Tuổi 20 của bạn trải qua như thế nào? Đối với cựu nhà báo – nhà văn Tô Minh Nguyệt, bà gọi đó là quãng đời đẹp đẽ nhất trong cuốn truyện ký “Thư viết từ Hà Nội -Bom đã rơi trên hè phố thủ đô” – được bà ra mắt nhân dịp 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Xuất thân từ ngành cơ khí, cô gái Tô Minh Nguyệt năm đó lại sở hữu tình yêu mãnh liệt với văn chương. Kể về những năm tháng bắt đầu biết “mơ mộng” với nghề báo, ánh mắt bà không khỏi hoài niệm: “Tôi lớn lên trong văn chương và nghệ thuật. Cảm hứng chính của một người cán bộ nghệ thuật và làm báo như tôi chủ yếu đến từ gia đình và hậu phương. Trong đó, làng Láng nơi mà tôi luôn nhớ về đã chứng kiến trọn vẹn những đau khổ, vất vả lẫn tình yêu và sự thành đạt của tôi.”
Cựu nhà báo, nhà văn
Nguyên Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam
Sách đã phát hành: “Người mẹ Hà Nội” (1981), “Tình yêu và cuộc sống” (1983),
“Một thời không xa vắng” (1993), “Người yêu của lính” (1997),…
Đi qua hai thế kỷ, chứng kiến hết mọi thay đổi của thời cuộc, để rồi ngồi lại cùng chúng tôi trong ngày hôm nay không đơn thuần là một nữ nhà báo của thời hoa lửa, mà còn là nhân chứng lịch sử của chiến thắng hào hùng năm ấy. Liên tục nhắc đi nhắc lại hai chữ “làng Láng” và “hoà bình” trong xuyên suốt cuộc trò chuyện, tất cả những ký ức sống động như chỉ mới diễn ra hôm qua với người phụ nữ đã U80 này.
Xin chào cựu nhà báo, nhà văn Tô Minh Nguyệt. Rất vinh hạnh được gặp và trò chuyện cùng bà trong những ngày cuối năm đặc biệt này. Được biết bà vừa phát hành cuốn truyện ký “Thư gửi từ Hà Nội – Bom đã rơi trên hè phố thủ đô”, bà có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng ra đời quyển sách này đến độc giả của Đẹp được không ạ?
Nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tôi rất biết ơn khi được đồng hành cùng NXB Phụ nữ ra mắt cuốn truyện ký đặc biệt này. “Thư gửi từ Hà Nội” là tập hợp những mẩu truyện cũ và mới, chủ yếu nói về Hà Nội thời đạn bom, được chính thức ra mắt vào ngày 12/12/2022. Như dòng tựa bạn thấy đấy, đây là cuốn sách tôi dành tặng làng Láng – nơi chứng kiến tất cả tuổi trẻ, kỷ niệm và tình yêu cùng em trai Tô Hùng thương quý của tôi, người đã xông pha ra chiến trận và nằm lại mãi chân núi Ngự Bình (Huế). Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được là người bà, người mẹ kể chuyện cho các con, các cháu và mong chúng sẽ luôn khắc ghi một thời oanh liệt của đất nước ta. Có quá khứ mới có hiện tại, tôi rất sợ các con hoặc những bạn trẻ sẽ quên lãng lý do tại sao thành phố bom đạn lại có thể trở thành thành phố hoà bình như hôm nay.
Bên cạnh những dòng hồi ký mang đậm vẻ đẹp hào hùng thời ấy, chúng tôi còn nhận thấy những lá thư thấm đẫm cảm xúc bà viết cho em trai Tô Hùng đã ngã xuống nơi chiến địa. Chắc hẳn người em trai này có một vị trí đặc biệt đối với bà?
Tôi và Tô Hùng thân thiết lắm, chị em lúc nào cũng kề cận nhau. Tôi còn nhớ lúc mình tiễn em đi bộ đội, tôi chỉ mới 18,19 tuổi. Ra đi không tin tức, thời gian dài đằng đẵng, có những bức thư cả năm không thấy hồi âm, nhưng trong căn hầm bom rung ở Huế, em vui mừng viết thư báo tin rằng được “gặp” tôi qua những bài báo tôi viết được đọc trên đài phát thanh.
