Ray Chan (Hong Kong)
Thương hiệu: 9GAG
Trên thực tế 9GAG có đến tận… 5 “ông bố” gồm: Chris Chan, Derek Chan, Brian Yu, Ray Chan và Marco Fung tuy nhiên người đóng vai trò quan trọng góp phần khiến 9GAG có vị thế như ngày hôm nay không ai khác chính là Ray Chan. Cùng với những chiến hữu của mình, Chan đã biến một website với ý tưởng “vui là chính” trở thành một cộng đồng lớn mạnh đạt 100 triệu lượt theo dõi mỗi tháng và hiển nhiên là món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân mạng ở bất kỳ độ tuổi nào trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Điều đáng nói là Ray Chan cùng “đồng bọn” không hề có ý tưởng… nghiêm túc với 9GAG, thậm chí thời điểm nó ra đời vào năm 2008 thì cả đám còn chẳng biết thiết kế một website như thế nào cho ra hồn. Trong khi Chan lại đang bận rộn với sự nghiệp cấp quản lý của mình tại một doanh nghiệp internet khác và chỉ xem 9GAG như một dự án phụ với tinh thần mua vui cho bản thân và thiên hạ là chính.
Tuy nhiên 5 chàng trai không hề nghĩ rằng “đứa con tinh thần” của mình lại được đón nhận nồng nhiệt và “bùng nổ” đến mức giờ đây 9GAG đã có 31,2 triệu lượt like trên Facebok, 6,99 triệu lượt theo dõi trên Twitter, và 29,6 triệu lượt theo dõi trên Instagram (thống kê vào tháng 5/2016). Chưa kể vào năm ngoái 9GAG đã huy động vốn đầu tư lên đến 24,5 triệu USD, trong đó có hai quỹ đầu tư dành cho Startups hàng đầu thế giới là 500 Startups và Y Combinator.
Ray Chan, đồng sáng lập kiêm điều hành 9gag
Điều gì khiến cho 9GAG thành công rực rỡ như vậy? “Đơn giản, tiện dụng, dễ hiểu và đầy tính giải trí – đó là những tiêu chí mà 9GAG đã, đang và sẽ làm rất tốt. Chúng tôi không cần những bức ảnh được chỉnh sửa đẹp mắt cầu kỳ, hay những video clip theo đúng chuẩn 4k hay full HD mà quan trọng là câu chuyện hài hước, thư giãn được truyền tải qua mỗi bức ảnh nhìn có vẻ không được trau chuốt ấy” – Ray Chan chia sẻ với tạp chí Meld Magazine. “Có thể nói chúng tôi chỉ là cầu nối gắn kết mọi người bằng cách chia sẻ những gì vui vẻ, hài hước và sáng tạo trong cuộc sống. Đó cũng chính là yếu tố quyết định thành công của 9GAG”.
Sattvik Mishra (Ấn Độ)
Thương hiệu: ScoopWhoop
Có người ví von rằng nếu muốn biết tất cả những gì đang diễn ra tại Ấn Độ hãy truy cập ScoopWhoop.com – tờ báo mạng với 20 triệu lượt view (xem) và 3 triệu lượt share (chia sẻ) mỗi tháng.
Có khá nhiều điểm tương đồng giữa 9GAG và ScoopWhoop như đều có chung xuất phát điểm là trở thành một trang mạng chia sẻ hình ảnh và video clip vui nhộn, được ra đời như một dự án phụ không được đầu tư nhiều… Tuy nhiên nếu 9GAG vẫn tiếp tục đi theo con đường của mình thì ScoopWhoop lại mở rộng hơn trở thành một tờ báo mạng gần như “chính thống” tại đất nước tỷ dân.
Sattvik Mishra, đồng sáng lập và điều hành ScoopWoop
Đội nhóm sáng lập ScoopWhoop bao gồm 6 người trong đó Sattvik Mishra là đồng sáng lập kiêm CEO. Cũng như Ray Chan, Mischra và những người bạn nảy ý tưởng xây dựng ScoopWhoop vào năm 2013 khi đã có công việc ổn định. Thế nhưng thành công liên tiếp từ dự án tưởng-như-đùa này đã khiến tất cả lần lượt… bỏ việc để tập trung xây dựng ScoopWhoop.
