế 3 trụ rau là đủ bao gồm: 1 trụ trồng rau muống và rau cải, 1 trụ trồng rau mồng tơi và rau dền, 1 trụ trồng xà lách và các loại rau thơm.
Học hỏi kinh nghiệm trồng rau tốt, nuôi gà ngon trên sân thượng 60m2
Chủ nhân của sân thượng rau sạch này cho biết thêm, sau khi cho cây con vào hốc của từng trụ thì hệ thống tự chạy hoàn toàn. Anh không cần lo về các vấn đề thời tiết như mưa, nắng, gió, bão, tưới tiêu, bón phân, cải tạo đất, sâu bướm, chiḿ, nhổ cỏ hay trồng cây làm bẩn sàn sân thượng. Hơn nữa, theo nghiên cứu của các giáo sư người Mỹ, trồng rau quả theo mô hình này có thể trồng được tất cả các loại cây thân thảo. Vì vậy, dù thời tiết ở Tp.HCM khá nắng nóng nhưng anh vẫn trồng được su hào, dâu tây, cà rốt…
Bên cạnh đó, phương pháp trồng rau theo mô hình khí canh hơn hẳn trồng thổ canh ở điểm, khí canh có thể trồng nhiều cây ở 1 hốc. Ví dụ rau muống, mồng tơi, rau dền, rau đay, rau cần… có thể bó nhiều gốc vào với nhau và trồng vào 1 hốc, cây vẫn phát triển tươi tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, với thổ canh thì các loại rau lại cần trồng cách xa nhau mới đảm bảo đủ độ thoáng và dinh dưỡng cho cây trồng phát triển.
Với phương pháp thổ canh thông thường, mỗi giai đoạn cây lớn lại cần chăm chút khá vất vả. Tuy nhiên, với mô hình khí canh này, anh Sơn chia sẻ rằng mình vẫn dành được hầu hết thời gian cho gia đình và công việc kinh doanh. Bởi khi trồng rau, anh đã dùng van phao tự động để thêm lượng nước bị hao hụt. Tuy nhiên để tạo thêm thú vui cho công việc làm vườn và cũng là thời gian đứng ngắm vườn rau, anh Sơn thường bỏ van phao tự động và châm tay 20 lít/ tuần/ trụ tùy vào từng loại cây.
Bên cạnh nước tưới luôn đủ, để rau phát triển tươi tốt, trước đây anh Sơn thường mua dung dịch thủy canh của một số công ty uy tín trên thị trường. Hiện tại, anh lại tự mua muối khoáng tinh khiết về pha theo công thức chuẩn quốc tế được các giáo sư của Mỹ và các trường Đại học của Việt Nam kiểm nghiệm và cung cấp.
và chi phí không hề đắt đỏ
Anh Sơn chia sẻ, để có được vườn rau sạch trên sân thượng bằng mô hình khí canh tự chế này, chi phi ban đầu không nhiều lắm. Anh mua vật liệu về làm với chi phí khoảng 1tr8 cho 1 trụ, 10m2 anh làm 10 trụ, thêm 1 triệu tiền mua máy hẹn thời gian, bút đo TDS, PH, EC, dây điện, ổ cắm. Tiền điện mỗi tháng cho 1 trụ là ~15.000đ, tiền dung dịch khoáng tự pha 50.000đ/ trụ/ tháng. Khi mất điện, để hệ thống hoạt động tốt, anh Sơn thường chuyển qua máy phát điện mini hoặc UPS. Anh Sơn tư vấn thêm, nếu dưới 3 trụ có thể dùng UPS (2 phút chạy 10 phút nghỉ). Nếu trên 3 trụ nên dùng máy phát điện mini. Hiện tại nhà anh đang dùng máy phát điện mini (hàng nội địa Nhật) mua 4 triệu đồng (tương đương với công suất 900W, phát liên tục được 7 tiếng, tốn 2 lít xăng, máy chạy không gây ồn). Chạy cho 10 trụ rau, 1 cái quạt cho con gái ngủ, 1 laptop vẫn chưa hết công suất.
Để rau tránh được các bệnh thông thường, anh đã ‘mắc màn’ cho rau nên hoàn toàn hạn chế được sâu bệnh. Tuy nhiên chưa tránh được nấm do sương và không khí nhưng anh đã có cách khắc phục vô cùng hiệu quả, chi phí bỏ ra khá ít. Đó là anh dự tính sử dụng bạt ni lông may vào lưới che bên trên giàn leo. Bởi lớp bạt phía trên có thể giúp rau tránh được sương và giảm được đáng kể lượng nước mưa khiến nấm bị hạn chế phát triển.