Tôi nhớ lúc em hy sinh, tôi đã vất vả tìm mộ em thế nào, tôi nhặt từng mảnh xương của em, cứ thế qua nhiều lần đổi mộ và giờ thì em đã an nghỉ ở chân núi Ngự Bình – nơi em là Đội trưởng Đội biệt động Huế trong tiểu đoàn Thăng Long. Sự hy sinh của em và những liệt sĩ khác để giành lại hoà bình cho Tổ quốc có thể nói là điều tất yếu phải xảy ra, khi người trong cuộc ai cũng phải trả giá bởi hai bên chiến địa. Thời ấy oanh liệt, nhưng cũng đẹp đẽ và lý tưởng làm sao!
Một cây bút nữ nuôi dưỡng đam mê viết lách thời bom đạn ấy chắc chắn không dễ dàng. Cô phóng viên Minh Nguyệt tuổi đôi mươi có khác nhiều so với cựu nhà báo kiêm nhà văn Minh Nguyệt bây giờ không, thưa bà?
Dĩ nhiên Minh Nguyệt thời ấy sẽ khác với Minh Nguyệt bây giờ, nhưng có một thứ tôi nghĩ người trẻ bây giờ khó có được như tôi đó là những cảm xúc trong thời vàng son ấy. Tuy nhiên, đối với những bạn trẻ yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu lịch sử thì cũng rất đáng được hoan nghênh và khen ngợi. Tôi rất ham mê viết báo, viết truyện và văn học. Dù ở thời đại nào, tôi vẫn luôn gắn bó mật thiết với đề tài về trẻ em và đồng bào, đặc biệt gắn bó sâu sắc với hội phụ nữ. Cũng chia sẻ thêm là khi hoàn thành cuốn sách “Thư gửi từ Hà Nội “sau quãng thời gian hai năm Covid, việc được viết trở lại càng trở nên quý giá hơn đối với tôi.
Nghề báo vốn vất vả và phải đối mặt nhiều với gian nan. Theo bà, một nữ nhà báo muốn theo đuổi sự nghiệp cầm bút cần sở hữu những tố chất đặc biệt nào?
Đó là người phải rất yêu và sống chết với nghề. Làm báo phải chịu khó học hỏi, chịu đi, bởi đời sống thì thực tế và điều vĩnh cửu vốn là cái tự nhiên. Nếu không dấn thân, những ngôn từ của người làm báo dù đẹp đẽ đến mấy cũng trở nên sáo rỗng. Trong quá trình làm báo, lúc nào tôi cũng thấy mình lạc hậu, điều đó buộc tôi phải học hỏi hỏi và cập nhật liên tục. Chúng ta có thể học hỏi bằng rất nhiều cách, nếu không được đào tạo qua trường lớp, thì có thể tự học, tìm tòi và xác định rõ đâu là chuyên môn để cố gắng cải thiện những kỹ năng.
Độc giả của Đẹp hẳn rất tò mò muốn biết một ngày bình thường của cựu nhà báo U80 vẫn còn đam mê viết lách như bà sẽ diễn ra như nào?
Lớn tuổi rồi nên tôi thường dậy rất sớm. Bây giờ đã lên chức bà, tôi và ông nhà không thuê giúp việc mà thường cùng nhau tự chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa và chơi cùng các cháu. Thời gian còn lại rất quý giá, tôi luôn tập trung viết nhiều nhất có thể. Tôi ấp ủ ra mắt cuốn sách tiếp theo về thể loại hồi ký, nơi tôi sẽ kể chuyện về cả thủ đô Hà Nội và Sài Gòn. Bên cạnh đó, tôi cũng tập trung rèn luyện sức khỏe bằng cách đi bơi mỗi ngày hoặc đi bộ buổi sáng. Tôi luôn tự nhủ, cứ sống tốt và hướng thiện, cuộc đời sẽ tự khắc mang đến những điều tốt đẹp nhất.
Cám ơn những chia sẻ thú vị của bà.