“Từ những ngày đầu chúng tôi không nghĩ những gì mình đang làm là startups. Chúng tôi chỉ muốn tạo nên một trang thông tin Ấn Độ bằng tiếng Anh theo phong cách Buzzfeed hơn là theo lối mòn truyền thông hiện thời” – Sattvik Mishra nhớ lại hoàn cảnh ra đời của ScoopWhoop – “Mọi thứ chỉ thay đổi khi những bài viết đầu tiên được viral một cách mạnh mẽ, lượt người đọc tăng đến chóng mặt rồi các nhãn hàng liên hệ để quảng cáo trên website khiến cả nhóm định thần lại về sức mạnh của ScoopWhoop”.
Đội nhóm sáng lập ScoopWoop
Hơn cả một tờ báo mạng luôn cập nhật các thông tin nóng hổi ScoopWhoop còn là một thư viện thông tin khổng lồ về tất tần tật mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ chuyện bếp núc, nhà cửa, cho đến những lời khuyên làm giàu và không thiếu những câu chuyện truyền cảm hứng. Thế nhưng nếu chỉ có vậy thì ScoopWhoop cũng như hàng trăm trang internet khác thậm chí còn có thể bị lọt thỏm vào những trang báo chính thống với nền tảng mạnh của Ấn Độ. Vậy điều gì đã khiến ScoopWhoop giữ độc giả lại sau một cú click chuột?
Bên cạnh kiểu “Tây Tây” học hỏi từ Buzzfeed thì theo Mischra, yếu tố then chốt khiến tờ báo của anh trụ vững đó là do giữ được nội dung giá trị, cập nhật và “sạch”: “ScoopWhoop tự hào khi có một đội ngũ sáng tạo và biên tập đầy tinh hoa sẵn sàng gửi đến mọi người những câu chuyện chỉ có thể tìm được tại ScoopWhoop” – Mischra khẳng định.
Taichi Murakami (Nhật Bản)
Thương hiệu: Livesense
“Sau này em muốn trở thành giám đốc công ty” cậu bé Taichi Murakami đã dõng dạc phát biểu ước mơ của mình trước cô giáo và các bạn học cùng lớp tiểu học. 20 năm sau Murakami đã biến ước mơ của mình thành sự thật với Livesense, website tìm kiếm nhân sự hiện được gần 22.000 công ty sử dụng. Không dừng lại ở đó Murakami còn trở thành doanh nhân trẻ nhất có công ty niêm yết trên sàn chứng khoáng Tokyo khi chỉ mới 25 tuổi 1 tháng vào năm 2012.
Ý tưởng ra đời Livesense đến khi Murakami đang còn là sinh viên năm nhất của trường đại học Waseda (Tokyo). Lúc ấy anh chàng đang muốn tìm việc làm thêm nhưng gặp khó khăn khi gần như không có một website nào có thể dễ dàng cung cấp công việc phù hợp theo đúng yêu cầu của mình dù biết rằng chắc chắn cũng có những ông chủ đang đau đầu tìm người làm thêm ở đâu đó. Thế là ở tuổi 19 anh bỏ tiền để xây dựng Jobsense – trang web cung cấp thông tin về công việc bán thời gian, công việc thời vụ… Đây cũng là tiền thân của website tìm kiếm nhân sự Livesense được Murakami phát triển rất thành công sau này.
Hiện nay, Livesense được định giá 95 triệu USD với 192 nhân viên toàn thời gian cùng mức tăng trưởng trung bình 19%/năm. Riêng Murakami hiện sở hữu 48,9% cổ phần của công ty khi chỉ mới 30 tuổi.
