Luôn thắt dây an toàn
Đây là nguyên tắc đầu tiên khi di chuyển bằng xe ô tô, dây an toàn sẽ giúp cứu sống bạn và đảm bảo sự an toàn cho thai nhi khi sử dụng đúng cách. Với phụ nữ mang thai, nên vòng dây đai xuống phía dưới bụng, ngang với vị trí xương hông là tốt nhất. Dây đeo chéo cũng không nên ở vị trí giữa ngực như người bình thường mà nên di chuyển về một bên dọc phần hông, tránh trường hợp dây có thể căng ngang bụng ảnh hưởng đến thai nhi.
Hãy ngả ghế
Nếu bạn là người lái xe, hãy ngả ghế để tạo sự thoải mái nhưng phải đảm bảo việc quan sát gương một cách tốt nhất và điều khiển chân ga, phanh dễ dàng. Việc ngả ghế có tác dụng giảm đau, tạo sự thoải mái ở phần lưng và giúp điều khiển xe dễ dàng hơn. Nếu bạn là hành khách phía trước cũng nên ngả ghế hợp lý, đảm bảo khoảng cách từ bụng tới túi khí trước ít nhất là 40cm. Không nên đệm thêm các loại gối ở phần mông hay lưng.
Lái xe điềm đạm
Tham gia giao thông tại Việt Nam dễ khiến nhiều người nổi cáu mặc dù đi đúng luật. Với bà bầu thì điều này lại càng quan trọng, hãy cố gắng luôn giữ tâm trạng bình tĩnh, không tức giận và thao tác ổn định, lái xe chậm để đảm bảo thai nhi không bị lắc lư nhiều. Nếu xảy ra va chạm giao thông dù là nhẹ cũng nên đi khám bác sỹ ngay sau đó. Ngoài ra, bạn cũng không nên để nước hoa, túi thơm trong xe vì phụ nữ mang thai thường rất nhạy cảm với các loại mùi vị. Không nên để các đồ vật như hộp giấy, chìa khóa… trên bảng táp-lô xe vì khi xảy ra va chạm chúng có thể gây tổn thương tới bạn và thai nhi.
Ngồi xe bao lâu là đủ
Nếu bà bầu ngồi lâu trên xe không hoạt động sẽ làm xương chậu và tử cung bị chèn ép, làm máu lưu thông không tốt… do đó, bạn nên xuống xe đi lại hoặc vận động nhẹ sau khoảng 1 – 1,5 giờ ngồi trên xe. Bà bầu cũng nên đi giày thoải mái, đế bằng; tránh đi giày cao gót, cứng hoặc quá chật khiến chân dễ bị phù thũng. Một điều nhỏ nhưng nhiều bà bầu không để ý là cần tránh sốc nhiệt khi vào và ra khỏi xe. Khắc phục điều này bằng cách khi gần tới nơi bạn có thể tăng/giảm nhiệt độ để gần bằng với nhiệt độ ngoài trời nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Khi nào không nên lái xe?
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thai nhi ở khoảng thời gian ba tháng đầu và cuối là kém ổn định nhất. Bà bầu dễ có nhiều biểu hiện của ốm nghén như buồn ngủ, mất tập trung, buồn bôn, phản ứng chậm hơn bình thường trong khoảng ba tháng đầu có thai. Ở giai đoạn ba tháng cuối, bụng bầu đã lớn khi phanh xe có thể khiến vô-lăng va chạm vào bụng, lúc này nhiều người có biểu hiện chân phù nề, chuột rút bất ngờ cũng gây nguy hiểm nếu lái xe. Vậy thì đương nhiên là bạn nên tránh ngồi ôm vô-lăng trong các giai đoạn kể trên.
1. Nên mang theo những tài liệu như sổ khám bệnh, thông tin thai kỳ, các số điện thoại liên lạc khẩn cấp khi cần thiết nếu phải di chuyển đường dài.
2. Hãy luôn chuẩn bị một số đồ ăn nhẹ trong xe, nước uống là bắt buộc vì bà bầu thường có nhu cầu nước cao hơn người thường.
3. Việc uống thuốc chống say xe phải được sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ, tránh việc sử dụng bừa bãi có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Bài: Trần Giáp