Mệt mỏi kéo dài - Dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng bệnh lý - Tạp chí Đẹp

Mệt mỏi kéo dài – Dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng bệnh lý

Sống

Trầm cảm là một bệnh lý về tâm thần kinh gây cảm giác mệt mỏi, buồn bực, mất hứng thú kéo dài và rối loạn tâm trạng, làm xáo trộn thói quen sinh hoạt và làm cho người bệnh suy nghĩ tiêu cực.

Mệt mỏi kéo dài hay còn gọi là mệt mỏi mãn tính là tình trạng thường xuất hiện ở người có tần suất lao động nhiều, stress, căng thẳng lâu ngày,…

Thông thường, nếu mệt mỏi do những lo âu căng thẳng, do mất ngủ hoặc do các bệnh nhẹ cấp tính thì sẽ nhanh chóng tự mất đi khi giải quyết được nguyên nhân. Vì vậy, nhiều người thường hay xem nhẹ cảm giác mệt mỏi của cơ thể vì cho rằng mệt mỏi sẽ tự hết khi cơ thể được thư giãn nghỉ ngơi, hoặc sử dụng trà hay càphê để áp chế cảm giác này.

Tuy nhiên, nếu cảm giác mệt mỏi vẫn kéo dài, nó có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý nên việc tìm hiểu nguyên nhân là rất quan trọng để giúp điều trị tình trạng này.

(Nguồn: Getty images)
1. Mệt mỏi kéo dài có triệu chứng gì?

Nhận biết và phân biệt mệt mỏi kéo dài với những triệu chứng thông thường khi mệt mỏi khá đơn giản, chủ yếu dựa trên thời gian xuất hiện và kéo dài của cảm giác chán nản, mệt mỏi ở mỗi người.

Theo các cơ quan nghiên cứu, mệt mỏi kéo dài còn gọi là chứng mệt mỏi mãn tính, có thể được chẩn đoán thông qua một số biểu hiện thường gặp như cảm giác mệt mỏi kéo dài từ 6 tháng trở lên và ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cảm giác mệt mỏi kéo dài có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như mệt nhiều ngay cả khi chỉ vận động vừa hoặc nhẹ, đau khớp không rõ nguyên nhân, đau họng, đau nhức toàn thân, nổi hạch ở vùng nách hoặc cổ của bệnh nhân, cảm giác mệt mỏi trở nên nặng nề hơn sau khi ngủ dậy.

(Nguồn: Getty images)

Nếu xuất hiện nhiều hơn 5 biểu hiện kể trên kèm theo mệt mỏi kéo dài trên 6 tháng, tốt nhất bạn cần đến bệnh viện để thăm khám vì lúc này, khả năng mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính là rất cao.

Sau quá trình khám lâm sàng dựa trên biểu hiện, bác sỹ có thể dựa trên các đặc điểm khác để chẩn đoán.

2. Có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý?

Tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhưng có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Do đó, bạn không nên chủ quan mà phải đi tìm nguyên nhân. Sau đây là những nguyên nhân bệnh lý phổ biến gây mệt mỏi kéo dài.

Thiếu máu

Tình trạng thiếu máu làm cho việc cung cấp ôxy tới các tế bào và quá trình trao đổi chất bị suy giảm. Cơ thể bị thiếu máu cùng với thiếu ôxy sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi kéo dài, chóng mặt, kiệt sức, uể oải và thiếu năng lượng để học tập làm việc.

Ngoài ra, thiếu máu cũng có thể làm cho cơ thể ăn không ngon, bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, rụng tóc, ù tai, đau bụng, tay chân lạnh, nhịp tim bất thường. Dạng thiếu máu thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt.

Tình trạng thiếu máu làm cho việc cung cấp ôxy tới các tế bào và quá trình trao đổi chất bị suy giảm.(Nguồn: Getty images)

Đường hô hấp

Các bệnh lý cấp tính của đường hô hấp như cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi sẽ khiến cho cơ thể người bệnh cảm thấy mệt mỏi cả ngày. Nhưng tình trạng này chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ tự hết khi bệnh thuyên giảm.

Ngược lại, những bệnh lý mạn tính của đường hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, xẹp phổi sẽ làm cản trở quá trình hô hấp và trao đổi khí kéo dài. Do đó, những người mắc bệnh này thường xuyên cảm thấy khó thở và mệt mỏi mãn tính.

Tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường sẽ có nồng độ glucose trong máu cao khiến cho cơ thể phải sử dụng năng lượng rất nhiều để điều chỉnh lại lượng đường trong máu. Do đó, tiểu đường là một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua khi bị mệt mỏi mãn tính.
Người bị bệnh tiểu đường sẽ có các triệu chứng phổ biến như mệt mỏi, đói liên tục, uống nước nhiều, tiểu tiện thường xuyên, sụt cân, suy giảm thị lực và hay cáu gắt. Trong đó mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên, phổ biến nhất và kéo dài nhất.