Theo Murakami, sức mạnh của một công ty thành công không chỉ nằm ở mô hình kinh doanh mà còn ở khả năng đẩy mạnh kế hoạch marketing và nâng cao dịch vụ. Đó cũng là lý do mà anh từng khiến nhiều người “sốc” khi treo thưởng 1.000 USD cho bất kỳ ai được tuyển dụng thông qua Livesense như một cách để “PR” cho công ty. “Với những nỗ lực và chiến lược như thế, chúng tôi luôn chạy trước kể cả khi có 100 công ty khởi nghiệp tương tự sau Livesense” – Murakami tự tin nói.
Vị lãnh đạo trẻ tuổi với gương mặt “búng ra sữa” cùng nụ cười “tỏa nắng” luôn thường trực trên môi lại được đánh giá là người có tư duy kinh doanh đầy táo bạo và là “kẻ cuồng việc” điển hình. Anh chia sẻ rằng niềm hạnh phúc duy nhất hiện tại của bản thân chính là được làm việc và tạo ảnh hưởng tích cực đến mọi người xung quanh bằng vị thế và kinh nghiệm của bản thân, “Tôi tận hưởng từng giây từng phút khi mình được làm việc cùng các cộng sự. Tôi mong rằng bản thân có thể cống hiến đến năm 80 tuổi. Không! Tốt nhất là càng lâu càng tốt”.
Leandro Leviste (Philippines)
Thương hiệu: Solar Philippines
“Tài không đợi tuổi” có lẽ là nhận định phù hợp nhất dành cho Leandro Leviste, cựu sinh viên của trường đại học Luật danh tiếng Yale, khi chỉ mới 23 tuổi Leviste đã làm chủ một công ty có đủ tiềm năng tác động đến sự phát triển của quê hương anh.
Leandro Leviste (thứ hai từ phải qua)
Nếu cả ba nhân vật trên đều có ý tưởng khởi nghiệp phần nhiều từ nhu cầu cá nhân thì Leviste lại startup với mục đích khá vĩ mô: thay đổi cuộc sống của người dân Philippines. Cụ thể là việc phát triển dự án năng lượng mặt trời tạo nguồn cung cấp dồi dào về điện để giải quyết tình trạng chi phí điện quá cao tại đất nước 102 triệu dân này. “Giá điện tại Philippines thuộc hàng cao nhất trong khu vực châu Á và nếu so sánh với GDP thì đây là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Philippines không khởi sắc tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người” – Leviste chia sẻ về ý tưởng ra đời Solar Philippines, “Rất nhiều công ty năng lượng mặt trời hiện hoạt động tại Philippines nhưng giá thành rất mắc và đều thuộc sở hữu nước ngoài. Tôi tự hỏi tại sao đất nước chúng ta có đầy đủ điều kiện như vậy lại không thể triển khai dự án này mà lại phải phụ thuộc vào bọn họ? Chúng ta có mặt trời, chúng ta có gió và chúng ta có đủ trí khôn để tự tạo nên một ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Philippines”.
Leandro Leviste trong buổi ký kết hợp đồng xây dựng rooftop năng lượng mặt trời dành cho trung tâm thương mai SM Prime
Năm 2013, Solar Phillippines được thành lập và dưới sự điều hành của nhà sáng lập và CEO trẻ tuổi đầy bản lĩnh đã có bước khởi đầu khá hoàn hảo. Đến năm 2014, Solar Philippines trúng thầu dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời toàn khu rooftop của SM Prime biến nơi đây trở thành trung tâm thương mại sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo đó đã có 5.760 tấm pin mặt trời được lắp đặt có khả năng cung cấp 1,5 megawatts điện đủ cho một tòa nhà với 16.000 bóng đèn, 50 thang cuốn và 20 thang máy hoạt động.
Thế nhưng đó chưa phải là thành tựu lớn nhất mà Leviste có được khi tháng 1/2016 vừa qua Solar Philippines đã khởi công một dự án “khủng” hơn: “cánh đồng” năng lượng mặt trời ở đảo Luzon có khả năng cung cấp 63 megawatt điện với kinh phí 150 triệu USD. Theo báo cáo tài khóa của Solar Philippines, thì lợi nhuận 2015 mà công ty đạt được là 125 triệu USD và con số này được dự đoán sẽ tăng đến 750 triệu USD vào cuối năm nay.
