Không chỉ là những doanh nhân có đóng góp GDP tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, họ còn được tạp chí Forbes vinh danh là các “anh hùng thiện nguyện” hàng đầu châu Á. Dưới đây là các gương mặt đã có những hoạt động thiện nguyện nổi bật nhất trong năm vừa qua.
Takemitsu Takizaki, người sáng lập hãng sản xuất cảm biến điện tử Keyence, đã trao 7.45 triệu cổ phiếu trị giá gần 390 tỷ yên (2.6 tỷ USD) cho quỹ Keyence của mình vào năm ngoái để tài trợ học bổng cho sinh viên đại học ở Nhật Bản. Chia sẻ trên trang web của tổ chức, Takizaki cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã mở rộng việc viện trợ mà không yêu cầu hoàn trả nhưng việc hỗ trợ người trẻ học đại học chưa bao giờ là đủ. Quan trọng hơn cả, hoạt động của quỹ Keyence đã giúp tôi nhận thấy rằng vẫn còn vô số sinh viên đang nỗ lực làm việc chăm chỉ để hiện thực hóa ước mơ của mình”. Được biết, quỹ Keyence thành lập năm 2018, tổ chức này sẽ đài thọ cho sinh viên đại học Nhật Bản và quốc tế kinh phí 100.000 Yên mỗi tháng.
Tỷ phú Hà Hưởng Kiện là nhà sáng lập tập đoàn Midea, một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc. Vào tháng 5/2023, ông đã tuyên bố trong một diễn đàn của Chính phủ rằng sẽ quyên góp 3 tỷ Nhân dân tệ (410 triệu USD) để thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc. Quỹ này được giám sát bởi giám đốc điều hành Tập đoàn Midea Paul Fang nhằm hỗ trợ các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực bao gồm AI, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe. Tuy chưa tiết lộ thêm nhiều thông tin về quỹ khoa học trên, song ông hy vọng sẽ có nhiều người trẻ tích cực theo đuổi sự đổi mới cũng như nghiên cứu về công nghệ tiên tiến – các lĩnh vực then chốt mà Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách biến thành động lực thúc đẩy tăng trưởng bù đắp cho nền kinh tế đang chậm lại.
Vikrom Kromadit, người sáng lập kiêm chủ tịch của công ty điều hành bất động sản công nghiệp Amata Corp, quyết định ký bản di chúc quyên góp toàn bộ tài sản cá nhân của mình, ước tính lên tới hàng tỷ baht bao gồm cả 7.5 tỷ baht (214 triệu USD) cổ phiếu Amata. Bật mí về động lực khiến ông thực hiện quyết định trên, tỷ phú Thái Lan cho hay: “Nguồn cảm hứng của tôi bắt nguồn từ những trải nghiệm khó khăn từ thời thơ ấu. Dù sinh ra từ con số 0 trắng nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Vì giữa các con số 0, chúng ta vẫn có thể làm nên những điều khác biệt. Từ đó, mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hội”. Hiện tại, Vikrom sở hữu hơn 1/4 cổ phần của Amata Corp, tập đoàn có các khu công nghiệp rộng hơn 6.000 ha ở Thái Lan và Việt Nam.
Tỷ phú Kushal Pal Singh (hay K.P. Singh) là chủ tịch của công ty bất động sản hàng đầu Ấn Độ DLF Limited. Ông nổi danh nhờ việc biến vùng đất hoang vu Gurgaon thuộc ngoại ô thành phố Delhi trở thành trung tâm công nghệ cao với các tòa nhà văn phòng đẳng cấp thế giới, nơi tọa lạc của các trụ sở tập đoàn công nghệ, viễn thông, tiêu dùng và tài chính lớn. Đặc biệt, tháng 8 năm nay, “ông trùm” bất động sản Singh đã bán 0,59% cổ phần của mình trong DLF cho một công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại Delhi, huy động được 7.3 tỷ rupee (89 triệu USD). Theo Forbes, số tiền thu được sẽ tài trợ các hoạt động từ thiện, hỗ trợ Quỹ KP Singh được thành lập vào năm 2020.
