Thời tiết ẩm ướt khiến quần áo lâu khô hơn và xuất hiện mùi hôi khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, các gia đình có thể tham khảo một số mẹo vặt giúp quần áo mau khô hơn trong những ngày mưa gió.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ ngày 24/2, Thủ đô Hà Nội đón đợt không khí lạnh gây ra hiện tượng mưa phùn, mưa rào rải rác.
Trong những ngày thời tiết mưa gió và độ ẩm cao, hiện tượng quần áo bị ẩm ướt, phát sinh mùi hôi khó chịu… là tình trạng mà nhiều gia đình đã và đang gặp phải. Không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt, vải vóc lâu khổ, ẩm ướt… còn tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho cả gia đình.
Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lạnh-máy sấy, anh Nguyễn Thanh Lâm, chuyên viên kỹ thuật tại siêu thị MediaMart 41 Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ một vài mẹo vặt nhằm giúp các gia đình khắc phục tình trạng quần áo khó phơi khô trong những ngày mưa phùn ẩm ướt.
Với quỹ thời gian hạn hẹp do công việc bận rộn, hiện nay nhiều gia đình đang giữ thói quen giặt và phơi quần áo qua đêm. Tuy nhiên, đây là một sai lầm bởi độ ẩm vào ban đêm thường cao hơn ban ngày, vì vậy quần áo sẽ khó khô hơn và thậm chí còn xuất hiện những mùi khó chịu – kể cả trong trường hợp quần áo được phơi tại những nơi có mái che.
Ngược lại, ban ngày là thời điểm có nhiều nắng và gió, tốc độ khô của quần áo sẽ nhanh hơn. Vì vậy, các gia đình nên sắp xếp quỹ thời gian để giặt và phơi quần áo vào ban ngày.
Vào những ngày mưa gió, nhiều gia đình có đợi nắng lên rồi giặt một lần. Tuy nhiên, lượng quần áo quá nhiều sẽ giảm hiệu năng sử dụng của máy giặt, khiến quần áo khó giặt hơn và thậm chí xuất hiện trường hợp máy giặt không thể hoạt động.
Anh Lâm cho biết, người sử dụng chỉ nên cho lượng quần áo bằng 80% khối lượng giặt tối đa để máy giặt hoạt động hiệu quả và sử dụng bền lâu. Đặc biệt, khi giặt quần áo vào mùa mưa, các gia đình nên chia lượng quần áo thành từng mẻ nhỏ, giúp việc giặt sạch và vắt khô quần áo trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chế độ giặt nước nóng của các máy giặt hiện đại sẽ giúp quần áo vừa được khử sạch vi khuẩn, vừa khô nhanh hơn – bởi ngâm trong nước nóng sẽ giúp quần áo thoát hơi ẩm nhanh hơn. Nếu không sử dụng loại máy giặt có tính năng này, các gia đình có thể tự ngâm quần áo vào nước nóng sau khi giặt rồi vắt trước khi phơi, hơi nóng sẽ bốc hơi nhanh khiến đồ mau khô hơn. Nhiệt độ thích hợp của nước nóng để ngâm quần áo rơi vào khoảng 60 độ.
Thực tế, bên cạnh công dụng sấy tóc thì máy sấy cũng có thể giúp các gia đình làm khô quần áo vô cùng nhanh chóng. Đặc biệt, với mức nhiệt được điều chỉnh phù hợp, máy sấy có thể làm khô nhiều loại chất liệu vải khác nhau. Đây cũng là một phương pháp “hạt dẻ” với các gia đình chưa có điều kiện kinh tế.
Để quần áo mau khô và không lưu lại mùi khó chịu, các gia đình có thể tham khảo cho quần áo ướt vào túi nilon đã cắt sẵn một góc, đưa máy sấy tóc vào rồi bịt kín túi ni lông lại và khởi động máy, xoay đầu máy qua lại để hơi nóng tỏa đều. Sau khoảng một phút là có thể lấy quần áo ra. Nếu chưa khô, người dùng có thể tiếp tục sấy thêm khoảng một phút nữa, tuy nhiên không nên sấy liên tục trong thời gian quá lâu, sẽ làm máy nóng quá tải gây hư hại thiết bị.
Sau khi phơi quần áo trong những ngày mưa phùn kéo dài, các gia đình không nên “vội vã” cất giữ quần áo còn hơi ẩm vào tủ. Điều này chỉ khiến quần áo nhanh bị mốc, hư hỏng và còn khiến hơi ẩm còn dễ lan ra cả tủ.
Để quần áo luôn bền đẹp và loại bỏ được các loại vi khuẩn, nấm mốc… hãy bảo đảm quần áo được phơi khô hoàn toàn trước khi cất giữ. Với các loại chăn, ga, gối, đệm, trang phục dày, người dùng nên phơi dưới nắng gắt và cho vào các túi hút chân không để tránh ẩm mốc và hạn chế các loại vi khuẩn, nấm mốc… phát triển. Các gia đình cũng có thể đặt một số viên nén, hạt hút ẩm… vào tủ quần áo để giữ cho môi trường trong tủ luôn khô ráo.