Một nghiên cứu mới của Đại học Bath (Vương quốc Anh) cho thấy chế độ ăn keto có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường typ 2 và bệnh ruột kích thích, cùng một số vấn đề khác.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cell Reports Medicine đã chỉ ra rằng những người ăn kiêng chế độ keto dễ bị tăng cholesterol và giảm vi khuẩn có lợi trong đường ruột, đặc biệt là lợi khuẩn Bifidobacterium.
Kết quả của nghiên cứu có thể khiến mọi người phải suy nghĩ lại về việc liệu chế độ ăn keto có đáng để áp dụng hay không.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath (UoB) tại Vương quốc Anh, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 53 người lớn khỏe mạnh tuân theo một trong ba chế độ ăn trong 12 tuần gồm chế độ ăn keto; chế độ ăn ít đường; chế độ ăn có lượng đường và carbohydrate vừa phải.
Kết quả sau 12 tuần thử nghiệm, những người ăn chế độ keto có sức khỏe kém hơn đáng kể so với khi bắt đầu chương trình.
Các nhà khoa học phát hiện chế độ ăn keto làm tăng cholesterol, giảm vi khuẩn đường ruột có lợi và làm giảm khả năng dung nạp đường của cơ thể, chuyển nguồn năng lượng của cơ thể từ glucose sang chất béo.
Cả chế độ ăn ít đường và chế độ ăn keto đều dẫn đến giảm mỡ mà không ảnh hưởng đến mức độ hoạt động thể chất của mọi người. Điều này cho thấy việc cắt giảm lượng đường bổ sung (chứ không phải carbohydrate) khỏi chế độ ăn uống có thể sẽ tốt hơn cho những người mong muốn giảm cân.
Nhà sinh lý học Dylan Thompson từ UoB giải thích: “Chế độ ăn keto có hiệu quả trong việc giảm mỡ, nhưng nó đi kèm với nhiều tác động khác nhau đến quá trình trao đổi chất và hệ vi sinh vật đường ruột của nhiều người.”
Những người theo chế độ ăn keto tiêu thụ ít hơn 8% lượng calo từ carbohydrate. Chế độ ăn ít đường bao gồm ít hơn 5% lượng năng lượng từ đường tự do – loại đường được thêm vào thức ăn và đồ uống hoặc có trong nước ép trái cây, xirô và mật ong.
Những chế độ ăn này được so sánh với chế độ ăn kiểm soát có lượng đường và carbohydrate vừa phải, trong đó đường tự do chiếm khoảng 18% lượng năng lượng tiêu thụ.
Đến tuần thứ tư của chế độ ăn keto, sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột của những người tham gia đã thay đổi, với sự giảm mạnh của lợi khuẩn Bifidobacterium – một trong những anh hùng của men vi sinh giúp bảo vệ đường ruột khỏe mạnh.
Chất xơ trong chế độ ăn uống rất cần thiết cho sự sống còn của các vi khuẩn đường ruột có lợi như Bifidobacteria. Chế độ ăn keto đã giảm lượng chất xơ xuống còn khoảng 15 gram mỗi ngày dẫn đến việc lợi khuẩn Bifidobacteria bị cắt giảm 40% so với chế độ ăn có lượng đường và carbohydrate vừa phải.
Việc giảm lượng lợi khuẩn Bifidobacteria này có thể dẫn đến những hậu quả đáng kể về sức khỏe lâu dài, làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tiêu hóa như bệnh ruột kích thích, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột và suy yếu chức năng miễn dịch.
Trong khi đó, tác động của chế độ ăn keto lên cholesterol cũng đặc biệt đáng lo ngại. Các nhà khoa học cho hay chế độ ăn keto đã làm tăng cholesterol đột biến, đặc biệt là ở các hạt LDL vừa và nhỏ, làm tăng apolipoprotein B (apoB), gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
Ngược lại, chế độ ăn ít đường làm giảm đáng kể cholesterol trong các hạt LDL.
Nhà khoa học dinh dưỡng Aaron Hengeist của UoB cho biết: “Mặc dù giảm khối lượng mỡ, nhưng những người ăn chế độ ăn keto lại bị tăng lượng chất béo có hại trong máu. Nếu điều này kéo dài trong nhiều năm liên tục sẽ gây ra những tác động lâu dài đến sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.”
Ngoài ra, chế độ ăn keto cũng làm giảm khả năng dung nạp glucose và gây ra sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa lipid và sử dụng năng lượng của cơ.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng mặc dù chế độ ăn keto làm giảm lượng đường huyết lúc đói nhưng nó cũng làm giảm khả năng xử lý carbohydrate từ bữa ăn của cơ thể .
Nhà sinh lý học con người Javier Gonzalez của UoB cho biết: “Bằng cách đo protein trong các mẫu cơ chân của những người tham gia, chúng tôi thấy rằng đây có thể là phản ứng thích nghi với việc ăn ít carbohydrate hơn mỗi ngày, đồng thời phản ánh tình trạng kháng insulin đối với việc lưu trữ carbohydrate trong cơ.”
Những người áp dụng chế độ ăn keto có mức độ enzyme PDK4 trong cơ xương tăng lên, điều này cũng được thấy ở bệnh tiểu đường typ 2. Chế độ ăn này cũng làm giảm mức độ enzyme AMPK và protein GLUT4, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose.
Gonzalez cho biết : “Tình trạng kháng insulin này không hẳn là điều xấu nếu mọi người áp dụng chế độ ăn keto, nhưng nếu những thay đổi này vẫn tiếp diễn khi mọi người chuyển lại chế độ ăn nhiều carbohydrate hơn thì về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2”.