Tháng 2/2023, tỷ phú người Indonesia Low Tuck Kwong đã trao 101 triệu đô la Singapore (73 triệu USD) cho trường Lee Kuan Yew School of Public Policy thuộc Đại học Quốc Gia Singapore thông qua quỹ của ông. Khoản quyên góp này sẽ được sử dụng để tài trợ các chương trình lãnh đạo trong hoạch định chính sách cùng dịch vụ công nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Singapore và các nước láng giềng. Được biết, quỹ Low Tuck Kwong thành lập vào năm ngoái, tập trung ở các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y tế cũng như phúc lợi cộng đồng và xã hội. Bên cạnh niềm đam mê giáo dục, tỷ phú Low Tuck còn rất quan tâm đến các động vật. Hiện nay, ông đang điều hành một công viên, nơi các động vật hoang dã bị di dời do hoạt động khai thác than.
Nổi danh trong việc đánh bại 19 đối thủ tầm cỡ quốc tế để giành quyền kiểm soát khách sạn Seoul Hilton của Tập đoàn Daewoo, Kwek Leng Beng là một trong số ít doanh nhân thành công trên “sân khách” lẫn “sân nhà”. Thế nhưng, từ trước đến nay, ông Kwek sống rất kín tiếng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 11, ông đã khiến công chúng không khỏi bất ngờ khi ra mắt cuốn tiểu sử đầu tay của mình mang tên “Strictly Business: The Kwek Leng Beng Story”. Cũng nhân dịp này, ông đã công bố món quà trị giá 24 triệu đô la Singapore (17.8 triệu USD) do ông và công ty City Developments cùng thực hiện cho Viện Công nghệ Singapore (SIT). Số tiền trên sẽ giúp đài thọ việc xây dựng tòa nhà hành chính của trường đại học.
Tỷ phú Ramon Ang nằm trong số những nhà hảo tâm hàng đầu Philippines. Vào tháng 9 năm nay, ông đã cam kết tài trợ 500 triệu peso (9 triệu USD) để xây trường học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Manila. Vị tỷ phú chia sẻ: “Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng việc trao quyền cho người dân Philippines bằng con đường giáo dục chính là chìa khóa để thúc đẩy tiềm lực phát triển đất nước”. Kể từ năm 2020, ông đã đóng góp hơn 150 triệu peso cho các khoản trợ cấp học bổng và hỗ trợ y tế thông qua Quỹ RSA của mình. Riêng Quỹ San Miguel của SMC (San Miguel Corp) chi hơn 1 tỷ peso nhằm xây dựng 5 trường học ở khu vực Metro Manila, đồng thời quyên góp 14.8 tỷ peso để hỗ trợ các biện pháp cứu trợ trong đại dịch COVID-19.
Được mệnh danh là “Mr.Money” của xứ Cảng Thơm. Nhờ vào sự nhạy bén trong kinh doanh, Lý Gia Thành sớm đạt được những thành tựu đáng nể trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, cơ sở hạ tầng xã hội, xuất khẩu và viễn thông. Hơn hết, ông cũng là nhà đầu tư giai đoạn đầu ở các công ty công nghệ như Facebook (Meta), Spotify và Zoom. Tháng 9/2023, tỷ phú Lý Gia Thành đã quyên góp tổng cộng 60 triệu đô la Hồng Kông (7.7 triệu USD) cho hai trường đại học thông qua quỹ Lý Gia Thành. Đó là Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) và Đại học Hồng Kông (HKU) để hỗ trợ sử dụng AI trong giáo dục y tế. Mỗi trường sẽ nhận 30 triệu đô la Hồng Kông và số tiền này sẽ sử dụng quỹ để đào tạo sinh viên về các công nghệ liên quan đến AI, phát triển công cụ giảng dạy và mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hình ảnh y tế, phẫu thuật robot cùng nhiều lĩnh vực khác.
