Chân dung ông Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thế mà, nhà khoa học lắm ưu phiền ấy vẫn cam tâm gắn bó với công việc nghiên cứu chế độ hoạt động của động đất trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam chỉ mong xác định được vị trí xảy ra động đất để kịp thời đưa người ra khỏi vùng tâm chấn.
30 năm làm bạn với cây đàn guitar
Ngay khi thấy tôi xuất hiện trước căn phòng nhỏ của Viện Vật lý địa cầu, ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần liền “tiếp đón” tôi bằng thứ âm thanh réo rắt, buồn da diết nhưng thật ấm lòng.
Khi tiếng đàn vừa cất lên, bước chân tôi chững lại, đôi mắt hướng về phía người gẩy đàn. Mặc dù không biết tên bản nhạc là gì nhưng những âm điệu du dương, thánh thót như đang chạy rần rần trong huyết quản. Chờ đến lúc tiếng đàn vừa dứt, tôi bước đến trò chuyện và hỏi ông về bản nhạc.
Người đàn ông “mê” đàn guitar nở nụ cười bảo: “Tôi chỉ gẩy đàn ngẫu hứng thôi, chẳng theo bản nhạc tên tuổi nào cả. Lúc nào căng thẳng quá thì mang đàn ra gẩy cho vui. Ấy thế mà, guitar đã như người bạn đồng hành cùng tôi trải qua biết bao năm tháng buồn, vui với nghề địa chấn rồi đấy.”
Nói về cơ duyên đến với nghề, ông Phương bảo, năm 1972, nhờ học giỏi nên được Nhà nước cử đi ra nước ngoài học tập. Hồi đó, chàng trai quê gốc tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn cho mình ngành Vật lý, vốn được xem là “mốt thời thượng” đang được vinh danh. Thế nhưng, khi bước chân lên tàu sang Liên Xô (Nga), ông mới biết mình được phân công học về ngành địa chất.
“Lúc nhận được tin này, nói thực là mình vô cùng thất vọng, bởi những năm trước đó, ngành địa chất ở nước ta còn chưa được xem trọng và cũng không ai biết gì nhiều. Trong khi bản thân đang mơ ước một viễn cảnh là kính hiển vi, điện tử hạt nhân nên thâm tâm rất buồn và không có được tình yêu với nghề thực thụ,” ông Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Phương tự cho mình là người hiếm có còn tồn tại với nghề “bắt mạch” động đất. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông bảo, mãi đến năm 1980 khi về nước và được vào làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), trải qua những công trình đi thực địa vào Nam ra Bắc, tiếp xúc với công việc cụ thể, những kiến thức chàng trai trẻ học được từ nước ngoài nó mới bắt đầu “thức dậy” và áp dụng vào thực tiễn.
“Qua từng chuyến đi nghiên cứu, mình cũng dần cảm nhận được cái giá trị của những năm tháng học tập ở nước ngoài. Đó là những kiến thức quý về hoạt động của nền địa chất, tai biến thiên nhiên mà các nhà khoa học rất giỏi trên thế giới đã mất cả đời người dày công nghiên cứu mới có được,” ông Phương nói.
Điều đáng trân trọng là, nhờ được thừa hưởng những bài học quý từ các nhà khoa học nổi tiếng ở phương Tây nên gần 36 năm qua, ông Phương luôn miệt mài gắn bó với công việc, dẫu khó khăn của cuộc sống đã có không ít lần đưa đẩy như muốn kéo ông thoát khỏi cái bóng của một nhà khoa học chân chính.
“Và, nếu không có cây đàn guitar, có lẽ tôi đã không gắn bó được với nghề đến bây giờ.”
Thời gian cứ thế trôi. “Cho đến giờ phút này, tôi vẫn tự hào rằng mình là người hiếm có còn tồn tại ở trong ngành địa chấn học mà không bỏ ngang hay chuyển sang ngành khác. Trong khi, hầu như 90% bạn học cùng thời ở nước ngoài, trở về nước đã chuyển sang làm nghệ sỹ hay các doanh nghiệp, phiên dịch…,” ông Phương trải lòng.
Giữ trọn tình yêu với nghề
Sau gần 4 thập kỷ gắn bó với nghề “bắt mạch” động đất, giờ đây, điều mà ông Phương tự hào là lĩnh vực địa chấn đã và đang được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là nó đã được thử thách qua các sự kiện lớn của đất nước như việc vận hành các nhà máy thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, luôn đòi hỏi kiến thức của các nhà địa chấn trong việc lựa chọn vị trí xây dựng, cảnh báo mức độ nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo ông Phương, cho đến giờ phút này, chính sách của Nhà nước vẫn chưa chú trọng đến phát triển bền vững ngành địa chấn. Trong khi, nhìn sang các quốc gia khác như Nhật Bản, mọi người sẽ thấy hàng trăm Viện nghiên cứu về động đất được xây dựng, còn ở nước ta thì chỉ có một Viện nghiên cứu đặc thù về động đất, đó là Viện Vật lý địa cầu.
Ông Phương nhận giải thưởng trong năm 2009. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, măc dù Việt Nam và Nhật Bản là hai đất nước khác nhau về chế độ địa chấn. Đơn cử là, những thiệt hại về động đất, sóng thần ở Nhật Bản cực kỳ lớn, trong khi ở nước ta, động đất mạnh không nhiều, song điều này cũng cho thấy dường như Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về lâu về dài đối với hiểm họa động đất.
“Đơn cử là, những năm gần đây, hầu hết các trận động đất xảy ra ở những vùng xa xôi, hẻo lánh như Tây Bắc, vùng Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với mức độ ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, nếu những trận động đất ấy nó xảy ra ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn thì sự khốc liệt, sự tàn phá sẽ vô cùng lớn,” ông Phương chia sẻ.
Hay như ở khu vực Bắc Trà My, hiện tượng nhà máy Thủy điện sông Tranh 2, sau một thời gian tích nước được một vài năm thì bắt đầu xuất hiện hàng chuỗi trận động đất nhỏ xảy ra, một số nhà cửa bị nứt, khiến người dân rất lo lắng, thậm chí là chạy vào rừng, chính quyền địa phương hoang mang.
“Dẫu rằng, hiện tại chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam có thể hội nhập với Thế giới về các công trình nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, sau 10 năm hay 20 năm nữa, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị từ bây giờ thì về sau sẽ bị tụt hậu. Vì thế, chúng ta cần mở trường và đào tạo bài bản hơn trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá địa chấn phù hợp với thực tiễn,” ông Phương nói.
Khi được hỏi nhà khoa học “mê” đàn guitar có chia tay nghề địa chấn không, ông lắc đầu nói rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng cho mình. Và, với ông, người đã dành trọn gần 4 thập kỷ để gắn bó với nghề nghiên cứu động đất thì dẫu công việc có gian lao, vất vả đến đâu, ông vẫn tâm huyết với nghề cho đến khi đào tạo được những lớp nhân tài kế nghiệp.
Theo VietnamPlus