(Nguồn: Getty images)

Ung thư

Mệt mỏi do ung thư là dạng mệt mỏi mãn tính, do nhiều yếu tố gây ra. Bệnh ung thư làm thay đổi nội tiết tố, suy yếu cơ bắp, tổn thương nhiều cơ quan như tim, gan, thận hoặc phổi đều góp phần gây ra mệt mỏi kéo dài.

Ngoài ra, những đau đớn và tình trạng thiếu máu cũng như tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư (thuốc, hóa trị, xạ trị) cũng khiến cho người bệnh mệt mỏi liên tục.

Tuyến giáp

Khi mắc bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp (nhược giáp), các hormon tuyến giáp sẽ hoạt động không hiệu quả làm rối loạn quá trình chuyển hóa bị, sẽ khiến cho cơ thể cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi.

Tim mạch

Tình trạng mệt mỏi mãn tính cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh suy tim xung huyết. Suy tim làm cho tim co bóp yếu, lượng máu tới các cơ quan và mô không đủ khiến cơ thể luôn mệt mỏi. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh gắng sức nhiều. Các triệu chứng khác của bệnh suy tim như khó thở, thở ngắn, thở dốc, phù chân, tay.

(Nguồn: Getty images)

Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là bệnh lý gây cho người bệnh cảm giác mỏi mệt kéo dài, ít xảy ra hơn so với bệnh lý tuyến giáp. Ngoài triệu chứng mệt mỏi, suy tuyến thượng thận còn làm cho người bệnh bị đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, sụt cân và tăng sắc tố da.

Bệnh lao

Đây là bệnh lý chủ yếu do vi khuẩn gây nên và sức tấn công của loài vi khuẩn này rất mạnh, có thể làm tổn thương nặng nề những tế bào, mô mà chúng tiếp xúc. Đối với người bị bệnh lao, tâm lý chán nản và cơ thể đau nhức, ốm yếu, suy nhược cơ thể,… càng khiến triệu chứng mệt mỏi kéo dài nặng nề hơn, dẫn đến thiếu ngủ, mất ngủ, trầm cảm,…

Suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là bệnh lý tương đối nguy hiểm, có thể do thời gian dài chịu áp lực, stress dẫn đến. Người bị suy nhược thần kinh ngoài việc thường xuyên thấy mệt mỏi còn rất dễ nổi giận, hay cáu gắt, tâm trạng thất thường và cơ thể yếu ớt, không có hứng thú làm việc.

(Nguồn: Getty images)

Trầm cảm

Trầm cảm là một bệnh lý về tâm thần kinh gây cảm giác mệt mỏi, buồn bực, mất hứng thú kéo dài và rối loạn tâm trạng, làm xáo trộn thói quen sinh hoạt và làm cho người bệnh suy nghĩ tiêu cực, thậm chí còn nghĩ đến cái chết và có hành vi tự tử.

Trầm cảm gây ảnh hưởng rất lớn tới não bộ nên làm giảm tiết hormone serotonin, làm giảm mức năng lượng và khiến cơ thể mệt mỏi cả ngày. Do đó, tình trạng mỏi mệt kéo dài rất phổ biến ở người bệnh trầm cảm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò quan trọng cho sức khỏe của não bộ, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất. Các yếu tố gây ra thiếu vitamin B12 có thể là do tuổi già, chế độ ăn quá nhiều thực vật, bệnh lý hệ tiêu hóa và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Thiếu vitamin B12 làm cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi mãn tính, ủ rũ, mất trí nhớ, suy giảm thị lực, chóng mặt và ngứa bàn tay, bàn chân.

Các thực phẩm tự nhiên có chứa nhiều vitamin B12. (Ảnh: Getty images)

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở hoặc hơi thở rất nông trong thời gian ngắn khi ngủ dẫn đến tình trạng thiếu ôxy. Chứng bệnh này là một dạng rối loạn của giấc ngủ, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ vào buổi tối.

Người bệnh ngủ không ngon giấc, ngủ chập chờn và sau khi thức dậy sẽ cảm thấy luôn mệt mỏi do não bộ bị đánh thức để thực hiện việc hô hấp.

Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có biểu hiện ngủ ngáy, nhức đầu vào buổi sáng do thiếu ôxy não, mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày mặc dù đã ngủ nhiều vào ban đêm. Tình trạng này lâu ngày có thể dẫn tới tăng huyết áp, bệnh tim mạch và nặng hơn là đột quỵ.

Mệt mỏi kéo dài có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, khi các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Tác giả: VietnamPlus

06/05/2024, 17:47