Để đánh dấu 50 năm gắn bó với viện công nghệ Bombay, tỷ phú Ấn Độ Nandan Nilekani đã quyên góp 3.2 tỷ rupee (38 triệu USD) cho nơi đây. Khoản quyên góp này được xem là phương tiện thúc đẩy cơ sở hạ tầng, phát triển nghiên cứu trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đồng thời nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ chuyên sâu tại IIT Bombay. Hơn hết, số tiền trên được phân bổ xuyên suốt 5 năm và đóng vai trò như nguồn vốn cộng đồng giúp viện thu hút nhiều khoản quyên góp hơn. Đáng chú ý, trong những năm qua, ông đã quyên góp thêm 1.6 tỷ rupee cho mục đích giáo dục, trong đó có 996 triệu rupee sẽ được chuyển đến EkStep Foundation, một sáng kiến giáo dục có trụ sở tại Bangalore do ông chủ trì và 664 triệu rupee khác cũng được trao cho AI4Bharat, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại IIT Madras đang phát triển các tài nguyên nguồn mở các ngành ngôn ngữ tại Ấn Độ.
Hơn một thập kỷ qua, ông trùm truyền thông Eddy Kusnadi Saria Atmadja tập trung hoạt động từ thiện vào việc điều trị chứng suy giảm thị lực ở Indonesia, quốc gia có tỷ lệ mù lòa cao nhất thế giới. Đặc biệt trong năm nay, ông cam kết đầu tư 62 tỷ rupiah (4 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất thấu kính nhân tạo để phục hồi thị lực cho bệnh nhân đục thủy tinh thể. Cơ sở này sẽ sản xuất 5.000 cặp thấu kính hàng năm để tặng các bệnh nhân đang được điều trị thông qua chương trình của Quỹ Karya Alpha Omega.
Vị tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ, Nikhil Kamath đã tham gia cam kết Giving Pledge hồi tháng 6, chính thức trở thành người thứ tư của đất nước thực hiện cam kết này. Trong lá thư Giving Pledge, người đồng sáng lập 37 tuổi của công ty môi giới giảm giá trực tuyến Zerodha viết rằng anh nhận thấy bất bình đẳng là hệ lụy của một hệ thống tư tưởng. Vì thế, việc xóa bỏ bất bình đẳng tạo ra một xã hội công bằng luôn trở thành mục tiêu quan trọng. Chưa dừng ở đó, anh cũng tiết lộ bản thân luôn tích cực tham gia hoạt động từ thiện tại quê nhà thông qua loạt podcast mang tên “WTF is” trên YouTube cá nhân. Nhờ chương trình này mà anh có thể huy động quyên góp lên đến 120.000 USD đến từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài ra, anh còn đặt mục tiêu tăng số tiền đóng góp này lên 40 triệu rupee, đồng thời phấn đấu tạo ra một xã hội công bằng hơn.
Năm 2021, Phó chủ tịch điều hành New World Development Adrian Cheng đã thành lập Quỹ phi lợi nhuận đầu tiên tại Hồng Kông mang tên WEMP Foundation. WEMP (Wellbeing – EQ – Mental Health – Parenting) được viết tắt từ hạnh phúc, trí tuệ cảm xúc, sức khỏe tâm thần và nuôi dạy con cái. Tổ chức này chuyên cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, quỹ tài trợ cho các cuộc hội thảo với mong muốn giúp trẻ thể hiện cảm xúc tốt hơn. Chia sẻ về lý do thành lập WEMP, Cheng tiết lộ: “Trẻ em hôm nay là những nhà lãnh đạo tài năng của đất nước mai sau. Vì vậy, khi chúng ta tạo ra một nền văn hóa và xã hội luôn coi trọng giá trị sức khỏe tinh thần, thì ắt hẳn đây sẽ trở thành một nơi mà tất cả mọi người có thể học tập, làm việc, hình thành các mối quan hệ tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Từ đây, chúng ta có thể xây dựng một nền tảng cộng đồng vững mạnh”. Tính đến thời điểm hiện tại, tổ chức đã giúp đỡ hơn 16.000 trẻ em.