Leviste cùng cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (trái) tại cánh đồng năng lượng mặt trời Luzon
Trên thực tế kinh doanh không phải là con đường mà Leviste đã chọn khi trước đó anh được gia đình hướng đến trở thành một chính trị gia trong tương lai (Leviste là con trai của nghị sĩ Loren Legarda và cựu Thống đốc tỉnh Bantagas Atonio Leviste). Tuy nhiên có lẽ do tiềm ẩn tố chất kinh doanh từ nhỏ nên Leviste đã có bước rẽ khá ngoạn mục. Bên cạnh đó anh cũng chứng minh cho mọi người thấy rằng kể cả có là “con ông cháu cha” nếu không có thực lực và bản lĩnh thì cũng không thể thành công. “Thế hệ của tôi học hỏi cách mà thung lũng Silicon thay đổi thế giới và xem kinh doanh là một trong những cách tạo ảnh hưởng hiệu quả nhất” – Leviste nói.
Lee Jin Ha (Hàn Quốc)
Trưởng bộ phận Thiết kế tương tác – Tập đoàn Samsung Electronics
Trong 5 nhân vật được giới thiệu, Lee Jin Ha là người duy nhất không phải là “ông chủ” của một thương hiệu nào nhưng điều đó không có nghĩa anh yếu thế hơn so với 4 chàng trai trên. Ngược lại, những gì mà Lee đang nghiên cứu hoàn toàn có thể thay đổi thế giới trong tương lai gần.
Lee Jin Ha
Tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật điện tử (Đại học Tokyo), Lee tiếp tục hoàn tất chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học và Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Khi còn là nghiên cứu sinh tại MIT, Lee đã khiến cả thế giới “lên đồng” khi giới thiệu SpaceTop 3D tại hội thảo TED năm 2013, một chiếc máy tính cho phép người dùng “thâm nhập” vào bên trong để thực hiện các thao tác hoạt động như khi làm trên bàn phím. Chuyện nghe có vẻ như chỉ diễn ra ở trong… phim nhưng bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học tỉ mỉ Lee đã thuyết phục được thế giới rằng đây hoàn toàn là điều khả thi trong tương lai.
Tiếp đó, dự án khởi nghiệp Eone mà Lee là nhà đồng sáng lập, anh đem đến một cuộc cách mạng trong thiết kế đồng hồ dành cho người khiếm thị khi giới thiệu “Bradley Timepiece” – đồng hồ mà không phải là đồng hồ. Sản phẩm này đạt được thành công vang dội tại Kickstarter khi nằm trong danh sách “15 sản phẩm thiết kế đẹp nhất”. Đồng thời nhận giải “Red-dot & da-vinci awards”, và “Thiết kế của năm” tại London Design Museum.
SpaceTop 3D – một nghiên cứu của Lee được giới thiệu tại TED 2013
Ấn tượng với Eone, Lee nhanh chóng lọt vào mắt xanh của tập đoàn Samsung và được trải thảm mời về để nghiên cứu hai công nghệ “Trải nghiệm người dùng (user experience – UX)” và “Giao diện người dùng (user interface – UI)” cho dòng sản phẩm TV. Từ năm 2015, Lee được giao vị trí Trưởng phòng “Thiết kế tương tác” của Samsung Electronics. Theo đó cùng các cộng sự của mình, Lee sẽ phát triển các hình thức trải nghiệm và chia sẻ dữ liệu chỉ với một công cụ trong một môi trường nhất định. Viên gạch đầu tiên cho dự án này chính là MediaSquare vừa được giới thiệu tại triển lãm CES 2016.
Theo mô tả của Lee thì MediaSquare giúp tất cả mọi người đang trong một căn phòng có thể kết nối đến một chiếc tivi bằng chiếc smartphone của mình. Từ đó để chia sẻ các nội dung chung cùng một lúc và cùng xem với nhau chỉ trong tích tắc.
Bài: Phạm Gia